Mẹ à, con thật sự mệt mỏi quá rồi!

Thảo luận trong 'Nhật Ký' bắt đầu bởi Mộc Trà 72, 17 Tháng năm 2021.

  1. Mộc Trà 72

    Bài viết:
    5
    "̲C̲o̲n̲ ̲m̲ệ̲t̲ ̲m̲ỏ̲i̲. ̲ ̲C̲o̲n̲ ̲m̲ệ̲t̲ ̲m̲ỏ̲i̲ ̲l̲ắ̲m̲ ̲m̲ẹ̲ ̲à̲! ̲" ̲

    - Alo mẹ à?

    - Sao vậy?

    - Con mệt mỏi mỏi quá mẹ ơi! Chiều nay, mẹ cho con nghỉ học được không?

    - Mệt gì mà mệt? Mẹ làm bao năm nuôi con ăn học sao không thấy mệt? Chỉ việc ngồi học cùng vài quyển sách mà con đã mệt à?

    Sau khi ngắt điện thoại, nước mắt tôi cứ như thế tuôn rơi lã chã. Tôi đã nói với mẹ rằng tôi mệt mỏi lắm, không muốn phải học thêm sau giờ học trên trường tại những trung tâm dạy kèm nữa! Bởi mỗi ngày tôi đều phải học đến tận khuya và không hôm nào xảy ra ngoại lệ. Tôi dần chán ghét việc học, tôi nghĩ mình không hợp để trở thành một học sinh luôn ưu tú trong mắt thầy cô và bạn bè.

    Bởi tôi yêu âm nhạc, tôi yêu guitar và những nốt trầm, nốt bổng. Chính những giây phút được ôm đàn ngồi hát vu vơ, tôi nhận ra, tôi đang được sống theo cách mà mình mong muốn. Không áp lực, không những lời trách mắng từ ba mẹ, cũng chẳng có bóng dáng của một cậu học sinh luôn phải xuất sắc về mọi mặt. Tôi chỉ là tôi, một đứa trẻ ôm trong mình đam mê và khát khao cháy bỏng như bao người khác!

    Nhưng mẹ không bao giờ lắng nghe tiếng lòng tôi nỉ non van nài. Mẹ muốn tôi phải đứng đầu lớp, và thứ mà tôi nên ôm không phải là cây đàn guitar bằng gỗ mà là tấm huy chương bằng vàng trong cuộc thi nào đó. Áp lực chồng chất, tôi thực sự rất muốn buông bỏ mọi thứ, một lòng hướng về giấc mơ tôi. Nhưng tôi không làm được, vì ba mẹ sẽ chẳng để tôi yên. Họ luôn áp đặt giấc mơ của họ lên người tôi, như thể là người thợ phải xây đắp giấc mơ cho họ.

    Nhưng mọi thứ dần dần rút kiệt sức lực tôi, và tôi nghĩ mình nên dừng mọi thứ lại, khi đã quá mệt mỏi:

    - Mẹ ơi?

    - Alo sao đấy?

    - Con chịu đựng hết nổi rồi! Con ngủ nhé?

    * * *

    Sau đó, tôi không nghe tiếng mẹ trách mắng như mọi khi. Tôi nghĩ mình đang dần được giải thoát. Cơ thể tôi yếu dần đi, bàn tay cũng đã không còn sức lực mà buông xuôi, rồi chìm vào hôn mê sâu.

    Tôi không biết mình đã ngủ bao lâu, nhưng khi tỉnh dậy. Tôi vẫn nằm trên chiếc giường thân yêu, kế bên là mẹ tôi đang ngủ trong tư thế ngồi. Lúc này, tôi mới có dịp nhìn kỹ khuôn mặt mẹ. Không biết những vết chân chim đã ngự ở đó từ khi nào, chúng khiến mẹ trông già đi phần nào. Hốc mắt sâu, có lẽ vì thiếu ngủ. Tôi thấy mình có lỗi với mẹ thật nhiều. Suốt bao năm tháng qua, tôi chưa bao giờ hỏi mẹ rằng "mẹ có mệt không mẹ ơi?"

    Có lẽ tôi đã sai! Mẹ thực sự rất khổ cực. Mẹ cũng có áp lực riêng mình, áp lực của những người lớn. Vậy mà tôi chỉ biết quan tâm cảm xúc của mình, cũng chưa một lần hỏi mẹ "hôm nay thế nào". Nhưng sai lầm lớn nhất của tôi lại chính là lựa chọn rời khỏi cuộc sống này.

    Và tôi tin, không phải chỉ riêng tôi, mà bao đứa trẻ ngoài kia cũng đang phải gánh lên vai những giấc mơ, những gánh nặng vô hình mà ba mẹ chúng đã dành do. Tự hỏi lòng, rốt cục thì từ khi nào những đứa trẻ phải sống theo lý tưởng và trở thành danh dự của cha mẹ thầy cô?

    Có một câu thế này: "Bởi vì bạn không trong hoàn cảnh của tôi, bạn vĩnh viễn không bao giờ biết được tôi đã chịu nhiều sự dằn vặt, thống khổ thế nào. Vậy nên đừng phán xét tôi vì bản thân bạn không hề có tư cách đó!"

    Đúng vậy! Ba mẹ, thầy cô không phải là tôi, nên chẳng trách họ không thể hiểu thấu được những gì mà tôi phải chịu đựng. Cũng vì thế nên đôi lúc áp lực dồn nén quá nhiều, tôi lại có những suy nghĩ cực đoan, và tiêu cực.

    Tôi chỉ muốn giải thoát bản thân, nhưng có lẽ bản thân đã hiểu thấu quá nhiều điều. Rằng ngoài kia có biết bao người bất hạnh, khổ đau hơn tôi, nhưng vẫn cố gượng dậy để sống sót. Vậy nên, tôi không đủ can đảm để lãng phí đi sinh mạng của mình một lần nào nữa! Bởi, thứ tôi cần chỉ là áp lực vơi đi, và nỗi đau dừng lại, chứ không phải hoàn toàn kết thúc cuộc sống quý giá này!

    * * *

    Khi một người thật sự chịu áp lực quá lớn, gia đình vì muốn con mình có tương lai đẹp nên đặt rất nhiều hy vọng nhưng quên mất rằng phải "sẻ chia, an ủi hay cho một cảm giác ấm áp" cho họ để có họ động lực hơn. Để những đứa trẻ ấy không còn phải chịu cảm giác dần mất đi sự sống và áp lực khi bị thúc ép bởi thầy cô giáo.

    Nếu mọi thứ diễn ra trong tình trạng nhồi nhét và thúc đẩy học tập quá mức thì hệt như đàn áp những đứa nhỏ ấy xuống tận đáy vực sâu, và không thể tự tìm được nguồn sáng cho cuộc sống của riêng nó. Nên nếu đã cùng là gia đình thì nên hiểu thấu cho nhau, ba mẹ quan tâm tới cảm xúc của những đứa trẻ nhiều hơn, đừng chỉ quan tâm tới cái mà ba mẹ đã vạch sẵn và bắt buộc con trẻ phải hoàn thành như thế!

    Hãy trao đi yêu thương, giảm đi áp lực cho người thân và người xung quanh khi vẫn còn cơ hội. Bởi ai cũng đều có sự mệt mỏi và đấu tranh cảm xúc của riêng mình. Học cách thông cảm và thấu hiểu là con đường đi đến hạnh phúc gần nhất!
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...