Tên sách: Mắt Biếc Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh Nhà xuất bản trẻ Mắt biếc "được Nguyễn Nhật Ánh sáng tác vào năm 1990. Và rồi sau 30 năm ra mắt độc giả, vào một ngày tháng 2 Ngạn và Hà Lan lại cùng nhau rời khỏi những trang sách và bước vào thế giới một dự án điện ảnh cùng tên vô cùng được mong đợi. Các bạn khi cầm cuốn sách trên tay sẽ bị ấn tượng ngay bởi tiêu đề cùng cách thiết kế bìa sách nhẹ nhàng. Tiêu đề chỉ vỏn vẹn hai chữ" Mắt biếc "nhưng đã mở ra rất nhiều cung bậc cảm xúc cho độc giả bởi ai cũng biết mắt biếc là một đôi mắt đẹp nhưng lại mang nét buồn. Phần nào cũng gợi nên một cốt truyện có nội dung phảng phất những nỗi buồn. Cách thiết kế bìa sách mang tới một cảm giác dễ chịu với phông xanh chủ đạo và hình ảnh một người con trai ngồi đánh đàn bên cô gái dưỡi tán cây được phác họa một cách đơn giản. Câu chuyện kể về cuộc đời của một chàng trai tên Ngạn - nhân vật chính trong cuốn sách, một cậu bé sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng tên là Đo Đo ở vùng quê Quảng Nam đậm tình sâu nghĩa. Tuổi thơ của cậu ngoài gắn bó với những buổi trưa hè oi ả, các sạp tạp hóa được được bày biện những món hàng tạp hóa xinh xắn lung linh, những trận roi nổ đom đóm mắt của bố.. thì cậu còn có bên cạnh mình một cô bạn hàng xóm - Hà Lan - với đôi mắt đẹp như " Mắt Biếc " . Ngạn bộc bạch: " Đó là đôi mắt có hàng mi dài, lúc nào cũng mở to, hồn nhiên và ngơ ngác. Và sau này cũng đôi mắt đó làm khổ tôi ghê gớm " " Uống nhầm một ánh mắt. Cơn say theo cả đời Thương thầm một nụ cười, cả một đời phiêu lãng " Câu thơ trên có lẽ sinh ra là dành cho Ngạn. Bởi vì yêu, say đắm trước vẻ đẹp của đôi mắt ấy, mà ngay từ nhỏ, Ngạn đã bất chấp mọi thứ để bảo vệ Hà Lan và làm Hà Lan vui lòng. Từ khi học lớp vỡ lòng, vì bênh vực Hà Lan, Ngạn đã hạ gục thắng Hòa - một kẻ mà trong lớp chẳng ngán bắt nạt ai và chẳng ai trong lớp muốn động vào. Để rồi sau đó, Ngạn bị thầy Phu phạt nhảy cóc mười vòng sân giữa trời nóng tới ngất xỉu. Ngạn cũng tham gia vào những trận đánh nhau long trời lở đất trong vườn nhà ông Cửu Hoành để giành lấy cho Hà Lan những trái thị hiếm hoi. Sau này, khi lên cấp 2, cũng vì thỏa mãn ý thích của Hà Lan, người con trai ấy lại sẵn sàng nện nhau nhừ tử vì cái dùi trống. Và cũng vì Hà Lan thích những cái trứng chim sẻ mà Ngạn cũng chấp nhận đầu u những cục to và chảy máu mũi vì té khi trèo lên chiếc thang lỏng lẻo để lấy bằng được trứng chim cho Hà Lan. Câu chuyện mở đầu với những hình ảnh nhẹ nhàng, màu sắc tươi sáng nhất, âm thanh an bình nhất. Tuổi thơ của Ngạn và Hà Lan là chuỗi những kỉ niệm đẹp ở làng, bên đồi sim, đánh trống trường, những chiều hoàng hôn trên đồng cỏ, giàn thiên lí và ánh trăng vàng.. và là những câu nói ngô nghê đáng yêu cực kì của hai đứa trẻ. Cứ tưởng rằng câu chuyện sẽ tiếp tục da diết nhẹ nhàng, bởi lẽ tình yêu đã nảy sinh dần dần trong Ngạn bắt nguồn từ tình bạn đẹp như mơ của Ngạn và Hà Lan, một đôi thanh mai trúc mã tưởng chừng rồi sẽ có kết quả tốt đẹp, ăm ắp, đủ đầy, chứa chan tình cảm. Thế nhưng không, đến khi lớn hơn một chút, cả hai cùng ra thành phố học tập, trong khi tấm lòng của Ngạn vẫn chỉ duy nhất hướng về Hà Lan, thì cô bạn lại không cưỡng lại được trước những cám dỗ của thành thị xa hoa, và cuối cùng cô cũng ngã vào vòng tay của Dũng. Dũng là một thanh niên nhà giàu, sành điệu, giỏi võ nhưng thiếu đứng đắn. Ngạn rất đau khổ khi nhìn Hà Lan phải sống một cuộc sống không có hạnh phúc. Nhưng Ngạn lại muốn Hà Lan hạnh phúc, cả kể là hạnh phúc bên Dũng. Anh chấp nhận nghe những lời giãi bày, tâm sự của người con gái anh yêu đang kể về một người đàn ông khác, anh tự nguyện là một điểm tựa để bất cứ khi nào cô tìm tới. Có lần, Ngạn đã đánh nhau với Dũng vì Hà Lan, và tất nhiên là với một người giỏi võ như Dũng, làm sao có thể thua Ngạn được. Nhưng vì với tính anh hùng của Ngạn, cậu ta sẵn sàng đánh nhau mỗi khi Hà Lan bị bắt nạt. Và đỉnh điểm của nỗi đau chính là Hà Lan mang thai với Dũng, nhưng bị hắn ruồng bỏ để làm đám cưới với Bích Hoàng. Cô đành gửi con về cho bà ngoại chăm sóc và đặt tên là Trà Long. Tuy hiểu rõ tình yêu của Ngạn dành cho mình, Hà Lan vẫn không đáp lại vì chỉ cô mới hiểu rõ suy nghĩ của bản thân nhất. Với tình yêu của mình dành cho Hà Lan, Ngạn hết lòng chăm sóc cho con của cô – Trà Long. Sau khi Trà Long lớn lên, cô trở thành cô giáo trường làng và vô cùng yêu quý Ngạn. Trong khi ai cũng nghĩ rằng Trà Long sẽ là sự tiếp nối những gì Hà Lan đã bỏ dở trong cuộc đời Ngạn, thì Ngạn lại quyết định ra đi, vì anh nhận ra rằng Trà Long chỉ là cái bóng của Hà Lan mà thôi, và tình cảm đó không thể nào tiếp tục được nữa. Một nỗi buồn chơi vơi, mơ hồ, bạn đọc sẽ thấu hiểu và cảm thông với nỗi lòng của Ngạn. " Mắt biếc "không chỉ dành cho lứa tuổi mới lớn mà tác phẩm còn nhận được sự đồng cảm sâu sắc từ những người có chung một tình cảnh, đó là yêu đơn phương. Gập trang sách cuối cùng lại, sau cùng ta thấy Ngạn mới là người đau khổ nhất. Có lẽ nên trách Ngạn, tất cả là do Ngạn có ai đâu cần 1 tình yêu thầm lặng kiểu đó, tình yêu chỉ cần gói gọn trong 2 từ có hoặc không là đủ rồi. Một mối tình đơn phương, một kết thúc buồn hẳn đã quá quen thuộc với những độc giả yêu mến truyện của Nguyễn Nhật Ánh, nhưng nỗi buồn của" Mắt Biếc"để lại nhiều ấn tượng khắc khoải, đau đáu nhất với mỗi bạn đọc. Đây thực sự là một tác phẩm phải dùng cả quãng thời gian thanh xuân để cảm nhận. Nếu chưa đọc, bạn hãy thử đọc nó và cảm nhận. Nếu đã đọc rồi, tớ mong nhận được lời chia sẻ và cảm nhận của các bạn về cuốn sách này.