Mở bài "Gương báu khuyên răn" bài 43 gián tiếp "Đầu xuôi, đuôi lọt" – phần mở bài của một bài văn nghị luận văn học chỉ khoảng 5 – 7 dòng nhưng nếu không "xuôi" thì sẽ tiêu tốn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng cả bài; không "xuôi" còn khó có thể tạo ấn tượng đối với người đọc, khó khiến người đọc "yêu" ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vậy làm thế nào để viết được một mở bài vừa ấn tượng, vừa nhanh gọn không mất nhiều thời gian? Ngoài cách mở bài trực tiếp: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, giới thiệu đoạn trích và nêu vấn đề, các bạn nên làm quen với cách mở bài gián tiếp. Một trong những cách mở bài gián tiếp dễ nhớ "công thức" nhất là đưa ra một câu danh ngôn, hoặc một vài câu thơ, nhận định văn học.. sau đó mới giới thiệu đến tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề nghị luận. Có thể khái quát thành công thức: Dẫn thơ (nhận định, danh ngôn, ca dao) -> tác giả -> tác phẩm -> đoạn trích -> vấn đề nghị luận. Tùy từng trường hợp có thể đảo trật tự nhưng nhìn chung là phải đầy đủ các bước giới thiệu trên. Sau đây là phần mở bài gián tiếp cho bài phân tích bài thơ "Gương báu khuyên răn" số 43 - Nguyễn Trãi: Mở bài số 1: Cùng viết về cảnh mùa hè, nhưng nếu các tác giả thời Hồng Đức đem đến cho người đọc một bức tranh có phần thô tháp: Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè. (Lại vịnh nắng mùa hè, bài 3) Thì Nguyễn Trãi không thế. Ông biết hòa màu sắc, âm thanh, đường nét theo quy luật của cái đẹp trong hội họa, âm nhạc để tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa có hình, vừa có hồn, vừa gợi tả, vừa sâu lắng trong "Gương báu khuyên răn" bài 43. Bài thơ là tấm gương báu răn mình nhưng qua đó lại thấy đậm nét cuộc sống, tâm sự cũng như vẻ đẹp tâm hồn và lí tưởng của thi sĩ lớn Ức Trai. Mở bài số 2: Ức Trai là nhà thơ của thiên nhiên, người bộc bạch: "Non nước cùng ta đã có duyên" (Tự thán, bài 4). Ông đến với thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh: Lúc buồn, lúc vui, khi bận rộn, khi thanh nhàn.. Trong hoàn cảnh nào, tâm hồn nhà thơ cũng rộng mở đón nhận thiên nhiên: "Túi thơ chứa hết mọi giang san" (Tự thán, bài 2). Nguyễn Trãi tìm đến với thiên nhiên, với cuộc sống đời thường và bắt gặp niềm vui của mình nơi đó.. Nhưng dù đắm say trong cảnh, vui với cảnh, với người, ông vẫn nặng nỗi niềm ưu quốc, ái dân. Người đọc có thể nhận thấy điều đó qua bài thơ "Gương báu khuyên răn" số 43. Mở bài số 3: Vào phút giây bất chợt nào đấy trong cuộc đời có quá nhiều biến động của mình, Nguyễn Trãi bắt gặp một cảnh sắc thiên nhiên. Thiên nhiên ấy không phải là thắng cảnh đối với tao nhân, cũng không phải là "ba luống cúc" – người bạn cố cựu của Đào Tiềm. Đó chỉ là những hình ảnh, âm thanh rất quen thuộc: Cây hòe, cây lựu, cây sen, làng chài, tiếng ve, tiếng chợ.. Bình dị, đơn giản vậy thôi mà chất chứa biết bao suy ngẫm. Hãy đặt mình vào phút giây bất chợt ấy của Ức Trai để đắm mình trong khung cảnh mùa hè căng tràn nhựa sống, để rung cảm với thơ của ông và để kính yêu hơn một tâm hồn đẹp luôn đau đáu nỗi niềm ưu quốc, ái dân. Mở bài số 4: Ức Trai là nhà thơ của thiên nhiên, người bộc bạch: "Non nước cùng ta đã có duyên" (Tự thán, bài 4). Bởi vậy, tình yêu thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi rất mực đậm đà. Những cảnh sắc núi sông hùng vĩ, thơ mộng, hữu tình của đất nước đã trở thành nguồn thi hứng dạt dào và thành một phần thế giới nghệ thuật thơ Ức Trai. Cánh buồm thơ Ức Trai đã lướt qua bao thắng tích để từ con mắt trìu mến tự hào, bao cảnh sắc thiên nhiên hiện raloongj lẫy, mới lạ. Ben cạnh những bức tranh hùng vĩ, uy nghi, thơ Nguyễn Trãi cũng không thiếu những hình ảnh quen thuộc của vườn ao, ngõ xóm, của bè rau muống, lảnh mồng tơi.. hiền hòa, bình dị mà đầy sức sống. Đọc bài thơ "Gương báu khuyên răn" số 43, người đọc sẽ bắt gặp một bức tranh như thế. Mở bài số 5: Luôn mở lòng đón nhận cảnh thiên nhiên, Ức Trai nhận thấy cuộc sống nơi điền viên thôn dã của mình thật giàu có: "Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc Thuyền chở yên hà nặng vạy then" (Thuật hứng, bài 24) Và cũng với cái tình dành cho thiên nhiên, cảnh vật qua con mắt Ức Trai hiện lên như có hồn, có cuộc sống, hoạt động. Dù chỉ là bè rau muống, lảnh mồng tơi, cây đa, cây chuối, chợ cá làng chài.. vẫn sinh động, đầy sức sống. Đọc bài thơ "Gương báu khuyên răn" số 43, người đọc sẽ bắt gặp một bức tranh cảnh ngày hè xanh tươi, rộn rã; hòa trong đó là tâm hồn thi nhân yêu thiên nhiên, nặng lòng với dân, với nước. Mở bài số 6: Với một cảm quan tinh tế đối với thiên nhiên, Nguyễn Trãi không cảm nhận mùa hè qua cái oi bức, ngột ngạt như thơ Hồng Đức: "Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi - Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè." (Lại vịnh nắng mùa hè, bài 3) mà đã lắng tâm hồn mình lại để nghe thấy hơi thở của sự vật, hiểu được tình cảm của cỏ cây, cảm được cái nhựa sống đang rần rần sôi trào trong từng lớp vỏ.. và tạo nên bức tranh mùa hè sinh động, tràn đầy sức sống trong bài thơ "Gương báu khuyên răn" số 43. Bài thơ là bức tranh cảnh ngày hè, cũng là bức tự họa vẻ đẹp tâm hồn thi nhân: Yêu thiên nhiên, yêu nhân dân, dất nước.