Tên: Mặt trời rực rỡ Thể loại: Truyện ngắn Tên tác giá: An Lan Chi Ni bảo mọi chuyện đã qua lâu rồi, cũng không cần phải đau lòng thêm nữa. Kí ức về Hòa, về mối tình đầu hay tuổi thơ ngập tràn tiếng cười của cả ba chúng tôi mãi mãi là những trang nhật kí tươi đẹp nhất. Dù có qua bao lâu, đi bao xa thì hạnh phúc, nỗi đau, mất mát ấy vẫn khắc sâu nơi trái tim. Hòa cũng ở đó. Kỷ niệm đó, con người đó vĩnh viễn là mặt trời rực rỡ nhất mà chúng tôi từng biết. Tôi gặp lại Ni vào một buổi chiều chủ nhật hanh hao nắng. Cũng ở hàng ghế đó, cũng dáng đứng mang nét kiêu hãnh và gương mặt đượm buồn. Không lẫn vào đâu được. Tôi vẫn quen nhìn Ni e ấp đứng cạnh Hòa trong hầu như tất cả những buổi lễ. Có cái gì đó chống chếnh trong lòng khiến sống mũi cay cay. Vậy mà nét mặt nó rất bình thản. Không biết khi biết tin Ni có suy sụp không? Ai cũng bảo nó mạnh mẽ lắm. Huống gì chuyện cách đây mấy năm, mấy người còn nhớ nữa.. Lá sầu đông rớt đầy trên con đường dẫn vào ngôi nhà nằm sâu trong hẻm cụt. Ngôi nhà hướng mặt ra phía sông. Đấy là sông Hiên – chảy dài suốt miền kí ức thơ dại của những đứa bé như tôi, Ni, Hòa.. Chúng tôi lớn lên và phiêu bạt, rồi lạc mất nhau, thậm chí chẳng còn cơ hội được gặp nhau nữa. Thời gian trôi đi, hai bên bờ sông cỏ dại mọc um tùm. Rồi những cơn lũ về mang theo phù sa làm lòng sông càng lúc càng hẹp dần. Ni nhìn miên man sang phía đó, môi khẽ nở một nụ cười. – Tao mới về hôm qua, chưa kịp chạy sang mày – Ừ, tưởng đâu mày lơ tao rồi Tôi vờ dỗi nhìn sang, thấy đôi mắt trong trẻo chưa từng gợn sóng lần nào giờ đây bị thay thế bởi ánh nhìn kín đáo. Ni xõa mái tóc dài uốn xoăn nhuộm màu khói sành điệu, chiếc váy ngắn khoe đôi chân dài trắng nõn nà, tôi để ý trên cổ tay nó có một hình xăm nhỏ ghi chữ gì đó. Cái phong thái toát lên từ Ni dường như không hợp với căn nhà đìu hiu và xóm nhỏ chúng tôi. Còn nhớ trước kia cả Ni, tôi và Hòa – đều là những đứa bé lam lũ vừa đi học vừa dắt díu nhau chăn trâu, nuôi vịt. Ni bắt gặp ánh mắt của tôi, nó chỉ cười. Đó là đứa bạn hai mươi tuổi năm nào hai mắt đỏ hoe ôm ghì lấy tôi ở sân bay, là cô gái từng nằm li bì khi phải chia tay mối tình đầu đi du học. Hình như chúng tôi ai cũng khác đi, khoảng cách trong mối quan hệ có lẽ vì thế mà xa hơn. Tự nhiên tôi nghe tim mình gõ nặng nề trong lồng ngực. – Mày thấy tao lạ quá hả? – Ừ, chút chút, chắc tại chưa quen – Ba năm rồi không gặp mà, vài bữa là quen thôi – Ừ, mà mày.. biết chuyện của.. – tôi ngập ngừng, nghe cổ họng mình nghẹn đắng, nét mặt Ni cứng rắn nhưng có gì đó tan vỡ trong ánh mắt. Chỉ thoáng qua rất nhẹ thôi. Nó cúi đầu xuống, rồi lại ngẩng lên, lại cười mà nghe xót xa: – May mà lúc đó tao ở Nhật, mày nhỉ? * * * Tháng ba đến muộn bằng những buổi sáng tờ mờ sương giăng kín mấy con đường. Ni đứng thập thò đợi tôi ở cổng. Hôm nay nó mặc quần jean áo thun và mang đôi dép xỏ ngón trông rất gần gũi. Ni nháy mắt, giơ tay vẫy tôi trên cái xe đạp cũ xì hồi trước vẫn hay đạp đi học ở trường cấp ba trên huyện. Tôi bảo dắt xe vào nhà rồi lấy xe máy đi cho tiện, vậy mà nó nhất quyết không chịu. Tôi gồng lưng đạp xe, không quên quạu nó: – Đòi đi xe vận động cơ thể mà bắt tao đèo? Nó cười hì hì rồi vòng tay xiết ngang bụng tôi. Cảm giác thân thuộc trước kia lại trở về và choáng ngợp. Hình ảnh ba cô cậu đạp xe rồi í ới gọi nhau vang vọng suốt cả con đường quê. Năm đó hoa sầu đông rơi trắng cả đường, y hệt cuộc chia ly của chúng tôi. Tôi nhìn bó lưu ly im lìm nằm trong giỏ, tự nhiên lại nghe làn áo sau lưng mình lạnh buốt như nước mắt ai áp trên đó. Nghĩa trang Thiên Vân nằm khang trang trên dải đất trống quay mặt ra đường. Xung quanh là mấy bãi cát trắng và hàng dương liễu đung đưa. Tôi nhìn Ni điềm nhiên đặt xuống trước mộ Hòa bó hoa trắng muốt rồi lặng lẽ nhìn làn khói mỏng tan vào sương sớm. Nó cứ đứng thế, đôi mắt cũng hoàn toàn trống rỗng. Tôi chỉ nghe nó thì thầm như với chính mình: "Lâu vậy rồi, có buồn không?" Tôi chưa từng nghĩ Ni đối diện với sự ra đi của đứa bạn thân, mối tình đầu mà nó từng bảo cả đời không quên được – bằng thái độ nhẹ nhàng đến vậy. Có lẽ vì hai đứa xa nhau đã lâu, có thể Ni không mường tượng được khoảnh khắc Hòa quằn quại đau đớn khi nhắm mắt, cũng có thể Ni chưa từng biết Hòa vẫn gọi tên nó trong những giây cuối cùng chống chọi với cái chết. Ni không biết, chẳng ai muốn nó biết. Ba mẹ, người quen, cả tôi chẳng ai dặn ai đều giấu nhẹm chuyện ấy đến tận bây giờ. Người chết thì cũng đã chết rồi, nhưng người sống thì vẫn phải sống tiếp cuộc đời của họ. Đôi lần tôi muốn hỏi Ni còn nhớ Hòa không, nhớ như một mối tình nuối tiếc, thế rồi tôi vẫn giữ câu hỏi ấy trong lòng. Hòa mất khi Ni vừa sang Nhật hai tuần. Người ta đưa cậu đi vội vàng vì sáng hôm ấy mưa dầm dề, trời tối mịt mà nước lũ lại đang lên. Tôi đội mưa khóc hết nước mắt khi chứng khiến từng nắm đất rơi xuống lạnh lẽo lấp dần đi hình hài chàng trai mới tròn hai mươi tuổi. Bà con trong xóm bảo số Hòa khổ quá, đến chết rồi còn khổ. Ai lại đi vào ngày tăm tối này. Mưa lớn, nước ngoài đồng tràn vào thì mộ mới sẽ ngập nước, người nằm đó chắc chắn bị ướt và lạnh. Tôi òa khóc như ai đó đang róc từng mảng thịt trên người. Nửa đêm tôi lại mơ thấy cả ba đứa chúng tôi rượt đuổi nhau trên cánh đồng cuối mùa xơ xác. Nụ cười Hòa trong veo, đôi mắt thăm thẳm cứ thế hướng về phía Ni. Giây phút đó tôi biết hai đứa bạn mình đã trưởng thành, và biết yêu cả rồi. Tôi muốn kể Ni nghe về những giây phút cuối cùng khi Hòa đi. Vậy nhưng hình như Ni không muốn biết, hoặc chuyện đã không còn ý nghĩa nữa. Chúng tôi dắt xe đạp dọc con đường từ nghĩa trang dẫn ra đường cái. Nắng tháng ba đã bắt đầu lên cao và gắt hơn. Mấy ngày sau đó Ni không sang tìm tôi. Nghe bảo Ni lên xã làm mấy thủ tục cho công việc mới. Bây giờ Ni có thể tự lo cho mình được rồi, chẳng cần phải nhìn nét mặt ai mà sống nữa. Nó mất mẹ khi còn nhỏ, ba đi làm xa gởi nó lại cho bà ngoại nuôi. Khi Ni tròn hai mươi tuổi thì người cha muốn đi thêm bước nữa. Ni cũng không phản đối. Thế là Ni có mẹ mới. Người mẹ kế bàn với ba cho Ni sang Nhật vừa làm vừa học. Ba Ni lúc đầu không đồng ý nhưng rồi cũng xuôi theo. Nó ngậm ngùi đi bởi biết dù ở lại cuộc sống cũng chưa chắc khá hơn. Chúng tôi hẹn nhau ba năm sau sẽ gặp lại. Ngày nó bay Hòa không đến tiễn. Lúc tôi đi tìm thì thấy cậu thui thủi ngồi trên con đê cao mà ba đứa vẫn ngồi tranh thủ học bài khi chăn trâu. Tôi hỏi đang làm gì. Hòa đáp cộc cằn "đếm máy bay". Khi ấy có chiếc máy bay lướt qua trên trời, tôi nghe Hòa thầm thì: "Cuối cùng cũng đi rồi". Hai tuần sau Ni đi làm. Nó mặc bộ váy trắng thướt tha rồi sang bảo tôi đèo đi. Tôi cằn nhằn: – Tao osin mày à? – Mày bạn thân của tao Ni lại cười hì hì. Mối quan hệ của chúng tôi dần dà thân thiết trở lại. Tôi thấy thực sự vui vì không mất đi quá nhiều thứ, ít nhất là con bạn thân duy nhất. Buổi chiều đón Ni về bất giác tôi nhớ chuyện cũ, lại buộc miệng: – Giờ có Hòa thì vui biết mấy, có khi hai đứa mày? Ni đánh rơi xấp tài liệu trên tay vung vãi xuống đường. Nhìn bàn tay run run nhặt lại mớ giấy mà tôi không kìm được lòng, nước mắt tự nhiên rớt xuống trên má: – Tao xin lỗi, tao tưởng mày quên rồi – Hòa hứa đợi tao về.. Nó òa khóc như đứa con nít trong lòng tôi. Đó là lần thứ hai tôi thấy Ni yếu đuối. Lần đầu tiên là khi mẹ nó mất, và bây giờ.. Chúng tôi đứng trước mộ Hòa, dưới ánh hoàng hôn vàng vọt buồn đến tê tái. Nụ cười trong trẻo của Hòa trên phiến đá đã mờ dần đi. Phải cố lắm tôi mới mường tượng ra thằng bạn thân ở cạnh nhà, người đã từng cùng tôi đi qua hết gần hai mươi năm tuổi thơ. Hòa và Ni yêu nhau khi chúng tôi vừa tốt nghiệp cấp ba. Trong lần sinh nhật thứ mười tám của Ni, cậu ấy vụng về tặng Ni sợ dây chuyền có mặt là một hạt đá màu xanh lam nhỏ xíu. Chúng tôi cười òa véo má Hòa trêu: – Cứ làm như tặng người yêu ấy Sự vô tư của Ni làm Hòa phát cáu. Cậu đùng đùng bỏ về còn Ni nằm vật ra cười ngặt nghẽo. Tôi thì không thế. Tôi biết Hòa thích Ni qua từng cử chỉ, từng ánh mắt, từng cái cố ý ngồi thật sát hay giả vờ vuốt tóc Ni rồi thơ thẩn mãi. Chỉ là không biết tự lúc nào giữa những đứa bạn lớn lên cùng nhau lại có thứ tình cảm khác lạ chen vào. Tôi từng ghen tỵ một cách rất trẻ con rằng sao người cậu ấy thích không phải tôi. Có phải vì tôi không xinh, không học giỏi, không nói chuyện dí dỏm như Ni.. Sau này trưởng thành hơn tôi mới biết tình yêu không bắt đầu từ những điều như thế. Sau lần đó Ni cũng dần nhận ra tình cảm đặc biệt của Hòa. Còn nhớ Ni sang tìm tôi, nó nằm dài trên giường rồi hỏi bằng cái giọng vừa lo lắng lại vừa ngượng ngùng: – Nếu mà tao với Hòa.. thì sao mày nhỉ? – Nó dòm tôi – Mày với Hòa thì làm sao? – tôi giả vờ không hiểu trêu nó – Thiệt tình, ý là.. tao với Hòa quen nhau.. thì sao? – Ni ngập ngừng – Thì tốt chứ sao, sau này tao đỡ bớt tiền cưới – Cái đồ ki bo, ý tao là.. mày có sao không? – Sao là sao thế nào con điên? – tôi hiểu ý Ni, cái cảm giác trong ba đứa bạn lại có hai đứa yêu nhau, mình tự nhiên trở thành thừa thãi. Nhưng với tôi cả Ni và Hòa đều là những đứa bạn đáng quý. Chúng nó hợp nhau đến kì lạ, dù hay cãi nhau nhưng đứa nào cũng nhường phần hơn cho đứa kia. Nếu không có những chuyện đau lòng xảy ra hẳn tôi đã tin hai đứa sinh ra là dành riêng cho nhau. Bạn tôi yêu nhau rất bình yên. Kiểu vừa ngây ngô trẻ con, lại vừa chân thành ấm áp. Chúng tôi vẫn đi học cùng nhau, điều khác đi là Hòa đèo Ni đạp xe song song với tôi. Những ngày đầu tiên chứng kiến thứ tình cảm dịu dàng của hai đứa thật lạ lẫm. Hòa là mẫu con trai giản dị, hiền lành. Cái cách cậu yêu Ni cũng hiền lành như vậy. Hòa hay mua cho Ni mấy món đồ con gái dễ thương, lần nào cũng hỏi ý tôi trước. Có một lần cậu tặng Ni cái kẹp tóc đính đá hình bươm bướm xinh ơi là xinh, tôi chu mỏ dỗi: – Hai đứa bây cho tao ra rìa rồi, tủi thân dễ sợ Tôi chống cằm liếc Hòa, cậu cười tít mắt: – Của mày đây, mình thích màu xanh còn gì Tôi hí hửng đón lấy gói nhỏ cậu dúi vào tay, đó là cái kẹp hình chiếc lá màu lam xinh xắn. Tôi vui kinh khủng. Chiếc kẹp ấy đến bây giờ tôi vẫn giữ như một mảnh vỡ của ký ức đẹp đẽ. Thời gian trôi đi nhẹ nhàng suốt hai năm sau đó. Tôi chứng kiến Hòa và Ni lớn lên, tình cảm của hai đứa cũng chín chắn hơn. Thay vì những lần cãi vã, hờn dỗi nho nhỏ mà Ni rấm rứt khóc rồi kể lể thì nó bắt đầu hiểu và thông cảm hơn. Nhà Hòa nghèo, lại đông anh em. Vì lẽ đó mà cậu không thường xuyên mua cho Ni quà đắt tiền như mấy cậu trai khác trong xóm. Ni không trách móc, nó bảo với tôi Hòa tốt hơn mấy thứ phù phiếm đó. Tốt nghiệp cấp ba xong thì Hòa thôi học. Cậu theo ba làm phụ hồ trong xóm. Thi thoảng cậu theo chân mấy chú, mấy anh đi làm công trình xa nhà. Hòa hỏi tôi liệu Ni có tủi thân khi bạn trai là dân lao động, trong khi xung quanh Ni có biết bao chàng sinh viên áo quần thơm tho được ăn học đàng hoàng. Ánh mắt Hòa đau đáu nhìn ra dòng sông trôi lững lờ. Nỗi mặc cảm trong Hòa càng lúc càng tăng cao kèm theo những cơn ghen vô lý. Ni yêu Hòa theo cách mà rất ít cô gái nào ở lứa tuổi đó có thể làm được. Nó lặng lẽ lo lắng, dịu dàng khi Hòa quạu quọ hỏi nó ở đâu, làm gì.. Ni hay thức dậy sớm nấu cơm cho Hòa mang theo ăn trưa. Nó sợ Hòa ăn qua loa lại không đủ sức khỏe. Thỉnh thoảng tôi lại thấy nó hì hục giặt mớ đồ lao động cho cậu rồi tỉ mỉ ngâm nước xả thơm lừng. Những chiếc áo Ni mua tặng Hòa bao giờ cũng được nó chọn cẩn thận, từ màu áo Hòa thích cho đến từng đường chỉ may. Chứng kiến những điều nhỏ bé đó, tôi biết Hòa quý giá với nó thế nào. Mối tình của Hòa và Ni khiến tôi mơ mộng một ngày mình cũng có thể yêu sâu sắc như thế. Cuối cùng thì chúng tôi cũng xa nhau, theo cách mà chưa lần nào tôi dám nghĩ. Những giấc mơ chập chờn về sau tôi vẫn thấy Hòa, tôi và Ni tíu tít đạp xe trên con đường quê buổi trưa mát rượi. Gió hai bên lùa tiếng cười của ba đứa vang đi xa mãi. Khoảng trời tinh khôi ấy chúng tôi chẳng còn được trở lại, dù có đánh đổi bao nhiêu lần. Sau ngày Ni đi Hòa buồn hẳn. Mỗi buổi chiều cậu thường sang nhà tôi rồi hai đứa ngồi ngóng ra sông Hiên. Mùa lũ, nước sông Hiên dâng cao và mưa tuôn xối xả. Cậu bảo ở Nhật chắc không buồn như ở đây. Tôi đọc được nỗi bất an trong đáy mắt thăm thẳm của Hòa. Ở một nơi xa xôi, hoa lệ, có mấy người giữ được tấm chân tình vẹn nguyên. Năm ấy chúng tôi mới tròn hai mươi tuổi, con đường phía trước còn quá dài mà người ta thì lại có quá nhiều lựa chọn. Tôi không dám chắc ngày trở về hai đứa vẫn là của nhau. Tôi cũng không dám chắc tình bạn thân thiết suốt ấu thơ sẽ không phai nhạt đi. Ba năm – có biết bao đổi thay mà người ta chẳng thể lường trước. Vậy mà Hòa tin, cả Ni cũng tin. Hai đứa hứa nhất định sẽ đợi người kia trở về. Hòa bảo sẽ đi học thêm buổi tối để sau này đủ tự tin đứng bên Ni. Tôi hỏi cậu sao không giữ Ni lại, chàng trai ấy cười hiền rồi đáp bằng giọng trầm buồn: – Ni đi học có tương lai hơn, ở đây rồi lại lam lũ giống tao với mày, mà biết có sống nổi với mẹ kế không? – Mày cứ thành kiến, thế mày không sợ nó quên mày hả? – Không đâu, tao hiểu Ni mà Dù nói vậy nhưng Hòa thở dài thườn thượt. Cậu quay sang nhìn tôi như tìm một sự đồng cảm rồi dõi mắt ra dòng sông đang chìm dần vào màn đêm tối mịt. Hai ngày sau thì bão về. Gió gào thét y hệt cơn thịnh nộ đổ xuống vùng đất cằn cỗi miền Trung. Mưa hung hăng hất tung những mái nhà nhỏ bé nằm sợ hãi rúm ró. Xóm bị ngắt điện. Không có gì ngoài tiếng bão gầm rú và bóng đêm hoang dại. Hòa mang đèn pin sang nhà tôi mượn chiếc xe chạy đi tìm ba. Khuya quá, mà cây cối ngoài đường thì đổ rạp. Ba cậu sang chằng mái nhà giúp ông bà nội đến giờ vẫn chưa về. Tôi cuống quýt níu tay Hòa bảo nguy hiểm lắm, vậy mà cậu gạt tay tôi rồi phóng xe đi. Mưa gió lại rít lên từng cơn tê tái đến quặn lòng. Hòa không về nữa. Trong cái đêm tơi bời đó chúng tôi không chỉ chống chọi với bão mà còn chống chọi với nỗi đau mất mát tột cùng. Khi bão nguôi ngoai thì vài ba chú hàng xóm tốt bụng đưa cậu về. Một bên cánh tay và đầu Hòa máu chảy ròng ròng. Áo quần cậu ướt sủng, vết thương hở toác mà chúng tôi chỉ biết đứng đó, bất lực nhìn cậu đau đớn. Hòa ngất đi mấy lần. Lần sau cùng cậu tỉnh lại, mắt cậu nhìn một lượt từ mẹ, các em, rồi đến tôi. Bàn tay cậu xiết chặt tay tôi. Tôi nghe một tiếng duy nhất, thân thương rồi tay Hòa buông lỏng dần. Xe cứu thương không đến được, dù có đến thì cũng không kịp. Chú Tư kể lại rằng, khi tìm thấy Hòa thì cành cây và mái tôn đã che lấp gần hết người cậu. Phải mất rất lâu sau khi nghe tiếng kêu cứu yếu ớt mọi người mới tìm thấy cậu. Ở cái đất miền Trung này mỗi khi bão qua lại mang đi vài sinh mạng. Có gì lạ đâu. Tiếng khóc than lọt thỏm trong bóng đêm hoang tàn, xé nát trái tim người mẹ và mấy đứa em nheo nhóc. Xé nát cả tim tôi. Giây phút đó tự nhiên tôi nghĩ, thật may không có Ni ở đây.. Mấy ngày sau người ta tìm được xác ba Hòa ở phía sông trên. Nghe đâu ba cậu bị trượt chân té khi đang trên đường trở về. Bão tan thì lũ cũng bắt đầu tràn về. Hòa ra đi và được chôn cất vội vàng trong mấy ngày mưa gió đen tối ấy. Mỗi lần nhắc lại mẹ cậu lại đờ đẫn kéo vạt áo lên lau vội vàng nước mắt. – Hòa bảo mày nhất định phải sống tốt, và không giữ lời hứa nữa – Tôi đứng trước mộ cậu và nói dối. Không cảm thấy chút tội lỗi nào dù lời cuối cùng của cậu chỉ là gọi tên Ni và hơi thở đứt quãng. Tôi tin ở trên kia – nơi nào đó mà chắc chắn chúng tôi sẽ gặp lại nhau – cậu nhất định mong Ni hạnh phúc. Tôi quay sang nhìn gương mặt thẫn thờ của con bạn, thấy nước mắt nó lăn dài. – Lúc đó có đau đớn không? – Không đâu, Hòa đi nhẹ nhàng lắm Tôi lại nói dối, khẽ đưa mắt liếc nhìn nụ cười hồn hậu của Hòa trong di ảnh. Tôi tháo sợi dây chuyền có mặt là viên đá nhỏ xíu màu lam trên cổ Ni và đặt vào tay nó. Đứa bạn mỉm cười rồi nhẹ nhàng bỏ sợ dây vào chiếc hũ nhỏ đựng vài đồ vật thân thuộc của Hòa trước kia. Có tiếng chim hót trên những hàng cây dương liễu xa xa. Tôi huých eo Ni, ý bảo nó đã trễ lắm rồi. Ni bảo mọi chuyện đã qua lâu rồi, cũng không cần phải đau lòng thêm nữa. Kí ức về Hòa, về mối tình đầu hay tuổi thơ ngập tràn tiếng cười của cả ba chúng tôi mãi mãi là những trang nhật kí tươi đẹp nhất. Dù có qua bao lâu, đi bao xa thì hạnh phúc, nỗi đau, mất mát ấy vẫn khắc sâu nơi trái tim. Hòa cũng ở đó. Kỷ niệm đó, con người đó vĩnh viễn là mặt trời rực rỡ nhất mà chúng tôi từng biết. Tôi và Ni lại bước về phía trước, lại cố gắng phấn đấu với những ước mơ thuở mười tám còn dang dở. Không còn nhiều nuối tiếc khi nhắc đến Hòa trong mấy câu chuyện kể về tuổi trẻ, vì cả hai đứa đều tin vào thời khắc nào đó chúng tôi chắc chắn sẽ gặp lại nhau.