MẸ TÔI LÀ DÂN CHỢ BÚA Tác giả: Nghĩa Trần Tầm hai giờ sáng, những cơn gió đông lạnh lẽo bắt đầu hun hút thổi vào từng khe cửa hở, rồi thổi tung đám lá bàng khô rụng đầy sân tạo ra những âm thanh xào xạc khô ráp, nghe thật buồn. Cái lạnh của mùa này khiến người ta chỉ muốn chìm vào một giấc ngủ thật sâu trong lớp chăn dày cho tới sáng, ngay cả những con đường, hàng quán sớm ngày đông đúc cũng không muốn bị ai làm phiền. Ấy vậy, giờ này lại là lúc mẹ tôi phải chạy chợ. - Chậc, sao giờ này mà xe chưa tới? Từ trong lớp chăn phủ kín đầu chỉ để hở hai con mắt tôi vẫn nghe được tiếng thở dài ấy của mẹ. Vài ba hôm nay, cứ đến giờ này là tôi không thể ngủ được nữa. Chắc đã thành quen hay vì mỗi lần mẹ sắp đi chợ là tôi lại vỡ giấc.. Ánh đèn xe lóe vào từng khe hở trong nhà, một tiếng còi nhẹ rít lên, xe trở cá từ bên Đồng Dương đã đến. Tôi hình dung ra dáng mẹ đang khệ nệ khênh từng thùng cá trơn ướt đặt lên con xe máy cà tàng cũ nát. "Cạch.. cạch.. cạch.. cạch", tiếng con xe máy cà tàng trở cá nổ lên và cứ thế nhỏ dần, nhỏ dần tít xa xa bên đường. Một ngày mưu sinh lại bắt đầu với mẹ tôi. Chắc có lẽ mấy ai hay đi chợ Rồng mà không biết đến người đàn bà bán cá ở ngay đầu chợ. Người đàn bà mà trước nay vẫn nổi tiếng đúng chất "dân chợ búa" - thô lỗ và quyết đoán. Nghe thì có vẻ không được tốt đẹp gì, nhưng cũng nhờ cái tiếng ấy mà hàng cá của mẹ tôi lúc nào cũng đắt khách. Ngay cả khi phải nghe những lời cằn nhằn, quát tháo của mẹ tôi, nhiều người vẫn xếp hàng đợi để mua cho bằng được. Tôi nghĩ bụng, chắc tại hàng cá tươi ngon nên người ta không tẩy chay, chứ đời nào ai lại thích mua hàng của một người khó tính như mẹ tôi. Nói vậy thôi chứ người ở chợ này quý mẹ tôi lắm, người ta nói là mẹ tôi ghê gớm nhưng hài hước và rất thoải mái. Mẹ tôi đã ngồi hứng nắng, hứng mưa để bán cá ở cái chợ Rồng này đã nhiều năm nay. Người sống quanh đây chắc cũng chẳng lạ gì cái tên: "Năm Cá" mà mẹ tôi hay được gọi. Người quen thì gọi là chị Năm, cô Năm. Người xa thì gọi là bà Năm Cá. Những người độc miệng hơn thì gọi là ả, mụ Năm Cá.. Thế mà mẹ tôi cũng chẳng để tâm, mẹ cười nói: "Tên là tôm cá gì cũng được, miễn hôm nào cũng hết hàng.." Sáng nay, tôi đến chợ cùng mẹ. Một sáng chủ nhật đông đúc xe cộ, tấp nập người qua lại. Chưa tới sáu giờ sáng mà chợ đã ồn ã, tiếng ông Khửu chặt xương lợn đôm đốp, bên kia là tiếng máy xay bột ngô cót két của thím Luân, rồi tiếng bà Hoa, chị Mười, anh Phó mời gọi khách chồng chéo lên nhau hết cả. Những âm thanh hỗn độn, ồn ào dường như đã làm tắt đi cái lạnh của sớm đông. Chợ từng lúc một đông hơn, hàng cá của mẹ tôi bắt đầu đón khách. Vị khách đầu tiên bước tới là một bà nội trợ có vẻ kiêu kì, tướng phương phi, khuôn mặt ả rõ một nốt ruồi ở mép. - Cá chép nay bao nhiêu? - Ả hỏi - Bốn lăm mở hàng lấy bốn mươi Chưa nghe dứt câu, ả ta chĩa bờ môi dày và chỏng lỏn kêu: - Gớm, định đùa tôi à? Cá bé thế này đòi lấy đắt! Vừa nói ả vừa lấy tay khua thùng cá làm nước bắn tóe lên người mẹ tôi. Và thôi xong, y như rằng, trợn mắt, nhíu lông mày, mẹ tôi chỉ tay vào mặt người đàn bà kia mắng: - Mụ mua thì mua, không mua thì đi hàng khác mà tìm, đừng nhiều chuyện, lượn! Vậy là ả quay ngoắt lưng lại rồi hênh hênh đi mà chẳng dám nói thêm câu nào. Mẹ tôi xếp lại thùng cá, miệng lẩm bẩm than: "Vừa sáng ra đã gặp của nợ, kiểu này chắc nay ốm hàng". Mọi người xung quanh cười khà khà, bỗng bà Năm hàng mắm ngồi bên vỗ vào vai tôi: - Đấy, có thấy mẹ con không? Như thế người ta mới không dám bắt nạt. Tôi cũng chỉ biết cười và gật đầu, rồi bà lại nói tiếp: - Chắc con không biết đấy thôi, để bà kể nghe. Có lúc ở chợ có thằng trộm, bao nhiêu lão đàn ông dồn bắt mãi không được, mà chỉ đến khi thằng trộm ấy gặp phải mẹ con. Nó đã bị mẹ con đẩy ngã dúi dụi xuống cái thùng cá trơn ướt mà chẳng thoát được. Cứ nghĩ lại là phục. Bà Năm cứ kể thế thôi, chứ ở chợ này người ta chỉ nhìn thấy mẹ tôi là một người đàn bà mạnh mẽ, quyết đoán, gồng lưng nuôi ba đứa con. Mấy ai có biết được rằng, cuộc đời mẹ tôi đã từng là một người phụ nữ bạc phận và chịu nhiều nhục đau như thế nào. Nói đến đây, trong tôi lại tái hiện những năm tháng về trước. Ngày xưa gia đình tôi sống trong một con hẻm cụt ở đầu dốc huyện, hồi ấy bố tôi bốc vác thuê cho một xưởng hàng còn mẹ tôi làm may. Cuộc sống hôn nhân thiếu thốn, ngày đêm lo nghĩ cho cơm áo gạo tiền khiến gia đình tôi chẳng mấy yên ổn. Bố tôi lại hay cờ bạc, rượu chè, cứ làm ra bao nhiêu thì chơi sạch. Nghe các chị tôi kể, hồi mẹ mới sinh chị thứ hai của tôi, bố tôi cứ đi biền biện, mấy ngày mới về, vì bố tôi thích có con trai như các cụ ngày xưa nên đâm buồn chán. Và rồi khi tôi được sinh ra, tưởng chừng bố tôi đã vừa lòng, phải chăng sự xuất hiện của một thằng con trai đã giúp gia đình tôi bớt đi những cãi vã. Nhưng cho đến năm tôi sáu tuổi thì những tháng ngày thật sự khổ đau, cùng cực, sự dè bỉu của họ hàng và những lần vũ phu của bố đã đè bẹp cuộc đời mẹ. Ngày mẹ tôi trở về từ nhà bà nội có lẽ là ngày đau đớn nhất mà tôi thấy. Những lời chửi mắng cay nghiệt của bà nội, những tiếng miệt thị chua ngoa của các thím về một phận "con dâu vô phúc" đã chém ngang tâm hồn tủi đau của một người phụ nữ cam chịu, yếu lòng. Bà nội ghét mẹ tôi vì không biết sinh đẻ, không đáng làm dâu. Chị cả và chị hai của tôi chính là giới hạn tha thứ cuối cùng mà bà nội đặt cho mẹ. Cho đến khi có tôi, phải chăng thì bà đã có một thằng cháu trai độc đinh, nhưng không, bà nội đặt cho tôi tên: "Của nợ không tiếng". Thật ra, hồi ấy tôi chưa đủ khôn để hiểu được những lời chua ngoa bà nội. Chỉ có mẹ tôi, chỉ mẹ là người đau đớn nhất. Tôi nhớ nhất lần cuối cùng bác sĩ lắc đầu và xác nhận tôi là một đứa trẻ không thể nói được, nói tuột ra thì tôi đích thị là một trẻ câm. Mọi người trong họ đến hàng xóm láng giềng gọi tôi là thằng câm, nhóc câm, người thương hại thì gọi là cậu câm. Thời gian đó cũng là những ngày bố đi mãi chẳng về. Chỉ thấy gã chủ nợ đến gõ cửa nhà tìm bố mấy hôm liền. Có buổi, đám côn đồ đến đòi đập nhà để lấy đất, mẹ phải quỳ xuống van xin cho ứng tạm mấy chỉ vàng mẹ dành dụm từ lâu. Từ sau cánh cửa buồng nhìn ra, tôi chỉ biết khóc và cho đến bây giờ cảnh tượng thê thảm ấy vẫn ám ảnh tôi mỗi lúc. Nhiều đêm liền, mẹ không ngủ được, trong lúc ôm tôi vào lòng, vừa nức nở mẹ nói: - Là do số mẹ vốn khổ, mẹ không biết chọn giờ sinh con! Những dòng nước mắt ấy đã ướt đẫm cả tuổi thơ của đứa con dại như tôi. Cuối cùng thì mẹ cũng không thể đủ sức giữ được căn nhà, gã chủ nợ đã cho đật phá, bố cũng chẳng về, mẹ con tôi chỉ biết nương tựa vào nhau mà sống. Mãi cho tới sau này, nghe được tin bố đã bỏ sang bên Lào an cư, mẹ mới đưa chúng tôi đến huyện bên để bắt đầu một cuộc sống yên bình hơn, không còn tủi nhục, để mẹ thoát khỏi những lời đắng cay của bà nội. Nhưng từ những nỗi khổ khác, một thân mẹ phải gồng mình bươn trải ngày đêm để nuôi ba đứa con. Mới đầu ba mẹ con tôi sống trong một túp lều mái lá mẹ tự dựng, ngày hè thì nóng bức, ngày đông thì lạnh thấu xương. Cuộc sống khốn quá nên chị cả tôi đã bỏ học để đi làm thuê. Còn mẹ, từ sớm là công việc nhặt ve chai khắp mọi xó xỉnh, ngày mưa ngày nắng thu cũng đâu bõ bèn, tối đến mẹ xin đi lau dọn cho một bệnh viện tư. Cứ như thế, cuộc sống dần lấy đi những nụ cười của mẹ mà trả lại thay là những giọt mồ hôi, tấm thân gầy gò và đôi bàn tay bủn rủn, tê nhức. Vì lo cho miếng ăn mà mẹ quên mất đời mình, mẹ không nghĩ đến chuyện sẽ đi thêm bước nữa. Lúc nào mẹ cũng chỉ lo chúng tôi không được ăn no, không được đi học như người ta. Và cũng chẳng biết từ bao giờ, mẹ đã trở nên mạnh mẽ, chai lì với những khổ đau của cuộc sống. Những vết xước trong cuộc đời mẹ giờ đây không còn nữa, mẹ nói mẹ phải như vậy để thay cả bố nuôi chúng tôi khôn lớn. Mẹ xin được một chân bán cá ở chợ Rồng, cái chốn lắm phiền phức ấy đã nhiều lần mẹ tôi bị người ta lừa tiền, lừa hàng, đôi khi chịu nhục vì mấy kẻ mua hàng vô đạo đức. Chính cuộc đời sóng gió và xã hội bon chen, đùn đẩy nhau đã tôi luyện ý chí sắt đá trong người phụ nữ vốn cam chịu trước đây- mẹ tôi. Nói thật, vì uất ức quá mà nhiều lần mẹ tôi cãi lộn, đánh nhau với mấy bà, mấy gã to họng, cậy quyền cậy chức ở chợ, có cả lần mẹ cùng bà Tám bị gọi lên phường vì cãi nhau về tiền nong, có lần thì đánh trộm vì tội trộm đồ.. Và rồi, cái tên "Năm Cá" của mẹ tôi được mọi người trong chợ ngoài chợ biết đến như một người đàn bà dân chợ búa thực thụ. Không đơn thuần là cứ ngồi bán cá ở chợ, mà mẹ tôi bắt buộc phải trở thành dân chợ để đối mặt với những hạng người tốt xấu khác nhau, để mẹ không phải chịu đựng nhiều tủi nhục thêm nữa.. * * * - Sao ngồi thẫn người ra vậy? Về thôi, tan chợ rồi! Một cái vỗ vào lưng tôi, mẹ hỏi. Tôi vội gạt hai dòng nước mắt tự khắc chảy ra từ khi nào. Hóa ra từ nãy đến giờ tôi ngồi suy nghĩ mà chợ cũng đã tàn rồi. Vội giúp mẹ khênh thùng cá đặt lên xe, dọn vài tấm bìa ngổn ngang ở gian hàng. Một ngày chạy chợ của mẹ tôi kết thúc. Năm nay tôi vào cấp hai. Tuy là thằng nhỏ thiệt thòi hơn so với bè bạn đồng trang lứa nhưng chưa một ai dám trêu trọc tôi. Có lần tôi nghe có đứa to nhỏ: "Mẹ thằng Phùng là dân chợ đấy, đừng có động vào nó". Nghe mà hài, nhưng thật sự thì bè bạn quý tôi và thương tôi lắm. Tôi luôn cảm thấy mình được bảo vệ khi có mẹ là dân chợ búa nên người ta có nói thế nào thì cũng không bận tâm.. Tôi đã thấy cuộc đời của mẹ tôi trở lại những niềm vui. Tiền bán cá để dành bấy lâu nay đã đủ xây một căn nhà mới, không đẹp, không to nhưng đủ để sống. Chị cả tôi đã đi lấy chồng, chị hai thì đỗ vào trường Sư phạm, còn tôi sớm buổi vẫn đến trường cùng bè bạn, thầy cô. Mãi bây giờ tôi mới hiểu, tất cả những sự thay đổi trong cuộc đời mẹ đều vì lo cho chúng tôi. Vì chúng tôi mẹ phải cam chịu suốt bao tháng ngày. Vì chúng tôi mẹ phải sống khác với bản năng của mình, mạnh mẽ và quyết đoán hơn. Vì chúng tôi mẹ mặc kệ thiên hạ, chỉ cần chúng tôi được bình yên, có cái ăn cái mặc. Cứ nghĩ đi nghĩ lại là hai dòng lệ lại ứa trào trên khóe mắt tôi. Thoáng chốc, những cơn gió đông thổi hun hút vào khe cửa hở, tiếng nổ xe cạch cạch cạch, người đàn bà dân chợ lại bắt đầu một ngày mưu sinh nữa trên con xe cà tàng, ngược gió đông với dáng người lom khom cứ thế mờ dần, mờ dần chạy xa tít về phía cuối con đường.