"Mẹ nó bỏ nhà theo trai" Tác giả: Phương Vy Ngày còn là sinh viên, tôi vẫn thường tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần về nhà thăm thầy bu, chơi lũ trẻ trong xóm. Nhà tôi có khoảng sân rộng bằng cả hai cái sân bóng chuyền gộp lại được bố tôi bắn mái tôn phủ kín sân cả ngày không có hạt nắng nào rọi xuống, chẳng vậy mà lũ trẻ trong làng cứ chiều chiều lại tụ tập ở sân chơi đủ thứ trò của chúng bày ra. Vào một buổi chiều thu cuối tháng 9, thời gian mà bọn trẻ bắt đầu cho năm học mới, lúc tôi đang đứng ngoài sân chơi cùng lũ kiến thì bọn trẻ đi học về, thấy tôi đứng trong sân bọn nó phi xe đạp vào cổng loại xe nhỏ vừa bằng người tụi nó. Cu Tuấn nhanh nhảu nhất cất lời chào - Chị Hà, chị lại về à? - Sao bảo chị lại về? - Em toàn thấy chị ở nhà? Hề. Hề Nó đáp lời tôi rồi cười khềnh khệch. Hẳn là đã nô nhau từ trường về tới đây, đứa nào đứa này quần áo sộc xệch, mồ hôi nhễ nhại cả. Nhà tôi không có trẻ con vì thế mà thầy bu tôi thích con nít lắm, cứ thế mặc kệ chúng nó nô đùa, đôi lúc tôi nghĩ đây giống như là hợp tác xã của bọn trẻ vậy, chúng nó thoải mái vào phòng khách mở tivi xem phim hoạt hình rồi cãi nhau om tỏi, chỉ khi mà mâu thuẫn tới đỉnh điểm một đứa òa khóc chạy về mách bà mấy đứa còn lại mới khiên cưỡng rời đi. Bọn trẻ ngồi ở bậc thềm bước vào phòng khách thi nhau kể với nhau những câu chuyện trên lớp. Tôi hỏi chúng - Thế đã có đứa nào có bạn gái chưa? Cu Thắng chỉ tay về thằng Tuấn rồi nói bằng chất giọng quê đặc sệt - Thằng Tuấn thích cái Đài Trang hây. Tuấn thấy bạn nói vậy giãy nảy lên, phụng phịu đáp lại - Tao thèm vào thích nó. Mẹ nó bỏ nhà theo trai thây. Tôi giật mình khi nghe câu nói "Mẹ nó bỏ nhà theo trai thây". Không phải tôi không biết truyện đó, nhưng cách một đứa con nít trả lời khiến tôi bị ngộp, chững lại trong giây lát. - Đấy là mẹ nó, chứ có phải nó đâu. Sau này em ấy lớn lên xinh gái lắm đấy. - Xinh gái em cũng chẳng thèm. Mẹ nó thế rồi nó cũng thế. Cu Tuấn quả quyết khẳng định bằng chất giọng đanh thép. Tôi thực không dám nghĩ tới đứa trẻ đó sẽ thế nào nếu nghe được câu nói của cu Tuấn. Lời nói của đứa trẻ học lớp 2 đôi lúc lại khiến người khác buộc lòng phải suy nghĩ. Mẹ của Trang là người phụ nữ xinh đẹp và quyến rũ, ở quê tôi chị là người có lối sống hiện đại. Tuy nhiên cái hiện đại của chị lại gây ra sóng gió cho chính gia đình chị. Không biết là chị đã nhân danh tình yêu bằng cách nào nhưng vào một ngày không đẹp trời chị đã ôm toàn bộ số tài sản tích cóp được đi theo một người đàn ông khác, bỏ lại đứa con thơ không một chút thương xót. Lần đó, làng quê yên bình của tôi được một phen dậy sóng. Một người phụ nữ bỏ con theo người khác, điều tiếng để lại họ không bao giờ nghe thấy, chỉ có những người ở lại cứ thế âm thầm gặm nhấm từng ngày, từng ngày. Tôi thật lòng muốn biết, mẹ của Trang sẽ suy nghĩ thế nào về câu nói của Tuấn? Chị ta sẽ đau lòng hay cũng chỉ như gió thoảng. Thì ra tình yêu nồng cháy là thế, nó cháy mạnh tới nỗi thiêu đốt cả luân thường đạo lý, làm lụi tàn cả tình nghĩa vợ chồng, cứt đứt luôn tình mẫu tử. Đối với người khác họ trao cho con họ hành trang vào đời là cả một túi thương, còn chị mặc nhiên trao cho con mình một núi định kiến của người đời. Lời nói của một đứa trẻ là vô thưởng vô phạt, suy nghĩ về Trang của Tuấn sau này sẽ thay đổi, nhưng bản thân của Tuấn có thể sẽ hình thành tư duy không tốt về những điều tương tự như thế. Là tự bản thân trẻ con có suy nghĩ đó hay là cách giáo dục của người lớn đã vẽ những nét sai lầm lên suy nghĩ non nớt của lũ trẻ. Hồi còn nhỏ, tôi chơi thân với một bạn, gia cảnh của bạn đó không tốt, bố bạn ấy suốt ngày chỉ uống rượu say rồi đánh đập mẹ con bạn ấy, hết tiền lại đi trộm cắp từ làng trên xuống xóm, cứ vậy một vòng luẩn quẩn. Lúc đó bố tôi đã cấm tôi chơi cùng bạn ấy, không phải ông khinh khi gì họ, mà ông sợ tôi sẽ nhiễm những thói hư của bạn tôi. Nhưng bố tôi không hiểu một điều là bố của bạn tôi hư nhưng bạn tôi thì không. Lúc đó, tôi đã trách ông rất nhiều vẫn cứ cố chấp chơi với bạn ấy, sau này lớn lên khi hiểu mọi chuyện tôi không trách ông vì điều đó. Nhưng cũng không ít lần tôi đặt câu hỏi, "tại sao bố tôi lại giáo dục tôi theo cách đó?" Câu nói "cha nào con nấy" không sai, nhưng cũng không hoàn toàn sẽ đúng. Những đứa trẻ sống trong gia đình không hạnh phúc đã mang những vết thương vĩnh viễn không lành, nhưng chúng ta lại nhẫn tâm một lần nữa đặt chúng vào khuôn ép sai lầm của người lớn rồi phủ lên đầu chúng bằng những câu khẳng định chắc nịch kiểu như "Mẹ nó thế rồi nó cũng thế". End!