MỞ BÀI CHO NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 1. Mở bài cho nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lí Mở bài 1: Benjamin Franklin cho rằng: "Người sáng tác chính bản thân mình thông thái hơn người sáng tác một cuốn sách." Câu nói trên không nhằm phủ định vai trò của người nghệ sĩ mà nhằm khẳng định vai trò của con người trong hành trình kiến thiết bản thân. Người biết "sáng tác" bản thân trở nên giá trị, được mọi người yêu mến, ngưỡng vọng chính là người thông thái. Một trong những "chất liệu" người thông thái tạo dựng giá trị của chính mình là lòng tự trọng . Mở bài 2: "Ngọc bất trác bất thành khí" - ngọc không qua mài giũa, làm sao có thể bộc lộ vẻ đẹp? Con người cũng vậy, không qua rèn luyện, trau dồi nhân cách, sao có thể tạo nên giá trị bản thân? Trong rất nhiều những mảnh ghép tạo nên giá trị của chính mình, chúng ta nhất thiết cần đến sự kiên trì, nhẫn nại . Mở bài 3: Xu-khôm-lin-xki từng nói: "Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất và trong trái tim người khác". Để có thể ghi dấu ấn trên mặt đất và trong trái tim người khác, con người cần tạo nên giá trị riêng cho chính mình. Nếu bộ lông làm đẹp cho con công, thì trí tuệ, nhân cách, lối sống.. tạo nên vẻ đẹp cho con người. Vẻ đẹp ấy là bức tranh sinh động được tạo tạc bởi nhiều nét vẽ, trong đó có nét vẽ của tinh thần lạc quan . Mở bài 4: Cuộc đời con người có khác chi đồng bãi, đất đai. Muốn thu hoa, hái trái, ta cần gieo lên đó những hạt mầm có thể cho ta hoa trái. Nếu không chịu gieo trồng, ta chỉ thu được cỏ dại mà thôi. Sống có trách nhiệm là một trong những hạt mầm khiến mảnh đất cuộc đời cho hoa thơm, quả ngọt. Mở bài 5: Món trang sức lấp lánh tô điểm cho diện mạo con người là vàng bạc, kim cương, đá quý. Vậy món trang sức nào tô điểm cho tâm hồn, nhân cách con người? Có nhiều "món" giúp tỏa sáng vẻ đẹp bên trong của bạn, nhưng trước hết phải kể đến tình yêu thương, lòng nhân ái . Mở bài 6: Chúng ta sinh ra không được lựa chọn hoàn cảnh, nhưng hoàn toàn có quyền lựa chọn cách mình sẽ sống, con người mình sẽ trở thành. Một trong những lựa chọn khôn ngoan để tạo tác nên vẻ đẹp con người chính là sống lạc quan . Mở bài 7: Brian Tracy cho rằng: "Nếu bạn muốn đạt được những điều đáng giá trong cuộc sống cá nhân và sự nghiệp, bạn phải trở thành một người đáng giá qua tự phát triển bản thân." Một trong những yếu tố để phát triển bản thân chính là tinh thần không chịu khuất phục . Mở bài 8: "Hạnh phúc của con người không nằm ở vận may bên ngoài và có thể nhận biết, nhưng nằm ở sự tốt đẹp và giàu có của tâm hồn, thứ bên trong và không thể nhìn thấy." Có một thứ làm nên sự giàu có của tâm hồn và làm nên hạnh phúc cho người sở hữu nó, đó chính là tình yêu thương . Mở bài 9: Khổng Tử có dạy rằng: "Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười." Để có thể mỉm cười khi đi hết cõi nhân sinh, thậm chí cả khi về cát bụi, con người cần phải tạo nên giá trị cho sự sống của chính mình. Một trong những tố chất góp phần nâng cao giá trị con người chính là tinh thần mạo hiểm . Mở bài 10: Tâm trí của con người có thể so sánh như một khu vườn. Nếu không chịu thăm nom xáo xới, sẽ trở thành lãnh địa của cỏ hoang. Nhưng nếu biết gieo những hạt giống hữu ích, biết chăm sóc vun trồng sẽ cho hoa thơm trái ngọt. Một trong những hạt giống hữu ích nên gieo trong khu vườn tâm trí chúng ta chính là sự sáng tạo . Xem thêm bên dưới: Mở bài cho nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống
2. Mở bài cho nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống Hiện tượng tích cực: Mở bài 1: Đồ vật đẹp nhờ nước sơn, bền nhờ chất gỗ. Con người cũng vậy, diện mạo bên ngoài có thể tô điểm bằng phấn son gấm vóc, giá trị bên trong kiến thiết bằng nhân cách, trí tuệ. Có nhiều cách để nâng cao vẻ đẹp nhân cách, trí tuệ, trong đó có việc làm thiện nguyện . Mở bài 2: Mỗi việc làm tốt giống như một bông hoa đẹp. Nhiều việc làm tốt tạo nên một vườn hoa đẹp mang hương sắc tô diểm cho cuộc đời. Hành động dũng cảm cứu người của anh Nguyễn Ngọc Mạnh ở Hà Nội là một tấm gương lan tỏa những điều tốt đẹp đến xã hội. Mở bài 3: "Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa Tại sao cây táo lại nở hoa Sao rãnh nước trong veo đến thế?" (Thơ Lưu Quang Vũ) Đúng vậy, cuộc sống này còn tồn tại rất nhiều những con người đẹp, những việc làm tử tế.. Hành động hết lòng giúp đỡ những bệnh nhân ung thư của Nguyễn Hữu Ân trong câu chuyện "Chia chiếc bánh của mình cho ai" thực sự là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Hiện tượng tiêu cực: Mở bài 4: Đọc "Thép đã tôi thế đấy", tôi nhớ mãi câu nói cuối cùng của nhân vật Pa-ven Coóc-sa-ghin: "Cái quý nhất của con người là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí.." Được sinh ta làm người là điều quý giá, nên chúng ta cần trân trọng và kiến thiết để sự sống của mình thật ý nghĩa. Vậy mà đáng buồn thay, không ít bạn trẻ ngày nay đang lãng phí cuộc đời trong thế giới ảo, không nhận thức được hệ lụy mà nó mang lại. Mở bài 5: Có một câu nói mà tôi ngẫm rất đúng: "Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính". Thói xấu rất dễ điều khiển con người, biến con người thành nô lệ cho nó. Một trong những thói xấu tồn tại khá phổ biến trong xã hội ngày nay là bình luận ác ý trên mạng xã hội.