THAM QUAN VÀ CHIA SẺ KINH NGHIỆM Hôm nay mình sẽ dẫn các bạn đến tham quan một nơi được xem là vùng đất huyền bí linh thiêng của miền Tây Nam bộ, đó chính là An Giang. Chuyến tham quan này mình sẽ đồng hành cùng các bạn đến tham quan và hành hương miếu bà Chúa xứ núi Sam. Về phương tiện di chuyển: Xe khách: Xe Huệ Nghĩa, xe Phương Trang, xe Hùng Cường.. giá vé thì giao động khoảng từ 130.000 đến 150.000 tùy vào nhà xe và thời điểm trong tuần hay cuối tuần, hay các dịp lễ tết. Tùy vào nhà xe mà có xe trung chuyển vào hay không, nếu không chúng ta có thể gọi xe ôm hoặc taxi ở gần đó. Xe máy: Khởi hành từ TPHCM, đi theo QL1A đến địa phận thành phố Tân An rẽ trái vào QL62, tiếp tục đi thẳng theo DT837, DT829, đến chờ Trường Xuân chạy theo đường DT844, đến ngã ba giao với QL30 chúng ta rẽ phải vào rồi chạy một đoạn phà An Hòa - Chợ Vàm, qua phà chúng ta chạy theo đường Trưng Nữ Vương, Tấn Lộ Kiều Lương là đến với chùa bà. Việc di chuyển bằng xe máy sẽ giúp chúng ta chủ động được thời gian và tiền bạc, bên cạnh đó còn có thể hít thở khí trời, làm cho việc trải nghiệm chuyến đi sẽ trở nên thú vị hơn rất nhiều. Thời gian thuận tiện cho việc tham quan: Nếu bạn thuộc type người thích sự nhộn nhịp đông vui thì có thể đi vào tháng 4 âm lịch, cụ thể là từ ngày 22 đến ngày 27/4 vì đây là thời gian diễn ra lễ hội vía bà chúa Xứ núi Sam rất nhộn nhịp và đông đúc. Ngoài thời gian diễn ra lễ hội bạn có thể đến bất kì lúc nào nếu bạn thích sự trầm mặc và yên tâm nơi đây. Đôi nét về miếu Bà chúa Xứ núi Sam: Miếu bà nằm ngay chân núi Sam thuộc phường Núi Sam, TP. Châu Đốc tỉnh An Giang. Có rất nhiều truyền thuyết và câu chuyện gắn liền với bà trong đó có một câu chuyện mình muốn chia sẻ với các bạn về xuất thân của bà. Theo nhiều người dân nơi đây kể lại rằng thì trước đây hơn 200 năm một vài người dân trong làng đã phát hiện pho tượng của bà trên đỉnh núi, họ đã cùng nhau khiêng bức tượng của bà xuống để thời cúng nhưng lạ thay là không ai khiên nổi. Một cô gái ở đó đã lên đồng và nói rằng bà cần 9 cô gái đồng trinh thì mới khiêng được. Quả thật sau khi 9 cô gái vào khiêng tượng bà thì tượng bà bỗng nhẹ lên khiến ai nấy cũng bất ngờ. Đến chân núi thì tượng bà hóa nặng và người dân đã ngầm hiểu ý bà muốn được tọa ở đây. Chính vì sự linh thiên ấy mà bà càng ngày càng được nhiều người biết đến kể cả trong vùng lẫn các vùng lân cận. Nhưng đó chỉ là truyền thuyết, còn khoa học thì theo nhà khảo cổ học người Pháp Malleret nghiên cứu vào năm 1941 cho biết tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam thuộc loại tượng thần Vishnu (nam thần). Tạc dáng người nghĩ ngợi, quý phái, chất lượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao. Bức tượng được tạc vào cuối thế kỷ VI và rất có thể đây một trong số hiện vật cổ còn sót lại của nền văn hóa Óc Eo xưa. Tại miếu bà vào tháng 4 âm lịch hằng năm sẽ diễn ra lễ hội Vía bà. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ chính thức diễn ra từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, trong đó có ngày vía chính là ngày 25. Lễ hội được diễn ra một cách long trọng với nhiều phần như: Lễ tắm bà, lế thỉnh sắc, lễ hồi sắc, lễ túc yết (yến), lễ chánh tế.. Miếu Bà chúa xứ Núi Sam thể hiện rõ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam, vào năm 2009 tượng Bà được ghi vào sách kỷ lục An Giang là bức tượng bằng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam và có áo phụng cúng nhiều nhất, điều đặc biệt là Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ cũng đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Kinh nghiệm khi đi vía bà chúa Xứ núi Sam: Lễ vật: Theo kinh nghiệm của mình thì chúng ta nên chuẩn bị ở nhà trước rồi đem lên dâng bà vì khu vực trước cổng bán với giá rất cao và việc đem từ nhà lên cũng coi như là thể hiện lòng thành kính với bà. Lễ vật thì gồm có như Trái cây, hoa, bánh, trầu cau, heo quay, gà quay, nhan đèn.. theo mình thấy thì heo quay là lễ vật được nhiều người dâng lên nhất nhưng cũng tùy vào điều kiện của mỗi người nên sẽ không có gọi là bắt buộc. Trang phục: Vì đây là khu vực tâm linh cho nên việc lựa chọn trang phục cần nên cân nhắc, các bạn nên mặc những trang phục kín đáo tránh những trang phục phản cảm hay quá hở hang. Trộm cướp, lừa gạt, móc túi: Việc này bạn rất rất cần để ý nhé, do khu vực miếu bà rất đông du khách đến tham quan nên có rất nhiều vấn nạn trộm cướp xảy ra cho nên các bạn phải luôn giữ gìn tài sản và những thứ có giá trị (cách tốt nhất là nên gỡ bỏ những đồ có giá trị ở nhà) ; vấn nạn thứ 2 cần lưu ý là việc cho lộc tại ngoài miếu vì có rất nhiều người đã sập bẫy. Sẽ có một người đưa vào tay bạn hay thậm chí bỏ vào túi áo bạn và nói rằng lộc của bà và yêu cầu bạn phải đưa tiền vì bạn đã nhận lộc rồi không trả được (việc này mình đã bị và tốn 50.000) nếu không đưa tiền bọn chúng sẽ làm lớn chuyện và gây xích mích; vấn nạn thứ 3 là việc chặt chém khách du lịch cho nên các bạn hãy nhớ mua gì, ở đâu, ăn gì điều phải hỏi giá trước nhé. Đặc sản: Châu Đốc chính là thủ phủ của những loài mắm như mắm cá lóc, cá trèn, cá sặc, cá chốt, cá linh, cá rô.. cho nên nếu đã đến đây thì các bạn nên mua và dùng thử mắm nơi đây hoặc có thể mua về làm quà. Mắm có rất nhiều loại và nhiều giá tiền khác nhau chỉ từ 50.000. Ngoài ra bạn còn có thể thưởng thức những đặc sản nổi tiếng khác như Thốt nốt (nước uống, đường, bánh bò), Mây Thái, Bún cá Châu Đốc.. Khách sạn, nhà nghỉ: Nếu bạn có điều kiện kinh tế: Victoria Châu Đốc Hotel, Victoria Núi Sam Lodge, Khách sạn Hùng Cường.. giá mỗi đêm dao động từ 25 USD đến 100 USD Nếu bạn có kinh phí hạn hẹp: Bạn có thể qua đêm tại các nhà nghỉ gần khu vực miếu bà giá tầm trung khoảng từ 300.000 mỗi đêm tùy phòng/số người và tùy nhà nghỉ Một số điểm bạn có thể tham quan thêm tại Châu Đốc: Núi Sam, Núi Cấm, Chùa Hang, rừng tràm Trà Sư, hồ Tà Pạ.. Hồ Tà Pạ Chùa Hang Hằng năm thì vào những dịp tết đến xuân về thì du khách thập phương đã đến miếu bà rất đông để cầu cho gia đình no ấm, hạnh phúc và nhiều sức khỏe. Nếu có dịp các bạn hãy đến đây một lần nhé để cảm nhận được vẻ đẹp bình dị của vùng đất nơi đây cũng như sự bí hiểm và linh thiêng mà An Giang đem lại. Hi vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp cho các bạn những thông tin bổ ích. 03/12/2021 MD0210 Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình..