Tên sách: Miếng da lừa Tác giả: Honoré de Balzac Reviewer: Bả tửu vấn nguyệt Nếu bạn đang muốn tìm hiểu về hiện thực xã hội vào thế kỉ XIX thì tôi nghĩ "Miếng da lừa" của nhà văn Honoré de Balzac sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời cho bạn. Ở đó, ta thấy được số phận bi thảm của con người trong xã hội đương thời nơi mà đồng tiền thống trị, con người trở thành nô lệ của đồng tiền và vì nó mà biến chất.. 1, Tác giả - nhà văn hiện thực đại tài: Về tác giả Honoré de Balzac, ông sinh năm 1799 trong một gia đình công chức ở thành phố Tours và mất năm 1850. Balzac sống trong thời kì giằng xé quyết liệt và lâu dài giữa hai giai cấp cầm đầu xã hội nước Pháp thời ấy: Tư sản và quý tộc. Năm 1814 ông theo cha đi Paris, vừa học luật vừa học thêm các lớp văn học, triết học ở trường đại học Sorbone. Năm hai mươi tuổi Balzac bắt đầu sáng tác, ông quyết định từ bỏ con đường luật và theo hẳn con đường văn chương. Năm 1842, Balzac tập hợp toàn bộ tác phẩm của mình lấy tên là "Tấn trò đời" - cuốn biên niên lịch sử và là lịch sử trái tim con người của nước Pháp đầu thế kỉ XIX. Bộ tiểu thuyết đồ sộ ấy đã đưa Balzac trở thành một trong những nhà văn xuất sắc nhất của nền văn học hiện thực Pháp thế kỉ XIX và là bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực. 2, Tác phẩm "Miếng da lừa" - khi nhân tính cúi đầu trước đồng tiền: Tiểu thuyết "Miếng da lừa" ra đời năm 1830 và được Balzac xếp vào phần "Khảo cứu triết học" của "Tấn trò đời". Tác phẩm dài hơn 400 trang gồm ba phần: Tấm bùa, Người đàn bà không tim và Cơn hấp hối, cốt truyện xoay quanh cuộc đời nhân vật Raphael de Valentin- một thanh niên quý tộc phá sản nhưng có tài năng và chí hướng. Ban đầu anh chấp nhận sống cảnh nghèo nàn trong một căn gác xép để cần cù học tập nghiên cứu và viết sách. Anh luôn mơ ước một tình yêu trong nhung lụa nên đã không để ý tới mối tình Pauline -con gái bà chủ nơi anh trọ- dành cho anh dù cô rất quan tâm anh. Nhưng một hôm, không thể kiên trì được nữa, nghe theo bạn là De Rastignac, anh từ bỏ cuộc sống lao động nghèo khổ bần cùng để chạy theo cuộc sống phóng đãng, phù hoa của xã hội thượng lưu. Anh yêu say mê nữ bá tước Foedora- người phụ nữ quý tộc có sắc đẹp nhưng lại vô tình và bị cự tuyệt. Tuyệt vọng, anh sa vào những cuộc hành lạc cho đến khi hết nhẵn tiền, anh định ra sông tự tử. Vừa lúc đó, anh gặp ông già bán đồ cổ và lão tặng anh một miếng da lừa có thể thỏa mãn mọi ước nguyện của anh, nhưng mỗi lần như vậy thì miếng da lừa co lại và tuổi đời của anh rút ngắn đi. Nhờ tấm bùa, anh trở nên giàu có và gặp lại Pauline cũng trở nên giàu có và kết hôn với nàng. Được toại nguyện song bản thân anh lại mang bệnh nặng và miếng da lừa ấy cứ co mãi. Đến cuối cùng, dù đã muốn lánh xa xã hội, nhưng Raphael không thể kiểm soát mong muốn đối với Pauline, bộc lộ nó đến điên loạn và chết trong vòng tay cô. Shakespeare từng nói: "Đồng tiền làm trái hóa phải, đen hóa trắng và người đàn bà góa phụ thành cô dâu mới". Và có lẽ chỉ khi tôi đọc xong tác phẩm "Miếng da lừa", tôi mới hiểu được sâu sắc điều Shakespeare nói. Cuốn tiểu thuyết như một thứ nước rửa ảnh làm nổi lên hình sắc và bản chất của xã hội bấy giờ: Khi đồng tiền lên ngôi, con người bị tha hóa và biến chất trầm trọng, mọi giá trị tốt đẹp mất đi. Tôi tự hỏi: Vì cớ gì mà một chàng trai đầy tài năng và lí tưởng như Raphael bị tha hóa đến mức đánh mất chính mình? Rõ ràng, anh là một nạn nhân đáng thương của xã hội, anh có tài năng, nhưng ai coi trọng tài năng của anh, họ chỉ coi trọng đồng tiền, đánh giá con người cũng qua đồng tiền. Tiếp xúc với xã hội thượng lưu, anh bị tiêm nhiễm nọc độc, mang theo bệnh hủi của chủ nghĩa cá nhân, nó làm chàng trai nhiệt huyết của ngày nào tàn tạ, khô héo cả về thể xác và tinh thần. Cái trụy lạc xa hoa ấy còn hiện lên qua cảnh sòng bài thật "trần trụi", nơi có "những con người tới đó để chết vì tiền tài và xa hoa lại không thiết tha gì với xa hoa" mà tác giả miêu tả khi vào đầu tác phẩm, qua "bữa tiệc lộng lẫy một cách đế vương" - nơi "cô đúc hết mọi lạc thú vào một lạc thú".. Nếu những Raphael, những cảnh sòng bài.. phản ánh bộ mặt xã hội thì Foedora, De Rastignac hay gã tư sản Taillefer.. chính là hiện thân của cái xã hội đó: Foedora xinh đẹp nhưng vô tình, ích kỉ; De Rastignac trắng trợn, mưu toan, sa đọa hoàn toàn về đạo đức và tâm hồn; gã tư sản Taillefer kia làm giàu bằng tội ác và thẳng thừng tuyên bố: "Đối với bậc triệu phú thì không có đoạn đầu đài, không có đao phủ".. Nhưng trong cái màn sương u ám của xã hội, tôi thấy lấp lánh giữa đó vẻ đẹp của nàng Pauline ngây thơ, chân thật và trung hậu. Nàng tương phản với Foedora, nàng có một trái tim cao quý và mối chân tình thắm thiết. Hình tượng nàng mang tính chất lý tưởng với Raphael trong một xã hội tư sản đồi bại. Rồi còn ông quản gia Jonathas, bà chủ trọ.. họ xuất hiện giữa tác phẩm như một ví sao sáng vụt qua nhưng cũng đủ để soi rọi chút ít ánh sáng vào cái bạc ác đen tối của xã hội. Ám ảnh, xót xa và tiếc nuối là những cảm xúc của tôi khi đọc xong tác phẩm. Nhưng qua đó, tôi cảm nhận được nhiều thông điệp. Đầu tiên, tôi hiểu rằng tình yêu có sức mạnh vĩ đại, nó cứu rỗi con người. Minh chứng là mọi lần ước nguyện của Raphael thì miếng da lừa đều co lại, chỉ trừ duy nhất một lần Raphael ước: "Ta muốn được Pauline yêu". Thứ hai, tôi nhận thấy rằng ở mỗi con người đều có khát vọng thèm sống tiềm ẩn sâu bên trong, nó trỗi dậy mạnh mẽ khi ta tìm được ý nghĩa đời mình như Raphael trong những năm cuối đời đã tìm mọi cách níu giữ cuộc sống để được bên Pauline. Cuối cùng, qua việc miếng da lừa cho Raphael danh vọng nhưng lại lấy đi mạng sống của anh, tôi hiểu cái gì cũng có cái giá của nó và đừng để những thứ phù du làm ta đánh mất chính mình.. Qua bút pháp xây dựng hình tượng nhân vật đặc sắc với những cung bậc tâm trạng phong phú và những chi tiết kì ảo được Balzac sử dụng để làm nổi bật hiện thực, cuốn tiểu thuyết đã đưa người đọc trầm mình vào không khí xã hội bấy giờ, khiến ta đau đáu khôn nguôi về con người chịu nỗi đau của bi kịch mang tên đồng tiền. Cho nên không lấy làm lạ khi "Miếng da lừa" là tác phẩm đầu tiên đưa ông lên địa vị nhà văn nổi tiếng và được những đại văn hào như Goethe, M. Gorki.. hâm mộ.