Sự tích Miếu Ba Cô Đà Lạt, Đèo Bảo Lộc

Thảo luận trong 'Thư Giãn' bắt đầu bởi Zero, 10 Tháng hai 2020.

  1. Zero The Very Important Personal

    Bài viết:
    147

    Miếu Ba Cô đèo Bảo Lộc


    Nhớ lúc dừng nghỉ dưới chân đèo Bảo Lộc ở một quán nước ven đường sau khi vượt qua đèo Chuối, chúng tôi đã được nghe bà Hằng, một người dân địa phương ở thị trấn Đạm Ri (huyện Đạ Hoai) kể rằng, cách đây đã lâu, có 3 cô gái trẻ tên là Loan, Hòa và Thảo nhà ở thành phố Đà Lạt nhưng lại là sinh viên đang theo học dưới Sài Gòn rủ nhau về quê. Khi đang chạy xe vượt qua đèo từ hướng thị trấn Đạm Ri lên Bảo Lộc thì một tai nạn thương tâm đã xảy ra. Chiếc xe gắn máy chở 3 cô gái đã mất lái, lao xuống vực sâu ngàn mét ở một khúc cua giữa lưng chừng đèo, sát bên chân núi Lu Bu có vách đá thẳng đứng rồi vỡ tan. Kết quả của tai nạn thảm khốc đó là chiếc xe và 3 cô nữ sinh ấy đều tan nát, không tìm được xác dù gia đình đã cố gắng tìm kiếm cả tháng trời, thuê hàng chục người dân địa phương trong vùng đi tìm. Vậy nhưng, vì quá thương xót cho những cô gái trẻ ấy, thân nhân của họ vẫn quyết định làm 3 nấm mồ ở gần vị trí xảy ra tai nạn để cúng viếng linh hồn những người xấu số kia. Câu chuyện chỉ có vậy thì sẽ không có gì đáng nói nếu sau khi 3 cô gái chết được khoảng hơn 1 tháng, tại chính nơi đó không tiếp tục xảy ra một vụ tai nạn khác nữa.

    Lần này là một chiếc xe chở khách du lịch hướng theo chiều ngược lại, từ thành phố Bảo Lộc về xuôi. Khi đến đoạn cua trên, chiếc xe cũng mất lái và lao xuống vực sâu. Nhưng may mắn thay, trong tai nạn đó lại có 4 người thoát chết. Đó là 1 thanh niên và 3 cô gái trẻ. Người thanh niên thì bị thương rất nặng, còn 3 người con gái kia chỉ xây xát. Và, chàng trai ấy đã được ba cô gái kia dìu lên trên sườn dốc, gần phía đường quốc lộ. Cả 4 người đều bảo với nhau, sẽ cố gắng để vượt lên dù quãng đường từ chỗ chiếc xe bị nạn tới mặt đường quốc lộ là khá xa, lại dốc cao cheo leo. Thế nhưng, do tất cả cùng quyết tâm nên cuối cùng cả nhóm đã lên tới đường lớn, đó cũng là lúc chàng trai vì quá mệt nên ngất đi, không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, chàng mới biết mình đã ở trong Bệnh viện Đa khoa Bảo Lộc.

    Hỏi một số người xung quanh về vụ tai nạn và 3 người bạn may mắn sống sót cùng mình, chàng được mọi người cho biết, chuyến xe đó chỉ có duy nhất mình anh sống sót mà thôi, họ không biết 3 cô gái kia là ai cả. Không tin đó là sự thật bởi chàng trai chắc chắn có 3 cô sinh viên đã dìu chàng từ dưới vực lên mặt đường nên chàng gặng hỏi lại, còn miêu tả chi tiết về 3 cô gái đó. Đó là 3 người tóc dài, còn rất trẻ, lại mặc áo trắng nữa. Nghe đến đây, ai nấy đều hãi hùng bởi đặc điểm nhận dạng của chàng trai khi miêu tả về 3 cô gái đó cũng chính là 3 nạn nhân đã chết thảm khốc ở khúc cua đấy, cách đó chừng một tháng trời.

    Nhưng không chỉ có chàng thanh niên đó gặp được 3 cô gái đáng thương kia mà có một số tài xế xe khách của các hãng xe như Phương Trang hay Thành Bưởi chạy tuyến đường này cũng xác nhận họ cũng thường bắt gặp 3 cô gái trẻ, tóc dài, mặc áo trắng đứng ở khúc cua lưng chừng đèo vẫy xe, xin cho đi theo hướng từ Đạm Ri lên Bảo Lộc.

    Đặc biệt, cả 3 cô gái chỉ đứng vẫy xe vào ban đêm mà thôi. Dưới chân của 3 cô còn có cả hành lý xách tay là 3 chiếc ba lô nữa. Thậm chí, có tài xế còn nói rằng, họ còn thấy bên cạnh mấy chiếc ba-lô cả một đống sách vở, giáo trình để các cô mang theo về quê học bài nữa. Tuy nhiên, khi xe chạy lại gần thì không thấy 3 hành khách đó đâu cả, chỉ có những tiếng gió như tiếng hú, âm u huyền hoặc ngàn năm bí ẩn của đại ngàn mênh mông mà thôi.

    [​IMG]

    PHƠI BÀY SỰ THẬT

    Miếu Ba Cô có nét lai tạp giữa kiến trúc của đền và chùa. Sau khi thắp mấy nén nhang, chúng tôi đem chuyện này hỏi bà Đặng Thị Lộc, pháp danh Tam Phước hiện đang là trụ trì của miếu Ba Cô này thì được biết, đúng là trong quá khứ, tại nơi này có xảy ra một vụ tai nạn thương tâm làm 3 cô gái trẻ đi xe hướng từ dưới Đạm Ri lên Bảo Lộc bị mất mạng thật nhưng chuyện 3 cô gái đó vẫn thường hiện về, vẫy xe đêm đêm mà nhiều người đồn thổi là không có cơ sở. Bà Lộc là con của hai người lập miếu là ông Đặng Hà và bà Nguyễn Thị Biện. Hướng ánh mắt xa xăm về đại ngàn xanh thẳm, bà Lộc kể: Năm 17 tuổi, dưới thời Pháp thuộc, ba tôi từ Bình Định lên đây tìm miền đất mới và trốn lính. Khi tới con đèo này, thấy có nhiều vụ tai nạn thương tâm quá do địa hình khắc nghiệt nên ba tôi đã dựng miếu này để thờ cúng. Tôi ở đây đã nhiều năm, cũng có nhiều đêm thức đi loanh quanh nhưng chưa bao giờ gặp cô gái nào cả, càng không gặp oan hồn người chết bao giờ. Hiện trong miếu còn có bàn thờ ông Hà - bà Biện cùng gia quyến của bà Lộc.

    Mấy năm trước, nơi này còn có một vụ giết người với một cái xác chết của một cô gái nữa càng khiến câu chuyện trở nên kỳ bí, lạ lùng hơn do lời đồn đại của nhiều người dân mê tín. Tuy nhiên, khi công an vào cuộc và đã khám phá ra toàn bộ âm mưu của kẻ thủ ác rồi, không có oan hồn nào gây án cả. Còn về chuyện ba cô gái xấu số, bà Lộc cũng cho biết sau khi tai nạn xảy ra ít lâu, gia đình các cô ấy đã tìm được thi thể của 3 người bị mắc kẹt ở khe núi, đem lên chôn cất ở phía sau miếu kia chứ không phải bị mất xác như nhiều người kể. Một thời gian sau, họ đã tới bốc cất và đem về quê an táng rồi.

    [​IMG]

    Khúc cua "khó thở" cho tài xế qua đèo Bảo Lộc.

    Lúc đầu, miếu thờ nhỏ lắm nhưng sau đó nhờ công sức và tiền bạc của bá tánh gần xa ủng hộ nên miếu mới khang trang như bây giờ. Lí giải về ba cô gái trong "lời nguyền chết chóc", bà Lộc nói rằng, trước đây mộ của ba cô gái quê ở Sài Gòn (chứ không phải dân Bảo Lộc như lời phỏng đoán - PV) chôn sát ven đường nhưng nay đã được người thân bốc đưa về Sài Gòn. Tới đây, tôi nhớ đến câu chuyện về mộ phần anh Tâm - chị Thảo trong câu chuyện tình yêu say đắm ở hồ Than Thở (TP. Đà Lạt) cũng được bốc cốt nhưng người dân địa phương vẫn kháo nhau về rất nhiều "kịch bản" trái ngược hoàn toàn so với nguyên gốc.

    Hỏi chuyện về ba oan hồn trinh nữ trong lời hư cấu của người dân, bà Lộc chia sẻ: "Tôi ở đây bao nhiêu năm mà không thấy gì cả. Việc tài xế dừng chân ở đây cúng kiếng chỉ là họ tin tâm linh chứ có ma quỷ, oan hồn nào đâu. Giờ đây, con đèo này giờ nào cũng có xe hơi, xe máy đi qua chứ ngày xưa thì cô quạnh lắm".

    Một tài xế xe khách Phương Trang đứng cạnh tôi nói rằng, cứ một giờ sẽ có một chuyến xe xuôi ngược Sài Gòn - Đà Lạt, dù xếp tài vào đêm khuya nhưng qua đây, anh tài xế này vẫn vi vu huýt sáo, chứ không thấy gì cả ngoài.. đèo dốc quanh co. Có lẽ do một hai tài xế "thần hồn át thần tính" nên mới nghĩ ra đủ chuyện để.. hù bạn bè mua vui mà thôi!

    Là người dân sở tại thường hay lên miếu chơi, em Nguyễn Thị Tâm (SN 1993, quê xã Đạm B, ri, huyện Bảo Lộc, hiện là sinh viên năm 1, trường Cao đẳng sư phạm Trung ương 2 đóng tại Q9) chia sẻ: "Nhiều năm rồi, hễ về quê nghỉ cuối tuần, bạn bè em hay lên miếu chơi từ sáng sớm đến khuya tối mà không thấy ma quỷ hay bóng hình gì cả". Đây chính là một nhân chứng xác thực.

    Ông Trần Tân - Trưởng phòng Văn hóa, thông tin và du lịch huyện Đạ Huoai cho biết: "Miếu Ba Cô thuộc sự quản lý của ngành văn hóa theo tín ngưỡng của người dân, được duy tu, bảo dưỡng nhưng không có kế hoạch phát triển vì sợ đồi núi sạt lở vào mùa mưa". Ông Tân khẳng định, ở đây hoàn toàn không có chuyện oan hồn trinh nữ mà tất cả là bịa đặt. Nhiều cán bộ tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, câu chuyện oan hồn trinh nữ giống như các ngôi nhà ma (mà chúng tôi từng phanh phui trên Báo CATP) là chuyện "thêu hoa dệt gấm", hoàn toàn bịa đặt. Một số tài xế xe khách, xe taxi vì muốn hút khách để họ chở đi tham quan, du lịch nên đã bịa chuyện nhằm kiếm tiền chạy xe.

    Trời cao nguyên bỗng âm u vì những cơn mưa nặng hạt, mịt mù mặt đất. Tôi đi trong gió, trong mưa, trong hơi thở của rừng già vọng về và suy nghĩ về lời đồn thổi làm cho xứ sở thông reo mang nhiều sắc màu đã được "giải mã" kịp thời.

    Theo Báo CATPHCM
     
    Last edited by a moderator: 17 Tháng bảy 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...