Review Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi - Nguyễn Văn Thạc

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Land of Oblivion, 6 Tháng mười một 2020.

  1. Land of Oblivion

    Bài viết:
    359
    [​IMG]

    Tác giả: Nguyễn Văn Thạc

    Thể loại: Nhật kí

    [​IMG] Full - Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi - Nguyễn Văn Thạc

    Đối với một con mọt sách như tôi mà nói, văn học Trung Quốc đã đem lại sự thu hút cực kì mạnh mẽ. Lần đầu tiên tôi đọc một cuốn sách của một tác giả Trung là một cuốn sách về tình yêu đầy ngọt ngào và thơ mộng. Kể từ đó, tôi bị lôi cuốn bởi văn học nước người nói riêng và văn học Trung Quốc nói chung. Nói một cách dễ hiểu hơn, tôi không có hứng thú với văn học Việt Nam.

    Mọi chuyện dường như tiếp diễn như vậy cho đến khi tôi biết đến cuốn sách "Mãi mãi tuổi hai mươi" - nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc để lại với 240 trang chép tay. Đó là một cuộc đời của một chiến sĩ mơ mộng, hào phú nhưng số phận không cho phép anh tiếp tục sống để thực hiện khao khát, thực hiện ước mơ của cuộc đời mình.

    I, Tóm tắt nội dung chính

    1, Nhập ngũ

    Ngày 2 tháng 10 năm 1071, đã 28 ngày kể từ khi vào bộ đội, Nguyễn Văn Thạc đặt bút viết những dòng nhật kí đầu tiên.

    Thạc hơi sửng sốt, hơi bất ngờ vì trên người không còn là chiếc áo màu trắng tinh của sinh viên mà là màu áo xanh thẫm của những anh bộ đội dũng cảm, điểm đến không còn là giảng đường đầy ước mơ dang dở kia mà là chiến trường đầy khốc liệt, là ranh giới của sự sống và cái chết.

    "Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá."

    Trong tim anh dâng lên nỗi nghẹn ngào khoảng khắc bước chân lên chiếc xe định mệnh, ngoảnh mặt lại ngắm nhìn quê hương, ngắm nhìn gia đình, ngắm nhìn từng nơi mình đã gắn bó, ngắm nhìn bầu trời hòa bình xanh thăm thẳm kia, và tự nhủ mình sẽ cố gắng giữ mãi màu xanh ấy.

    Yên Sở là nơi định cư tạm thời đầu tiên của Thạc và đồng đội. Người dân hiền lành, chất phác giống người dân ở quê anh.

    "Ta yêu Yên Sở như làng quê ta vậy."

    Đêm đêm, Thạc ngồi thơ thẩn ngắm nhìn sao trời lung linh trong màn đêm bất tận, lặng lẽ lắng nghe cuộc trò chuyện của chàng trai và cô gái ở đâu đó. Không kìm nén nổi cảm xúc, anh lấy giấy bút viết thư cho người bạn gái yêu quý của anh. Cô gái kia càng hát, anh càng nhớ Như Anh.

    "Bạn, đừng hát nữa, mà làm nao lòng bộ đội. Ta bước trên đồi bạch đàn, dưới chân là đá sỏi.. Chao ôi, bầu trời xanh quá, màu áo thân yêu của ta đã xếp lại nơi nhà.."

    [​IMG]

    2, Chuyện đau lòng

    Thạc đau đớn chứng kiến tổ quốc bị tàn phá, từng tấc đất của tổ quốc bị bom Mỹ cào xé, hủy hoại. Đó là lúc bị ném 40 quả bom, điện đứt lung tung, làng xóm chìm trong tang tóc và bóng đêm. Người đồng đội của anh, bị bom cắt đứt chân tay, nằm trong chiếc quan tài đỏ, trong tiếng khóc tiếc nuối và xót xa của bao người.

    Thạc bình thản ngắm nhìn trời đất. Trời vẫn còn trong. Nhưng anh biết, ở khoảng trời kia, máu đã thấm đẫm nền đất lạnh, bom vẫn nổ liên hoàn trong không trung, chiếu sáng rọi một vùng trời. Anh cảm thấy hổ thẹn khi cuộc đời mình chưa làm gì được cho tổ quốc, cho nhân dân mà biết bao người đã hi sinh vì nhân dân, vì tổ quốc.

    "Ta biết giấu mặt vào đâu, vào gấu quần hay gấu áo, khi đường Trường Sơn không có dấu chân ta? Khi cả cuộc đời ta chưa có cái niềm vui mãnh liệt của người chiến thắng, cắm cờ Tổ quốc trên cả nước thân yêu."

    Thạc cùng đồng đội tiến về phía Bắc Giang. Vác 30kg trên lưng không phải là nhẹ, nhưng đã cống hiến trái tim cho tổ quốc, có chết anh cũng bằng lòng.

    Thạc càng cảm thấy có một sắc lạnh vô hình bao quanh, có lẽ bởi sự chết chóc gần kề hay sự hi sinh mãnh liệt của người đồng đội kia không?

    Thạc nghĩ về Phong, người bạn thân của cuộc đời anh. TThạc nhủ thầm rằng, nếu có Phong ở đây, mọi chuyện sẽ tốt đẹp biết bao, cuộc sống người lính khổ cực này của thạc sẽ thú vị hơn biết bao!

    ". Nếu như có Phong ở đây, Phong sẽ nghĩ gì? Có thương mình không nhỉ? Phong sẽ nghĩ gì khi người bạn của riêng Phong nằm há hốc mồm mà thở, rời rã chân tay và ngủ thiếp đi trên cánh đồng khô đầy bụi và chang chang nắng.. Nhưng nếu có Phong ở đây có lẽ mình cũng không nằm thế và sẽ đi bắt chuồn chuồn!"

    Đông Du không giống Yên Sở. Người dân rất ít, và họ cũng không hiếu khác như người dân Yên Sở. Có lẽ vì họ quen sống chung với bộ đội. Thạc và đồng đội khó khăn lắm mới xin được chỗ ở nhờ sau khi leo lên cái dốc cao với đôi chân mảnh khảnh. Người dân ở đây lạnh lẽo, dửng dưng, bàng quan.. Họ không dễ dãi như người Yên Sở.

    3, Nỗi nhớ Hà Nội và nhớ cô gái của Hà Nội

    Thạc đã xa Hà Nội, xa anh em bạn bè lâu lắm rồi..

    Nhiều bộ đội trốn về, chỉ vì nhớ Hà Nội, nhớ cái thời sinh viên hồn nhiên vô tư lự..

    Thạc cũng nhớ Hà Nội lắm chứ! Thạc nhớ bao nhiêu điều hứa hẹnh còn bỏ dở, nhớ bản nhạc dừng lại đúng lúc âm da diết nhất. Như Anh, ngón tay hãy đừng buông phím đàn, tiếp tục đi, đừng mỏi mệt..

    Thạc nghĩ về Hà Nội là nghĩ về Như Anh, nghĩ đến những ngày bên nhau đi trong hương mùa hè, của đêm mùa thu. Anh nhớ bàn tay nhỏ nhắn của Như Anh, nhớ nụ cười của Như Anh, nhớ đôi vai mỏng man của Như Anh..

    Thạc nhớ tất cả những kỉ niệm, những địa điểm, không gian hay thời gian liên quan đến cô gái Hà Nội ấy. Những ngày tháng vui vẻ bên Như Anh thật ngắn ngủi, chẳng mấy chốc đã xa nhau. Anh luyến tiếc rằng tại sao mình lại gặp Như Anh, để bây giờ ôm trong lòng cái nỗi nhớ đau gấp hàng ngàn vết thương bằng xương bằng thịt kia. Anh tự hận bản thân, tại sao không thể đem đến niềm vui và hạnh phúc cho Như Anh?

    Nhớ Như Anh, Thạc càng vờ òa khi biết tin ngày 5 - 12 - 1971 sẽ được về Hà Nội.

    Chỉ mấy tiếng đồng hồ nhưng đủ để Thạc vơi đi lòng mong nhớ da diết thủ đô cùng người con gái ấy bây lâu nay..

    Xe dừng, Thạc vội chạy đến nhà các bạn, đến ngôi trường đại học mà mình vẫn đang vứt bỏ ước mơ còn dang dở. Bóng dáng Như Anh tinh nghịch ngày nào bỗng hiện về tâm trí anh, rất sâu đậm.

    Thạc trở lại những nơi ngày xưa, cảm thấy bồi hồi, xao xuyến nhưng lại vui mừng biết bao. Mặc dù không có Như Anh ở đây, mặc dù chỉ có Thạc một mình đi trên con đường cũ..

    Về đến nhà mình, Thạc mới thật sự tìm được cái gọi là bình yên, cái được gọi là thanh thản. Anh không ngủ, nằm nhìn lên đỉnh màn, nghe hơi thở ấm áp, gần gũi, quen thuộc của gia đình bé nhỏ.

    Ôtô lăn bánh qua cầu Long Biên, Thạc lại phải xa Hà Nội lần nữa.

    4, Những ngày tháng đầy nước mắt

    Sau khi đọc xong cuốn sách "Thép tôi đã thế đấy", Thạc thật sự hổ thẹn với Paven. Anh chưa trở thành đảng viên.

    Có người hỏi Thạc có giấy cảm tình Đảng không và sau đó Thạc nhớ ra, sao bây giờ mình vẫn chưa thể gần gũi với Đảng, với Bác Hồ? Người kia bỏ đi ngay sau khi Thạc lắc đầu. Nhưng Thạc vẫn cảm thấy có lỗi, thậm chí cái lỗi rất lớn mà bấy lâu nay không nhận ra.

    Một người bạn của Thạc - Năm đã đảo ngũ rồi. Anh không thể tưởng tượng ra điều này bởi nó là một cú sốc quá lớn. Người đồng đội thân thiết bấy lâu nay của anh mà cũng có thể phản bội tổ quốc, làm tay sai cho giặc ác được ư? Thiếu Năm, Thạc như mất đi chỗ dựa tinh thần, nhưng không, Thạc phải chiến đấu vì tổ quốc, vì đảng, vì Bác Hồ.

    Thạc tự nhủ không được kéo Như Anh lại, để Như Anh không phải chịu nỗi đau thấu xương như Thạc, để Như Anh không cần sống những ngày tháng vất vả, khóc khăn như Thạc, để Như Anh có một tương lai hoàn vẹn. Thạc hận mình tại sao lại tìm đến Như Anh, để Như Anh phải mòn mỏi chờ trông, để chính mình phải ôm ngàn nỗi đau xé gào trong tâm can..

    [​IMG]

    5, Bức thư tình và lời ước hẹn

    Như Anh đã từng hứa, đến khi đủ trở thành con người hoàn chỉnh, Như Anh sẽ trả lời cho Thạc biết: "Hạnh phúc là gì?". Ngày 30 - 4 - 1971, bốn năm nữa sẽ đến lúc thực hiện lời ước hẹn ngọt ngào này rồi.

    Thạc nghĩ đến lời ước hẹn ấy và bất giác cảm thấy vui. Chỉ cần nghĩ đến Như Anh, nghĩ đến cái bàn tay bé nhỏ xinh xắn ấy, Thạc sẽ mỉm cười không cần lí do.

    Thạc chỉ cần Như Anh trả ời, mặc dù Như Anh có ghét Thạc, có giận Thạc đến mức nào đi chăng nữa. Thạc sẽ nhớ mãi câu nói ấy.

    Thạc viết cho Như Anh bức thư tình lãng mạn biết bao. Thạc gửi tất cả tấm lòng và trái tim mình vào tờ giấy và chiếc bút, mong rằng Như Anh sẽ hiểu và hồi âm.

    Ngày 4 tháng 9 năm 1971, Thạc lại viết cho Như Anh một bức thư.

    Ngày 18 tháng 9 năm 1971, ngày 26 tháng 3 năm 1972, đó là bức thư cuối cùng Thạc gửi cho Như Anh.

    Nhưng Như Anh không quay về, có lẽ là không kịp quay về.

    Nhưng Như Anh không giữ lời hứa, có lẽ là không kịp để giữ lời ước hẹn kia.

    Thạc hi sinh trước khi Như Anh trở về, để gặp Thạc, để trả lời cho Thạc biết "Hạnh phúc là gì?"

    [​IMG]

    II, Chuyện chưa kể về Nguyễn Văn Thạc

    Những trang nhật ký mà chúng ta vừa được đọc chỉ là một phần của cuốn sách dày 320 trang in. Bản thảo gốc là một cuốn sổ tay khổ nhỏ, bìa bọc nilông màu xanh, với tổng cộng 240 trang chép tay, chữ nhỏ li ti, đều tăm tắp, rất ít gạch xóa, được viết bằng mực xanh và đen.

    1, Cuộc hành trình 33 năm của cuốn sổ tay

    Cuốn sổ nói trên được Nguyễn Văn Thạc gửi về nhà từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh), trước khi vào mặt trận và hi sinh sau đó gần hai tháng. Tuy nhiên, do điều kiện thời chiến, bưu điện phải gửi giấy báo tới lần thứ ba, gia đình anh mới có người ra nhận. Chỉ chậm một hai ngày nữa là bưu phẩm có thể bị trả lại và chắc chắn sẽ bị thất lạc vì người gửi đã ra mặt trận và hòm thư đơn vị cũng thay đổi.

    Ông Nguyễn Văn Thục (anh ruột của Nguyễn Văn Thạc) là người đầu tiên đọc những trang ghi chép nêu trên. Ông cho rằng người giữ cuốn sổ thiêng liêng này không ai xứng đáng hơn là chị Phạm Thị Như Anh. Cũng giống như bao cô gái khác, lúc đầu chị Như Anh không tin người bạn trai thân thiết của mình đã chết.

    Nhưng sự thật phũ phàng đã khiến chị sụp đổ, chán chường và buông xuôi số phận. Như Anh đã "xé rào" để kết hôn với một người Đức (thời đó ở miền Bắc, chuyện "lấy Tây" là rất ầm ĩ và không chấp nhận được). Và cuốn sổ ghi chép của Nguyễn Văn Thạc đã theo TS Phạm Thị Như Anh đi định cư tại nước ngoài..

    33 năm sau cuộc chiến đẫm máu ở Quảng Trị, người anh ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã tiết lộ với tôi về cuốn sổ nhật ký nêu trên. Ông nói: "Nếu muốn công bố thì phải được sự đồng ý của Như Anh. Đã từ lâu gia đình tôi coi em nó như dâu con trong nhà".

    Qua địa chỉ e-mail và cả điện thoại, đã nhiều lần chúng tôi liên lạc với TS Phạm Thị Như Anh, một Việt kiều đang định cư tại Hannover (CHLB Đức), để thuyết phục chị. Tháng 12-2004, chị Như Anh đã bay về nước và mang theo cuốn sổ nói trên. Ngồi trong phòng làm việc của tôi, người đàn bà nổi tiếng là nghị lực và thông minh này đã vừa khóc vừa kể lại những kỷ niệm của mình với liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Chị bảo chính linh hồn của Thạc đã thúc giục chị phải trao "số phận" của cuốn nhật ký này cho một nhà thơ như tôi.

    Mãi mãi tuổi hai mươi đã ra mắt bạn đọc như chúng ta đã biết.

    2, Ngày cuối cùng của người lính Nguyễn Văn Thạc

    Trong một trận đánh ác liệt bên thành cổ Quảng Trị sáng 30-7-1972, chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Thạc được giao nhiệm vụ bảo đảm liên lạc cho trung đoàn 101, sư đoàn 325..

    Sau này, một chiến sĩ cùng tiểu đội với anh là Nguyễn Quang Minh đã kể lại: Loạt đạn pháo của địch rơi đúng chỗ Thạc. Khi những tiếng nổ dữ dội vừa dứt, khói và bụi còn chưa hết, Minh và một chiến sĩ nữa là Chương cùng chạy ra thì đã thấy Thạc nằm đó. Một mảnh pháo chém ngang hai đùi của anh, máu chảy ướt đẫm ống quần.

    Chương hốt hoảng hỏi:

    - Thằng Thạc chết rồi à?

    Mắt Thạc nhắm nghiền. Anh rên khe khẽ và nói trong đau đớn:

    - Không, Thạc vẫn còn sống mà, chưa chết đâu.

    Máu ra nhiều lắm. Mấy anh em vội xúm lại băng bó rồi khiêng Thạc lên trạm phẫu tiểu đoàn, với hi vọng "còn nước còn tát". Các giấy tờ, sổ sách, quần áo của Thạc được anh em nhét chung vào balô của anh Y, một thương binh khác (nhưng khi ra tới Quảng Bình thì anh Y đã hi sinh, balô đựng di vật liệt sĩ bị thất lạc.. ; cùng ngày hôm đó, tiểu đội của Thạc hi sinh bốn người: Y, Bình, Được và).

    Minh chạy theo cáng thương, rơm rớm nước mắt động viên Thạc:

    - Cố lên Thạc nhé. Gắng điều trị cho nhanh khỏi, hòa bình rồi có điều kiện ghé qua nhà mình chơi..

    Thạc nói khẽ, thều thào trong hơi thở đứt quãng:

    - Không.. Mình tỉnh thế này tức là.. sắp chết rồi.. Chỉ tiếc là không còn chiến đấu được nữa.. Bao dự định còn dang dở..

    Kể từ đó Thạc không nói thêm được câu nào nữa. Anh đã tắt thở trong vòng tay của đồng đội. Như nhiều người lính hi sinh ngoài chiến trường, thi hài của anh được bọc trong một tấm tăng nilông và chôn cất ngay tại mặt trận.

    3, Ở nghĩa trang liệt sĩ Từ Liêm..

    Trong một lá thư viết năm 1973 gửi cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, một đồng đội của anh là Đặng Trực Ngôn (hiện là đại tá, chỉ huy trưởng căn cứ hải quân 696) đã thông báo địa điểm chôn cất Thạc.

    Cuối năm 1976, Công ty 16 của Bộ Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ khôi phục tuyến đường Hiền Lương - Dốc Miếu sau chiến tranh. Với cương vị phó chủ nhiệm (như phó giám đốc hiện nay) ông Nguyễn Văn Thục đã báo cáo cơ quan, xin phép được vượt sông Thạch Hãn đi tìm mộ em trai mình.

    Hồi đó, mộ liệt sĩ còn nằm rải rác khắp mặt trận, trong mấy ngày liền, anh xã đội trưởng xã Triệu Long đã nhiệt tình dẫn ông Thục đi bộ khắp địa phương và cả vùng lân cận. Họ cùng xem xét hàng ngàn ngôi mộ nhưng không thấy có tên Nguyễn Văn Thạc. Tưởng đã hết hi vọng thì anh này chợt nhớ ra ngay sau vườn nhà mình còn ba ngôi mộ nữa.. Ông Thục mừng rưng rưng nước mắt khi thấy một bia mộ có tên em trai mình. Ông định bốc một nắm đất mang về Hà Nội để thờ nhưng sau lại thôi vì chợt nảy ra ý định khác.

    Một tháng sau, ông Thục trở lại Triệu Long cùng chiếc vali mới và đồ cúng lễ mua ở chợ Đông Hà. Ông đề nghị chính quyền địa phương và bà con trong thôn giúp đỡ để đưa hài cốt em trai về quê. Khi ngôi mộ được đào lên, người anh trai đã không cầm được nước mắt vì nhận ra em mình: Mái tóc cắt ngắn với rất nhiều sợi bạc, hai đùi vẫn còn nguyên cả garô vết thương..

    Khi đưa được hài cốt em trai về tới Hà Nội thì vẫn còn dở chuyến công tác, ông Thục chưa muốn cho ai biết nên đành giấu chiếc vali lên gác. Nhưng được đôi ngày, sợ người nhà tò mò mở vali tình cờ phát hiện, ông phải đưa nó vào tủ quần áo của mình và khóa lại. Mãi 10 ngày sau, đã 28 tết âm lịch, mới có thời gian rảnh, ông Thục tự đi liên hệ chỗ chôn cất rồi thông báo cho cả gia đình biết.

    Một đám tang lặng lẽ, đầy nước mắt diễn ra âm thầm ngay tại nghĩa trang liệt sĩ Từ Liêm. Tự tay người cha già, cụ Nguyễn Văn Huệ, đã chuyển từng phần hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc từ chiếc vali sang tiểu sành, rồi rắc nắm đất đầu tiên, đắp mộ cho con trai mình. Người con trai mãi mãi 20 tuổi..

    [​IMG]

    4, Bài thơ cuối cùng Thạc viết cho Như Anh

    III, Cảm nhận cá nhân

    Từ trước tời giờ, văn học Việt Nam không gây cho tôi nhiều cảm xúc, và nói trắng ra, tôi không hứng thú với văn học Việt Nam. Nhưng khi đọc xong cuốn sách này, tôi lại bật khóc vì cái chết của Thạc, bật khóc vì cái tình cảm của Thạc dành cho Như Anh, rằng không bao giờ được hồi đáp, và bật khóc vì cuộc đời gian lao của một người con ruột thịt, trung thành với tổ quốc.

    Nguyễn Văn Thạc từ nhỏ là học sinh giỏi Văn cấp quốc gia, tất cả những gì qua trí óc tưởng tượng của anh đều trở nên phong phú, huyền diệu. Chiến tranh qua ngòi bút anh đã trở thành nơi gắn kết tình đồng đội, nơi để luyến tiếc, nhớ thương người mình yêu trong những tháng xa cách.

    Nguyễn Văn Thạc là một con người mộng mơ, những gì anh chắp bút đều được thổi vào một luồng sinh khí mới mẻ. Anh nhập ngũ, nhưng vẫn là một con người hoạt bát, đáng yêu, yêu thương sâu sắc đồng đội. Anh mang một tâm hồn bay bổng, tâm hồn đẹp đẽ.

    Tất cả những nơi anh đi qua đều được ghi chép, miêu tả một cách tỉ mỉ. Có lẽ, anh muốn đánh dấu cho cuộc đời mình, rằng mình đã làm được những gì cho tổ quốc, cho con người? Quê hương của anh thực tế chỉ là một vùng quê nghèo, nhưng tất cả trở nên thơ mộng, đẹp tựa tiên cảnh. Anh yêu gia đình, yêu quê hương, yêu tổ quốc. Anh chỉ biết cố gắng hoàn thành sứ mệnh của một người lính, để coi như mình đã cống hiến một phần rất nhỏ thôi, vào hòa bình của nước Việt.

    "Tự hào lắm khi được lang thang trên trên đất Mẹ hiền này và bảo vệ nó. Còn aihạnh phúc hơn ta nữa. Trang sách của cuộc đời chưa mở ra cho ta, nhưng mới ghé mắt nhìn, ta đã ngây ngất cả người.."

    Những câu chữ anh viết ra làm người đọc có cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu. Đó không còn là cái chiến trường khốc liệt, không còn là cái vùng quê nghèo nàn, xơ xác nữa. Nó trở thành nơi chôn giấu đáy lòng của Thạc, chôn giấu cái tình cảm đơn giản mà quyết liệt, sâu sắc của Thạc.

    Mối tình đầu nên thơ của Thạc dành cho Như Anh đã thật sự chạm đến trái tim tôi. Thạc ngốc nghếch gửi biết bao lá thư tình cho Như Anh, hằng đêm nhớ đến cô bạn gái đầu đời này, để rồi ôm trong tim cái nỗi nhớ nghìn trùng xa cách. Tình yêu của họ thật sự rất đẹp, bỏ qua khoảng cách về địa lý, bỏ qua biết bao sự đau khổ, hi sinh để đến với nhau. Họ chỉ biết yêu bằng nỗi nhớ, yêu bằng sự chờ đợi, trông mong.

    "Nghĩ về Hà Nội là nghĩ về Như Anh, nghĩ đến những ngày bên nhau đi trong hương đêm mùa hè, của đêm mùa thu.. Ta gặp nhau làm gì nhỉ? Ta nắm tay nhau làm gì nhỉ? Ta siết chặt trong nỗi xúc động làm gì.. Như Anh bé nhỏ yêu dấu đêm nay ở đâu.. Thương Như Anh thật nhiều mà không biết nói sao, không biết làm sao cả."

    Cái tình yêu giản dị mà lại vô cùng mãnh liệt ấy trở thành cái thu hút tôi nhất trong toàn bộ câu chuyện của Thạc. Anh gói gọn nỗi nhớ, chịu đựng sự giày vò của thời gian, lòng vẫn giữ cái tình yêu đơn sơ, mộc mạc, để tự nhủ rằng sau khi hào bình rồi, anh sẽ trở về với Như Anh của anh, anh sẽ lại được nắm tay Như Anh, anh sẽ lại được ôm Như Anh vào lòng như thời còn là sinh viên..

    Anh không thể ích kỉ chỉ nghĩ đến tình yêu đẹp đẽ, đơn thuần của mình mà quên đi hạnh phúc của biết bao người dân đang chờ đợi những người lính như anh. Anh hi sinh hạnh phúc của bản thân, đổi lấy hạnh phúc của nhân loại, của những người dân Việt Nam hiền lành, chất phác. Anh chấp nhận từ bỏ, từ bỏ cái tình yêu thở học trò đầy mơ mộng kia. Anh không chờ Như Anh về nữa, phía trước còn có đồng đội và tổ quốc chờ anh. Đúng vậy! Anh đã hi sinh cho tổ quốc, cho hạnh phúc, cho tương lai của đất nước. Cái chết thật sự vinh quang nhưng cũng đầy đau đớn cho anh chàng sinh viên bé nhỏ ngây ngô.

    "Mãi mãi tuổi hai mươi" không đơn giản chỉ là cuốn nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, đó là tất cả nỗi niềm và ao ước của anh trong cuộc đời chỉ kéo dài hai thập kỉ ngắn ngủi, đáng tiếc. Cuốn sách gây cho độc giả niềm tiếc nuối không ngừng về một tình yêu ngọt ngào mà lặng lẽ, xót xa, về sự hi sinh đầy thương cảm của Nguyễn Văn Thạc - anh chàng mang trong mình tâm hồn đẹp đẽ, thơ mộng và ngọt ngào.

    Các bạn có thể tìm đọc Mãi mãi tuổi hai mươi ở link này nhé:

    Full - Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi - Nguyễn Văn Thạc

    Reviewer: Nganthuong
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...