Miền Trung mùa mưa bão Tác giả: An Kỳ Thể loại: Truyện ngắn, tản văn * * * Tôi là người miền Trung, nơi mà mùa hè phải hứng chịu những cái nóng như thiêu như đốt còn mùa đông thì nơm nớp lo sợ bởi chưa hết cơn bão này lại đến cơn bão khác ập đến trở tay chẳng kịp. Cho nên, người miền Trung chúng tôi mang tiếng tần tiện, tiết kiệm khi đặt chân đến vùng miền khác. Thử hỏi xem, một đất nước chỉ có hai mùa nắng và mưa mà mùa nào người Miền Trung tôi cũng phải chịu những thiên tai như cháy rừng, bão, lũ.. một "đặc sản" mà người dân chẳng ai lấy. Như vậy liệu có thể sống hào phóng được hay không? Tôi e rằng, các bạn trong hoàn cảnh của người Miền Trung chúng tôi thì ắt sẽ hiểu và thông cảm mà thôi. Còn nhớ, từ tháng Mười đến tháng Mười Hai năm 2020 chúng tôi đã hứng chịu những cơn bão nối tiếp nhau, dẫn đến lũ lụt rải khắp các tỉnh miền Trung. Bão đi qua làm bao nhiêu nhà cửa đều bị đổ sập, rồi điều không ai muốn cũng đến đó là cơn lũ lịch sử làm nhiều người bị cuốn trôi, nhan nhản những gia đình quấn khan tang vì người thân đột ngột ra đi. Ở cái thời điểm đó, các bạn ở vùng miền khác thì chăn ấm nệm êm còn những người miền Trung chúng tôi phải sống trong cái cảnh khổ không sao kể hết. Hình ảnh nhiều nhà nước lai láng, ai may mắn hơn thì nước tới mắc cá chân, người không may thì nước ngập luôn cả mái nhà phải đi di dời ở tạm những nhà cao. Tài sản quần quật bao nhiêu năm đều cuốn theo dòng nước hết, ấy vậy mà họ vẫn thấy còn may mắn vì còn được an toàn, còn được cơ hội làm lại. Nhà của tôi, may sao năm vừa rồi ba đã đôn cái nền nhà lên cao một chút và nhờ vậy mà nhiều nhà ngập sâu còn nhà tôi chỉ nước tới đầu gối. Tất cả vật dụng trong nhà ba tôi đã nhanh tay dùng dây thừng buộc chúng lên hết trần nhà. Nhiều lúc buồn không biết làm gì, nằm trên giường nhìn trần nhà mà thấy buồn cười lắm các bạn ạ. Nào là tủ lạnh, ti vi, xe máy, quạt, tủ quần áo.. Cả mấy đôi guốc của mẹ tôi ông cũng xâu lại treo hết lên. Tôi lại thắc mắc thì ba trả lời gọn trơn "đôi guốc đó má mi thích nhất, cứ đưa lên đó cho lành. Qua lũ không có cho bả đi giỗ chạp là không yên với bả đâu". Thật, trong lúc ngàn cân treo sợi tóc như thế mà ba tôi vẫn nghĩ tới má, người miền Trung chúng tôi đơn thuần vậy đó, chẳng biết nói ngọt nói ngào gì đâu, chỉ có thể hiện bằng hành động như vậy thôi mà các ông các bà sống với nhau cả một đời người cơ đấy. Bạn sẽ thấy sao nếu nước thì ngập mà nhà thì điện vẫn thắp sáng được, đúng là đùa với tử thần mà. Nhưng chúng tôi chẳng còn cách nào khác cả, cũng phải ăn, cũng phải sống để chống chọi qua những ngày lũ. Tối đến lại được ngủ trên giường nhưng cách mặt nước đâu tầm 10 cm, má tôi còn đùa rằng "dễ chi tụi bây được ngủ như vậy, mấy mươi năm mới có lần thôi thì tận hưởng đi". Đúng vậy, mấy mươi năm cho một cơn lũ lịch sử nhỏ lớn giờ tôi chưa từng thấy. Nhớ lại những hồi ức như vừa hôm qua đây thôi mà bây giờ đã một năm rồi, tôi bước ra hiên trước nhà mình, ngồi xuống bên cạnh má và ba. Cả hai người đang ngồi chẻ dây lạc. Tôi khó hiểu "chẻ lạc chi vậy ba". Ba chẳng nhìn tôi vẫn cặm cụi ngồi chẻ miệng mấp mé "sắp tới mùa mưa rồi, lo chẻ lạc chứ nhỡ có bão cũng có cái để buộc". Tôi lại đùa hai ông bà "Vậy mà con tưởng ba má lo chuẩn bị nấu banh chưng, bánh tét ăn Tết sớm chứ". Má cười khẩy lên "cái con này, chưa đông mà đòi sang xuân rồi. Mà má cũng ưng như mày đó, qua mùa xuân luôn không cần mùa đông nữa cũng được". Nghe thấy mà thương cho ba với má, ở vùng quê nhưng lại là vùng trũng, cứ mùa mưa tới thì lo mấy chuyện thế này trước nhỡ phản ứng không kịp. Có lẽ, sinh ra ở "khúc ruột miền Trung" mà tôi cũng giống như ba với má vậy, nhắc đến mùa mưa là bao nhiêu lo âu ùa về, sợ đủ điều nhưng cũng chẳng muốn rời xa cái nơi đầy khó khăn này một chút nào. Đi đâu cũng thèm, cũng nhớ những chiều mưa ngồi nướng bắp, nướng khoai rồi kể chuyện tích xưa của má. ****Hết****