Tên: Mẹ của thằng nghiện. Thể loại: Truyện ngắn. Tác giả: Hà Nguyn. Cuộc thi nét bút tuổi xuân. "Thằng Hùng con nhà bà Phương mới đi tù về, biết chưa?" Mấy bà bán hàng ngoài chợ túm tụm lại rủ rỉ với nhau, chuyện thằng Hùng mới đi tù về khiến cho không ít người cảm thấy lo lắng, e ngại. Để mà kể về thằng Hùng thì chẳng bao giờ hết chuyện. Năm cậu ta mười bảy tuổi đã tụ tập ăn chơi, đá gà rồi bài bạc cùng đám trai quanh xóm. Chưa hết chuyện ăn chơi Hùng lại khiến bố mẹ khốn đốn vì cậu ta nghiện ma túy, phải vào trại cai nghiện. Mới ra trại được vài tháng Hùng lại bị tố vì tội lừa đảo, trộm cắp, cuối cùng lằng nhằng thế nào bị tống vào tù ba năm trời. Hùng trước kia là học sinh giỏi cũng có tiếng, mẹ cậu ta tự hào lắm, ngỡ rằng tương lai sáng lạng của cậu ta sẽ giúp làm vẻ vang mặt mày gia đình, vậy mà cuối cùng lại vào tù. Bố Hùng đã qua đời vì bệnh lúc Hùng còn trong trại cai nghiện, mà vợ chồng bà Phương thì chỉ có mỗi Hùng là con, thế nên khi chồng mất, con vào tù, bà Phương phải một mình cáng đáng hết mọi việc trong nhà. Nhà bà Phương cũng gọi là khá giả, hồi trẻ bà cùng chồng đi làm rồi tích góp được một số tiền, còn định dành dụm để cho con trai sau này học đại học rồi lấy vợ. Vậy mà số tiền ấy sau cùng vẫn phải đem đi trả nợ cho thằng con trai quý tử, rồi còn lo chạy chữa bệnh cho chồng, cuối cùng là bay biến hết. Hùng sau khi cai nghiện trở về, cứ ngỡ cậu ta nhìn thấy hoàn cảnh gia đình mình như vậy thì sẽ suy nghĩ lại, chuyên tâm làm ăn kiếm tiền phụ mẹ, ấy vậy mà không. Hùng lại cùng đám bạn cũ sa chân vào tệ nạn không lối thoát, để rồi cuối cùng bị tống vào tù. Mẹ Hùng lại cật lực lao động, bà hết bán buôn ngoài chợ lại đi làm thuê ở quán ăn. Đồng tiền bà kiếm được chỉ đủ sống qua ngày, để mà trả nợ rồi lo cho con thì vượt quá khả năng. Họ hàng cũng cố gắng giúp đỡ lắm nên bà Phương mới đỡ được một phần, bà làm quần quật tối ngày, muộn mới về, ăn uống chỉ cơm canh đạm bạc, thịt cá rất ít. Bà gầy đi thấy rõ, đôi mắt trũng sâu, dáng người nhỏ bé, ai nhìn cũng thấy xót xa. Cực khổ là thế, nhưng tháng nào bà cũng thăm nom con trai đều đặn, còn gửi đồ nữa. Tại sao Hùng gây ra bao nhiêu chuyện thế này mà bà vẫn tỏ ra khoan dung, quan tâm con như thế? * * * Hùng trở về nhà sau một ngày dạo chơi đây đó chán chê. Cậu ta đứng ở sân, nhìn quanh không thấy mẹ mình đâu bèn gọi. "Mẹ ơi! Mẹ! Nhà còn gì ăn không? Đói quá!" Vừa gọi Hùng vừa lững thững đi vào. Bà Phương không ở nhà nhưng mâm cơm thì đã dọn sẵn, được úp lồng bàn cẩn thận. Hùng ngồi vào bàn, nhìn mâm cơm vừa có rau vừa có thịt vịt quay đủ thứ thì cười tít cả mắt. Biết là mẹ nấu để đó cho mình nên Hùng ngồi ăn tự nhiên, vừa ăn vừa ngâm mấy câu hát mà cậu ta vô tình nghe được ở ngoài xóm. Hùng ăn no nê xong cũng chả buồn dọn dẹp mà chỉ bê bát đũa xuống bếp rồi để đó, bụng nghĩ có lẽ mẹ mình ăn rồi, ăn xong đi đâu đó lát mới về. Nhưng Hùng đã đoán sai, bà Phương phải tận hơn mười một giờ mới về nhà, lúc đó Hùng đã ngủ rồi nên không biết. Người mẹ lúc nào cũng tận tụy vì gia đình chỉ nhìn con một cái rồi quay xuống bếp, bà lặng lẽ lấy cơm nguội ra ăn. * * * Hùng không tìm được việc làm, cậu ta chỉ quanh quẩn ở nhà, thi thoảng ra ngoài ngõ hóng mát rồi lại trở vào. Cũng chẳng biết phải làm sao, Hùng từng nghiện ngập, từng đi tù, chuyện đồn khắp làng trên xóm dưới ai cũng biết, thành ra khi đi xin việc chẳng ai dám nhận. Một hôm, Hùng đang ngồi ngoài đầu ngõ chơi với mấy con chó trong xóm thì chợt thấy từ đằng xa có mấy người phụ nữ đang ngồi dưới gốc cây bàng trò chuyện. Hùng vốn không quan tâm lắm cho đến khi cậu ta nghe thấy một người đàn bà mập nói lớn. "Lại chả thế! Ghớm, mẹ nó đi làm quần quật từ sáng đến đêm, lo trả nợ cho nó mà gầy trơ xương ra, đến thịt cũng chẳng dám mua về ăn vì xót tiền, mà nó thì.." Nói đến đây mấy người phụ nữ vội bịt miệng rồi kéo bà ta lại, ra hiệu im lặng rồi liếc về phía Hùng. Biết điều, người đàn bà mập không dám lớn tiếng nữa, bà ta hạ thấp giọng nói tiếp để Hùng không nghe được. Ở cái đất này, người ta khinh nhất là đám ăn chơi, nghiện ngập, đi tù. Hùng đang xoa đầu một chú chó, nụ cười trên môi cứng lại, cảm giác nặng nề đè lên vai cậu ta, bàn tay cứng ngắc không xoa nổi nữa. Tối ấy bà Phương lại về muộn, lần này Hùng không ăn cơm sớm nữa, cậu ta ngồi trên ghế lặng lẽ chờ mẹ về. Như mọi khi, hơn mười một giờ bà Phương về, bà vô cùng bất ngờ vì con trai vẫn chưa ăn cơm mà ngồi thừ người trên ghế. "Mẹ về à? Sao muộn vậy? Mẹ ăn cơm chưa?" Hùng nhìn mẹ hỏi. "À.. Ừ.. Mẹ chưa." Bà Phương ngập ngừng, bà định đáp là rồi, bà định nói dối, nhưng đôi mắt của Hùng cứ nhìn chòng chọc vào bà khiến bà không làm thế được. "Vậy mẹ ngồi vào bàn đi, con đi lấy thêm bát." Hùng nhỏ nhẹ, cậu ta đứng dậy xuống bếp lấy bát, lần đầu tiên sau ngần ấy năm hai mẹ con ngồi vào bàn ăn cơm cùng nhau. "Sao mẹ không ăn cá?" Hùng nhìn bà Phương từ đầu đến cuối chỉ gắp rau với cà, thắc mắc. "Con cứ ăn đi, mặc mẹ. Mẹ không thích ăn cá." Bà Phương dứt lời liền gắp một miếng cá vào bát cơm của con. "Mà.." Hùng chưa ăn vội. "Dạo này mẹ làm gì mà về muộn thế?" Bà Phương im lặng, lát sau bà mới đáp lại, cố gắng che đi sự mệt mỏi. "Mẹ đi làm ở quán ăn, kiếm thêm chút tiền." Hùng khựng lại, miếng cơm trong miệng cậu ta chợt đắng ngắt. "Không phải thế này là đủ rồi sao? Nhà mình vẫn đủ ăn đấy thôi, cơm canh rau cá không thiếu, sao mẹ phải đi làm thêm?" Bà Phương im lặng, bà nuốt không trôi cơm nữa, khó khăn lắm bà mới mở lời được. "Nợ chưa trả hết, mà con còn phải lấy vợ nữa cơ mà, không đi làm lấy tiền đâu mà cưới vợ?" Khổ cho thân bà! Tiền nợ chưa trả hết mà phải lo tiền ăn uống, sinh hoạt cho hai mẹ con, không làm thì lấy gì mà sống? Một khoảng im lặng kéo dài giữa hai người. Hùng không ăn nữa, cậu ta chợt nghĩ đến lời mà người đàn bà mập hôm nay đã nói ngoài ngõ, bất giác Hùng cúi xuống nhìn tay mẹ mình. Bàn tay nhỏ bé, đen đúa và chai sạn, gầy gò chỉ còn da bọc xương. Lòng Hùng chợt rối bời, cậu ta còn nhớ đôi tay ấy ngày xưa không hề như thế. Đêm đó Hùng không ngủ, cậu ta nằm trằn trọc trên giường, chẳng biết là đang nghĩ gì. Chợt Hùng nghe thấy tiếng ho sù sụ ở gian ngoài. Mẹ cậu ho rất nhiều, mãi một lúc sau mới dứt. Hùng nằm lặng người nhớ lại chuyện ngày xưa, khi cậu ta bị ốm và ho nhiều lúc giữa đêm, bà Phương đã thức trắng để chăm cho con. Hùng chỉ ngủ được một chút rồi lại bừng tỉnh, ngó đồng hồ chỉ mới hơn bốn giờ sáng, thấy còn sớm nên cậu ta định ngủ tiếp. Chợt tiếng mở cửa ở bên ngoài khiến Hùng chú ý, có tiếng bước chân nhè nhẹ, tiếng ho, tiếng đóng cửa. Hùng không biết thường ngày bà Phương dậy rất sớm. Mỗi lần cậu ta mò được từ giường xuống đất thì mặt trời đã lên cao, bà Phương thì đi làm, để lại trên bàn chút cơm hoặc bánh để Hùng ăn sáng. Hùng đã tỉnh nhưng cậu ta không có ý định dậy, nằm im nghe tiếng ho từ dưới bếp vọng lên, rồi lại nghe tiếng bước chân nhẹ nhàng đi trong nhà, lòng Hùng dâng lên một cảm xúc khó nói thành lời. Dạo gần đây bà Phương ho rất nhiều, gương mặt bà nhìn mệt mỏi hơn thường ngày, trí nhớ cũng kém đi. Không biết bà có ổn không. Một ngày nọ, Hùng mượn được của một người bạn chiếc xe máy để đi vòng vòng ngoài đường, cậu ta định sẽ đi xa hơn một chút tìm chỗ xin việc làm. Dạo qua một khu chợ nhỏ, Hùng chợt nhìn thấy một cửa hàng bán quần áo cho người từ độ tuổi trung niên trở lên. Bà Phương hình như không có bộ đồ nào hẳn hoi thì phải, Hùng vẫn nhớ vào ngày thứ hai mình trở về, bà Phương mua cho cậu ta vài bộ quần áo mới để mặc, còn bà thì thà mặc đồ rách được vá lại chứ chẳng muốn chi tiền cho bản thân lấy một bộ. Ngó thấy ở chỗ cửa hàng mấy người đến mua đều là những người nhìn còn trẻ, có lẽ là đến tìm quần áo cho bố mẹ, Hùng chợt thấy chạnh lòng. Trong túi cậu ta giờ chẳng có đồng nào, có muốn cũng chẳng mua được. Quần áo bà Phương cũ lắm, Hùng nhớ là như vậy, chúng đều đã bạc màu hết cả, có bộ khâu vá lung tung, vậy nhưng bà Phương không chịu bỏ đi. * * * Ngày hôm nay vẫn không tìm được việc, Hùng quay về, vô tình lái xe qua một quán ăn gần nhà, cậu ta chợt thấy trong quán có bóng dáng bà Phương. À, hóa ra là bà làm ở đây. Hùng dừng xe lại, đứng từ xa nhìn vào, bà Phương đang cặm cụi lau bàn, xong lại tất tả chạy vào bưng bê đồ ra cho khách. Chẳng may làm đổ một cốc nước trên bàn, bà Phương liền bị vị khách kia nạt nộ, khó chịu. Quán rất đông, nhân viên ở quán tuy không ít nhưng cũng phải chạy tới chạy lui rất bận rộn. Bà Phương đã có tuổi, người lại gầy, bà không theo kịp mấy nhân viên trẻ nên chỉ đành lau bàn, dọn dẹp bát đũa sau khi người ta ăn xong. Một lát sau, khi quán ổn định bà Phương liền đi vào xin phép chủ quán điều gì đó, rồi bà lật đật chạy ra ngoài. "Lại về nhà nấu cơm hả cô Phương? Ôi dào, con cô lớn rồi, nó khác tự lo, sao cô phải vất vả thế?" Đó là giọng một người phụ nữ, hình như là người quen của bà Phương. Nghe cô ta nói xong bà Phương chỉ cười trừ rồi trở về nhà. Hùng hiểu, bà Phương về nhà là vì lo sợ thằng con này lại chơi bời lêu lổng đến đêm không về, rồi sẽ có ngày tiếp tục đi hút chích, cướp bóc, vào tù thêm lần nữa. Hùng đi phía sau bà Phương, cậu ta rẽ vào nhà bạn trả lại xe rồi đi bộ về nhà, lòng nghĩ ngợi rất nhiều. Đi qua một căn nhà ba tầng, Hùng vô tình trông thấy một cậu bé mới đi học về đang hớn hở chạy ào vào sân tìm mẹ, vừa gọi vừa vui mừng nói lớn. "Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con đi thi được mười điểm này mẹ!" Người mẹ đang cặm cụi nhổ cỏ gần đó ngẩng lên, vui vẻ dang tay ôm lấy con. "Con trai của mẹ giỏi thế!" Cảnh này quen quá, hình như trước kia Hùng cũng từng như vậy, sà vào lòng mẹ để khoe con điểm mười mà mình vừa thi được. Mẹ cậu tuy đang cào thóc rất mệt nhưng vẫn nở nụ cười tươi, cầm tay con hỏi han đủ đường. Hùng im lặng trở về nhà, bà Phương đang nấu cơm dưới bếp, vừa nấu vừa gọi điện với ai đó, bà dùng chiếc điện thoại Nokia cũ mèm để liên lạc. "Ừ! Tôi biết rồi, chẳng giấu bác, tôi dạo này sức khỏe suy giảm lắm.. Cơ mà thằng con tôi về rồi, nó khác đi làm kiếm tiền, lúc ấy nợ sẽ trả nhanh thôi. Hả? Thằng Tú con nhà bà Tám ấy hả? Khiếp, đã đi nước ngoài về xây cho mẹ nó cái nhà rồi à? Ghớm nhỉ!" Hùng im lặng nghe mẹ nói chuyện, cậu ta thấy mắt hơi nhòe đi. Dù biết con trai như thế mà bà Phương vẫn tin tưởng rằng con sẽ kiếm được tiền về trả nợ, có phải những người mẹ đều như thế không? Đều bao dung, tha thứ và tin tưởng con cái? Bất chấp việc Hùng từng nghiện ngập, đi tù, bà Phương vẫn không từ mặt con. Bà đi làm quần quật để kiếm tiền trả nợ, đến thịt cũng chẳng dám mua về ăn, ấy thế mà khi con về bữa cơm nào cũng có thịt đủ cả. Chưa một lần nào bà có ý muốn bỏ mặc Hùng. Bà Phương có giận, có tức, có thất vọng, sao lại không chứ? Bà nuôi con ăn học ngần ấy năm, vậy mà chỉ một vài phút sai lầm đứa con bà tự hào đã sa chân vào tệ nạn, để rồi đổ lên đầu bà một khoản nợ lớn. Chồng thì bệnh mất sớm, một mình bà cáng đáng hết mọi việc, con người nhỏ bé ấy từ thời trẻ đã chịu bao bão giông sóng gió, đến khi già vẫn chưa được nghỉ ngơi. Hùng à, cậu có nhìn ra không? Rằng mẹ cậu đã cùng cậu vượt qua gian khó suốt bao nhiêu năm nay, chưa một lần bỏ rơi cậu dù cậu khiến bà khổ sở đến nhường này. Bà đồng hành cùng cậu, từ lúc cậu chập chững biết đi đến khi cậu đã sức dài vai rộng, từ lúc cậu ngoan ngoãn đến khi cậu sa chân vào tệ nạn. Đáng ra cậu phải làm được việc gì đó giúp đỡ mẹ mình chứ? Tiếng ho sù sụ lại vang lên, kéo dài tưởng như mãi chẳng dứt. * * * Hùng đã tìm được việc làm, cậu ta đã kiếm được tiền, đã mua được đồ ăn ngon, mua được quần áo mới, mua được xe để đi, mua được đất làm nhà. Cậu ta đã làm được những việc mà cậu ta muốn, nhưng mẹ cậu thì chẳng còn nữa. Bà mất vì bệnh sau khi Hùng tìm được việc và đi làm một thời gian. Vì làm việc quá nhiều nên bà Phương đổ bệnh, nhưng bà không nói, và cũng không đi khám, bà sợ căn bệnh sẽ lấy hết tiền của mà bà cùng con tích góp được. Cuối cùng thì bà mất, chỉ kịp nhận lấy vài bữa cơm đủ rau, thịt và cá cùng hai bộ quần áo mới con mua cho, bà chưa kịp thấy con mình mua xe, càng chẳng kịp thấy con mua đất xây nhà cho bà. Nhưng dẫu có vậy, bà cũng đã đồng hành với con suốt một chặng đường dài, sự bao dung và hy sinh của bà đã giúp con thay đổi rất nhiều. Không chỉ bà Phương, những người mẹ thực thụ đều sẽ như vậy, sẽ bao dung, tin tưởng và đồng hành cùng con mình cho đến hết cuộc đời. Vậy nên hãy ở bên mẹ thật nhiều khi còn có thể. Hết.
Chào bạn, trước tiên xin chúc mừng bạn đã hoàn thành tuần thi 15, dù chưa đạt giải trong lần này, nhưng Ban tổ chức hy vọng sẽ tiếp tục theo dõi và đạt giải cao trong những tuần thi sau. Ngoài chấm điểm, Ban giám khảo còn có một vài nhận xét/góp ý về bài viết của bạn như sau: Giám khảo 1: Câu chuyện của bạn mang một ý nghĩa tích cực và hết sức nhân văn: Làm con phải biết yêu thương cha mẹ. Người biết quay đầu sẽ gặp bến đỗ bình yên. Cốt truyện bạn xây dựng rất đơn giản. Nó phổ biến và có nhiều trong các kịch bản tuyên truyền. Vậy nên, khi xem xong truyện thì tôi cũng chưa có nhiều ấn tượng lưu lại. Vậy thì hạn chế trong truyện này của bạn là gì? Vâng, tôi xin trình bày nhé: 1. Bạn kể hơi nhiều. Đúng ra bạn nên dẫn dắt người đọc từ từ, thông qua các tình huống, các biến cố trong bài. Như mới vô, bạn kể một hơi hơn 500 từ mà chủ yếu để kể đấy bạn. Tự nhiên cảm giác nội dung như bài viết trên báo chí. Nó bị lê thê khá nhiều. 2. Tính cách nhân vật chưa thật sâu sắc. Cách bạn tả tâm lý nhân vật Hùng còn mờ nhạt lắm. Lẽ ra bạn nên xây dựng tâm lý của Hùng từ thờ ơ đến lúc biết thương mẹ ra sao. Đằng này, anh ta cứ như một màu ấy, nó khiến độc giả khó đồng cảm. 3. Với dòng truyện hiện thực thì bạn cần tạo tình huống khiến người ta nhớ mãi, thậm chí là ám ảnh. Như vậy tác phẩm mới in đậm trong lòng người đọc. Truyện này thì bạn viết còn nhẹ nhàng quá nên nhiều khi thấy nó có chút nhạt nhòa. Tóm lại, câu chuyện của bạn viết rất có ý nghĩa nhưng cách bạn xây dựng tâm lý nhân vật chưa thật trọn vẹn nên câu chuyện chưa nổi bật nha. Cảm ơn vì bạn đã tham gia cuộc thi và mong rằng tuần kế tiếp, bạn lại tham gia nữa nhé! " Giám khảo 3: - Cỡ chữ tiêu chuẩn; câu từ đúng chuẩn quy tắc tiếng Việt hiện hành; kiến tạo câu văn hợp lí, dễ hiểu; tách đoạn phù hợp; có hình ảnh minh họa. - Truyện đã dựng được tình huống giác ngộ cho nhân vật người con, khiến người con nhận thức được sai lầm của mình và thay đổi, tạo nên một kết thúc tuy buồn nhưng không quá bi lụy. Những thông điệp về tình yêu, sự hi sinh của mẹ và trách nhiệm của phận làm con đã truyền tải khá tốt. Tuy nhiên, cách kể chuyện chưa ấn tượng, tình huống cũng chưa đủ" lạ"để tác động mạnh đến người đọc.