Mẫu chi tiết tham khảo môn Ngữ Văn 12

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi kieurabit.2, 10 Tháng mười 2021.

  1. kieurabit.2

    Bài viết:
    4
    Tên sách: Mẫu chi tiết tham khảo môn Ngữ Văn 12

    Tên tác giả: Kiều Rabbit

    Thể loại: Văn học 12, dàn mẫu, tham khảo.

    Bìa sách:

    [​IMG]

    Văn án:

    Những mẫu sau mình tham khảo nhiều nguồn rồi tự viết lại thành các đoạn văn chi tiết theo ý của bản thân. Moi người đọc để tham khảo thêm.
     
    annryhousePhan Kim Tiên thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
  3. kieurabit.2

    Bài viết:
    4
    Chương 1: Mẫu văn viết về bài "Người lái đò Sông Đà."

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Về hình tượng sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng: Đó là một công trình khảo cứu công phu. Nhưng ý kiến khác lại nhấn mạnh: Đó là một áng văn giàu tính thẩm mĩ. Từ việc phân tích hình tượng Sông Đà, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

    Bài làm:


    Khi Nam cao nói về văn chương: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có". Như đồng quan điểm với Nam Cao, có một nhà văn luôn trăn trở trong việc tìm tòi và sáng tạo nghê thuật. Ông quan niệm "nhà văn là Người sáng tạo lại thế giới" trong những trang văn của mình. Ông rất sợ mình hôm nay giống với ngày hôm qua, chính vì thế ông đã chọn "chủ nghĩa xê dịch" để làm đề tài cho các tác phẩm. Người nghệ sĩ ấy đâu ai khác ngoài Nguyễn Tuân. Văn của ông luôn hướng đến những cái nhìn độc đáo mới lạ và dòng sông Đà chính là đối tượng hoàn mĩ nhất để nhà văn có thể thể hiện cái "Ngông" của mình. Thông qua đoạn tùy bút chúng ta như được trãi mình trước cảm giác rợn ngợp của thiên nhiên hung bạo Tây Bắc cùng thõa lòng mình trước những cảnh thơ mộng trữ tình ở hạ lưu. Chính vì thế trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng: Đó là một công trình khảo cứu công phu. Nhưng ý kiến khác lại nhấn mạnh: Đó là một áng văn giàu tính thẩm mĩ.

    "Tâm hồn Tây Bắc" chính là một trong những miền đất có biết bao nhà văn nhà thơ đã hướng ngòi bút của mình tới để thể hiện quá trình lột xác văn học. Cũng như "Nguyễn Tuân – một cây bút vốn luôn khao khát những cảm giác, cảm xúc mới lạ nồng nàn, say đắm" đã thôi thúc ông lên với Tây Bắc để khám phá thế giới ở phương diện văn hóa thẩm mĩ. Tùy bút "Người lái đò sông Đà" chính là một minh chứng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông. Tác phẩm NLĐSĐ là một "lối chơi độc tấu" mà tác giả đã cho ra đời sau chuyến đi thực tế gian khổ nhưng đầy hào hứng ở miềnTây Bắc xa xôi. Bài tùy bút được in trong tập "sông Đà" xuất bản năm 1960. Từng có một nhà văn nhận xét: "Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm nhận vẻ đẹp man mác của vũ trụ". Thế nên với phong cách nghệ thuật độc đáo Nguyễn Tuân đã tìm đến dòng sông duy nhất chảy về hướng Bắc như thể tìm đến chính bản ngã của bản thân mình. "Chúng thủy giai đông tẩu - Đà giang độc bắc lưu".

    Có rất nhiều nhà phê bình đã nhận xét rằng Nguyễn Tuân là nhà văn của những cảm giác mạnh, của núi cao, vực sâu. Chính vì thế sự hung bạo, dữ dội nơi phía thượng nguồn đã lôi cuốn ông tìm đến và khám phá nơi thiên nhiên kiệt vĩ ấy. Nhà văn Nguyễn Tuân dường đã dồn hết tâm ý và công sức của mình để dựng hình tượng con sông Đà. Bằng những trang viết sinh động, vốn kiến thức liên ngành, đa dạng Nguyễn Tuân đã xuất sắc khi khắc họa sự hung bạo, dữ dằn của con sông này. Với con mắt của nhà điêu khắc Nguyễn Tuân đã có những so sánh liên tưởng đầy mới lạ và bất ngờ "cảnh đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời", "có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu". Cách so sánh này làm chúng ta liên tưởng đến yết hầu của con thủy quái, gợi độ hẹp khủng khiếp. Điệp từ "chẹt" kết hợp với cách liên tưởng độc đáo này mang đến một con sông Đà rất hiểm trở và dữ dội. Những so sánh liên tưởng này vừa chính xác, tinh tế bất ngờ và đầy lạ lẫm. Bằng tài năng của mình nhà văn đã sáng tạo ra những hình ảnh gây chấn động trước cái nhìn và cảm xúc của người đọc.

    Chưa dừng lại đó, nhà văn còn khiến người đọc bất ngờ khi miêu tả tính cách hung bạo ở mặt ghềnh Hát Loóng "dài hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuồn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đây". Những âm thanh của gió của nước kết hợp với gió đã tạo thành một bản hợp xướng hùng vĩ đang ầm ập đổ sập lao tới. Động từ "xô" cùng các dấu phẩy liên tiếp làm cho câu chữ dường như cũng đang xô đuổi nhau trong cái âm hưởng cuồn cuồn gùn ghè của nước Sông Đà. Đặc điểm ấy của khúc sông khiến nó như kẻ lưu manh lúc nào cũng thích gây gỗ, lúc nào cũng muốn đòi nợ xuýt người lái đò. Hình thái của dòng sông được nhà văn nén lại trong một câu văn cheo leo, gây chấn động mạnh vào thần kinh cảm thụ của người đọc.

    Đến với Tà Mường Vát phía dưới Sơn La người độc sẽ bị choáng ngợp trước sự hung bạo của những cái hút nước của thác đá "những cái hút nước như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu", "nước ở đây thở và kêu như của cống cái bị sặc" có lúc lại nghe rờn rờn như"vừa rót dầu sôi vào" . Thật đúng khi so sánh con Sông Đà như con thủy quái hung ác đi đến đâu là gieo rắc nguy hiểm đến đó. Bởi thế mà "không thuyền nào dám men gần", bởi khi bị hút vào là "thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông mươi phút mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới". Nhận xét không sai khi nói Nguyễn Tuân là một định nghĩa đầy đủ nhất của một nhà nghệ sĩ. Ở ông hội tụ đầy đủ các tài năng bởi thế khi nhìn góc độ của một người đạo diễn ông đã cho chúng ta trãi qua những thước phim đầy kịch tính và táo bạo khi "tôi sợ hãi mà nghĩ đến một anh bạn quay phim táo tợn nào muốn truyền cảm giác lạ cho khán giả, đã dũng cảm ngồi vào một cái thúng tròn vành rồi cho cả thuyền cả mình cả máy quay xuống đáy cái hút Sông Đà". Một liên tưởng đập thẳng vào giác quan người xem một cách ấn tượng.

    Hơn thế nữa Sông Đà còn như một con bạo chúa hung tợn với những âm thanh cuồng nộ mà khiến độc giả phải ơn lạnh từng cơn. Tuy chưa đến cái thác sông dưới "Những đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo". Tiếng nước khi thì như oán trách, khi thì như van xin, rồi khiêu khích, có thì còn gằn giọng chế nhạo. Một câu văn ngắn mà hầu như đã đầy đủ các cung bậc của âm thanh tiếng thác, qua đó vừa thế hiện vốn từ phong phú vừa thể hiện trình độ thẩm âm tinh tế của tác giả. Không chỉ có thế tác giả còn dám lấy lửa để tả nước, dám lấy rừng để tả sông qua câu văn "Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng" chỉ có Ngyễn Tuân mới ngông ngạo thế thôi. Cách so sánh liên tưởng của Nguyễn Tuân thật độc đáo và hiếm thấy trong văn học, nó tạo cảm giác rất mạnh làm cho chúng ta được nghe, được nhìn thấy, được tận mắt chứng kiến cái hung dữ của Sông Đà mà thót tim trước sự hùng vĩ ấy của dòng sông.

    Nếu chỉ dừng lại ở đó thì Sông Đà không được ví "đắt" như "mang diện mạo và tâm địa của kẻ thù số một" của con người được. Bởi trùng vi thạch trận trùng trùng điệp điệp của con sông mới là điểm lôi cuốn nhất. Với thạch thủy trận nham hiểm và dữ dội, Sông Đà đã quyết tiêu diệt tất thảy con thuyền nào đi qua đây. Trùng vi thạch trận như trận đồ bát quái với rất nhiều cửa tử mà chỉ có một của sinh. "Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm cửa trận, bốn cửa tử, một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác". Hòn nào cũng đều như có nhiệm vụ riêng và vô cùng liều mạng chia từng đám tảng đám hòn để dụ những chiếc thuyền đi qua. Cứ con thuyền nào đi qua là chúng bèn nhổm cả dậy đề vồ lấy con thuyền. Nhà văn Nguyễn Tuân như muốn khắc sâu vào lòng người đọc hơn về những ấn tượng của hòn đá Sông Đà khi chúng đều có diện mạo riêng. Mỗi đứa mỗi khuôn mặt đứa thì nhăm nhúm, méo mó đứa thì ngỗ ngược xấc láo. Với nghệ thuật nhân hóa Nguyễn Tuân đã làm sống dậy một cách dữ dội hình thù của những hòn đá vô tri. Thêm nữa là lời văn góc cạnh, câu văn giàu tính tạo hình lại kết hợp với động từ mạnh, lối ví von ẩn dụ tượng trưng tác giả đã có những liên tưởng đầy bất ngờ và thú vị về sự ngôn ngoan mưu trí hiểm ác của Sông Đà. Nó thực sự là kẻ thù số một trong cuộc đấu trí, đấu lực với con người.

    Khi nói đến Sông Đà chúng ta không chỉ được trãi mình trước hung bạo của dòng sông mà còn được hòa mình vào "Áng văn giàu tính thẩm mĩ" của con sông. Sông Đà ở thượng nguồn hung bạo, dữ dằn, khắc nghiệt bao nhiêu thì ở hạ lưu càng thơ mộng, duyên dáng trữ tình bấy nhiêu. Từ cảm giác hồi hộp gieo neo đến rùng rợn, người đọc lại được chiêm ngưỡng dòng sông ở góc độ lãng mạn và trữ tình. Một bản hùng ca còn có những nốt nhạc trầm trong trẻo ngọt ngào và lắng sâu. Dường như có một sự chuyển mạch trong câu văn của Nguyễn Tuân, từ những dòng trúc trắc chuyển sang những câu văn như những dòng thơ vừa tạo hình vừa biểu cảm"Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ".

    Nguyễn Tuân đã quan sát Sông Đà ở nhiều góc độ khác nhau để có một cái nhìn toàn diện nhất. "Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại là cái con sông hằng năm và đời đời kiếp kiếp vẫn làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc". Dưới con mắt của Nguyễn Tuân, Sông Đà giống như một cô gái trẻ trong dáng vẻ diễm lệ yêu kiều. Khi từ trên cao nhà văn cảm nhận"Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuồn mù khối núi Mèo đốt nương xuân" . Điệp từ "tuôn dài tuôn dài" như mở ra trước mắt người đọc sự vô tận của dòng sông. Mái tóc trữ tình ấy, còn được tô điểm thêm bởi hoa ban hoa gạo trong khói nương mùa xuân. Hai chữ "ẩn hiện" càng tăng lên sự bí hiểm của dòng sông, ta như đi lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh vừa thực vừa mộng.

    Vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà còn được Nguyễn Tuân thể hiên qua việc miêu tả sắc nước. Nhà văn không đưa ra nhận xét một cách hồ đồ mà ông "đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà", "đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà" sau đó mới khẳng định sắc nước thay đổi theo mùa. Mùa xuân, nước sông Đà "xanh ngọc bích", màu ngọc bích là màu vừa có sắc vừa có ánh sáng, thứ ánh sáng mát dịu mà quyến rũ toát ra từ bên trong chứ không phải "xanh màu canh hến như màu của Sông Gâm, Sông Lô" . Mùa thu"nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa". Chính vì sự thay đổi màu nước ấy đã khiến dồng sông luôn luôn mới mẻ. Trên sông còn có những con thuyền đuôi én lướt trên sông, có những con cá dầm xanh, cá anh vũ "bụng trắng như bạc rơi thoi" quấy vọt lên mặt nước. Tất cả đem đến cho Sông Đà một vẻ đẹp vừa thực vừa huyền ảo lại rất duyên dáng dịu dàng đầy chất thơ.

    Qua nhiều lần đi thực tế Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã cảm nhận dòng sông như một cố nhân. Cảnh nước êm đềm đã khơi gợi ở lòng người bao ý tình lãng mạn. Một người bạn tâm giao khi gần thì dạt dào cảm xúc khi xa thì muôn vàn nhớ nhung. Lối so sánh hết sực độc đáo đã thể hiện được tình cảm gắn bó, yêu mến đối với con sông, thiên nhiên Tây Bắc. Giọng văn của tác giả bổng trở nên tươi tắn lạ thường khi nói đến Sông Đà "bờ sông Đà, Bắc Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà" . "Chao ôi, trong con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng" . Vẻ đẹp trữ tình của dòng sông hiện lên đậm nét nhất khi nhà văn miêu tả một quãng sông lặng tờ ông là một vị khách Sông Đà xuôi dọc hai bên bờ sông, cảnh vật ven sông hiện lên như một bức tranh thủy mặc, câu văn lúc này trở nên êm ái có những câu toàn thanh bằng, nhẹ nhàng và êm ái.

    "Thuyền trôi trên Sông Đà" khiến người đọc lạc vào một giấc mơ êm đềm với những bờ sông, nương ngô, đồi cỏ gianh đang ra nõn búp, đàn hươu thơ ngộ, nhà văn sử dụng liên tiếp lối so sánh đặc biệt khiến con sông vừa gần vừa xa vừa hư vừa ảo. "bờ sông hoang dại như 1 bờ tiền sử" . "Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa" điều này như khiến người đọc chìm sâu hơn vào ảo giác, như trở về với thời thơ ấu cũng những câu chuyện "ngày xửa ngày xưa" của bà. Đến đây ta mới hiểu vì sao tác giả thèm nghe một tiếng còi sương. Phải chăng nhà văn đang thèm một âm thanh để thoát khỏi cảnh "lặng tờ" của cảnh vật? Chính điều này đã khiến cả cảnh vật và con người đều đang chìm vào không gian đượm màu cổ tích. Qua hình tượng Sông Đà thơ mộng trữ tình ta như nghe được một bản giao hưởng êm ái nhẹ nhàng mà thậm đượm chất thơ. Nhà văn còn sử dụng hình ảnh so sánh độc đáo mới mẻ làm nổi bật lên sự đối lập với sự huy hoàng hoành tráng của dòng sông ở phía thượng nguồn.

    Hai nhận xét nhìn như đối lập nhưng lại bổ sung cho nhau để làm nổi bật nên vẻ độc đáo của nó - "chất vàng" của thiên nhiên Tây Bắc. Bằng thái độ kính nghiệp ham tìm tòi khám phá kết hợp với ngòi bút độc đáo và tài hoa của mình, Sông Đà trong tùy bút như một thực thể có linh hồn với nét cá tính dối lập hung bạo, hùng vĩ nhưng không kém vẻ nên thơ trữ tình. Từ đó nổi bật lên tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào với vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc qua lối hành văn phóng khoáng tỉ mỉ.

    Nguyễn Tuân quan niệm: "Văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo". Với tùy bút Người lái đò Sông Đà như nở hoa trong sự hòa phối kì diệu giữa cái đẹp của ngôn từ với vẻ đẹp tuyệt mĩ của hình ảnh mang đến cho người đọc hình dung mới mẻ trong chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc. Ngoài ra, người đọc ta còn bắt gặp một Nguyễn Tuân tài hoa uyên bác với vốn ngôn ngữ phong phú, giàu chất hội họa: Diễn tả được mọi sắc thái, mọi cung bậc, hình thù, màu sắc của sông Đà với thứ ngôn ngữ bậc thầy, vận dụng kiến thức nhiều bộ môn nghệ thuật, ngành khoa học.

    Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân dù ở thời đại nào cũng không lẫn đi được với những nét độc đáo và phong phú. Ở tùy bút Người lái đò Sông Đà, chúng ta thấy phong cách của ông thể hiện sự sắc nhọn của giác quan nghệ sĩ đi đôi với kho chữ nghĩa giàu có và đầy màu sắc cùng lối văn rất mực tài hoa. Văn của Nguyễn Tuân đúng là giọt mật của con ong cần mẫn yêu hoa, đem thơm thảo cho đời. Câu văn xuôi rất đẹp, lúc thì vang vọng âm ba của thác ghềnh, lúc thì mênh mang dư vị của hương nguồn hoa núi - đây đúng là giai phẩm mà đã góp vào làm đẹp thêm vừa hoa nghệ thuật Việt Nam.
     
    Phan Kim Tiên thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng mười 2021
  4. kieurabit.2

    Bài viết:
    4
    Chương 2: Mẫu văn viết về bài "Đất nước"

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

    Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

    Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa.." mẹ thường hay kể

    Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

    Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

    Tóc mẹ thì bới sau đầu

    Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

    Cái kèo, cái cột thành tên

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

    Đất Nước có từ ngày đó..

    (Trích Đất Nước, trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Từ đó bình luận về tư tưởng mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước.

    Bài làm


    Ai đó đã từng nói rằng: "Nếu mỗi người không thuộc về một đất nước, một quê hương thì giống như con chim không có tổ, cái cây không có rễ.." Và ai đó cũng đã từng tự hỏi lòng: "Có mối tình nào nặng sâu hơn là mối tình Tổ quốc?" Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy đã có biết bao hồn thơ cất cánh. Với Nguyễn Đình Thi là hình ảnh của một đất nước đau thương, căm hờn, quật khởi, vùng lên chiến đấu và chiến thắng huy hoàng. Với Lê Anh Xuân là dáng đứng Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân. Với Xuân Diệu là vẻ đẹp của đất nước "Tổ quốc tôi như một con tàu, mũi tàu rẽ sóng Cà Mau". Đặc biệt vào cuối năm 1971, từ chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, Nguyễn Khoa Điềm đã góp thêm một tiếng thơ hay về đề tài Đất nước qua trích đoạn: "Đất nước" - Trường ca "Mặt đường khát vọng". Đoạn trích này ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc với một tư tưởng mới mẻ về đất nước: "Đất nước của Nhân dân" được thể hiện qua chín câu thơ đầu:

    "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

    * * *

    Đất Nước có từ ngày đó.."

    NKĐ là nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cái tên ấy nổi lên như vì sao tinh tú trên bầu trời thi ca Việt Nam hiện đại. Thơ ông hấp dẫn, say đắm người đọc nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và chất chính luận, cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của con người trí thức yêu nước. Kết tinh cho hồn thơ ấy phải kể đến "Đất Nước" - một trích đoạn thuộc chương V của trường ca "Mặt đường khát vọng", được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị Thiên năm 1971. Bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ vùng đô thị tạm chiếm miền Nam, Việt Nam, về non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình phải xuống đường đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước. Tư tưởng chủ đạo chi phối toàn bộ chương V là tư tưởng "Đất nước của Nhân dân, Đất nước của ca dao thần thoại". Cái lí lẽ mà tác giả đưa ra nhằm thuyết phục người đọc thật giản dị mà rất đỗi chân thành: Không ai khác mà chính nhân dân- những con người vô danh đã kiến tạo, gìn giữ và bảo vệ đất nước; đã xây dựng nên những truyền thống văn hóa, lịch sử hàng ngàn đời của dân tộc.

    Đất nước vốn là những giá trị vĩnh hằng, vĩnh cửu được tạo dựng, vun đắp qua nhiều thế hệ: Được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia. Nhà thơ mở đầu đoạn trích không hề trang trọng mà rất đỗi bình dị, ông khẳng định đất nước tồn tại, hiện hữu ngay trong đời sống hằng ngày. Và chính nhà thơ Nuyễn Khoa Điềm đã từng tâm sự rằng: "Ý tưởng xuyên suốt của tôi trong chương này là thể hiện một Đất nước của Nhân dân. Do đó, từ ngữ, hình ảnh, chất liệu thơ được sử dụng nhằm làm rõ ý tưởng này". Phải chăng đó cũng là nguyên do, để những biểu hiện cụ thể cho đất nước lâu đời mà gần gũi, thân thương cũng bắt nguồn từ chất liệu văn hóa dân gian, gắn với phong tục tập quán, lối sống của nhân dân.

    "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi"

    Hai chữ "Đất Nước" vang lên trong trang thơ đầy thiết tha, trìu mến. Độc giả sẽ phát hiện một điều khác lạ đó là xuyên suốt trong cả đoạn thơ này từ "Đất Nước" đều được viết hoa. Chia sẻ về lý do tại sao lại trình bày như vậy, Nguyễn Khoa Điềm lý giải với ông đất nước không đơn thuần là vùng đất vô tri, đất nước là nhân vật, là sinh thể có tâm hồn và với cách viết này cũng đồng thời bài tỏ sự trân trọng của tác giả những tình cảm thành kính, thiêng liêng, trân trọng dành cho đất nước. Câu thơ đầu tiên vang lên như một lời khẳng định chắc nịch, đầy tự hào từ trái tim nhà thơ: "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi", có nghĩa là khi chúng ta sinh ra, đến lúc trưởng thành thì "đất nước đã có" từ rất lâu trước đó rồi. Ông khẳng định đất nước tồn tại, hiện hữu ngay trong đời sống hàng ngày. Với cách dẫn vào mạch thơ rất đỗi tự nhiên như một lời trò chuyện chân thành, tha thiết của người anh nói với người em, hoặc cũng có thể là lớp người đi trước thủ thỉ, tâm tình đối với lớp thế hệ sau, cũng có thể hiểu là của người con trai nói với người con gái trong mối qua hệ tình yêu đôi lứa. Dù ở cương vị nào, thì ý thơ cũng nhằm nhấn mạnh sự tồn tại của đất nước: Đất Nước đã có từng rất lâu, có trước khi ta sinh ra vì thế khi ta lớn lên thì đã thấy Đất Nước rồi, đó là điều hoàn toàn dễ hiểu.

    Sau khi khẳng định sự tồn tại của đất nước, nối tiếp mạch cảm xúc sâu lắng ấy, nhà thơ lý giải về nguồn gốc của đất nước có từ bao giờ với những biểu hiện cụ thể, tuy mới lạ nhưng cũng đầy sức thuyết phục:

    "Đất Nước có trong những cái" ngày xửa ngày xưa.. "mẹ thường hay kể"

    Tác giả đã mượn chất liệu dân gian để diễn tả về sự ra đời của đất nước. Bốn chữ "ngày xửa ngày xưa" đưa chúng ta về một miền thăm thẳm, xa xôi với những câu chuyện cổ tích thời còn nằm nôi mà bà và mẹ vẫn thường hay kể ru ta giấc nồng. Âm hưởng của lời thơ lắng đọng như lời kể chuyện tâm tình thủ thỉ giữa những kẻ thân thương, gợi ra cho người nghe biết bao trầm tích huyền sử về cuộc sống chiến đấu của cha ông. Nơi đó còn âm vang những lời kể về huyền thoại, truyền thuyết với những câu chuyện cổ tích dân gian về cô Tấm dịu hiền, Thạch Sanh lương thiện, bà tiên ông bụt với những phép màu diệu kỳ giúp đỡ cho những người ở hiền gặp nạn.. Chính những câu chuyện và lời ru thân quen thuở nào là nguồn sữa ngọt lành nuôi dưỡng tâm hồn ta thêm trong sáng, hướng về những điều tốt đẹp. Bởi truyện cổ nước ta hay lắm, nhân đạo lắm, chính vì vậy mà nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã từng rất xúc động khi viết về ý nghĩa của kho tàng truyện cổ:

    "Tôi yêu truyện cổ nước tôi

    Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa

    Thương người rồi mới thương ta

    Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm

    Ở hiền thì lại gặp hiền

    Người ngay thì được phật, tiên độ trì".

    Cả một nền văn hóa, văn học dân gian với bao thần thoại, truyền thuyết phong phú làm sao có thể gói gọn trong mấy vần thơ. Thi nhân như trao cho người đọc chiếc chìa khóa để tự khám phá cái kho tàng văn hóa phong phú tổ tiên trao lại. Lần về mảnh vườn cổ tích ấy, những ai có lòng chắc chắn sẽ tự mình chắt chiu được những giọt mật mà bồi dưỡng tâm hồn thiện chân, tìm đến một lối sống đẹp.

    Truy tìm về cội nguồn Đất Nước, khó ai có thể xác định minh bạch khởi thủy của nó, cho dù là nhà khảo cổ hay sử gia. Nhưng NKĐ lại xác định cái buổi ban đầu ấy qua nét sống giản dị nhưng đậm đà của những người mẹ người bà Việt Nam:

    "Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn"

    Không ai lấy tiêu chuẩn đo lường của khoa học để bắt bẻ thi nhân. Nguyễn Khoa Điềm khẳng định chân lí bằng một trực cảm thiên tài để lí giải một cách cụ thể sinh động về sự khởi nguyên và phát triển đất nước qua hình tượng miếng trầu. Hình ảnh "miếng trầu là đầu câu chuyện" hiện lên như một thói quen trong phong tục tập quán của người dân đất Việt, tập tục ăn trầu. Miếng trầu trong tâm thức và truyền thống của người Việt Nam, miếng trầu là biểu tượng của tình cảm chân thành, thủy chung, keo sơn, son sắt giữa người với người, giữa những đôi lứa yêu nhau. Người xưa, vui buồn đều có miếng trầu, gặp nhau với những lời thăm hỏi cũng gắn liền với miếng trầu, trai gái yêu nhau nên duyên cũng phải có miếng trầu. Miếng trầu gợi ra cả huyền sử tình yêu, nói lên mối quan hệ vợ chồng thủy chung, nghĩa anh em Tân-Lang trọn vẹn. Thế nên mới nói: "Miếng trầu là đầu câu chuyện" hay "miếng trầu nên nghĩa phu thê"..

    "Gặp đây ăn một miếng trầu

    Không ăn cầm lấy, không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng

    Trầu này trầu tính trầu tình

    Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta"

    Một đất nước không thể thiếu đi truyền thống văn hóa, và một trong những truyền thống quý bàu của dân tộc ta là truyền thống đánh giặc giữ nước trong suốt 4000 năm của dân tộc:

    "Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc"

    Hai chữ "lớn lên" để chỉ sự trưởng thành của đất nước. Câu thơ gợi nhắc bạn đọc tới 2 hình ảnh: Cây tre và truyền thuyết "Thánh Gióng". Bao đời nay, tre không còn là hình ảnh xa lạ đối với đời sống của người dân Việt Nam. Nó đã đi vào trong những tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa với những đặc điểm tượng trưng cho phẩm cách của con người Việt Nam như:

    "Tre xanh

    Xanh tự bao giờ?

    Chuyện ngày xưa.. đã có bờ tre xanh

    Thân gầy guộc, lá mong manh

    Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?

    Ở đâu tre cũng xanh tươi

    Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu"

    Cây tre hiền hậu trên mỗi làng quê, nó như là sự đồng hiện những phẩm chất đôi khi ngỡ là đối lập trong cốt cách con người Việt Nam: Thật thà, chất phác, đôn hậu thủy chung, yêu chuộng hòa bình nhưng cũng kiên cường bất khuất trong tranh đấu:

    "Nòi tre đâu chịu mọc cong

    Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường"

    Người Việt Nam giống như những cây tre thẳng tắp, mạnh mẽ, kiên cường. Cây tre ấy cũng gắn liền với hình ảnh Thánh Gióng – cậu bé vụt lớn trở thành tráng sĩ, nhổ tre bên đường diệt giặc khỏi bờ cõi Việt:

    "Ta như thuở xưa thần Phù Đổng

    Vụt lớn lên đánh đuổi giặc Ân"

    Cũng từ đó, Thánh Gióng trở thành biểu tượng khỏe khoắn của tuổi trẻ Việt Nam kiên cường, bất khuất. Truyền thống vẻ vang ấy đã đi theo suốt chặng đường lịch sử dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đã có biết bao nhiêu người con gái con trai sẵn sàng lên đường ra mặt trận. Họ ra đi mang trong mình lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Những tháng năm ấy và cả những năm tháng sau này, truyền thống yêu nước vẫn luôn là cội nguồn, là dòng huyết chảy trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta.

    Cùng với đó, đất nước đã có từ rất lâu đời gắn liền với những thuần phong mĩ tục tốt đẹp. Nhà thơ đã đề cập đến tập tục bới tóc của người phụ nữ Việt Nam, sự thủy chung son sắt của mẹ cha qua câu thơ:

    "Tóc mẹ thì bới sau đầu

    Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn"

    Nói đến thơ ca, nhà văn học người Nga luôn mang trong mình ý niệm: "Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật" và nhà thơ NKĐ cũng giao thoa trong cảm xúc, đồng điệu với tâm hồn người nghệ sĩ ấy khi ông tiếp tục lí giải nguồn gốc của Đất Nước bằng những yếu tố mang vẻ đẹp thuần phong mĩ tục của người dân Việt. Đó là vẻ đẹp giản dị của bà, người mẹ với phong tục "búi tóc sau đầu". Do công việc trồng lúa nước, phải lội xuống ruộng nên người phụ nữ phải bới tóc cho gọn gàng. Lâu dần điều đó trở thành nét đẹp mang đậm tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Tóc cuộn búi cao sau gáy tạo cho người phụ nữ một vẻ đẹp nữ tính, thuần hậu rất riêng. Nét đẹp ấy khiến người đọc chúng ta gợi nhớ tới câu ca dao:

    "Tóc ngang lưng vừa chừng em bới

    Để chi dài cho rối lòng anh"

    Ngoài ra ở đó còn là đạo lí ân tình ân nghĩa, thủy chung bền chặt ngàn đời của cha mẹ, những con người cùng nhau cư trú, lao động, chiến đấu, duy trì nòi giống trên mảnh đất cong cong hình chữ S này. "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn" gừng càng già càng cay, muối càng lâu càng mặn, con người sống với nhau lâu thì tình nghĩa càng đong đầy. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ đã có câu:

    "Tay bưng đĩa muối chén gừng

    Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau"

    Nguyễn Khoa Điềm mượn câu ca dao, mượn vị mặn của muối, vị cay nồng của gừng để nói về tình yêu dài lâu, nồng thắm, tình cảm thủy chung, sự gắn bó keo sơn của vợ và chồng để làm nên một gia đình chan chứa hạnh phúc, yêu thương. Có lẽ chính vì vậy mà Đất Nước đã ghi dấu ấn của cha mẹ qua "hòn Trống Mái" hay "núi Vọng Phu". Đó cũng là một truyền thống rất quý báu của nhân dân ta.

    Không chỉ vậy, Đất nước đã có từ rất lâu trong tiến trình phát triển của cuộc sống đời thường. Cội nguồn của đất nước cũng được tác giả cảm nhận từ cách đặt tên giản dị: "Cái kèo, cái cột thành tên". Bắt nguồn từ việc đặt tên cho những vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, lấy tên của chính những vật dụng ấy để gọi tên cho con cái. Bởi xa xưa, người Việt đã quan niệm đặt tên cho con càng xấu thì càng dễ nuôi. Hơn thế, là cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về truyền thống của con người Việt Nam cần cù, chịu khó, gắn với một nền văn minh nông nghiệp. Để đất nước có được như ngày hôm nay, không thể không kể đến công sức lao động của thế hệ ông cha, hay nói cách khác là quá trình dựng nước. Lời thơ của Nguyễn Khoa Điềm như phảng phất lời ca dao, cũng là lời khuyên răn:

    "Ai ơi bưng bát cơm đầy

    Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần."

    Thành ngữ "một nắng hai sương" kết hợp với một loạt động từ "xay, giã, giần, sàng" đã diễn tả rất cụ thể công việc của nhà nông, kèm theo đó là nỗi vất vả, sự cần cù, chịu thương chịu khó, chăm chỉ lao động của ông cha ta. Để làm ra hạt gạo trắng ngần, bát cơm thơm dẻo, người nông dân phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Để rồi thấm vào trong từng hạt gạo nhỏ bé, trong bát cơm thơm dẻo ấy là vị mặn của mồ hôi nhọc nhằn, câu thơ đã khéo léo nhắc nhở chúng ta đạo lý: "Uống nước nhớ nguồn".

    Khép lại khổ thơ đầu với 9 câu thơ tự do, nhà thơ NKĐ khẳng định sự ra đời của Đất Nước một cách đầy tự hào:

    "Đất Nước có từ những ngày đó.."

    Là ngày nào ta không biết, cũng không rõ nhưng chắc chắn đó là ngày ta có truyền thống, có phong tục tập quán, có nền văn hóa tức là có Đất Nước. Những nét văn hóa đẹp đẽ nhất được Nguyễn Khoa Điềm đưa vào thơ mình một cách tự nhiên, chân thật để cho mỗi người đọc hiểu rằng văn hóa chính là đất nước và chúng ta cần phải có trách nhiệm hiểu biết, gìn giữ những giá trị cốt lõi này.

    Chín dòng thơ không những thuyết phục bởi tư tưởng chính luận mà còn đi vào lòng người bởi vẻ đẹp nghệ thuật độc đáo. Trong đoạn thơ, cấu trúc câu "Đất Nước đã có", "Đất Nước bắt đầu", "Đất Nước lớn lên", "Đất Nước có từ" cho phép hình dung cả quá trình sinh ra, lớn lên, trưởng thành của đất nước trong thời gian trường kì. Kết hợp với đó là điệp từ "có" đã nối kết những hình ảnh tưởng chẳng liên quan gì với nhau thành một khối không thể tách rời, khẳng định sự hiện hữu vừa có tính truyền thống vừa đầy ân tình sâu nặng của đất nước như một nét riêng không thể hòa lẫn. Nhà thơ cũng đã thật khéo léo khi sử dụng cách nói giản dị, tự nhiên, đậm đà màu sắc dân gian quen thuộc nhưng trong một thể loại hết sức mới mẻ - thể loại trường ca. Bởi thế mới có một nhận định rất mới lạ về thơ NKĐ: "Câu thơ dù ở thể thơ truyền thống hay thơ tự do bao giờ cũng phảng phất phong vị ca dao. Chất hiền minh của trí tuệ dân gian thấm đẫm trong từng từ" Tất cả đã tạo nên một đoạn thơ đậm đà không gian văn hóa người Việt. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời thời nhẹ nhàng, lôi cuốn mang nồng hơi thở cuộc sống. Tính chính luận đã làm sáng đẹp chất trí tuệ hài hòa với chất trữ tình đậm đà. Thành công khi thể hiện tư tưởng đất nước của nhân dân là Nguyễn Khoa Điềm đã lựa chọn cho mình chất liệu văn hóa rất phù hợp đó là chất liệu văn hóa dân gian. Vẫn biết rằng chất liệu thuộc hình thức nghệ thuật của một bài thơ mà nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ còn trái tim là nghệ sĩ. Tuy nhiên việc thể hiện tiếng nói của trái tim là rất quan trọng. Văn hóa dân gian trong tác phẩm nói chung và trong đoạn trích nói riêng là những câu tục ngữ ca dao, những làn điệu dân ca, những câu hò sông nước, những câu chuyện cổ tích, những phong tục tập quán mà Nguyễn Khoa Điềm đã chiêm nghiệm và chọn lọc dựa trên vốn hiểu biết am tường và sâu rộng.

    Một nhà văn Nga từng khẳng định: "Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng của mình, tìm thấy những ấn tượng có giá trị khái quát và biết làm những ấn tượng ấy có hình thức riêng". Có lẽ một trong những cái khác biệt để tạo ra khoảng cách nghệ sĩ và người thường chính là ở chỗ đó. Không phải ai cầm bút đều là nghệ sĩ. Các nhà văn cũng vậy. Họ đều có thể viết được thơ, văn nhưng để làm được thơ, văn đích thực thì phải có sức sống và chỗ đứng trong lòng người đọc thì không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, cái tên NKĐ lại làm được, ông hài hòa cả hai điều đó bởi thơ vừa có sức sống trong lòng người đọc vừa khẳng định được tiếng nói của riêng mình về Đất Nước theo định nghĩa riêng. Một đất nước với cách lí giải mới mẻ, đa chiều, suy tư sâu lắng. Rất gần gũi, thân quen với những hình ảnh xuất phát từ những giá trị văn hóa lâu đời.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...