Mở bài gián tiếp: Đất nước – Nguyễn Đình Thi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 4 Tháng bảy 2022.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199

    "Đầu xuôi, đuôi lọt" – phần mở bài của một bài văn nghị luận văn học chỉ khoảng 5 – 7 dòng nhưng nếu không "xuôi" thì sẽ tiêu tốn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng cả bài; không "xuôi" còn khó có thể tạo ấn tượng đối với người đọc, khó khiến người đọc "yêu" ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vậy làm thế nào để viết được một mở bài vừa ấn tượng, vừa nhanh gọn không mất nhiều thời gian?

    Ngoài cách mở bài trực tiếp: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, giới thiệu đoạn trích và nêu vấn đề, các bạn nên làm quen với cách mở bài gián tiếp. Một trong những cách mở bài gián tiếp dễ nhớ "công thức" nhất là đưa ra một câu danh ngôn, hoặc một vài câu thơ, nhận định văn học.. sau đó mới giới thiệu đến tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề nghị luận.

    Có thể khái quát thành công thức:

    Dẫn thơ (nhận định, danh ngôn, ca dao) -> tác giả -> tác phẩm -> đoạn trích -> vấn đề nghị luận.

    Tùy từng trường hợp có thể đảo trật tự nhưng nhìn chung là phải đầy đủ các bước giới thiệu trên.

    Sau đây là phần mở bài gián tiếp cho bài phân tích một số khổ thơ trong bài thơ "Đất nước" - Nguyễn Đình Thi:

    [​IMG]

    Phân tích ba khổ đầu:

    Sáng mát trong như sáng năm xưa

    [..]

    Những dòng sông đỏ nặng phù sa.

    Mở bài số 1:

    Ta yêu Việt Nam đẹp, Việt Nam thơ

    Bát ngát câu Kiều, bờ tre, mái rạ

    Mái đình cong cong như bàn tay em gái giữa đêm chèo..

    Có thể nói, tình yêu quê hương, đất nước luôn là suối nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn của thi ca. Đó cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo của thơ ca kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Trong mạch cảm hứng dạt dào ấy, bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi nổi lên như một tiếng thơ sâu lắng, thiết tha, in dấu ấn khó phai trong lòng độc giả nhiều thế hệ. Đoạn thơ:

    Sáng mát trong như sáng năm xưa

    [..]

    Những dòng sông đỏ nặng phù sa

    Là những cảm nhận về mùa thu của thiên nhiên, đất trời những ngày "đã xa" và mùa thu cách mạng của hiện tại với niềm xúc động đầy tự hào được làm chủ đất nước.

    Mở bài số 2:

    Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt

    Như mẹ cha ta, như vợ như chồng

    Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết

    Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông

    (Sao tháng 8 - Chế Lan Viên)

    Nhìn lại lịch sử thi ca Việt Nam, có thể thấy, thời kỳ nào cũng thấm đẫm những áng thơ yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành "mạch chủ lưu quán thông kim cổ" của văn học nước nhà. Trong bản hòa ca hùng tráng ấy, "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi có thể xem là thi phẩm đặc sắc của thơ ca kháng chiến thời chống Pháp, dựng lên một tượng đài Tổ quốc đau thương mà anh dũng. Ba khổ đầu của bài thơ: "Sáng mát trong như sáng năm xưa [..] Những dòng sông đỏ nặng phù sa" là những hồi tưởng xao xuyến ban đầu khi nhớ về quá khứ xưa để từ đó cất lên tiếng nói tự hào, trong trẻo với một mùa thu mới khi đất nước đã đổi thay..

    Phân tích khổ 3:

    Mùa thu nay khác rồi

    [..]

    Những buổi ngày xưa vọng nói về.


    Mở bài số 3:

    Đất nước là đề tài mà Nguyễn Đình Thi theo đuổi suốt đời cầm bút. Một đất nước, một cuộc đời đã song hành với nhau. Ngợi ca Tổ quốc là cảm hứng bất tận trong sáng tác của ông. Trước cách mạng, ông đề cao tinh thần đấu tranh của dân tộc một cách kín đáo qua bài nghiên cứu ca dao tục ngữ. Sau đó, ông say sưa hát lên Diệt phát xít với lòng căm giận ngút ngàn và nhiệt tình xông pha cứu nước. Trong những ngày kháng chiến gian khổ chống Pháp, lăn lộn cùng bộ đội, dân quân.. tình cảm với đất nước của ông càng sâu đậm, mãnh liệt. Bài thơ "Đất nước" là những cảm nhận của nhà thơ về đất nước trong suốt 9 năm trường kì kháng chiến. Khổ thơ thứ ba: "Mùa thu nay khác rồi.. Những buổi ngày xưa vọng nói về" có thể nói là những dòng thơ vui nhất, sáng nhất được viết lên từ niềm tự hào phơi phới của nhà thơ khi đất nước đổi thay: Tự do, độc lập.

    Mở bài số 4:

    Như thứ hạt luân mùa được gieo trồng trên mảnh đất văn chương, đề tài mùa thu là đề tài quen thuộc trong thơ ca truyền thống. Tiếp nối mạch chảy ấy, thơ thu của Nguyễn Đình Thi thể hiện những nét độc đáo, mới mẻ. Trong "Đất nước", mùa thu qua cảm nhận của Nguyễn Đình Thi không hiu hắt tĩnh mịch như trong thơ cổ điển, cũng không não nùng tê tái như trong thơ lãng mạn mà tươi sáng, khoáng đạt, gắn liền với sự đổi thay của đất nước những ngày đầu sau chiến thắng Điện Biên Phủ:

    "Mùa thu nay khác rồi

    [..]

    Những buổi ngày xưa vọng nói về"

    (Trích "Đất nước" – Nguyễn Đình Thi)


    Phân tích khổ 5 – khổ 9:

    Ôi những cánh đồng quê chảy máu

    [..]

    Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

    Mở bài số 5:

    Nếu "thơ là sự nén chặt những năng lượng tinh thần" thì thơ Nguyễn Đình Thi chính là sự hàm súc ấy. Trong bài thơ "Đất nước" (1955), tình cảm yêu thương Tổ quốc và căm giận quân thù là những tình cảm chủ đạo và được đẩy tới cao trào như đem vàng vào thử lửa. Yêu thương thì thấm thía, thiết tha còn căm thù thì trở nên giận dữ ngút ngàn. Đoạn thơ: "Ôi những cánh đồng quê chảy máu [..] Lòng ta bát ngát ánh bình minh" là đoạn thơ dài nhất thể hiện những cung bậc trữ tình khi sâu lắng, khi cuộn trào: Có xót xa mất mát, có đau thương khi chứng kiến đất nước chìm trong vòng nô lệ nhưng cũng có căm giận sục sôi kẻ thù xâm lược và có cả niềm tin như ngọn lửa vào sức mạnh quật cường của đất nước.

    Mở bài số 6:

    "Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi" . (Puskin). Hình ảnh đất nước đau thương và bất khuất trong chiến tranh đã trở thành hiện thực phong phú để các nhà thơ dùng ngòi bút của mình viết nên những tiếng vang vọng của đời. Với riêng Nguyễn Đình Thi, trong những ngày kháng chiến gian khổ chống Pháp, cùng đi với bộ đội, cùng sống với nhân dân.. những trải nghiệm của hiện thực chiến tranh đã thôi thúc ông viết bài thơ "Đất nước". Đất scs đau thương, căm hờn, đất nước quật cường, anh dũng.. là những cảm nhận của nhà thơ về đất nước được thể hiện trong các khổ thơ:

    "Ôi những cánh đồng quê chảy máu

    [..]

    Lòng ta bát ngát ánh bình minh"

    Phân tích ba khổ cuối:

    Khói nhà máy cuộn trong sương núi

    [..]

    Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

    Mở bài số 7:

    "Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới" (Mác-xen Pruxt). Đề tài đất nước là một thứ hạt quen thuộc gieo trồng trên mảnh đất văn chương, nếu cảm xúc không đủ mạnh, đủ sâu chắc chắn tác phẩm sẽ rơi vào công thức. Nhưng với cá tính thơ mạnh mẽ, Nguyễn Đình Thi đã tìm được cách thể hiện riêng, làm cho đất nước hiện lên vừa gần gũi, vừa mang gương mặt mới, lấp lánh sắc màu. Bài thơ "Đất nước" của ông được viết lên từ những khám phá của "đôi mắt mới" về một vùng đất đã cũ. Cả bài thơ là những cảm nhận về đất nước đau thương, anh dũng và kết lại bằng những vần thơ sang sảng tự hào về sức vươn lên kì diệu của cả dân tộc:

    Khói nhà máy cuộn trong sương núi

    [..]

    Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
     
    Last edited by a moderator: 14 Tháng tư 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...