Mặt trời đang ngủ đông, liệu trái đất có trải qua kỉ băng hà?

Thảo luận trong 'Khoa Học' bắt đầu bởi Huyền Dạ, 21 Tháng năm 2020.

  1. Huyền Dạ

    Bài viết:
    279
    Mặt trời đang trải qua thời kì "cực tiểu", tuy nhiên, điều này sẽ không đủ khả năng gây ra một kỉ băng hà cho hành tinh chúng ta đang sống, CNN đưa tin.

    Ở trung tâm hệ mặt trời của chúng ta, mặt trời tạo 1 lực liên tục giữ các hành tinh di chuyển trên quỹ đạo, cung cấp cho trái đất lượng ánh sáng thích hợp cho sự sống và thậm chí điều khiển lịch trình hàng ngày của con người. Mặc dù chúng ta đã quen với mặt trời mọc và lặn mỗi ngày, nhưng mặt trời lại có những chu trình chúng ta chưa từng biết đến.

    Giống như con người, mặt trời cũng trải qua những giai đoạn thay đổi. Theo thời gian, những thay đổi này càng trở nên dễ đoán hơn. Hiện tại, mặt trời đang trải qua giai đoạn ít hoạt động hơn - được gọi là "cực tiểu mặt trời".

    Mặt trời thường trải qua chu trình 11 năm lên đỉnh hoạt động mạnh mẽ, sau đó là thời kì ít hoạt động hơn. Ở thời điểm cực đại, mặt trời xuất hiện nhiều "vết đen" và giải phóng nhiều năng lượng. Ở điểm cực tiểu, mặt trời trở nên "yên tĩnh", ít "vết đen" và năng lượng hơn.

    Vết đen là các khu vực tối trên bề mặt mặt trời, xảy ra khi có biến đổi từ trường cực mạnh. Nếu không xuất hiện vết đen, đồng nghĩa với việc mặt trời giống như đang "ngủ đông".

    Các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết loài người đang trong thời kì "cực tiểu mặt trời lớn". Lần cuối cùng điều này xảy ra là giữa năm 1650 và 1715 - thời kì được biết đến là kỷ băng hà nhỏ ở bắc bán cầu. "Tầng bình lưu chứa nhiều sol khí từ những vụ phun trào núi lửa và mặt trời giảm hoạt động đã kết hợp khiến nhiệt độ trái đất giảm", theo NASA.

    Cơ quan này cũng cho biết "cực tiểu mặt trời" thời điểm hiện tại sẽ không đủ sức gây ra 1 kỉ băng hà khác, điều này có thể do tác động của biến đổi khí hậu.

    "Sự nóng lên gây ra bởi khí thải nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch của con người lớn gấp sáu lần so với khả năng làm giảm nhiệt trái đất kéo dài hàng thập kỷ do" cực tiểu mặt trời lớn ". Ngay cả khi" cực tiểu mặt trời lớn "kéo dài một thế kỉ, nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục ấm lên. Yếu tố lớn nhất chi phối nhiệt độ trái đất hiện nay là sự nóng lên do con người gây ra từ khí thải nhà kính", báo cáo của NASA chỉ rõ.

    Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), "cực tiểu mặt trời" này sẽ kết thúc chu kỳ mặt trời thứ 24. Dự đoán ước tính cực đại của chu kỳ mặt trời thứ 25 sẽ xảy ra vào tháng 7.2025.

    Ngoài ra, nhà khoa học vũ trụ tại Trung tâm du hành vũ trụ Goddard của NASA ở bang Maryland (Mỹ), tiến sĩ Dean Pesnell cho hay trong giai đoạn cực tiểu của mặt trời, số lượng tia vũ trụ chạm đến khí quyển trái đất tăng lên. Chúng là chùm tia chứa các hạt có năng lượng cao, mang tính sát thương mạnh.

    Việc tia vũ trụ xuất hiện nhiều hơn do từ trường mặt trời suy yếu tuy không gây hại cho con người sống trên trái đất nhưng có thể gây tổn thương tới các phi hành gia khi thám hiểm ngoài không gian.
     
    LieuDuong, Mạnh ThăngEru Titania thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...