Tự Truyện Mẹ Tạp Dề - Thúy Bông

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Thúy Bông 93, 6 Tháng tư 2022.

  1. Thúy Bông 93

    Bài viết:
    10
    Mẹ tạp dề

    Tác giả: Thúy Bông

    Thể loại: Truyện ngắn, Tự truyện

    Tình trạng: Hoàn

    Góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của Thúy Bông

    [​IMG]

    Tháng sáu, Hà Nội bật chế độ "lò nướng bánh mì", trung tâm tôi nhận thêm hai học sinh mới. Thế nào mà hai đứa nó giống nhau: Tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, nhiều hành vi. Tôi chạy theo học sinh, trộm vía lại gầy đi một tí. Tối hôm đó gọi video nói chuyện, mẹ bảo:

    - Thế lại ăn kiêng à mà nhìn mặt tóp lại rồi đấy!

    - Không ạ! Con ăn bình thường, chắc tại nóng và có thêm học sinh nên hơi mệt tí xíu!

    - Nóng thì bật điều hòa mà ngủ chứ! Hết tiền thì mẹ gửi thêm cho, không sợ tốn điện đâu, nóng thế ngủ làm sao? Thế học sinh có nghe lời không? Khổ thân chúng nó!

    Tôi cười xòa:

    - Tụi nhỏ ngoan mẹ ạ, chỉ là chậm chạp hơn người bình thường thôi. Hai bạn mới này chưa quen nên vất vả thời gian đầu, vào nếp là lại bình thường mà.

    - Ừ, mấy cô trò làm việc với nhau nhưng con nói ít thôi nhé không lại ho! Mà nay búi tóc đểu thế!

    - Học sinh của con tết tóc cho đấy! Con bé nó khéo tay, tết tóc giỏi lắm. Cứ học ngoan thì con thưởng cho tết tóc!

    Câu chuyện lại cứ vô thưởng vô phạt, tôi trêu màu mực xăm môi của mẹ nhìn qua điện thoại hồng rực rỡ, mẹ trêu da tôi đen đi xấu gái hơn rồi.

    Nửa năm nay, ngày nào cũng khoảng sáu giờ tối mẹ sẽ nhắn tin hoặc gọi video cho tôi. Thế mà tôi lại xa nhà nửa năm rồi đấy! Câu chuyện của hai mẹ con lần nào cũng mở đầu bằng "con ăn cơm chưa" và kết thúc là "nhớ giữ sức khỏe". Thi thoảng lại nhắc "hết tiền thì nhớ nói với mẹ", ai đọc được lại nghĩ tôi vẫn là đứa trẻ con đang đi học đại học chứ không phải người đang đi làm. Mà cũng phải! Đứa con nào trong mắt bố mẹ đều là đứa trẻ cả thôi, dù là năm tuổi hay năm mươi tuổi. Tôi còn chưa đến ba mươi, hãy còn trẻ con lắm!


    * * *

    Tôi ở trọ trên tầng bốn, chủ nhà là một chị công an sống cùng con trai ở tầng ba. Cùng nhà còn có hai cô gái ở tầng hai. Chúng tôi cứ như mặt trời với mặt trăng, ngày tôi đi làm sớm, chiều về sớm, hai cô gái ấy đi muộn và khuya mới về. Tối hôm đó, tình cờ thế nào mà Ngân - cô gái bằng tuổi tôi ở phòng tầng hai về sớm. Chúng tôi cùng nấu ăn tối.

    - Cậu can đảm thật đấy, bỏ việc mà lên đây thế này. Chúng mình cũng không còn trẻ rồi, bố mẹ cậu cũng cho đi à?

    Vừa đảo nồi rau tôi vừa nhớ lại thời gian một năm đấu tranh để đi Hà Nội làm việc:

    - Tớ dùng một năm để thuyết phục bố mẹ. Biết sao giờ, ương bướng quá thì mẹ phải chịu thôi này!

    - Thế á! Ôi vậy cậu không bị giục lấy chồng à?

    - Bố mẹ tớ không giục gì cả. Chắc tự sốt ruột với nhau thôi!

    - Ui sướng thế! Tớ thì họ hàng đang nói là tuổi này chưa lấy chồng, chưa để mẹ bế cháu là bất hiếu. Ở nhà tớ được mai mối cho vài người, nhưng có vẻ họ chê nhà tớ nghèo. Bố mẹ tớ cũng vì thế mà hay buồn..

    Bữa ăn tối vô tình trở thành cuộc nói chuyện về nhân sinh. Tôi cứ tròn mắt ngạc nhiên vì ở thời đại của chúng tôi bây giờ mà vẫn còn những câu chuyện như vậy xảy ra sao? Là do tôi sống quá êm đềm hay là do hiểu biết của tôi còn quá nông cạn. Vậy mới thấy, "mẹ tạp giề" và "bố bụng bự" của tôi tâm lý thế nào. Ngân nói từng có một mối tình sinh viên ngắn ngủi nhưng không đi đến đâu cả, từ đó chẳng hiểu sao chưa yêu được ai nữa. Tôi lại nhớ về mối tình ba năm có lẻ của mình, tự nhiên vu vơ:

    - Tớ từng yêu một người ba năm, đã dùng ba năm để quên người ta và vô tình ba năm ấy thay đổi nhân sinh quan của tớ luôn, từ một đứa sẵn sàng cho việc kết hôn biến thành một đứa sẵn sàng lập nghiệp và đi theo con đường riêng!

    - Sao hai người yêu nhau lâu vậy lại chia tay? - Ngân hỏi.

    Tôi trầm ngâm. Nên nói là "do gia đình anh ta phản đối" hay nói "do anh ta không đủ bản lĩnh kết hôn với tớ", hay là "vì tớ bướng không chịu về nhà chồng ở"? Quãng thời gian ba năm ấy tua nhanh qua đại não. Tôi nhớ lần chia tay đầu tiên là vào dịp sinh nhật mẹ tôi. Vốn là đứa khó che đậy cảm xúc, tôi khóc kể với mẹ chuyện gia đình anh phản đối chúng tôi vì lí do xa xôi. Cũng đúng, gần bốn trăm cây số chứ ít gì! Mẹ tôi nghe thấy con gái kể rằng sang đến nhà rồi mà họ còn cố tình không tiếp thì nổi cơn tam bành, lập tức bảo tôi chia tay. Lần chia tay thứ hai, tôi chỉ nhẹ nhàng nói là chia tay, không khóc cũng không buồn. Khi đó đã là ba năm chúng tôi yêu nhau, anh qua lại nhà tôi nhiều đến mức đủ để bố mẹ tôi nghĩ về một đám cưới sắp đến rồi. Suốt vài tháng sau chia tay, mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt rất lo lắng. Tôi thì cứ vùi đầu vào công việc, đi tập huấn khắp nơi. Chuyện cưới xin như một từ cấm, không ai nhắc đến trong nhà. Cứ thế tôi dùng ba năm để suy xét lại xem bản thân muốn làm gì, muốn sống như thế nào..

    Câu chuyện nhân sinh kéo bữa tối của chúng tôi dài tận bốn tiếng đồng hồ. Ngân nói bản thân cô vẫn luôn mệt mỏi với cuộc sống hiện tại, không biết mình có đang làm đúng không, không biết có thể lấy chồng và trở thành người vợ tốt không khi mà công việc đã ngốn hết thời gian của cô rồi, cô còn không đủ thời gian nghỉ ngơi nên khi nghĩ phải hẹn hò, nói chuyện với bạn trai cũng trở thành áp lực. Tôi cũng vậy thôi. Chúng tôi và tất cả những cô gái lựa chọn đi ngược chiều với nhiều người đều ngày ngày tự hỏi mình có đang làm đúng không. Khi thuyết phục mẹ về việc tôi đi Hà Nội, tôi đã nói: Mỗi người lựa chọn hạnh phúc khác nhau, mẹ lựa chọn cuộc sống gia đình và con luôn biết ơn mẹ đã chăm sóc bố con con thật tốt, nhưng nếu con cũng chọn ở nhà với một công việc nhàn nhàn, lo cơm nước nhà cửa thì con không thấy hạnh phúc. Vài tháng sau lần nói chuyện ấy, tôi tìm được việc làm và quyết đi. Mẹ nhằm ngày rằm, mùng một những tháng ấy thắp hương và sắp lễ bảo tôi ngồi, nói là cầu cho đi làm xa được bình an.


    * * *

    "Con ăn cơm tối chưa? Nay mẹ đi vườn về muộn, bố đã nấu đỗ đen ăn rồi. Mẹ với thím út đi tha phân trâu về bón cây, eo ôi khiếp quá, chết vì rau!"

    Hà Nội giãn cách đã hơn một tháng. Thay vì những câu hỏi lo lắng lúc ban đầu, giờ mẹ con tôi lại tiếp tục buôn chuyện với nhau những câu chuyện hằng ngày. Tôi chẳng còn gì để kể nhiều vì học sinh nghỉ hết, nên chỉ nghe mẹ khoe giàn bầu giàn mướp mẹ trồng sai tốt, trồng đỗ đen đã được thu hoạch..

    Mẹ tôi nổi tiếng gần xa về khoản lo lắng cho chồng con, giai thoại về mẹ tôi thì tất cả bạn bè, người thân của chúng tôi đều biết. Chúng bạn còn đùa rằng đi làm xa thế mẹ còn gọi điện thoại như hồi đi học không. Khi chúng nó đùa vậy, tôi tự hào khoe: Ngày đó năm nhất đại học một ngày mẹ tao gọi ba cuộc điện thoại, tới năm cuối thì ngày gọi một cuộc, nhưng giờ mẹ tao nhắn tin Facebook và gọi video rồi nhé!

    Vì tính mẹ hay lo lắng, nên chỉ muốn đóng gói hết đồ ăn ở nhà gửi cho tôi. Khi nghe tin giãn cách, mẹ nhanh chóng đóng một thùng đồ khô nào là tôm, ruốc, mật ong, củ cải khô, đỗ đen rang sẵn gửi lên cho tôi. Trộm vía, nhà có người chăm chỉ thì sẽ có người lười. Mẹ tôi chăm hết phần của tôi rồi nên tôi lười lắm. Đỗ đen mẹ rang sẵn gửi cho mà còn lười hãm nước uống! Lười như vậy xứng đáng có mẹ ở bên! Khi mở thùng đồ ăn ra, chị đồng nghiệp tròn mắt hỏi tôi:

    - Mày kể khổ kiểu gì mà mẹ gửi cả gừng tỏi, khẩu trang lên thế này?

    Tôi thở dài, giọng nói hờn dỗi nhưng tự tôi cũng nghe ra mùi vị hãnh diện trong đó:

    - Em có nói là em đủ thì mẹ vẫn nghĩ em thiếu thôi ạ!

    Ngày còn nhỏ, vì mẹ luôn lo lắng và bảo bọc nên tôi càng thích thể hiện rằng mình đã khôn lớn, có thể tự lo toan và làm được nhiều việc. Bố mẹ chỉ có hai đứa con gái, chị gái tôi lập gia đình sớm lại sống vất vả nên tôi không rõ là vô hình chung bố mẹ tạo áp lực cho tôi hay tôi tự tạo áp lực cho bản thân mình. Suốt một khoảng thời gian dài tôi luôn muốn thể hiện mình tốt, nhưng chẳng thể hiện được gì ra hồn! Tôi chỉ biết học thôi. Như bao nhiêu phép thử sai, sai nhất đó là thuộc lý thuyết nhưng thực hành tệ. Vì thế càng nghĩ bản thân phải trưởng thành sớm thì cuối cùng tôi trưởng thành rất muộn!

    Chỉ đến khi tự nhận ra rằng tại sao mình cứ đi ngọt nhạt với người ngoài xã hội mà khi về nhà lại nặng nề cau có và xét nét người thân, tôi lại hóa bé con lần nữa. Bé con khi bắt đầu làm nũng mẹ, để mẹ tự do thể hiện khả năng.. của các bà mẹ. Mẹ luôn biết đồ đạc của tôi để ở đâu, luôn có thể dọn sạch sẽ căn phòng bừa bộn của tôi và chăm tôi lúc ốm. Có cảm giác thiếu điều muốn ngồi bón cho tôi ăn! "Mẹ tạp dề" lấy bố tôi từ năm mười chín tuổi, đã sống ba mươi tám năm với bố và dành trọn cuộc sống cho chúng tôi. Chúng tôi chính là hạnh phúc của mẹ. Vì thế khi nghe mẹ càu nhàu, nghe mẹ dặn dò mười lần cùng một nội dung, khi làm nũng để mẹ mắng là vụng về.. tất cả những lúc đó tôi đều cảm nhận được rằng mẹ đang hạnh phúc, hạnh phúc khi biết rằng tôi cần mẹ.


    * * *

    Cuối tháng chín, sắp đến sinh nhật "bố bụng bự" của tôi rồi.

    Món quà đầu tiên tôi tặng bố mẹ, theo như tôi nhớ, là một tấm thiệp và đôi dòng tâm thư. Không biết là văn học quyến rũ tôi hay do "hưởng gen" thích đọc sách từ bố mẹ, từ nhỏ tôi đã thích đọc và viết. Bộ não bé nhỏ của tôi thường hay tưởng tượng ra rất nhiều điều. Khi chuẩn bị quà cho bố mẹ, tôi luôn tưởng tượng họ sẽ vui mừng. Nhưng cách thể hiện sự vui mừng của bố mẹ rất đặc biệt. Bố tôi không phải là người khéo thể hiện. Ông luôn nói tôi bày vẽ nếu tôi đặt mua bánh sinh nhật, và cũng không trực tiếp nói với tôi nhiều chuyện. Lúc này mẹ lại là cầu nối của hai bố con. À thì, mẹ tôi cũng không phải người khéo thể hiện cảm xúc! Bất cứ ngày lễ gì mà tôi đem hoa về tặng là mẹ mắng tôi tốn kém, lãng phí. Khi tiết kiệm đủ tiền mua tặng mẹ một chiếc điện thoại thông minh, mẹ như thường lệ mắng tôi trước. Nhưng khi tôi cài Facebook và giúp mẹ kết nối với họ hàng ở xa, mẹ đã tự hào khoe điện thoại tôi mua cho bà, dù nó chẳng giá trị đến như vậy. Nụ cười của mẹ khi ấy khiến tôi thấy xấu hổ, vì bản thân từng chi nhiều tiền cho những cuộc ăn chơi và những món đồ thừa thãi mà lại không nghĩ đến mua tặng bố mẹ điện thoại thông minh sớm hơn. Bao nhiêu năm đi làm đến lúc về hưu bố tôi vẫn dùng chiếc Nokia "đáp vào tường không vỡ"! Khi tôi tiết kiệm đủ tiền để mua chiếc điện thoại tiếp theo tặng bố, thì bố thấy mẹ có điện thoại vui quá đã tự đi mua rồi! Tôi hết cơ hội thể hiện!

    Chọn quà cho bố tôi thực sự rất khó. Cả nửa đời người, mọi món đồ dùng của bố đều là mẹ mua cho. Mẹ biết bố thích mặc đồ màu gì, kích cỡ ra sao, biết bố thích ăn món gì, không thích điều gì. Bố tôi nóng tính, mẹ tôi luôn nhẫn nhịn. Sau giây phút nóng nảy, bố lại chủ động làm hòa với mẹ. Trong con mắt của đứa đọc ngôn tình từ bé như tôi thì có lẽ bố mẹ là món quà tốt nhất mà cuộc đời tặng cho nhau rồi. Và vài năm gần đây tôi luôn tự thừa nhận rằng có lẽ vận may cả đời của tôi đều đã dùng hết cho việc được làm con của bố mẹ! Sau vài lần chọn quà thấy không hữu dụng cho lắm, tôi nhận ra: Quà tặng không nhất thiết phải bóng bẩy và tốn kém. Quan trọng là cảm giác khi nhận thấy bản thân được quan tâm, và món quà đó có ích theo hướng vật chất hay tinh thần đều được. Tôi từng làm bánh tặng bố. Khi chưa kịp trang trí bánh thì bố đi nhậu về, thấy bánh để trên bàn đã tự ăn hết một nửa! Dần dà, tôi mua thuốc bổ, mua giày thay vào đôi giày bố đi đã mòn đế, mua tấm lót chuột máy tính, mua hộp bánh quy bố thích ăn. Việc quan sát người thân có thói quen và sở thích gì thực ra rất dễ. Mẹ đã làm việc đó cả nửa đời người, còn tôi mới học vài năm. Nhưng kì lạ là con cái nhận của bố mẹ rất nhiều nhưng ai cũng cho là điều hiển nhiên, còn khi con cái mới thể hiện một chút sự quan tâm thì tất cả mọi người đều trầm trồ. Lẽ ra cũng nên coi đó là điều hiển nhiên mới phải.

    Lần này tôi lại mua thuốc bổ. Khi người ta đem đến, lẽ thường là mẹ sẽ mắng tôi vì có chút tiền không biết để lại lo toan, dịch bệnh còn dài. Tôi lại phải an ủi rằng tôi có, tôi chưa thiếu. À, ngoài điều kì lạ trong việc cho - nhận giữa bố mẹ và con cái kể trên, tôi còn ngẫm ra một điều thú vị kì lạ nữa trong gia đình tôi! Đó là khi tôi mua một món đồ gì cho tôi hay cho bố mẹ, tôi đều phải nói giá thành thấp hơn giá thực mà tôi đã chi. Bố mẹ sẽ rất hài lòng khi tôi mua đồ rẻ. Còn nhớ tết năm ngoái, tôi tham khảo đứa bạn, mua tặng bố một đôi giày. Bố đi rất ưng, nghe giá tôi báo lại càng ưng. Mẹ cũng vui vẻ: Biết mua giá tốt như thế là được rồi!


    * * *

    Từ khi giãn cách, tôi chuyển về trung tâm ở. Một là đỡ tiền trọ, hai là tiện chăm sóc một bé học nội trú, nhà trong khu phong tỏa bố mẹ chưa đón kịp. Gần đây con bé thích xem hoạt hình "Bố đầu nhỏ, con đầu to". Bộ phim này là tuổi thơ của tôi rồi! Biệt danh "mẹ tạp dề - bố bụng bự" tôi gọi bố mẹ cũng xuất phát từ bộ phim ấy. Mẹ tôi ở nhà nội trợ từ khi tôi có kí ức, và quả thực chiếc tạp giề làm bạn thân của mẹ.

    Khi chưa gặp biến cố tình cảm khiến tư duy thay đổi, tôi đã rất thích kết hôn sớm và có cuộc sống gia đình đầm ấm, thích được như mẹ và có một người chồng như bố. Mỗi khi mẹ đeo tạp giề là chúng tôi sẽ có một bữa ăn ngon hay nhà cửa gọn gàng sạch bóng. Tôi vẫn luôn tự hào kể với chúng bạn rằng mẹ tôi có thể làm một món ăn cầu kì đến mức kể hết công đoạn cũng đủ thấy mệt: Món "khau nhục" của người Trung Quốc. Món ăn Việt Nam thì chắc chắn là mẹ đủ sức cân hết tất thảy nhà hàng, vì tôi vẫn nhớ có lần đi du lịch, tôi uống miếng canh cua rồi nói "không ngon bằng canh mẹ nấu"! Bố vẫn luôn bảo chị em tôi học mẹ cách nấu ăn đi! Quay lại món khau nhục, từ khâu chuẩn bị gia vị đã cầu kì rồi: Chanh muối, địa liền, rau gia vị, đậu phụ muối lên men, mật ong, mắm muối.. Luộc sơ thịt, ướp gia vị, rán thịt, hấp thịt.. Mỗi lần làm món ấy là tôi thấy mẹ đeo tạp giề từ sáng đến tối. Mười mấy tiếng cho ra một bát thịt mà dùng từ "ngon" thôi không đủ diễn tả sức hấp dẫn của nó! Nếu không làm mẹ của chúng tôi, có thể mẹ sẽ là một đầu bếp có tiếng, hoặc một thợ may giỏi! Nghĩ đến đây, tôi nhìn xuống chiếc váy đang mặc trên người. Đúng, đó là váy mẹ tôi may. Từ nhỏ, tôi được mặc áo len mẹ đan, quần áo mẹ may. Áo len có cải hình cây thông, còn váy thì thần kì đến nỗi to nhỏ tùy chỉnh theo cơ thể, mặc vài năm vẫn vừa. Hồi nhỏ thấy thần kì lắm, lớn lên mới hiểu rằng khi đó nhà quá nghèo để năm nào cũng mua quần áo mới cho chúng tôi nên quần áo luôn to rộng thùng thình.

    Đài báo năm nay rét sớm và rét hơn năm ngoái. "Mẹ tạp dề" của tôi lại tất tả phơi chăn màn, quần áo rét. Tôi lại làm nũng:

    - Mẹ gửi quần áo rét cho con nhé. Có xe lưu thông hàng hóa đó, mẹ gửi cả hạt sen nhé..

    Mẹ tôi liên tục hỏi có cần thêm gì không. Thực ra tôi hoàn toàn tự mua được đồ ăn ở Hà Nội. Thủ đô không thiếu gì cả. Nhưng thiếu đồ của mẹ! Chị gái nói là tôi giỏi làm nũng, ở nhà bố mẹ ngày nào cũng xem tin tức dịch bệnh và lo lắng cho tôi. Thực ra tôi có làm nũng hay không thì bố mẹ vẫn lo lắng vậy thôi! Nhưng nếu cả nhà sống với nhau hoàn toàn như những người "trưởng thành" thì chán lắm! Tôi tình nguyện làm đứa con làm nũng bố mẹ!

    Tôi hồi hộp chờ thùng đồ ăn và túi quần áo rét của mẹ. Thùng đồ của mẹ, từ khi tôi học đại học đã luôn giống túi thần kì của Doremon. Bạn hoàn toàn không biết được trong túi có gì, cũng như tôi luôn không biết sao mẹ có thể nhét nhiều đồ như thế vào một thùng xốp bé! Trước cửa nhà tôi trồng cây chay, mẹ ươm hạt và trồng cả chục năm rồi. Mẹ gửi lên cho tôi một bọc quả chay chín! Tôi cười chảy nước mắt, cố nghĩ lại xem mình có từng bông đùa với mẹ rằng để phần quả chay chín cho tôi ăn không. Qua mùa chay lâu rồi, mẹ vẫn giữ một bọc quả chay to chín mọng trong ngăn đá cho tôi!


    * * *

    "Đài báo gió lạnh và mưa đấy, con ăn uống cẩn thận vào nhé. Thế mua chăn bông người ta mang đến cho chưa?"

    Giữa tháng mười, Hà Nội đã bỏ giãn cách được vài tuần, chúng tôi vẫn hằng ngày nhắn hỏi nhau những câu hỏi mãi không chán như vậy. Mẹ tôi thế, vốn hay lo lắng quá nhiều. Lúc nào mẹ cũng lo tôi không thể tự chăm sóc tốt cho bản thân, hoặc do tôi làm nũng nhiều quá nên mẹ thực sự nghĩ tôi không thể tự chăm sóc mình!

    Mấy hôm nay vết sẹo mổ trên bụng tôi ngứa ngứa, đau đau. Mổ hơn một năm rồi mà vẫn ngứa, sợ nhỉ! Sự tích đi mổ thì bi hài lắm. Mà cuộc đời hai mươi tám năm của tôi cũng như một vở bi hài kịch, không có bi tráng, cũng không có lãng mạn! Giữa tháng bảy năm ngoái, tự nhiên tôi đau bụng. Với kinh nghiệm đau ốm hai chục năm thì tôi đoán mình đau ruột thừa. Tôi lại bật chế độ làm nũng, cùng mẹ vào bệnh viện kiểm tra. Ruột thừa thì không sao nhưng bác sĩ nói tôi có khối u!

    Khi có chuyện gì vô tình không may mắn xảy ra, mẹ tôi lại tự trách bản thân dù chuyện chẳng có liên quan gì đến mẹ. Mẹ tự trách đã không đủ tài giỏi để giúp tôi định hướng việc học tập và có công việc ổn định sớm. Mẹ tự trách vì mẹ không nghiêm túc bảo ban từ nhỏ nên tôi có thân hình béo tròn! Giờ nghĩ lại thấy mẹ thật đáng yêu! Tôi học không giỏi môn tự nhiên nên tự chọn ban xã hội. Tôi lười nên tôi béo thôi mà! Các bà mẹ đều vậy hay chỉ có "mẹ tạp dề" của tôi như thế? Lần này mẹ lại trách mình và "bộ gen" không tốt để tôi lắm bệnh tật. Để mẹ đỡ lo lắng, và có lẽ để trấn an chính bản thân mình, tôi chuẩn bị đi mổ với tinh thần rất tốt. Tôi đi sơn một bộ móng tay thật xinh, trông như một dải ngân hà trên tay. Bình thường mẹ sẽ càu nhau rằng sơn móng tay không tốt, nhưng hôm đó mẹ chẳng nói gì cả. Tôi còn dự định cầm sách theo để đọc trong viện, nhưng quên mất! Thông báo lịch mổ, mẹ gọi về nhà bảo bố thắp hương khấn tổ tiên. Bố mẹ tôi đều là người thành tâm với tổ tiên dòng tộc. Tối trước hôm mổ, tôi chụp ảnh với mẹ, cười toe toét gửi về cho bố. Bố khen tinh thần tốt! Thực ra thì sáng hôm sau tôi run lắm! Vẫn nhớ như in lúc bước vào phòng mổ, tôi quay đầu vẫy tay chào mẹ, mặt mẹ căng thẳng sắp khóc đến nơi! Khi ra phòng hồi sức cấp cứu và được thoát hôn mê thì tôi thấy là bốn tiếng trôi qua rồi. Nằm im trong phòng thêm bốn tiếng, bụng bắt đầu nhâm nhẩm đau, tôi vẫn nhớ là đã hỏi hộ lý hai lần rằng mẹ em đâu rồi! Mọi người đều trêu rằng lớn như vậy rồi còn bám mẹ. Hai tám năm nay mẹ luôn ở bên tôi, những lúc yếu đuối nhất tôi cũng chỉ nghĩ đến bố mẹ. Kể cả ngay sau đó vẫn tự mình vượt qua tất cả, nhưng tiếng "mẹ" như là câu thần chú có phép thuật nào đó khiến tôi thấy yên tâm vậy.

    Hà Nội dạo này mưa suốt, ở nhà tôi cũng thế. Ngày còn bé, tôi luôn nghĩ mẹ không thể hiểu được tôi. Đến bây giờ thì tôi thấy tôi chỉ muốn quay về quá khứ mắng cho tôi-thời-đó một trận! Biết sao được, tuổi dậy thì mà! Đứa trẻ nào cũng có vấn đề với tuổi dậy thì cả, những học sinh đặc biệt của tôi cũng thế. Tôi thường nghĩ mình sẽ nhìn vào mẹ và vào bản thân để nuôi dạy con cái sau này. Có nhiều lúc lí do của mẹ bất đồng với quan điểm của tôi, nhưng nào có sao! Ta có thể ngọt nhạt với cả thiên hạ, cớ gì người phụ nữ đáng kính yêu nhất trong cuộc đời mình mà ta lại cau có, chấp nhặt? Ngày Phụ nữ Việt Nam năm ngoái, tôi chia sẻ với mẹ rằng sống an phận tôi không thấy hạnh phúc. Ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay, tôi ở cách mẹ gần bốn trăm cây số, cũng chưa cảm thấy hạnh phúc vì những gì đã làm trong bảy tháng qua. Nhưng tôi biết mọi con đường đều có một điểm đến, lựa chọn nào cũng sẽ có một quá trình đáng để tận hưởng. Quan trọng nhất là "mẹ tạp dề" luôn ở bên tôi trên tất cả những con đường tôi chọn. Ở bên tôi theo cách bình dị nhất, càu nhàu nhất, lo lắng nhất, yêu thương nhất.

    Thế là đủ tự tin để tôi cứ bước về phía trước rồi!

    - End-
     
    Phan Kim Tiên thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...