Mẹ điên Mẹ điên, dịch giả Trang Hạ "Trên mạng đầy rẫy chữ, hay thì được gọi là văn, còn lại toàn rác. Tôi chỉ làm công việc đơn giản là giúp các bạn bới rác". Khi Mẹ điên đang được dịch và gửi lên mạng Internet, đã có những bạn trẻ Việt Nam ngồi lỳ trước màn hình máy tính, chờ đọc tiếp từng đoạn, từng đoạn. Khi Mẹ điên được dịch đến dòng cuối cùng, có rất nhiều người đang ngồi ở nhiều miền khác nhau trên đất nước Việt Nam, trước màn laptop hay trong quán cafe Internet đã cùng chảy nước mắt. Bạn chỉ mất nửa tiếng để đọc Mẹ điên, nhưng sẽ học lại bài học làm người sâu sắc mà bất cứ ai cũng phải luôn ghi nhớ: Tình cảm thiêng liêng nhất của con người là tình mẫu tử. Ai sinh ra cũng chỉ một lần có cha mẹ. Đừng đợi đến một ngày nào đó mới dành thời gian quan tâm đến họ, bởi sẽ có lúc sự quan tâm ấy là quá muộn. Cậu bé Thụ muốn mang giấy gọi vào đại học khoe với mẹ, nhưng mẹ cậu chẳng còn trên cõi đời đề hưởng niềm hạnh phúc ngọt ngào ấy! Có bao giờ bạn nói với ai: "Mày đúng là lợn" chưa? Thằng bé Thụ từng chửi mẹ nó như thế. Bởi vì người mẹ của nó là một người đàn bà điên, không phân biệt được cỏ và lúa. Bà nội giao cho đi cắt cỏ lợn nhưng mẹ đã gặt cả ruộng lúa đang làm đòng trong ruộång nhà người ta mang về. Kết quả, người ta đến nhà bắt đền, mắng bà nội dạy con dâu làm càn. Thụ bĩu môi khinh mẹ ra mặt: "Cháu không có loại mẹ điên khùng như thế". Bà nội cho nó hai cá tát tai. Mẹ nó chạy đến che chở nó vừa như xin bà tha cho nó. Bà nội, tay buông thõng không đánh nó nữa vì "ra con mẹ điên này cũng biết thương con"! Gia đình nội nghèo, 35 tuổi cha Thụ không có tiền cưới vợ. Bà nội "nhặt" mẹ nó ngoài đường mang về làm vợ cho cha nó, đặng sinh cho bà đứa cháu nỗi dõi tông đường. Mẹ nó chẳng làm được gì, trừ việc sinh ra nó, mẹ chỉ ăn và phá hoại. Nhà nghèo, nội cắn răng đuổi mẹ nó đi. Năm tuổi, Thụ phát hiện bạn bè quanh nó cũng có mẹ, chỉ nó là không. Mỗi buổi chiều hoàng hôn, đứa nào cũng được mẹ đón về. Nó thèm có mẹ, nhớ mẹ, người mẹ chưa một lần biết mặt. Một ngày mẹ nó trở về, nó thất vọng ghê gớm. Người mẹ nhìn nó vui mừng, còn nó quay đi, bỏ chạy và gào lên "Không, bà không phải mẹ tôi". Sau cái tát tai của nội, cùng với thời gian, nó dần hiểu ra người mẹ điên ấy rất yêu thương mình. Nó gần gũi với mẹ hơn. Nó vào trung học, trọ cách nhà 20 cây số. Cha vẫn đi làm thuê lấy tiền nuôi nó học. Hàng tuần mẹ vượt qua những con núi ngoằn ngèo dưới gió và tuyết, lên tiếp tế cho nó. Vì sao một người đàn bà điên khùng như mẹ "hễ làm việc gì vì con trai mẹ lại không điên tí nào"? Nó không lý giải được dưới góc độ khoa học, nhưng dưới góc độ tình cảm, nó biết rằng đó là nhờ bản năng của một người mẹ: Tình mẫu tử. Vì những trái đào dại ngọt trên khe núi heo hút kia mà mẹ Thụ đã mãi nằm dưới cái vực thẳm. Thụ ân hận, vì đã lỡ lời khen những trái đào dại đầu mùa ngọt. Khi lá thư "dát vàng" của đại học Hồ Bắc gọi câu nhập học, nó như đi qua những ngả đường mẹ đã mang cơm cho nó suốt ba năm học xa nhà. Lá thư ấy chạy qua những cây đào dại, xuyên qua ruộng lúa đầu làng, "bay" thẳng vào cửa nhà Thụ. Nhưng lá thư ấy đến muộn, mẹ đã mãi nằm dưới khe núi sâu khi hái cho cậu những trái đào dại. Truyện lấy được nước mắt độc giả bởi nó được viết từ trái tim của cậu bé từ nhỏ đã chứng kiến bi kịch của người đàn bà sấu xố là thím mình. Vương Hằng Tích kể chuyện của thím nhưng anh đã hoàn toàn khiến người đọc tin rằng đó thực sự là câu chuyện anh viết về mẹ mình. Cư dân trên mạng truyền nhau đọc, truyện được dựng thành kịch đi lưu diễn khắp Trung Quốc năm 2006. Tựa truyện là Mẹ điên nhưng người ta đã đổi thành Vừa đọc vừa khóc, bởi bất cứ ai đọc xong cũng rưng rưng thương xót và ám ảnh mãi về câu chuyện bà mẹ điên và tấm lòng của một người con đối với người mẹ ấy.