Mở bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên gián tiếp

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 14 Tháng tư 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Mở bài gián tiếp "Tản Viên từ, phán sự lục" - Nguyễn Dữ
    Phần mở bài trong một bài văn nghị luận có vai trò vô cùng quan trọng. Mở bài không đơn giản chỉ là nêu vấn đề nghị luận. Muốn đạt điểm cao, tạo ấn tượng cho người đọc, mở bài ngoài đảm bảo yêu cầu chung, còn cần phải hay, sáng tạo.

    Phần mở bài thường có 3 nội dung chính:

    + Dẫn dắt vấn đề: Nêu một vài vấn đề liên quan đến vấn đề cần bàn, chuẩn bị tư tưởng dẫn người đọc, người nghe vào vấn đề bàn luận đặt ra ở đề bài. Dẫn dắt vấn đề cần sáng tạo, gây sự chú ý.

    + Nêu vấn đề: Nêu vấn đề một cách ngắn gọn, nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài. Vấn đề mà mở bài nêu ra chính là vấn đề mà nội dung bài viết cần làm sáng tỏ. Nêu vấn đề cần cách ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ.

    + Nêu giới hạn vấn đề: nêu được phạm vi bàn luận trong khuôn khổ nào (1 tác phẩm, 1 đoạn trích văn xuôi, 1 khổ thơ...)

    Phần nêu vấn đề và giới hạn vấn đề thường giống nhau. Mở bài hay hoặc không hay khác nhau chủ yếu ở phần dẫn dắt vấn đề. Có nhiều cách để dẫn dắt vấn đề: đi từ tác giả tác phẩm, từ hoàn cảnh sáng tác, từ đề tài, từ nhận định văn học, từ một vấn đề lí luận, từ một sự so sánh, một sự khác biệt...

    Mở bài có hai dạng: trực tiếp và gián tiếp:

    - Mở bài trực tiếp: đề cập trực diện vấn đề, dẫn dắt đơn giản (Giới thiệu tác giả, tác phẩm, thời gian, không gian, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm).

    - Mở bài gián tiếp: Mở bằng câu chuyện, mở bằng cách nêu câu hỏi, đi từ nhận định văn học, từ một vấn đề lí luận, từ một sự so sánh, một sự khác biệt...

    Sau đây là một số mở bài gián tiếp cho bài văn phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong truyện "Tản Viên từ Phán sự lục" – Nguyễn Dữ.

    [​IMG]
    Mở bài 1:

    Dân gian có câu "cứng quá thì gãy" để đề cao lối ứng xử "dĩ hòa vi quý". Nhưng trong một số tình huống, không thể đổi "cứng" ra "mềm" – không thể thỏa hiệp với cái xấu, cái ác. Nếu ai cũng thỏa hiệp với những chuyện bất bình trong xã hội, thử hỏi xã hội sẽ ra sao, cuộc sống con người sẽ hỗn loạn đến thế nào? Hiểu được đạo lí đó, Nguyễn Dữ đã khắc họa trong "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn là một chàng nho sinh áo vải, vì cứng cỏi mà dám đốt cháy đền tà, chống lại yêu ma, "làm một việc hơn cả thần và người". Bởi thế được mọi người nể phục, biết ơn và được giữ chức phán sự đền Tản Viên.


    Mở bài 2:

    Dân gian thường nói, biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Ấy vậy mà có anh học trò áo vải thư sinh, một miếng võ thủ thân không tường, lại dám đấu với cả một thế giới ma quỷ. Đối đầu với người trần mắt thịt, còn chưa chắc thắng, còn dám công chiến với quỷ thần, việc ấy chẳng phải mạo hiểm và ngu ngốc lắm sao? Kẻ "ngốc" ấy chính là Ngô Tử Văn trong "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên"(Nguyễn Dữ). Điều kì diệu là trước búa rìu của pháp luật bất công, giữa trùng trùng uy hiếp và đe dọa,Tử Văn vẫn chiến thắng – chiến thắng của chính nghĩa, của tinh thần dũng cảm. Trong cõi tối tăm, Tử Văn vẫn tỏa sáng phẩm chất của kẻ sĩ: chân chính, cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà.

    Mở bài 3:

    "Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả,

    Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng."

    (Thấy việc nghĩa mà không làm, không phải người có dũng khí,

    Thấy chuyện nguy nan không cứu, không đáng mặt anh hùng.)

    Không phải cứ làm việc nghĩa sẽ trở thành anh hùng, nhưng người anh hùng không thể không làm việc nghĩa. Nhân vật Ngô Tử Văn trong "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" của Nguyễn Dữ làm việc nghĩa không mong để trở thành anh hùng, chàng dám đốt đền tà, đấu tranh với tên hung thần xảo quyệt không màng tới sự sống chết cá nhân vì mục đích cao cả: trừ hại cho dân. Chàng là đại diện tiêu biểu cho hình tượng người trí thức đất Việt với những phẩm chất cao đẹp: dũng cảm, bất khuất, có tinh thần dân tộc, quyết đấu tranh đến cùng cho chính nghĩa...

    Mở bài 4:

    "Anh hùng tiếng đã gọi rằng,

    Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha."

    Sẵn sàng ra tay dẹp yên chuyện bất bằng, ngang trái là phẩm chất của người anh hùng theo quan niệm Nho giáo. Dù không được xây dựng dưới phương diện anh hùng cái thế "đầu đội trời, chân đạp đất" như Từ Hải của Nguyễn Du, nhưng hành động đốt đền, trừng phạt kẻ hung thần lộng hành của Ngô Tử Văn trong "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" (Nguyễn Dữ) là hành động dũng cảm, khảng khái xứng đáng được ngợi ca, tôn vinh. Kể lại tình huống đốt đền và chiến đấu với tên hung thần của Ngô Tử Văn, truyện đã đề cao phẩm chất của người trí thức đất Việt, khẳng định tinh thần dân tộc và niềm tin vào công lí, chính nghĩa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng năm 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...