Mình là cá, việc của mình là bơi – Takeshi Furukawa Đan Mộc * * * Worldcup 2018 kết thúc, với tôi là một mùa bóng đá buồn. Bởi đội tuyển mình yêu thích bao nhiêu năm nay đã về nước từ đời nào. Các anh ấy về nước còn mang theo một dư luận nặng nề bởi họ quá nhanh chóng là kẻ chiến bại. Thế mới nói, trong đá bóng, đội tuyển tưởng như cầm chắc chiến thắng, cầm chắc ngôi vô địch lại thua thê thảm ngay phút cuối cùng. Còn đội khác, dù ít cơ may nhưng vẫn có thể chiến thắng. Cuộc sống có lúc cũng như mùa bóng. Nếu với bạn, chiến thắng không quan trọng, vậy bạn có dám nói, bạn sẽ không buồn nếu bạn thua không? Khi ta không hài lòng về chính mình, ta thường xoay sang đánh giá người khác. Theo quy luật của chiếc gương soi, hi vọng tìm thấy cái xấu, cái tệ của người khác để bao biện cho bản thân. Thậm chí, ta mong muốn ảo tưởng thay đổi người khác mà quên mất điều thiết thực là thay đổi chính mình. Câu chuyện ngụ ngôn Rùa và thỏ của tác giả La Phontaine gởi đến cho chúng ta bài học về cuộc sống. Nếu nỗ lực thật sự ngay khi bắt đầu, thì cho dù ta có yếu kém đến đâu, ta cũng sẽ có cơ hội chiến thắng. Còn nếu như, ta mải mê tự hào về chính mình, mà quên đi phải nỗ lực hằng ngày, thì ngay cả chưa bắt đầu, chúng ta cũng đã thua cuộc. Chúng ta thua chính mình của ngày hôm qua. Rùa và Thỏ có thể được coi là một kiểu truyện phổ biến trên thế giới, trong văn học viết, lẫn văn học dân gian. Trong cổ tích Việt Nam, chúng ta cũng có chuyện Rùa và Thỏ. Ở Nhật Bản, Ấn độ cũng có, nội dung tương tự. Nhà tôn giáo học Hiro Sachiya cho rằng, câu chuyện Rùa và Thỏ được cảm nhận ở mỗi đất nước là không giống nhau, bởi mỗi đất nước có một nền văn hóa khác nhau. Phần lớn người Nhật đều rất thích chú Rùa, người đã biết cách kiên trì, nỗ lực, không lười biếng, coi trọng chiến thắng trong cạnh tranh và cuối cùng đã giành được chiến thắng. Người Việt Nam ta cũng có quan điểm tương tự. Trong khi đó, người Ấn Độ nghe xong câu chuyện, đa phần họ nhất trí cho rằng Rùa thật xấu xa. Họ đặt ra câu hỏi chất vấn "Tại sao rùa lại nhân lúc Thỏ đang ngủ để bắt đầu? Nếu Rùa gọi một tiếng thì có phải tình cảm hơn hay không? Rùa không quý trọng tình bạn". Cùng một câu chuyện nhưng cách lý giải không giống nhau bởi cách nhìn, góc độ nhận xét cũng không giống nhau. Ở đây, ta không nhận xét về người Nhật Bản hay người Ấn Độ mà ta đang nói đến cách nhìn, góc độ quan sát và năng lực đưa ra nhận xét. Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, với bất cứ người nào, ai cũng sẽ hơn một lần nhìn, suy nghĩ và nhận xét về một đối tượng nào đó. Nếu bạn quan sát càng kĩ, nhận xét càng sâu, có nghĩa là, ở một góc độ nào đó, đối tượng đó có ảnh hưởng trực tiếp đến bạn, có liên quan đến bạn. Chúng ta không thể thay đổi người khác, khi mình không thấy hài lòng về họ. Chúng ta phải biết chấp nhận sự khác biệt. Chúng ta phải thay đổi bản thân mình, và thay đổi cách nhìn về tất cả. Lúc đó, cuộc sống cũng sẽ thay đổi. Một khi vấp ngã, nếu nhìn chằm chằm vào nỗi đau, ta sẽ không nhớ rằng mình cần phải đứng dậy. Và ta cũng không quan tâm rằng, mình cần quan sát trở ngại, rút kinh nghiệm để không thể vấp ngã thêm một lần nào tương tự thế. Điều chúng ta cần làm chúng ta lại không làm. Còn nếu như, khi vấp ngã bạn quá mức vội vàng, mà đứng lên, vượt qua một cách nhanh chóng, rồi cũng quên luôn nỗi đau vấp ngã thì sao? Nếu thay đổi quan điểm về bản thân, về người khác, bạn sẽ được lợi gì? Rất nhiều. Nhưng khoan hãy nói đến kết quả, trước tiên hãy nói đến quá trình. Nếu bạn tiến hành theo quá trình này, bạn sẽ thay đổi tốt hơn: 1. Chấp nhận toàn bộ con người mình 2. Thay đổi cách nhìn chứ không thay đổi người khác 3. Cụ thể hóa một cách triệt để tất cả mọi việc 4. Nhìn nhận mọi việc từ nhiều góc độ 5. Tập trung vào những việc có thể làm được 6. Chấp nhận số phận (chấp nhận những điều không thể thay đổi được) 7. Từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo 8. Nhìn vấn đề một cách tích cực 9. Sống cho giây phút hiện tại Cụ thể hơn, tác giả Takeshi Furykawa sẽ hướng dẫn cho bạn qua quyển sách "Mình là cá, việc của mình là bơi". Quyển sách được nhà xuất bản Thế giới phát hành. Đây là một trong các quyển sách giáo dục kĩ năng sống cho thanh thiếu niên, và cũng ảnh hưởng lớn đến người trưởng thành. "Tôi trẻ, tôi đam mê. Trên đời này vốn không có cái gì gọi là công bằng hay chơi đẹp cả. Con người càng trải qua những chuyện vô lý, càng trải qua chuyện bất công thì càng được tôi luyện và mạnh mẽ hơn". Đó là lời nhắn nhủ của tác giả gửi đến cho chúng ta qua quyển sách ấy. Đọc, cảm nhận "Mình là cá, việc của mình là bơi" của Takeshi Furukawa để nỗ lực, phấn đấu như lời của ai đó từng nhủ: Hơn thua so với chính mình Hôm nay ta phải hơn mình hôm qua
Không chỉ đơn thuần là một cuốn sách, đây có thể được coi như một liều thuốc tinh thần mỗi khi bạn cần đến. Cuốn sách giúp bạn nhìn thấy được bản thân của mình và tự tìm câu trả lời cho những vấn đề về tâm lý, cảm xúc bạn luôn mắc phải trong cuộc sống. Tuy nội dung và những liệu pháp cuốn sách đưa ra có thể quen thuộc và chúng ta đã từng bắt gặp ở đâu đó nhưng với những câu chuyện gân gủi và cái nhìn từ một chuyên gia tâm lý, mình tin rằng cuốn sách sẽ có một đóng góp không nhỏ nếu bạn muốn xây dựng những thói quen để sống hạnh phúc. Cảm ơn bạn đã review về cuốn sách này nhé.