Tự Truyện Mẹ Là Chân Ái! - Lính Hải Quân K

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Lính Hải Quân K, 22 Tháng tư 2020.

  1. Lính Hải Quân K

    Bài viết:
    24
    Tên truyện: Mẹ là chân ái!

    [​IMG]

    Tác giả: Lính Hải Quân K

    Thể loại: Tự truyện

    Link thảo luận:

    [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Của Lính Hải Quân K

    Văn án:

    Mẹ luôn là nguồn cảm hứng của các tác giả - cũng là các người con. Mẹ trong câu chuyện của mình cũng vậy, nhưng có lẽ các bạn đọc sẽ cảm thấy thú vị bởi nhân vật người ba hơn ý.

    Việc ba sủng mẹ thì không còn xa lạ và việc con cái chỉ là 'tai nạn' lại càng gần gũi. Sẽ có nhiều chi tiết khiến bạn hiểu được rằng: "Dù con cái có là niềm tự hào, nhưng mẹ vẫn là nguồn sống của bố."

    Các bạn hãy theo dõi truyện để cảm nhận 'cẩu lương' này nhé. Chứ nhân vật con cũng nghẹn lắm rồi nạ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng năm 2020
  2. Lính Hải Quân K

    Bài viết:
    24
    Chương 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mẹ là chân ái!

    Mở đầu chủ đề là Mẹ - người có công cách mạng trong việc sinh ra các người con ưu tú (ý nói mình nè).

    Chắc các bạn nghĩ, tiêu đề này của tôi khá cũ, các bạn khác đều có tình yêu vô tận với mẹ, nhưng sẽ có sự khác biệt. Đảm bảo các bạn sẽ bất ngờ.

    Lúc ba tôi 25 tuổi – ông được mệnh danh là "lúa công tử". Ông được sinh ra ở gia đình khá giả, nên cũng được học cao. Vậy nên mới nói, hậu phương của tôi cũng vững chắc chứ hả!

    Ông không có ý muốn phụ việc gia đình. Ông có niềm đam mê với nhà đất – một mảng khác so với kinh doanh của gia đình nhà nội. Ông nôi vì muốn trói ba tôi lại nên ép ông cưới vợ - mẹ tôi. Khi ấy mẹ mới 18 tuổi, mẹ còn bảo hối hận cơ.

    Ba tôi lúc đầu có đồng ý đâu. Ông nội cho chú hai lên tận thành phố, bắt ba tôi về. Cũng 2, 3 phen trốn thoát, nhưng sau lần gặp mẹ tôi. Ông quyết định đem cả phần đời còn lại gắn bó với bà.

    Do ngày trước, người ta không trọng việc con gái học cao, nên khi mẹ tôi học xong cấp ba thì bị bắt thôi học để phụ việc trong nhà. Sau đó, như các bạn đã biết, bà trở thành vợ của một thanh niên lêu lỏng.

    Nghe cô tôi nói, mẹ tôi rất có tài quản lí, bà luôn tự biết cách sắp xếp mọi thứ gọn gàng. Ông ngoại yêu thương bà như "người tình kiếp trước", con gái của ông ngoại là kiểu vừa đẹp lại vừa khéo. Ông hay kể: "Ta chưa phải đói ngày nào từ khi mẹ con biết nấu cơm." Không bù cho tôi nha. Em đây 20 tuổi mà chỉ luộc trứng, nấu mì thôi.

    Câu chuyện bắt đầu từ khi mẹ trở thành dâu của "Lúa gia". Cái tên này có lẽ sẽ không xa lạ so với bối cảnh trong những năm 198.. Nhà ông bà nội tôi trồng lúa nhiều đời, công làm trong nhà rất đông, các cô chú đều theo nghề trong nhà, chỉ có ba tôi thì.. chán.

    Mẹ làm dâu khá nhàn, bà không cần phải nấu cơm hay rửa bát gì đâu. Nói không phải khen, bà nội tôi luôn lẩm bẩm: "Trước sau, trong ngoài nhà ta, không ai không quý mẹ con. Con dâu này, khó lắm mới tròng lại được, ta không thả ra, thằng con ta thì không có cửa mà thả ra."

    Mẹ về nhà, lúc đầu thì thay phần cho ba tôi, quản lí lúa thóc trong nhà. Ba tôi vẫn vậy, ông đầu tư vào đất, sau này người ta thịnh hành cái ngành bất động sản. Ông năn nỉ, à không, "nhõng nhẽo" với mẹ để ông "mang mẹ tôi" đi thành phố lập nghiệp.

    Ông không thể đi mà không có mẹ tôi, bà nội tức giận lắm.

    "Mày có thể đi, nhưng dâu tao thì phải ở đây. Còn không thì làm việc ở đây, không đi đâu hết."

    Nghe chú hai kể vậy đó, lâu lâu về quê lại nghe chú hai luyên thuyên: "Thời gian đầu bà con làm gì chịu cho nó đi, nhưng về sau mẹ con lại xin bà để theo ba con."

    Nghe đâu bà tôi cũng giận lắm, nhưng thím hai (vợ chú hai) cũng khuyên căn cho. Vậy là ba mẹ tôi rời nhà sau một năm kết hôn.

    Mẹ tôi có quan điểm rất rõ ràng. Của nhà nội thì không phải là của bà, vợ chồng lập nghiệp mới có cơ may mà cho con cái.

    Vậy là mẹ theo ba lên thành phố. Từ số tiền bán đất ban đầu, ông bà đầu tư vào nhà đất. Có lúc cũng "bất động" sản đúng nghĩa. Mẹ phải kinh doanh thêm để lo chạy các bữa ăn. Bà tôi vì giận nên không muốn ngó ngàng đến, nhưng lâu lâu vẫn đánh điện lên cho mẹ hỏi thăm.

    Cơn đóng băng bất động sản cũng qua. Sau một năm bươn chải, mẹ cũng giúp ba thành công trong sự nghiệp ông muốn. Mẹ nói: "Nhìn lại, năm đó là năm năm khó khăn nhất trong cuộc đời mẹ, không tính việc sinh hai đứa."

    Châm ngôn của ba "Sống là người của Ly Hương, chết là ma của Ly Hương". Ly Hương – tên mẹ tôi. Các bạn chắc thấy cẩu lương lắm, nhưng nhiêu đó có là gì đâu.

    Năm 20 tuổi, mẹ mang thai anh trai tôi, phải nói quá trẻ rồi.

    Nội ngoại hai bên như ong vỡ tổ. Bà ngoại muốn lên thành phố trông mẹ, còn bà nội lại muốn mẹ quay về nhà. Thật ra, các cô các thím khi có thai đều được đối xử như vậy. Chỉ tại mẹ tôi sống xa nhà, nên không thể không lo.

    Vợ trẻ, vợ đẹp, vợ giỏi. Vợ được gia đình yêu quý. Vợ cùng đồng cam cộng khổ. Vợ sinh ra hai đứa con thông minh, xinh đẹp (nhấn mạnh 'trong đó có tôi'). Yêu chiều vợ là chân ái – đây mới là ý nghĩa của tiêu đề đây các hạ.

    Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này, chủ đề Mẹ là nguồn cảm hứng của rất nhiều tác giả.

    Mong rằng trong số những tác giả đó, các bạn có thể ghé thăm bài viết của mình.

    Các bạn chính là nguồn động viên của mình, chân thành!
     
  3. Lính Hải Quân K

    Bài viết:
    24
    Chương 2:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Ly Hương, em thấy thời tiết này thì ăn bên ngoài đẹp nhỉ? Anh ra sân nướng gà cho em." Người có ăn có học có khác.

    "Ly Hương, em thấy đôi giày đó thế nào? Em mang sẽ đẹp lắm" ông chỉ vào đôi giày mới ra của 1 thương hiệu thời trang rồi nhìn lại chân mẹ tôi.

    "Hương Ninh à, con có cần thêm quần áo không? Hải Nam à, con muốn mua máy tính mới không?" Vâng, ba tôi không nói câu này.

    Anh trai là kĩ sư máy tính, nói hay là dân IT, nói thực dụng là hacker. Tôi chọc anh là dân cài nhạc dạo, còn ba tôi thì nói toàn chơi game. Ba tôi ức lắm, vì anh tôi giống ba ở chỗ chẳng theo nghiệp gia đình. Mẹ phán "cha nào con nấy".

    Tôi cách anh trai 6 tuổi, còn là sinh viên năm 2. Tôi theo ngành ngôn ngữ, tia hi vọng cuối cùng của ba tôi cũng tắt.

    Ý thức cao nhất của anh em tôi là "ít nghe, ít thấy, ít đau lòng", "so sánh là đâm đầu đi chết".

    "Ba, hôm nào ba chở con đi xem dàn máy mới nha." Anh trai đưa ra yêu cầu. Nói đưa đi, chứ thật ra là xin tiền, anh tôi rất ít xin gì đó, thậm chỉ tiền học cũng tự đi làm mà có (không phải đa số).

    "Hỏi xin mẹ." Ba nhả 1 câu rồi kéo tờ báo cao hơn đầu, chán nhìn anh trai.

    "Ba, hôm nọ thương hiệu X ra bộ sưu tập túi mới, con có thể đổi với một kì học bổng không?" tôi đem của học bổng ra ăn vại rồi.

    Ba tôi đưa mắt nhìn vào màn hình điện thoại đang có hiện các loại túi. Nhẩm: "Cái này hợp với Ly Hương này" rồi đọc tên thương hiệu một lần nữa.

    Sau đó, thì là không có sau đó nữa. Mẹ tôi có chiếc túi mới, tôi ôm số tiền học bổng nhỏ nhoi bỏ ống heo.

    Một lần khác, ba chở mẹ đến công ty như mọi ngày. Tôi đòi ba sẵn chở đi học, tôi nói hôm nay sợ trời sẽ mưa. Ba không nói gì, chạy lên nhà lấy cái áo khoác rồi bỏ vô xe, nhẩm 'Ly Hương dễ bị cảm lạnh.'

    Tôi bị bỏ lại cho anh trai.

    Một hôm, anh trai muốn mượn xe ba để đi tiệc một người bạn, anh nói trời sắp chuyển mưa, mặc âu phục mà ướt thì lại kì.

    Ba ra nhìn trời rồi tặc lưỡi: "Ờ, đem xe đón mẹ rồi hãy đi, mẹ đang bên nhà cô Huệ, đi taxi không an toàn."

    Vậy nếu không đón mẹ, chắc chắn không xin được xe. Mẹ vẫn là ưu tiên hàng đầu.

    Hôm nọ tôi nổ pháo khai chiến với ba.

    "Ba, 'người tình kiếp trước' muốn mua giày mới, đây là yêu cầu hợp pháp của con gái đối với ba."

    Mọi người không thể biết đâu, mẹ rất nhiều giày. Ba nói chân mẹ đẹp, mang sao cũng đẹp, nên để mẹ mang được nhiều giày.

    Bộ chân tôi xấu lắm sao. Tại tình yêu không ở chỗ này thôi.

    Nhưng hôm nay lại có một dấu xanh tích cực. Ba đồng ý nha, tất nhiên là mua thêm một đôi tặng mẹ.

    Chắc ai cũng thắc mắc mẹ tôi nói gì sau những lần như vậy lắm.

    Để hạ hồi phân giải.

    Hôm khác, có một tin nhắn lạ đến số của ba, không may nó lại nằm trên tay của mẹ. Nội dung cũng khá thú vị, chắc là một mối tình mới chớm nở nào đó.

    "Anh cầm điện thoại rồi đọc lớn cho các con cùng nghe." Mẹ nhàn hạ ngồi uống nước ép, tay xoa ngón tay đeo nhẫn. Ý muốn nói, 'anh đọc không rõ thì chiếc nhẫn cưới này em đem khá lâu rồi.'

    Anh trai và tôi xem như có cơ hội trả thù. Dù có như thế nào thì mẹ vẫn đúng. Giậu đổ bìm leo, một phát chí mạng.

    Ba tôi chần chừ một lúc lại nói: "Quân tử sao lại sợ tiếng oan, Ly Hương, em xem, ngày mai chúng ta đưa hai đứa về quê thăm ông bà nhé!"

    Không biết sao ba tôi có thể phát ra cái tiếng 'quân tử'. Anh em tôi chỉ chờ người 'quân tử' tử nạn sa trường thôi.

    Mẹ thì không nói một lời nào, đưa mắt nhìn ba, tay sờ nhẫn cưới, còn lộ vẻ lười nhát ghen tuông. Bà chưa bao giờ đặt mình ở thế yếu, ba tôi thì có bao giờ ngóc lên được phái mạnh trước mặt bà.

    "Tôi cảm ơn vì lần giúp đỡ trước, anh là người đàn ông chu đáo, chắc vợ anh rất hạnh phúc khi có anh bên cạnh. Mặc dù không hợp với đạo đức, nhưng đối với tôi, anh là người đàn ông lý tưởng để tôi lấy làm chồng. Không biết anh có nghĩ thế không? Ngày mai tôi sẽ gặp anh tại công ty nhé, chào anh. Thân yêu!"

    Giọng ông không còn dõng dạc, cũng không mang khí chất quân tử ban đầu, như một chiếc máy radio không bắt rõ sóng.

    Ba mẹ tôi luôn tôn trọng cảm xúc của các con, trước nay luôn giải quyết mọi vấn đề ở phòng riêng, nhưng khi anh em tôi có nhận thức xã hội, ông bà thường chia sẻ nhiều hơn về đời sống. Đây chỉ là một trong những lần như thế.

    Ba không phải quân tử, không phải không rung động tuổi trung niên, nhưng ông đem lòng yêu thương, thậm chí là mến mộ mẹ tôi cực độ. Dù trong hoàn cảnh nào, mẹ sẽ luôn là lựa chọn của ông. Dù ông đang ở cái tuổi phong độ nhất, thành công nhất, có rất nhiều người sẵn sàng ngã vào lòng ông, nhưng ông không bao giờ phản bội tín ngưỡng của mình – là mẹ tôi.

    "Anh đã giúp cô Giang, buổi chiều thứ 5 tuần trước. Cô ấy bị gãy gót giày, ngã gần anh, nên anh đỡ. Anh khẳng định, anh không động chạm, không lợi dụng, thậm chí còn không còn quay lại khi cô ấy gọi cảm ơn. Anh oan lắm!" nhìn xem, thiếu mỗi hai hàng nước mắt thôi ấy.

    Mẹ còn chưa kịp nói gì mà ba đã bắn một tràng tiểu liên. Mẹ tôi chưa bao giờ ghen ra mặt, nhưng bà luôn có hành động khéo léo khiến người kia tự thấy khó mà lui.

    Cuộc chiến không bao giờ thực sự diễn ra trước mặt con cái, nhưng cả hai đều biết không thể nuôi dưỡng cái hi vọng của người kia. Động tác chính là mẹ mang tặng một đôi giày cho cô gái kia. Ý nói rằng bà đã biết chuyện, đôi giày bà có thể cho đi, nhưng chồng thì không.

    Đúng là vậy, tối hôm sau, ba tôi nhận một tin nhắn xin lỗi kèm theo một voucher dành cho gia đình ở một nhà hàng.

    Bạn đường, bạn đời, bạn trăm năm – mẹ và ba. Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ mẹ là người hờn hợt trước tình yêu của ba tôi nhỉ?

    Mẹ khi còn chưa biết tình ái là gì, đã gặp ba. Mẹ nói ông bà ngoại dạy bà làm con ngoan, thầy cô dạy mẹ trở thành trò giỏi, còn ba dạy mẹ trở thành công chúa, dạy mẹ cách yêu và được yêu.

    Có một câu chuyện ngày xưa, câu chuyện cũ xưa được mẹ tôi gói ghém trong tận đáy trái tim của bà. Ba tôi không tự nhiên mà yêu mẹ nhiều như thế, mà cũng không phải mẹ tôi yêu ba vô điều kiện, thật ra, tình yêu trong cuộc sống không vô tình mà phát sinh, mọi thứ đã là hữu ý.
     
    Last edited by a moderator: 23 Tháng tư 2020
  4. Lính Hải Quân K

    Bài viết:
    24
    Chương 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi hai gia đình quyết định việc cưới sinh, họ hàng hai bên đều rất hài lòng, có thể dùng câu 'trai tài gái sắc' để miêu tả. Ba tôi hồi còn trẻ đã vốn có vận đào hoa, ông khiến cho nhiều cô gái trong làng thơ thẫn, tuy có thời gian ông lên Sài Gòn (lúc bỏ nhà đi ấy), nhưng có rất nhiều cô gái mong ngóng ông trở về. Mẹ tôi không được tính như "nghiêng nước nghiêng thành", ở bà có đức tính cần cù, lại đảm đang, học hỏi nhanh chóng, các cô dì đều khen bà tháo vát, sáng dạ.

    (Thường ở quê, mỗi lần có đám (giỗ, cưới, ma chay) các cô các dì thường tập trung nấu ăn, phụ giúp gia chủ. Mẹ thường được kêu phụ giúp, nên mọi người mới bảo mẹ tháo vát ấy)

    Nhưng cuộc sống không gì có thể trọn vẹn cả, mẹ dần trở thành kẻ thù của nhiều cô gái khác trong làng, họ xem bà là người tranh giành. Những phiên chợ là lúc mọi người bàn tán về mẹ, có người chẳng quan tâm đâu, có người bênh vực cho bà, nhưng cũng có người lớn giọng châm biếm. Mẹ sao không biết chứ, bà vững giữ lập trường của mình – đó là im lặng.

    Có tin đồn bà tham sang phụ khó, bỏ rơi bạn tình hồi còn đi học để gả cho ba tôi. Có lời đồn bà cố ý cấn bầu với ba để đòi cưới hỏi. Họ còn bày ra trò bùa ngãi, bảo mẹ là tà giáo, khiến ba tôi mê muội. Sau tất cả, lời mỉa mai cuối cùng khiến bà không thể không lên tiếng, họ nói bà lang chạ với nhiều người đàn ông khác, bản chất không yêu thương gì ba tôi.

    Khi ấy, cả ba và mẹ tôi đều không giải thích, chỉ có các cô dì trong họ bênh vực cho mẹ, vì họ hiểu bà, họ hiểu người con gái nhỏ ấy.

    Mẹ cũng không biết ba tôi nghĩ gì sau những lời đồn đại, lắm lúc bà muốn nói, lắm lúc bà đợi ông hỏi để còn giải thích, nhưng ông vẫn im lặng. Cố định sáng tối, ông đưa đón bà về phía nhà để học dần công việc, cũng để bàn lễ cưới. Ông cũng thường xuyên lưu lại nhà vài tiếng đồng hồ để đánh cờ với ông ngoại, hay phụ bà ngoại vườn tược.

    Có hôm ông không ghé vì bận, ông cũng sẽ cho người đến đón bà sang, bằng tối nhất định sẽ đưa bà về.

    "Tôi không muốn em phải lo lắng bất cứ việc gì. Con người của em, nhân cách, hay cả về.. trinh tiết, tôi đều có thể nhìn ra. Việc này cũng là lỗi do tôi, không bảo vệ được cái danh dự cho em. Nếu em thấy khó, có thể không tiếp tục cưới hỏi, tôi tôn trọng ý kiến của em, càng tôn trọng người 'con gái' là em."

    Trong một buổi tối, ông khẽ nói với bà, tuy âm thanh chỉ đủ cho cả hai nghe thấy, nhưng trong tim bà như ngập tràn trong một luồn tiếng vang lớn, trái tim bà như có hàng nghìn cái trống da, cái dùi liên tục đập lên mặt trống ấy.

    "Nếu không có mai mối, có lẽ khi chạm mặt ở trên đường, chúng ta đã không nhận nhìn đối phương. Có lẽ đây là cái duyên cái nợ anh à! Em không ái ngại lời đồn, nhưng nó làm ảnh hưởng đến tía má em, tía má anh, và cả anh nữa. Em chưa từng nghĩ rằng, lời đồn sẽ đánh gục một ai đó, cũng chưa bao giờ để chúng ảnh hưởng đến em. Mong rằng, anh có thể.. chấp nhận em, chấp nhận người con gái trong lòng anh."

    Nghe mẹ kể lại, tôi còn giận sôi máu, nếu tôi ra đời từ trước, chắn chắc sẽ thay mẹ, dạy dỗ bọn người đó. Ba thì nhìn mẹ cười hì hì, anh trai thì cũng gật gù liên tục, có vẻ tán thành cho việc gì.

    Chập chiều của các làng quê thường hội lại bằng buổi chợ chiều, mẹ vẫn đi chợ như hằng ngày, có một điểm khác lạ là hôm nay bà đi với bà nội (là mẹ chồng tương lai của mẹ). Mọi người chỉ dám xầm xì to nhỏ, họ sợ bà cả Lúa nghe thấy thì chết. Có một chị gái lên giọng nói to: "Rước con dâu không khéo lại họa, miệng đời gièm pha, đức hạnh thua kém cả thảy mấy con gái trong làng, bà hà cớ gì rước họa vậy."

    "Bà đây có đón dâu cũng tới lượt các người nói sao? Nhắc tới con dâu nhà này, các người xứng sao? Nhân cách của con dâu nhà bà, các người nhận xét được sao? Chống mắt mà nhìn cái lễ cưới to nhất cái làng, cái ấp, cái xã này. Nhanh mà còn lấy chồng, tọc mạch chuyện người, cẩn thận còn giữ lại cái miệng."

    Bà nội tôi đâu có hiền, bà chịu trách nhiệm quản lí toàn bộ công làm, ai lười biếng, ai nhiều chuyện xáo rỗng, sao bà có thể nhìn không ra chứ. Tính bà trước nay thẳng như ruột ngựa, bà từng theo học phương Tây, bà hiểu rõ những gì cần nói, không gì phải sợ dè bỉu của xã hội. Lời bà trước nay như đinh đóng cột, bà khẳng định mẹ tôi xứng đáng bước vào làm dâu nhà bà, hành động của bà như dập tắt mọi hi vọng của những cô gái ngoài kia.

    Sau 3 tháng ròng rã, ba cũng đón được mẹ về nhà. Đúng như hứa hẹn, đám cưới của hai người trở thành đám cưới lớn nhất khắp xã lúc ấy, các mối làm ăn trước nay của gia đình, các mối quan hệ với quan chức lớn nhỏ, họ hàng từ nơi xa, bạn bè của cả ba và mẹ đều có mặt. Họ chúc mừng cho hai người 'khổ tận cam lai', vượt qua cả sự hoài nghi, định kiến, và sự mối mai lạc hậu, họ thực sự yêu thương, tôn trọng và sùng bái đối phương.

    Mẹ yêu ba vì ông trước sau tin tưởng bà, ông xem bà như một tín ngưỡng của cuộc đời ông, nguyện che chở trong âm thầm cho bà. Ở ông có sự mạnh mẽ, dám đương đầu gánh vác, ông kiên định, lại rất tôn trọng ba mẹ hai bên.

    Ba yêu bà vì bà sống chân thành, thấu hiểu, đồng cảm với những đau khổ, hay dám đương đầu cùng ông xây dựng sự nghiệp. Từ chỗ mến mộ ban đầu, ông dần trở thành một con nghiện trong tình yêu của bà.

    Nếu các bạn nói đoạn tình cảm này cũng thật nhàn, chỉ là mối mai, gặp gỡ, may mắn hai bên đều nhìn 'được mắt' nên mới đến với nhau. Xin các bạn đừng quên, ba mẹ chúng ta đã sống trong một đoạn thời gian phong kiến lạc hậu cả về nhận thức lẫn kiến thức. Những lời đồn đại về trinhh tiết chính là con dao sắc bén, cứa từng cơn lên tấm thân của một người con gái, gây định kiến đối với người khác (nhất là mẹ chồng). Mình rất cảm ơn vì khi ấy mẹ đã mạnh mẽ vượt qua, nếu không 'cái tai nạn' là mình với anh trai cũng không xảy ra.

    Phải, mình vừa nhắc tới 'cái tai nạn', một lần khi mẹ 20 tuổi, một khi mẹ 27 tuổi. Ba luôn nói, ba chưa bao giờ nghĩ mình sẵn sàng có con, cho đến tận bây giờ. Người ta bảo 'yêu mẹ thì yêu cả con', nhưng ba tôi lại ngược chết bọn nhỏ.

    "Các con phải cùng ba yêu mẹ, chứ tình yêu của ba nhỏ tí, sao chia được thêm cho hai bây."

    Đúng là câu nói của người cha yêu con, có trách nhiệm với sinh linh mình đã tạo ra mà.


    Chương 3 sẽ kết thúc ở đây ạ. Cảm ơn các bạn đã đón được.

    Dự định của mình chỉ 5 chương thôi, vì mối tình này có kể tiếp thì sẽ kéo dài tầm 4 5 chục năm nữa, đây là không muốn ngược đãi các bạn nhoaaa.

    Về sau sẽ là những khoảnh khắc bạn chắc rằng, anh em chúng tôi không những là tai nạn, mà có thể được nhặc từ cây me, gốc mít nào đó. Chân thành!
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng năm 2020
  5. Lính Hải Quân K

    Bài viết:
    24
    Chương 4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Mẹ bảo thứ mấy mẹ về vậy ba?"

    "Ai mà biết, ai mà quan tâm tới."

    "Ba, tối nay ra ngoài ăn hay ba nấu vậy?"

    "Sinh con đẻ cái, nuôi nó tới giờ, mà nó đòi mình nấu nó ăn, hay ra ngoài ăn. Sao con không đề nghị con sẽ nấu cho ba một bữa nhỉ?"

    Hai ngày nay, ba tôi cứ như ai cầm cây chọc vào người, gặp ai cũng cáu gắt, gặp ai cũng bắt bẻ, quở trách. Tôi, anh trai, nhân viên công ty, thậm chí là các chiến hữu của ông cũng không thoát. Chuyện có gì lớn lao đâu, mẹ tôi đi công tác một mình, chuyện có thế thôi.

    "Mẹ, bao lâu nữa mẹ về, ba sắp lật nhà lên rồi, ông nói ông không tìm thấy hộ chiếu." tôi than vãn.

    "Mẹ, mẹ đem hộ chiếu ba theo làm gì, chi bằng mẹ đóng gói gửi ba về quê cho đỡ khổ tụi con." Anh tôi cũng phải lên tiếng, sắp tức nước vỡ bờ rồi.

    "Mẹ sợ ba con vượt biên, tụi con chịu đựng ba thêm 2 ngày, mẹ còn gặp vài người bạn. Nhớ ăn uống đầy đủ, anh hai không về muộn nha con, con út không có bạn bè suốt ngày, ở nhà với ba nha." Mẹ tôi dặn dò như vậy, có quá đáng không chứ, ba tôi có phải trẻ nhỏ gì đâu.

    "Con nghĩ là con có công tác 2 ngày." Anh trai mà cũng buông xuôi, khẩu đại bác đang phát hỏa trong nhà thật đáng sợ mà.

    "Con út, kho thịt cho ba ăn, mua mỡ mỡ tí, đừng nói ba là mẹ cho ăn nghe chưa. Mẹ mua được nhiều thứ hay lắm, về cho hai đứa."

    Cuộc điện thoại ngắn gọn, con phải chăm sóc cho ba, ba thích ăn thịt kho có thêm mỡ, anh trai phải về sớm để cùng em gánh vác ông chú khó ở. Coi mà tức không cơ chứ!

    Tôi dùng ánh mắt thán phục nhìn anh tôi, người ta nói anh trai tôi mang trí tuệ của mẹ là rất đúng. Nếu tôi mang gen đu bám, dễ phát cáu, ngẫu hứng của bố, thì anh lại mang nét lạnh lùng, trí thông minh và có chút thâm hiểm của mẹ nha.

    Mẹ tôi phải sang Thái vì công ty muốn mời một nhà thiết kế nội thất, ban đầu là ba mẹ cùng đi, nghe đâu ông ba già đã lên kế hoạch 'trăng mật lần thứ n' của họ. Nhưng trước đêm bay, ông bị mắc mưa trong lúc nghiệm thu một công trình, mưa đầu mùa không được tốt, ông liền sốt cao. Vậy nên, không có chuyến công tác kiêm 'hưởng tuần trăng mật' với mẹ. Sáng hôm sau, khi đã hạ sốt, ông liền sốc vì biết mẹ đã bay đến nơi.

    Hai ngày nay ông rất dễ nổi cáu, con người đã quá 50 thì sẽ bắt đầu dựa vào tình cảm của gia đình, của người thân mà làm niềm vui, vậy mà hai con không làm ông vui được. Tôi cũng thương ông, bề ngoài như ông rất thờ ơ với con cái, nhưng anh em chúng tôi không chưa bao giờ chịu oan ức chuyện gì. Chỉ cần thấy anh trai không thèm dắt xe xuống gara mà để trên sân là ông biết có chuyện không ổn. Còn tôi, quá 3 ngày mà không đòi mua gì, thì chắc là đang bị sang chấn tâm lí, mặc dù có đòi cũng không được mua, nhưng tôi không thể nhịn được.

    Thương ông, tôi xuống bếp kho cho ông nồi thịt kho. Mẹ nói kho phần có mỡ một tí, lấy nồi xứ kho mới ngon. Tôi cũng chăm chỉ lắm, làm thêm cho ông món 'luộc', bù đắp cho trái tim của ông. Trưa ba ăn cơm ngon miệng hơn, ông cũng còn mang vẻ ấm ức gì lắm, nhưng thấy thịt ba chỉ kho tiêu là liền cười. Tôi thắc mắc lắm, ba có bao giờ ăn nhiều thịt mỡ vậy đâu?

    "Ba, con có thấy ba ăn thịt mỡ đâu, sao giờ vui vậy ạ?" thắc mắc là hỏi, tôi không thể bỏ được cái tật – cái miệng hại cái thân thì đây chứ đâu.

    Ba liếc nhìn tôi một cái, lại cắn thêm miếng thịt, nghiền ngẫm gì đó, cắn thêm một miếng thịt rồi gật gật đầu.

    "Nồi này mẹ kêu kho phải không? Đừng nghĩ như vậy là vuốt giận được ta. Về đi, ba sẽ bắt mẹ con đi sang cô Ba, nghỉ dưỡng 2 tuần."

    Tôi đỡ trán, cái gì vậy nè, câu hỏi của tôi có rồi, còn câu trả lời cứ lệch nhịp đi đâu đấy. Ai mà không biết ba cưng vợ, chắc gì sẽ đưa sang cô Ba, không sợ người ta cướp vợ ông để bầu bạn sao?

    Cô Ba đã định cư ở Úc hơn 20 năm rồi, tôi gặp cô được 1 – 2 lần gì đó, một là khi quá bé, không nhớ được, 1 lần là năm 12 tuổi, tôi được ba mẹ đưa đi du lịch. Mẹ với cô Ba rất hợp nhau, nói chuyện suốt một ngày cũng không hết câu chuyện.

    Trở lại với ba, tôi thấy ông có vẻ rất thích thịt ba chỉ, ông ăn rất vui, ăn nhiều hơn hẳn. Ông không còn bận tâm là tôi nêm nếm mặn ngọt ra sao, ăn được thịt mở là vui. Cấp dưới mà thấy dáng vẻ của ông hiện tại, có thể không ngậm được mồm chắc.

    "Ba, ba thích ăn có thể nói mẹ nấu mà, hoặc ra nhà hàng ăn, nhịn chi mà cả chục năm vậy?" thật là chục năm trở lại đây, ông không ăn thịt mỡ nữa.

    Ông kiêng rất nhiều thứ, mẹ sẽ nấu cho anh em chúng tôi những món mang hàm lượng dinh dưỡng cao vì cả hai còn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng luôn nấu kèm những món thanh đạm cho ông. Về phần ông, tôi chưa từng thấy ông phản đối bao giờ, ăn uống đều theo một chương trình có sẵn từ mẹ.

    "Nhìn món này là biết mẹ muốn dỗ ngọt ba, con pha thêm trà cho ba, mẹ không cho ba bỏ trà đâu." Ba nói với anh mắt sáng lắm, ông như người chiến thắng một trận game, hiện tại đang tận thượng chiến công của mình. Trà mẹ chọn giúp ông ổn định lượng lưu thông máu huyết, ông luôn tự giác pha uống.

    Ông nhìn tôi rồi bỏ đôi đũa xuống, có vẻ vui lắm, lần đầu tiên ông kể một câu chuyện mà mắt ông lại sáng lên như thế.

    "Có một lần ba bị ngất lúc đang xem công trường, nhiều người cũng hoảng hốt đến xem, nhưng cái chớp mắt cuối cùng của ba đã đưa về mẹ con. Mẹ con đứng rất xa ba, cái chớp mắt cuối cùng ba đã thấy mẹ khụyụ xuống, mọi thấy tối đi, âm thang xung quanh không còn rõ nữa."

    Ba ngừng lại, uống miếng trà, bàn tay cầm ly trà của ông có chút rung rung, làm nước trong ly cũng sóng lên. Ông như đang một lần nữa đối mặt với cảm xúc lúc trước, điều gì đó đang nghẹn ở trong ông.

    "Bác sĩ nói ba có nguy cơ về tim và máu, chế độ ăn không đều, có quá nhiều chất béo, nếu không thay đổi, ba có thể sẽ có thêm nhiều lần ngất xỉu như thế, thậm chí là đột quỵ. Ba còn nhớ lúc đó, ba đã thấy mẹ con khóc, lần đầu ba thấy mẹ con khóc. Lúc sinh hai đứa có khóc tu tu thế đâu chứ. Nó làm cho ba biết, đấy không phải là mạng sống của ba nữa, mà là tất cả của mẹ con."

    Nghe xong tôi như nghẹn, nghẹn vì nước mắt. Nghe ông bà nói mẹ tôi đi sinh chẳng giống người ta. Bà cắn chặt hai hàm răng, tự nghiến chứ không la ó. Bác sĩ nói bà phải thở đều, thì chắc chắn bà sẽ không thở dồn dập. Lần đầu thấy con là bao bà mẹ phải bật khóc, vậy mà mẹ tôi dỗ dỗ rồi cho bú thôi, bà còn cười đến nổi thay tã lót nệm (mấy cô mới sinh thường sẽ có chút mất kiểm soát nửa thân dưới).

    Nếu ba yêu mẹ một cách cẩu lương anh em chúng tôi, thì mẹ lại xem ba như sinh mạng của mình. Nếu buộc phải thấy ông bệnh tật, bà sẽ phát điên lên mất. Tình cảm của ba mẹ tôi, anh em chúng tôi làm sao hiểu hết được. Chỉ có người uống mới biết nước ấm lạnh ra sao, ta không thể phán xét theo mặt mà ta nhìn thấy, tình yêu của họ, cảm xúc của họ, hạnh phúc của họ, chỉ họ mới có thể cảm nhận mà thôi.
     
  6. Lính Hải Quân K

    Bài viết:
    24
    Chương 5 - Chương cuối

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trên thực tế khoa học đã chứng minh, những đứa trẻ được sinh ra và trưởng thành trong tình yêu thương đầy đủ của ba và mẹ thường sẽ là những đứa trẻ sống rất tình cảm. Điều đó dẫn đến sự phát triển tình cảm tuổi dậy thì, mà các giáo viên hay gọi là 'yêu sớm', anh trai cũng không thoát khỏi vòng vây đó.

    Từ bé anh trai rất thích mô hình xe mô tô, càng lớn thì đam mê trong anh cũng được thắp sáng hơn. Sinh nhật năm 18 tuổi là lúc anh nhận được chiếc xe yêu thích – Yamaha R3, anh dường như trở thành người hạnh phúc nhất ở tuổi 18 so với các bạn cùng trang lứa. Nhưng đến một lúc, anh dắt 'con cưng' xuống ga – ra sau, trùm màn chiếc xe lại, tôi đã thấy anh cúi đầu, như anh đang xin lỗi vì bỏ lại đồng đội của mình. Anh đã yêu, anh lúc ấy cuồng nhiệt vô cùng, anh vun đắp cho mối tình đầu của mình.

    Anh thích một chị gái cùng tuổi, nghe nói cũng là hoa khôi trong trường của anh trai. Ban đầu cô gái không có ý kiến gì với việc anh chạy xe đua, nhưng khi anh dần ngập trong tình yêu của cô thì cô lại bắt anh chọn giữa cô và chiếc xe. Cô nói muốn thấy anh chững chạc, chiếc xe đó không phù hợp với người chững chạc như cách cô mong muốn. Anh như đã 'quá tải thông tin', anh mất hơn một ngày để chăm chút cho con xe, rồi dắt nó vào trong sau một loạt suy nghĩ dằn vặt. Anh đã đánh cuộc, anh cho rằng tình yêu cuồng nhiệt của anh có thể khiến cô thay đổi suy nghĩ.

    Kết quả cuối cùng, anh mất hơn 1 năm trên đường đua, và mất đi sự nồng nhiệt trong tình yêu, anh đã quyết định chia tay sau 2 năm hẹn hò. Nguyên nhân là gì anh trai chưa từng nói, chỉ một hôm, anh về nhà khi trời đã tối, mẹ tôi làm rơi cả ly trà tiêu hóa của ba khi thấy trên mặt, tay, chân của anh là những vết thương còn rỉ máu.

    Anh đã đánh nhau? Với ai? Và vì điều gì?

    Mẹ tôi sững sốt, không phải vì con trai bị thương, mà vì anh đã đánh mất sự bình tĩnh vốn có, trong mắt anh còn mang vẻ phẫn nộ, hai tay nắm chặt, vội bấm nút ga – ra rồi cứ thế mà ra phía sau. Anh lại gần, vén chiếc màn, chiếc xe lộ ra với vẻ thiếu bóng loáng, vì nó không được chăm sóc như ban đầu. Anh không thể nhịn được việc đua xe, nhưng vì yêu thương một cô gái mà anh chưa từng dám chạm vào chiếc xe ấy nữa.

    Vì để quá lâu, các chức năng vốn có của một chiếc xe cũng không còn như trước, nó cần chăm sóc lại từ đầu. Anh dùng vài ngày sau đó vào việc chăm sóc nó thay cho sự đau khổ sau chia tay. Anh trai không phải là người yếu đuối, mà anh là người có kì vọng quá lớn, kì vọng càng lớn, thất vọng càng lớn. Đối với anh, sẽ không còn sự đánh đổi nào xảy ra nữa, anh khép lại mọi chuyện như đóng một cuốn sách đã đọc xong.

    "Con bé cần người chính chắn, thì con cứ để con bé đi, đừng để con bé đó quay đầu kiêu hãnh nhìn con, buông xuống đi con trai."

    Ba ngồi cạnh anh trai đang thay nhớt cho 'con cưng', đôi mắt của anh lúc này như một hòn lửa, các tơ máu không ngừng kéo giăng, bao lấy tròng trắng. Nghe xong lời khuyên của ba, chắc anh trai tức đến hộc máu nội tâm mất. Ba bảo người ta cần người chính chắn, chẳng khác gì nói anh trai 'trẻ trâu' à. Còn cái gì mà quay đầu kiêu hãnh, ở cạnh anh tôi không kiêu hãnh sao? Anh trai thật rất 'soái', lúc 18 tuổi anh đã cao tận 1m78, đến khi 23 tuổi, quá trình phát triển của anh vẫn chưa dừng lại, đến nay thì tôi luôn ngước tận 50 độ để nhìn anh khi nói chuyện, thật là rất cao. Còn nói về năng lực, lúc ấy anh là thủ khoa của ngành Công nghệ thông tin, đến hiện tại thì đã là lập trình viên cho một công ty nước ngoài. Gia cảnh anh cũng tàm tạm, vì cả hai anh em đều không được bố mẹ đưa đón, tới lúc thì đèo nhau trên chiếc xe đạp đến trường, vì vậy mà khi sinh nhật 18 tuổi, các bạn khác đều rất ngạc nhiên khi được mời đến nhà.

    Anh trai không thể nghe thêm lời nào từ người ba tàn nhẫn này nữa. Quay đầu nhìn ông rồi cười bảo: "Vâng, ba thì hay rồi, kiêu hãnh bên người phụ nữ bên trong nhà, bọn con đi chơi, tối con cho em ăn bên ngoài luôn, ba mẹ ăn trước đi ạ."

    "Vô lấy nón của em đi, anh đưa em đi chơi." Anh trai xoa đầu tôi, anh vẫn vậy, đối với tôi rất dịu dàng, không phải là vì sau khi bị tổn thương bởi người ngoài thì dồn tâm sức cho người nhà, mà anh ấy luôn vậy.

    Tôi lúc ấy mới 14 tuổi, tình cảm nam nữ là gì, ai mà biết được. Chỉ biết anh không còn đi chiếc xe mà anh thích nhất nữa, bộ đồ bảo hộ cũng được làm sạch rồi cất dưới tầng hầm, anh thậm chí còn không đi tới trường đua nữa, vì nếu anh đi thì anh sẽ dắt tôi theo. Hôm nay anh như quay lại của anh của một năm trước, khi đôi tay chạm đến tay lái, anh miết tay lên đấy, như một cái ôm cho người bạn cũ.

    Tôi ngồi sau anh trai, tốc độ rất cao, gió rất lớn, gió tạt vào mặt, miệng, thậm chí nó còn khiến tôi chảy cả nước mắt, nhưng tôi rất thích cảm giác này, mọi thứ như được thả ra, không còn điều gì vướn vào bạn nữa, chỉ còn lại sự tự do tuyệt đối.

    Anh không chạy đến trường đua, mà ghé vào một cửa hàng tiện lợi, mua một ít bánh và kem, anh đưa tôi đến một khoảng đất trống, mọc đầy cỏ dại. Nghe nói, tương lai của nơi này sẽ là nhà của anh, vì một nguyên nhân nào đó, anh đã tích lũy rất nhiều để mua nó (cộng thêm phần giảm giá ưu đãi của hai ông bà chủ ở nhà). Anh ngẫn người nhìn về phía mặt trời đang đổ xuống núi, ráng chiều vàng vọt hắt lên người anh rồi đổ vệt bóng dài lên mắt đất, anh như cô độc trong chính cái tĩnh lặng của mình, rồi anh cười như vừa nhận ra một chân lí nào đó, mặc tôi cào xé bịch bim bim bên cạnh.

    Tôi không có lời khuyên nào cho anh trai lúc đấy cả, tôi chỉ biết anh đang rất đau, các vết thương vẫn còn đỏ ửng. Tôi nhớ trước đây có từng bị đứt tay, rất đau, nhưng khi tôi cố cắn chặt răng thì thấy hai đầu chân mày của anh trai như muốn chạm vào nhau, đáng sợ vô cùng, về sau thì tôi không còn đụng đến dao nữa. Gương mặt anh hiện tại không đáng sợ như lúc đó, mà chỉ còn lại cái cười nhạt, gật đầu, rồi quay đầu chiếc xe có lẽ đã làm đúng điều gì.

    "Như thế nào là yêu vậy anh?" Tôi nghe mẹ nói, anh trai chưa tìm thấy tình yêu, nên có chút buồn, bà bảo tôi hãy nói chuyện nhiều hơn với anh, có lẽ lời nói ngây thơ của trẻ nhỏ cũng là liều thuốc chữa cho nổi đau của người lớn.

    "Anh không rõ, nhưng anh có thể cho em một ví dụ."

    Anh dừng lại, tôi cũng dừng lại việc ăn uống, nhìn anh. Tôi đang chờ một kết quả, hay nói chính xác là sự tò mò trong tôi lại trỗi dậy.

    "Ba và mẹ chúng ta, họ là tình yêu. Mẹ từng không thích đi xa ông bà, mẹ cũng chẳng thích sống cái nơi đông đúc này, mẹ nói bà từng không muốn kết hôn. Nhưng mọi việc đã thay đổi khi mẹ gặp ba, mẹ chấp nhận lấy một người qua mai mối, mẹ chấp nhận sống xa ông bà, trở thành vợ của ba và thành mẹ của chúng ta. Còn ba, ông có nghĩ việc lấy vợ đâu, thậm chí còn từng trốn nhà, nhưng khi thấy mẹ, ông đã ngoan ngoãn kết hôn, ông đạt được thành công mà ông mong muốn với sự ủng hộ của mẹ, thậm chí cuộc sống của ông càng thuận lợi hơn khi có mẹ."

    Anh trai dừng lại, nhìn tôi còn đang ngây người vì 'ổ cứng' của tôi không đủ dung lượng để xử lí mớ thông tin hệ cao kia. Tâm sự với con bé 14 tuổi về những việc như vậy có quá đáng không chứ. Tôi vẫn nghe rất chăm chú, tôi muốn anh trai có thể nói nhiều hơn.

    "Nếu ngày trước, mẹ bảo ba ở dưới quê làm ruộng, chắc chắn ông sẽ trở thành một nông dân giàu có, giống chú hai vậy. Nhưng mọi việc không phải thế, mẹ ủng hộ cho ba làm công việc mà ông đam mê, thậm chí còn bỏ hết tất cả đến sống khổ sống sở với ông, cùng ông xây dựng sự nghiệp. Nếu đó không phải tình yêu, thì anh thực khó để nói cho em biết tình yêu là gì."

    Đến nay anh đã 26 tuổi, anh đã trở thành một người đàn ông đáng tin cậy cho các cô gái, anh vẫn đi chiếc xe mà anh thích nhất, trở thành người mà anh muốn nhất. Anh hai cũng bắt đầu một cuộc tình mới, chị ấy hơn tôi hai tuổi thôi, rất hòa nhã, nhưng lại rất cuốn hút khi ngồi sau xe của anh trai. Có lần tôi thấy chị ấy lấy khăn tay của mình để lau xe giúp anh, mẹ tôi rất vừa lòng với nàng dâu tương lai.

    Bây giờ tôi đã 20 tuổi, hiểu rõ tình yêu là gì rồi, tôi biết được rằng thời điểm anh chia tay mối tình đầu, anh đã lựa chọn đúng đắn.

    Có một đêm, anh trai không ngủ được, xuống nhà thì thấy ba đang chăm cho vườn dâu trong phòng kính của mẹ. Anh hỏi ba sao lại chăm mớ này, ba thực sự không có duyên với trồng trọt, nghề trồng lúa mấy đời mà ông còn bỏ, chứ nói chi là trồng dâu.

    Ba cười như một đứa trẻ, ông có tuổi nên dần dựa dẫm vào chúng tôi, sự quan tâm của chúng tôi là niềm vui của ông mà. Ba bảo, không thể chỉ vì không thích mà không làm được cho người mình yêu thương, mẹ đã làm nhiều việc cho ba như thế, trồng dâu thì có là gì. So với suốt 30 năm gắng bó, với sự trợ giúp của bà thì ông có trồng cả nghìn hecta dâu cũng không đáng gì.

    Đó là lúc anh trai quyết tâm từ bỏ người yêu của mình, vì cô ấy không yêu anh, cô ấy chỉ sống theo hoocmon cảm xúc của bản thân, không phải vì sự rung động. Nếu yêu anh, cô ấy đã chấp nhận niềm đam mê của anh, giống với cách anh chấp nhận từ bỏ đam mê vì cô. Còn tại sao anh trai lại mang thương tích về nhà, chắc hẳn khi chia tay, anh đã kiềm chế trong sự im lặng và nhận lấy cơn tức giận của cô gái kia, vì anh cảm thấy anh có lỗi, có ăn đòn thì cũng để bản thân không phải cắn rứt – là tự tha thứ cho bản thân, thật xấu xa.

    Sau cuộc tình của anh trai, tôi nhận ra được nguyên lí của cuộc hôn nhân giữa mẹ và ba. Vì suốt 20 năm qua đã chịu đựng không ít 'thức ăn cho chó' nên có chút nghẹn, nhưng nếu ba mẹ tôi sống theo một cách nào khác là không thể. Hôn nhân như một trò cân bằng hai vật trên thanh xà ngang vậy, chỉ cần một người bước ra, thì người kia cũng ngã. Nếu chỉ một bên cho đi mà không nhận lại, lúc ấy sẽ mất thế cân bằng, rồi cũng sẽ ngã. Để ở lại, có phải trong lúc ta nhận được thứ gì đó, cũng phải nghĩ mình hãy cho đi?

    Các bạn có thể yêu thương bằng cách này hoặc cách khác, có thể vì địa vị gia đình, có thể vì tiền bạc, nhan sắc, danh tiếng của đối phương, nhưng nếu đã bước vào một mối quan hệ, có phải chúng ta nên trân trọng và nuôi dưỡng nó không?

    Bố mẹ tôi đã là câu trả lời sống cho cả anh em chúng tôi, có thể cũng là cho các bạn trẻ khác. Tôi nhìn thấy nhiều mối tình bắt đầu với sự cuồng nhiệt, nhưng kết thúc bằng các bài 'phốt' trên mạng xã hội. Yêu đương là quá trình trao đổi yêu thương cho đối phương, nó có thể bao gồm vật chất, nhưng không có nghĩa là nó sẽ phụ thuộc vào vật chất.

    Hãy yêu thương ai đó bằng chính con người bạn, cho đi sự bao dung, nhẫn nhịn và hãy ủng hộ những đam mê chính đáng của đối phương, có khi sẽ là mạo hiểm, có thể không có kết quả, nhưng nó đủ để các bạn bên nhau, cùng bắt đầu, cùng trãi nghiệm và cùng đồng hành.

    - HẾT-
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...