Mẹ nghèo “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?” Có lẽ với ai đó tuổi thơ là những chiều í ới gọi nhau thả diều, những buổi tắm sông, nước đục ngàu nhưng đứa nào cũng thi nhau ngụp lặn đến quên mất giờ phải về ăn cơm, là những buổi nghỉ học đi bắt chuồn chuồn rồi dồn đầy vào hai túi quần, lúc moi ra cho mấy con chó ăn thì cứ phải hì hục mãi vì keo dính chuột mà bọn chúng dùng để bẫy đã dính cả vào nhau. Với nó tuổi thơ là những ngày cùng mẹ che gạch mỗi khi có cơn mưa rào bất chợt ập đến, là hình ảnh bố rượu say, đập phá nhà cửa làm mấy mẹ con sợ hãi chỉ biết ôm nhau nép vào góc nhà. Tuổi thơ của nó là hình ảnh mẹ van xin, quỳ nạy mỗi khi người ta đến đòi nợ bạc của bố. Mẹ về làm vợ bố cũng chỉ bởi nhà ông nội có điều kiện, chẳng biết sướng khổ thế nào nhưng gả vào đó mẹ sẽ không phải ăn chóc, ăn khoai, ăn những củ sắn cứng thái nhỏ đem luộc tới ba lần vẫn không nhai nổi. Thời mẹ đói nghèo, ai nghĩ cao xa gì đâu, có cái gì cho vào mồm đã là một điều hạnh phúc. Mẹ là con dâu nhưng bà nội thương mẹ lắm, có khi còn thương hơn cả bố. Lúc mẹ ra ở riêng, tháng tháng bà nội vẫn giấu ông đong cho ít gạo, có món gì ngon bà đều cầm ra cho. Mẹ bảo nếu bà nội không mất sớm thì chắc mẹ và mấy đứa sướng lắm nhưng cuộc đời làm gì có chữ nếu. Bà mất, ông đi thêm bước nữa, rồi sinh thêm vài người con. Ai cũng vậy, có con thì phải lo cho con chứ, đấy là còn chưa kể mẹ ghẻ con chồng mấy khi mà yêu thương nhau. Bà nội mất, mẹ không còn ai đùm bọc chở che, mẹ mất đi một chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất, tưởng rằng về nhà ông nội làm dâu sẽ chẳng bao giờ phải lo nghĩ tới miếng ăn mà rồi đói vẫn hoàn đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi không tha. Mỗi lần mẹ nhớ bà ngoại quá, mẹ lại dúm ít gạo mang đi, ở nhà ông bà ngoại bữa trưa rồi mẹ lại tất tả bế con về ngay, lo lợn gà cám bã ở nhà. Mẹ bảo con với cháu ăn no một bữa thì ông bà ngoại đói cả tuần. Bố nó nếu không có rượu, không có cờ bạc thì sẽ là một người bố tuyệt vời. Mỗi khi ông đi làm xa ông đều vào chỗ giường mấy đứa đang ngủ, đánh thức bọn chúng dậy, ông nhẹ nhàng thơm vào má, dúi cho chúng ít tiền rồi nói: Ở nhà ngoan nhé, cuối năm bố về bố sẽ mua quà cho. Ông đi làm biền biệt đến gần tết mới về, mình mẹ nó ở nhà nuôi mấy chị em, đối nội, đối ngoại, ma chay, cưới hỏi, cứ gọi là trăm dâu đổ đầu tằm. Nó thấy đôi mắt dịu hiền của mẹ sáng lên hi vọng rồi lại đượm buồn rất nhanh. Mẹ hi vọng bố đi làm sẽ có tiền trang trải nợ nần, có tiền mua cho chị em chúng bộ quần áo mới đón tết để bằng bạn bằng bè. Mẹ hi vọng nhiều bao nhiêu thì thất vọng lại nhiều bấy nhiêu. Bố đi làm về chỉ có người không, mấy hôm sau nó lại thấy người ta đến đòi nợ bố, không có bố ở nhà thì người ta bắt nợ mẹ. Gia đình nó nợ nần vì thế mà ngày càng chồng chất, gánh nặng đè lên vai mẹ nó nhiều hơn. Người ta khinh rẻ, dè bỉu mẹ nó. Cuối năm họ đi làm về có tiền, tụ tập anh em ăn uống. Tất niên, nhà ngay cạnh nhau đấy, anh em con chú con bác chứ nào có phải xa xôi gì đâu, thế mà họ chẳng mời bố nó. Không tiền, sợ bị người ta bắt nợ nên bố nó chẳng đi đâu. Bố ở nhà rồi lại rượu, lại say, lại đập. Người ta ăn xong, đồ thừa canh cặn thì đem sang cho nhà nó. Nó thấy nước mắt mẹ rơi nhưng vẫn cố bảo các con ăn đi ngon lắm đấy. Lúc nhỏ nó đâu biết rằng mẹ đã phải chịu đựng như nào mỗi khi chú bác, những người hàng xóm cùng ngõ rủ nhau hối hả chạy đi mua thịt bò bán rong. Họ cười đùa, nói chuyện với nhau ngoài đường, còn mẹ cứ lủi thủi trong nhà. Mẹ bảo thịt đó thiu rồi nên người ta mới đem bán rong đấy, hôm nào mẹ mua thịt tươi về cho ăn. Nó chỉ biết tin lời mẹ chứ đâu biết rằng không có tiền thì ai người ta bán chịu cho. Bố nó ngủ thì không sao, tỉnh dậy lại hạch sách mẹ, rượu đâu, tiền đâu, mẹ không đưa cho thì dơ chai lên doạ đánh mẹ chứ bố nào biết những điều như vậy. Cả nhà lúc giáp hạt chỉ còn tí thóc ăn đỡ đói mà bố vẫn còn vét sạch đem đi bán lấy tiền đánh bạc thì làm sao bố biết được. Anh nó bị con nhà ông bác ném cho vỡ đầu, máu chảy ra đỏ bể nước, may là có người đi qua họ thấy đưa đi cấp cứu chứ không cũng đã chết lâu rồi. Mẹ nào có lỗi gì đâu, trẻ con chơi với nhau đánh vỡ đầu con mẹ, mất máu nhiều anh nó rên ử ử mẹ chỉ biết ôm chặt vào lòng, con mẹ thì mẹ xót chứ có ai xót con mẹ. Anh nó vỡ đầu thì mẹ phải là người đau nhất chứ, thế mà người ta cũng lấy cớ đó ghét mẹ, nói xấu mẹ. Nhìn thấy mẹ, người ta cũng chẳng chào lấy một tiếng, còn quay đi khinh bỉ, nhổ bọt sau lưng mẹ, vậy mà mẹ thì vẫn đon đả chào họ. Mẹ nó là như vậy đấy, mẹ bảo mình cứ sống với trời với đất con ạ, không thể lấy oán mà báo oán được. Nhà nó có ba chị em, đông con nhà nghèo nên chị nó phải nghỉ học sớm, nhường cái quyền được đến trường đó cho hai em. Lấy chồng, gánh vác công việc nhà chồng, chị nó rồi cũng phải làm mẹ. Vợ chồng chị thỉnh thoảng hay cãi cọ, khục khặc với nhau, chị giận chồng bỏ về nhà mẹ đẻ. Người mẹ ấy đã quá khổ vì chồng giờ lại thêm chuyện con, mẹ nhẹ nhàng khuyên răn chị: Vợ chồng chẳng bỏ được nhau đâu con ạ, huống hồ giờ chúng máy đã có con với nhau rồi, cái bát cái đĩa ở với nhau còn có lúc xô nói chi vợ chồng, chồng có nóng quá thì vợ bớt nhời đi một tí. Chúng mày có bỏ nhau thì chỉ con cái là khổ thôi, có bố thì mất mẹ. Ở đây một tí cho hết giận rồi về không con nó khóc không ai trông. Mẹ là vậy, bao năm vất vả nuôi con, trả nợ cho chồng, vun vén chăm lo cho gia đình nhưng chưa bao giờ mẹ kêu than một tiếng. Mẹ cứ làm quần quật từ sáng đến tối, có miếng gì ngon lại nhịn miệng để dành cho con. Nó nhớ lắm cái buổi tối khi cả hai mẹ con đang nằm ngủ thì có tiếng xe ôm đầu ngõ. Tiếng xe ôm này không giống như tiếng xe ôm hay chở bổ nó về. Mẹ dậy bật điện, không phải là bố mà là anh nó. - Chị cho em xin 100 nghìn ạ. - Cháu nó chưa trả cho anh à?. - Dạ chưa. Mẹ rút tiền trả cho ông xe ôm rồi quay sang hỏi anh: - Có gì mà về nửa đêm nửa hôm thế này hả con? Thiếu gạo, thiếu tiền thì bảo mẹ gửi lên cho chứ sao phải khổ vậy. Anh nó không nói gì, cứ thế bước vào nhà, một xíu nữa thì lại có tiếng xe ôm, là người bạn ở cùng phòng trọ với anh. Nó thấy bạn anh kéo mẹ vào một chỗ nên chạy theo xem anh đó nói gì với mẹ. - Mấy hôm nay nó cứ làm sao ý bác ạ, nó cứ bảo là có người định giết nó, không ăn uống gì, chiều chiều nó cứ cầm dao đứng ở đầu ngõ. Cháu tưởng nó nợ lần lô đề gì nên bị họ doạ cơ, nhưng mà không phải. Cháu vừa về phòng trọ thì thấy mấy đứa trong xóm bảo nó bắt xe về rồi, cháu bắt xe đuổi theo. Bác xem có chuyện gì không, cháu phải về gấp vì còn cái đồ án phải nộp gấp cho thầy. Không biết chuyện gì đang xảy ra với anh nó nhưng hình như mẹ cũng mường tượng ra điều gì đó chẳng lành. Những ngày sau đó gia đình nó trở nên rối ren. Bố đang đi làm xa nhưng nhận được điện mẹ cũng vội vã về. Anh nó có biểu hiện của chứng điên loạn, hoang tưởng, cứ tự nhiên anh chạy ra bảo ai đang nói cái gì đấy mà có ai nói gì đâu. Hàng xóm xung quanh bảo anh bị ma làm. Có người còn bảo hay đi đền chùa, bẻ cành bẻ lá nên bị thánh phạt. Họ giới thiệu cho mẹ thầy này, thầy kia cao tay lắm, nhiều người chữa khỏi rồi, bà đến đó thử xem sao. Có bệnh thì phải vái tứ phương, ai bảo mẹ đi đâu mẹ cũng đi. Nghe người ta bảo sừng tê giác chữa được bách bệnh mẹ liền chạy vạy tiền nong, van xin người ta mua cho, bao nhiêu tiền mẹ cũng trả miễn là con mẹ khoẻ mạnh. Cúng rồi, vái rồi, cái họ đưa cho mẹ bảo sừng tê giác chữa bách bênh đó cũng uống rồi mà bệnh tình anh nó như ngày càng nặng thêm, anh đập phá quát tháo làm xóm làng ai cũng sợ, mấy lần anh còn cầm dao đòi giết mẹ. Không thể để như thế mãi được, mẹ bàn với bố đưa anh đi bệnh viện khám. Đưa được anh đi bệnh viện cũng khổ lắm vì cứ nhắc đến viện là anh nổi khùng bảo là anh không có bệnh gì hết, anh còn bảo: Đứa nào đưa tao đi viện tao chém. Mẹ phải nhờ cậy mấy người to khoẻ trói anh lại rồi khiêng lên xe. Mắt mẹ chảy ròng ròng: Đau lắm à con, cố lên, cố lên. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị tâm thần phân liệt, phát hiện sớm thì may ra có thể cứu vãn được một chút nhưng do để lâu quá rồi nó chuyển sang mãn tính, họ bảo do thiếu máu hoặc bị chấn thương nào đó lúc bé. Mẹ như ngã quỵ, sụp đổ hoàn toàn. Đứa con mẹ sinh ra lành lặn, thông minh mà giờ nó lại nửa tỉnh nửa điên thế này. Hồi bé anh bị đánh vỡ đầu, mất nhiều máu quá mà nhà nghèo làm gì có tiền mà bồi dưỡng. Nếu mẹ có tiền chắc anh đã không bị vậy, mẹ lại tự trách mình. Người ngoài không biêt chuyện đó thì bảo mẹ ăn ở thất đức nên con cái giờ mới thành ra như vậy, mẹ không nói gì chỉ đưa tay gạt nước mắt. Để hạ cơn điên cho anh nó người ta dùng loại thuốc mạnh nhất, anh uống vào rồi cứ sùi bọt mép ra, người giật đùng đùng. Mẹ lại ôm chặt anh như những ngày bé dại. Nó nhờ cái cảm giác khi vào viện thăm anh: sợ hãi, vừa đi vừa nhìn rồi có lúc chạy thục mạng như bị ma đuổi. Người khóc, người cười, có người tự nhiên cứ rú lên, người thì quần áo đang lành thì xé tan ra, người thì cứ đấm huỳnh huỵch vào ngực mình, người thì cứ ngồi ì ra, không nói không rằng, mặt mũi đờ đẫn… Ai vào cái thế giới của những người điên đó một lần chắc chắn sẽ hiểu. Anh ở đó một tháng, thấy bênh tình anh thuyên giảm mẹ cho anh về để tự chữa trị tại nhà, tại tiền thuốc men cũng đắt quá, mà rồi ở trong đó người cười người khóc, không ăn không ngủ được, không điên có khi cũng bị điên. Nói là thuyên giảm nhưng thỉnh thoảng anh vẫn tái phát, anh bỏ đi lang thang. Mỗi lần về nhà không thấy anh đâu mẹ lại hối hả đi tìm, mẹ sợ con mẹ ngộ dại làm gì đó không phải bị người ta đánh chết. Mấy năm nay bố đã bớt cờ bạc, rượu chè, chí thú làm ăn nhưng anh bệnh tật làm bố đâm ra chán đời, bố lại lấy rượu để giải sầu. Trong cơn say bố hay nhìn anh rồi bảo: Ước gì tao không sinh ra mày, nhà tao có ai điên dại gì đâu mà lại sinh ra mày, nói anh xong bố quay ra đay nghiến mẹ: Vợ họ đẻ ra con vàng, con bạc chứ bà thì đẻ ra một thằng điên, một thằng tâm thần. Con của mẹ mang nặng đẻ đau sinh ra, có dại, có điên thì vẫn là con mẹ. Nó thấy mẹ thí anh uống thuốc như thí một đứa trẻ con lên ba: Uống đi, uống đi con, tí thích gì rồi mẹ mua cho. Căn bênh của anh không ưa nói gắt, chỉ cần to tiếng một tí thôi thì sẽ chẳng biết có chuyện gì xảy ra, có lần anh đã hất luôn bát cháo mẹ hì hục nấu cả sáng. Nấu được bát cháo như vậy nào có dễ dàng gì, trời mưa, bếp ẩm, rơm rạ vì thế cũng khó cháy. Ngày nó đi học xa nhà trời mưa tầm tã. Mẹ nhờ chị chở nó ra chỗ đón xe. Nó được quân đội cử đi học, phải mấy năm nữa nó mới được trở về mảnh đất thân yêu này. Mảnh đất ấy, mảnh đất nơi nó đã được sinh ra, mảnh đất có người mẹ nghèo tảo tần bao năm, hi sinh những hạnh phúc riêng tư nuôi nó lớn khôn. Nó vừa bước lên xe thì thấy mẹ nó chân đất đội mưa chạy ra. Trời như mưa nặng hạt hơn. - Cố lên, cố lên con nhé. - Mẹ chạy với theo nói với nó cái câu y như lúc mẹ ôm người anh điên dại của nó mỗi khi anh phát bệnh. Mẹ hãy yên tâm mẹ của con nhé. Con sẽ cố gắng, cả cuộc đời này con sẽ ghi lòng tạc dạ những lời người mẹ nghèo dặn con trước khi con đi: “ Sinh ra trong cái nghèo đó cũng là một may mắn, nghèo hèn chính là nấc thang cho bậc anh tài. Dù con có học nhiều hiểu rộng, làm tới ông này ông kia đi nữa thì cũng không được quên công ơn những người đã sinh thành ra con. Bố con rượu chè, cờ bạc thật đấy nhưng ông vẫn là một người bố tốt, người thương yêu con nhất. Anh con ngộ dại, nửa tỉnh nửa mê, sau này có lẽ con sẽ phải thay mẹ nuôi anh, rồi còn phải thay anh gánh vác trọng trách gia đình. Người ta có thể coi thường, hắt hủi anh con vì ngộ dại nhưng con không được phép như vậy. Có điên, có dại đó cũng là anh mình, cũng là máu mủ từ một khúc ruột mà ra. Niềm tin của mẹ, bay và hãy bay thât xa con nhé, chúc con chân cứng đá mềm.“