Miền ký ức

Thảo luận trong 'Nhật Ký' bắt đầu bởi Minh Anh Đào, 4 Tháng mười một 2022.

  1. Minh Anh Đào

    Bài viết:
    2
    MIỀN KÝ ỨC

    Tôi sinh ra trong một gia đình khá nghèo, nếu như không muốn nói là rất thiếu thốn khó khăn. Ngày ấy, bố vào Miền Nam để làm công việc đãi vàng, nghe mẹ nói là vất vả lắm, cũng chẳng được mấy đồng. Khi đó tôi được hai tuổi rưỡi và anh trai năm tuổi. Tại thời điểm ấy, ba tuổi mới được đi lớp mẫu giáo, chứ không có lớp nhà trẻ như bây giờ. Tôi nhớ rất rõ, mẹ đã nói chuyện với các cô giáo, cho tôi đi lớp thử vài buổi, nếu tôi ngoan ngoãn thì mong các cô nhận trông giúp. Ngày ngày, cứ hai giờ sáng là mẹ đã dậy đi hàng sáo. Vì cuộc sống mưu sinh, vì hoàn cảnh nghèo khó, mẹ chẳng thể lo cho các con bữa sáng. Hai anh em cũng quen với việc nhịn ăn sáng rồi. Khi tôi tỉnh giấc, anh trai sẽ dắt tôi đi lớp mà không cần ai thúc giục. Một ngày, hai ngày.. rồi nhiều ngày qua đi, các cô giáo nhận thấy tôi rất ngoan nên đồng ý nhận trông. Thấm thoắt đã vài tháng trôi qua, anh trai lên lớp một. Anh đến ngôi trường khác, không thể dắt tôi đi lớp được nữa. Tôi cũng chính thức lên ba tuổi và bắt đầu quen với việc đi lớp một mình. Ngày đầu tiên đi lớp không có anh, tôi buồn, buồn lắm chứ. Tôi nhớ anh và cảm thấy tủi thân nữa. Nhưng cuộc sống mà, không cho phép đứa trẻ ba tuổi như tôi có quyền đòi hỏi người đưa đón. Ba tuổi, tôi tự đi lớp được, nếu buồn thì tôi sẽ nghĩ đến cuối ngày là được mẹ đón rồi nên cái buồn cũng nhanh chóng lướt qua. Quãng thời gian không có bố, mẹ gửi thư để kể cho bố nghe về sự lớn lên từng ngày của tôi và anh trai. Đứa bé chưa biết chữ như tôi chẳng thể viết tâm sự gì cho bố. Tôi nhớ bố lắm chứ, tôi biết bố cũng rất nhớ tôi. Mỗi lần nghe mẹ bảo có thư bố gửi về là hai anh em lại hào hứng, chăm chú nghe mẹ đọc xem bố viết những gì, có khi đến bữa ăn nhưng tôi làm nũng chẳng chịu ăn, bắt mẹ đọc cho nghe thư của bố rồi mới ăn cơm. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, cũng đến ngày tôi bước chân vào lớp một. Và tôi cũng nghe mẹ nói chuyện bố sắp về. Tôi vui sướng nhiều lắm. Chẳng kiếm được nhiều tiền, nên bố đi đằng đẵng mấy năm trời. Từ ngày đi, bố chưa quay về nhà lần nào cả. Sự trở về lần này của bố giống như món quà đầy nghĩa mà bố dành cho tôi khi tôi bước chân vào ngôi trường mới vậy. Niềm hạnh phúc dâng trào rất khó tả. Không biết trông bố ra sao? Bố có gầy không? Gương mặt có thay đổi gì không? Liệu bố có nhận ra tôi không, hay đi lâu quá bố quên mặt tôi rồi? Rất nhiều câu hỏi cứ nhảy nhót trong đầu, tôi háo hức và chờ đợi..

    Ngày bố chính thức trở về, tôi vỡ òa trong vòng tay bố. Quyết tâm giữ chặt không cho bố đi đâu nữa. Nhưng bố về thì mẹ lại đi. Thời gian được ở cùng bố và mẹ cũng chẳng được bao lâu. Ba tháng sau khi bố về, mẹ lại kiếm được công việc bê vác hàng ở trên thành phố. Vì công việc hàng sáo không còn kiếm được mấy nữa, buộc lòng mẹ phải xa nhà, để bố chăm sóc hai anh em. Tôi lại phải quen dần với cuộc sống xa mẹ. Những ngày đầu thiếu mẹ, tôi đều lén lút khóc một mình. Tôi nhớ mẹ nhiều lắm, nhớ rất nhiều. Cuộc sống mà, tôi phải biết chấp nhận. Cũng lên sáu tuổi rồi, tôi không nên đòi hỏi. Nhưng thật may, vì mẹ làm trên thành phố không quá xa nhà nên hai đến ba tháng, mẹ lại về thăm gia đình. Mỗi lần về, mẹ lại mua quà cho hai anh em, chỉ một cái bánh mì con cua hay một quả xoài cũng khiến hai anh em mừng nhảy cẫng lên, thích thú lắm..

    Thời gian lại dần trôi, tôi chuẩn bị kết thúc bài thi tốt nghiệp tiểu học thì mẹ sinh em bé. Thời gian đầu, tôi ghét em nhiều lắm. Sự ấu trĩ của đứa trẻ lên mười là lòng ghen ghét và ích kỷ. Tôi cảm giác như vị trí con út của mình đã bị mất, bố mẹ dành nhiều tình cảm cho em khiến tôi rất buồn. Nhưng rồi tôi cũng nhanh chóng nhận ra sự thiếu suy nghĩ của mình. Cuộc sống mà, tôi không có quyền đòi hỏi tình cảm quá nhiều từ bố mẹ. Thay bằng việc ghét em thì tôi nên yêu thương em nhiều hơn. Ít nhất, quãng thời gian có em, tôi được sống với cả bố và mẹ. Cứ ngỡ rằng thời gian được sống bên bố mẹ được thật lâu, thật lâu. Nhưng rồi, mẹ lại tiếp tục sinh em thứ hai. Điều này cũng ngoài mong muốn, nhưng bố mẹ đã quyết định vẫn sinh em ra chứ không thể hủy hoại một sinh linh bé bỏng được. Vì mẹ không thể đi làm, một mình bố chẳng thể nuôi được năm mẹ con. Cuộc sống mỗi ngày càng thêm khó khăn. Cuối cùng bố quyết định đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Cuộc sống vẫn tiếp tục là sự đánh đổi. Bố phải đi đến nơi xa hơn nữa, xa vô cùng. Hai em còn quá nhỏ, tôi và anh cũng chỉ có thể giúp mẹ việc nhà. Em gái út được ba tháng tuổi, mẹ đã tìm cách buôn bán. Thương mẹ và thương em nhiều không tả xiết. Việc nuôi một đứa bé đã quá vất vả, việc nuôi hai đứa trẻ nhỏ thì vất vả vô cùng. Mỗi chiều tôi lại ra chỗ mẹ bán hàng để bế em phụ mẹ Thỉnh thoảng, mẹ và anh đi chở đất thuê bằng xe thồ để kiểm thêm thu nhập. Mùa gặt, mùa cấy tôi thường xin nghỉ học để ở nhà trông hai em cho mẹ và anh ra đồng từ sớm. Với một đứa trẻ học lớp tám như tôi thì việc trông hai em nhỏ thực sự là cơn khủng hoảng. Có những lúc cả hai em đều khóc, dỗ dành được em này nín khóc thì lại đến em kia. Khóc vì đói, khóc vì gắt ngủ. Tôi bị bất lực, cũng khóc theo hai em. Ôi, nhìn tình cảnh ba chị em cùng khóc mới thê thảm làm sao? Chỉ mong từng giây từng phút mẹ và anh về sớm. Khoảnh khắc thấy bóng dáng mẹ về đến cổng thì nước mắt lại chan chứa vì mừng rỡ, cảm giác như vị cứu tinh xuất hiện vậy.. Sau mỗi vụ gặt, mẹ và anh trai lại ra đồng cắt rạ về đốt lấy tro để bán. Trong thời gian bố đi nước ngoài, năm mẹ con cố gắng rau cháo nuôi cháu. Dù nghèo đói đến đâu cũng nhất định phải để cho các con đi học để sau này có cơ hội để có tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng nhiều lúc tôi muốn bỏ học để đi làm kiếm tiền phụ mẹ. Cảm thấy tình cảnh gia đình thê thảm quá. Nhìn hai em nhỏ mà nước mắt không ngăn lại được, thương hai em rất nhiều. Mẹ, anh trai và tôi thường ăn cơm rau, cơm cà cho qua ngày. Lâu, lâu lắm sẽ được cải thiện hơn bằng một bữa ăn với cá khô, quả trứng đã vỡ lòng hoặc thịt mỡ rang mặn. Cố gắng chắt chiu để mua thịt trứng đều đều cho hai em, nhưng cũng khoán rõ mỗi bữa hai em chỉ được ăn 3 miếng thịt nhỏ thôi. Tuy nghèo, nhưng mẹ luôn cố gắng mua quần áo mới cho mấy anh em. Tết năm nay anh được mua quần thì tôi được mua áo, năm sau anh được mua áo thì tôi được mua quần. Cứ như vậy, hai năm là tôi và anh trai sẽ đủ 1 bộ quần áo mới vào dịp tết. Thật may là tôi cũng không cao lớn như bạn bè, chứ nhanh lớn mẹ lại chẳng có tiền mua quần áo, lại tạo thêm áp lực cho mẹ. Với tôi, mẹ là người hùng thực sự, một người phụ nữ quá mạnh mẽ, kiên cường với tinh thần sống thật đáng nể. Có lúc tôi tự hỏi, nếu tôi ở tình cảnh của mẹ liệu tôi có làm được những điều phi thường như vậy? Cơm áo gạo tiền đè lên đôi vai lam lũ, khiến cuộc đời mẹ chưa một giây phút được nghỉ ngơi. Mỗi năm bố sẽ gửi tiền về khoảng hai, ba lần, nhưng mẹ chẳng dám tiêu đến nhiều, chủ yếu dùng tiền bố gửi về cho những công việc như đám cưới, đám ma và đóng tiền học phí cho các con. Còn việc ăn tiêu hàng ngày chủ yếu từ số tiền mẹ lăn lộn bươn trải kiếm được. Ngày tháng vất vả cứ vậy trôi qua, khi tôi bước chân vào lớp chín cũng là lúc bố trở về từ đất nước xa xôi. Bố về mua quà cho cả nhà. Ai cũng hào hứng lắm. Thời gian trước, mỗi năm chỉ được mua một cái áo mới hoặc cái quần mới cũng đủ mừng lắm rồi, giờ được nhận quà thì niềm vui tăng lên gấp nhiều lần. Số tiền bố kiếm được, đủ để mua một chiếc xe Dream để bố phục vụ cho công việc sắp tới và đủ để mua sắm một số thứ cho gia đình. Lần đầu tiên ngôi nhà được trang bị được nhiều đồ đạc mới đến vậy, lần đầu tiên cả gia đình lại đông vui đến thế, lần đầu tiên tất cả ánh mắt ấy nhìn nhau chan chứa biết nhường nào. Những thứ tình cảm đã dồn nén nhiều ngày, giờ dâng trào và như muốn vỡ òa. Ánh sáng của hạnh phúc le lói trong tâm trí.. Tôi mơ màng trong hạnh phúc.. Tôi ước giây phút này sẽ ngừng trôi thật lâu dài, để yêu thương sẽ mãi đọng lại..
     
    Bughams thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...