Truyện ngắn: Ma Túy Cờ Bạc, Người Tình Của Cha Tác giả: LoBe Thể loại: Truyện ngắn, xã hội hiện thực Link góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Của LoBe ~oOo~iIi~oOo~ "Viu viu.." Gió luồn theo khe cửa mà đi vào, phả vào mặt tôi lạnh ngắt. Cố gắng lết ra cửa cài then lại rồi chạy như bay về phía chiếc giường, nhảy mạnh một cái khiến đệm lún xuống thật sâu. Mùa đông miền Bắc là vậy, chỉ muốn ở nhà thôi, bởi lạnh lắm. Ngón tay tôi run run, gõ mấy dòng chữ. Ui chao, đóng cửa rồi mà vẫn rét vậy trời. - Cô Chi ơi. Hả, ai gọi mình vậy? Bàn tay đang gõ chữ của tôi dừng lại, ngoái đầu ra phía sau mặc dù cửa phòng lẫn cửa sổ đã bị tôi đóng kín mít. - Cô Chi ơi.. - Ơi. - Tôi đấu tranh tư tưởng mãi mới ngập ngừng hé cửa, nhìn về phía cổng: "Dương à, vào đây." - Dạ. Dương vốn gầy nhưng do mấy lớp quần áo trên người mà nhìn như trái bóng, khuôn mặt nhỏ nhắn ửng hồng vì gió rét, hai tay đút chặt trong túi áo, cổ quấn khăn len, nó chạy như bay về phía tôi rồi kêu lên: - Chạy trốn cái rét, a a. Khi cánh cửa vừa đóng vào, hai đứa chúng tôi nhìn nhau cười tươi. - Cô lại viết truyện hả cô? - Ừm. - Tay tôi vẫn gõ. - Cô cho cháu chữ ký nhé. - Ừm. - Vẫn gõ chữ. - Để sau này cô làm nhà văn nổi tiếng, cháu mang chữ ký cô đi bán.. Kaka, chắc được nhiều tiền lắm. - Ừm. Tôi đáp cho qua chuyện chứ thực ra tôi có biết nó nói cái gì đâu. Tính tôi vốn vậy, nếu làm cái gì thì quên trời quên đất luôn, cho tới khi xong mới thôi. - Vừa rồi nói gì với cô thế? - Đóng máy tính lại, tôi quay đầu sang hỏi nó. - Cháu xin chữ ký cô, để sau này bán lấy tiền. - Hết mê trai giờ chuyển sang mê tiền hả? - Ai mà không mê tiền chứ cô. - Nói đến đây, ánh mắt nó trùng xuống. Một lúc lâu sau nó mới ngẩng đầu lên nhìn tôi, nhẹ giọng: - Cuối tháng này con về ngoại cô ạ.. - Tại sao? - Tôi ngạc nhiên hỏi nó. Bởi mẹ nó và nhà ngoại đã nhiều năm nay không liên lạc. Nghe đâu là vì ngày xưa mẹ nó không nghe theo gia đình mà bỏ đi theo bố nó. - Bố mẹ cháu sắp li dị. - Nó nói câu này mà không hề có tia buồn bã nào cả. Tôi cũng hiểu, nhưng chẳng biết an ủi nó ra sao nên chỉ cầm lấy tay nó. Từ ngày hôm đó, tôi và nó rất ít khi gặp nhau. Có gặp thì nó cũng mỉm cười với tôi rồi lại kéo tôi kể hết mọi chuyện trên trời dưới đất, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ nói về gia đình nó nữa. Nó tên là Ngọc Dương, Nguyễn Phạm Ngọc Dương, cái tên rất hay. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần có người hỏi tên là cô bé mũm mĩm lại nhe hàm răng sún ngọt ngào nói: - Cháu tên là Nguyễn Phạm Ngọc Dương. Đấy là tên bố mẹ cháu nghĩ cả tháng mới đặt cho cháu đấy. Và rồi, cô bé ấy càng ngày càng lớn lên nhưng vẫn hoạt bát hiếu động như xưa. Vậy mà giờ đây, tuy vẫn nói cười bình thường nhưng tôi thấy phảng phất trong mắt nó là ưu buồn, suy tư. Nhiều lúc, tôi muốn mở miệng nói với nó rằng: - Có chuyện gì thì nói với cô. Không thì đừng nói gì cả, còn hơn cố tỏ ra vui vẻ mà bên trong lại rơi nước mắt. * * * Nhưng tôi nói không nổi. Chỉ cần nhớ về gia đình đã từng rất hạnh phúc kia tôi lại thấy xót xa. Sau khi kết hôn, bố nó mở một tiệm sửa chữa xe, mẹ nó thì làm cho xí nghiệp gần nhà. Tuy tiền kiếm được chỉ đủ ăn nhưng tràn ngập ấm áp. Bố nó rất hiền, kém bố tôi vài tuổi nhưng do quan hệ họ hàng mà tôi gọi một tiếng: Anh Bình. Anh Bình là một người lạc quan, yêu đời. Dáng người gầy gò nhưng luôn năng nổ giúp đỡ mọi người trong xóm. Còn mẹ nó, chị Loan có vóc người nhỏ bé, chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó. Trước đây, đã từng rất nhiều lần tôi mong có một gia đình như vậy. Bởi bố mẹ tôi lúc trước làm xa nhà, từ nhỏ tôi và em trai đã do một tay bà nội chăm sóc.. Nhưng hiện tại, gia đình ấy đâu còn như trước nữa. Tôi cũng không rõ là bắt đầu từ đâu nữa, lần đầu tiên tôi biết là lúc bố dặn tôi: - Nếu thằng Bình có sang mượn xe đạp hay đồ dùng thì không được cho mượn, biết chưa? Khi ấy tôi ngạc nhiên nhìn bố, hỏi lại: - Tại sao hả bố? Ngày xưa anh ấy cũng giúp nhà mình nhiều mà. - Biết gì mà nói, nó bán hết đồ trong nhà đi đánh bạc rồi. - Thật hả bố, sao con không biết? - Trẻ con biết làm gì. Nhớ lời bố bảo là được, mà cũng ít chơi với hai đứa nhà nó đi. - Nhưng con với Dương chơi với nhau thân mà. - Thân thiết gì, bảo thì cấm cãi. Bố chỉ muốn tốt cho con thôi. - Bố tôi nói xong cũng không nhìn tôi, cúi đầu xuống đánh ráp cửa. Tôi im lặng không nói nữa. Tôi biết bố tôi không thể chỉ vì anh Bình mà cấm tôi chơi với Dương, chắc có gì đó ở phía sau.. Nhưng từ lời nói có thể thấy bố tôi không hề muốn cho tôi biết. Tôi mặc kệ, tôi vẫn đi học cũng Dương, đi chơi cùng nó.. Và tôi lại nhận ra nó có vẻ xa cách với tôi hơn. Không hiểu gì thật là khó chịu mà. Nhưng rốt cục, tôi vẫn chỉ là nhóc con 15 tuổi. Tôi vô tư, vô lo. Những sự việc ngày ấy dần dần mờ nhạt trong tôi cho đến ngày hôm ấy, khi mà Dương nói bố mẹ nó chuẩn bị li dị. Cũng từ đó, gia đình nó ngày càng khốn khó. Mỗi khi gặp chị Loan là tôi lại thấy chị như gầy đi, làn da đen sạm, đôi môi thâm tím.. Nhìn chẳng khác gì người ốm cả. Chị vẫn gật đầu mỗi khi tôi chào nhưng nụ cười không còn nở trên môi nữa. Còn anh Bình thì như tránh né mọi người trong làng vậy. Anh rất ít khi ra khỏi nhà, có hồi còn 4 - 5 tháng mà không thấy mặt mũi đâu. Người thì gầy gò chỉ còn da bọc xương, má hóp lại, mắt lồi ra; tuổi mới gần bốn mươi mà tóc bạc cả mảng đầu.. Mà tôi chỉ suy nghĩ đơn thuần rằng: Có thể là do anh Bình lấy hết tiền đi đánh bạc nên ăn uống thiếu thốn mà thành ra vậy.. Nhưng sự thật không hẳn là như vậy. Vào một buổi chiều, khi tôi đi mua đồ cho mẹ thì thấy bà bán hàng và 3 bà khác đang bàn luận về gia đình nó. Tôi nghe thoáng thoáng tiếng bà Kha the thé: - Thằng Bình Trọng ấy, nó đi trại cai nghiện hơn 3 tháng rồi. - Xời, tôi cũng biết rồi. Mà hình như nó bán hết cả giấy tờ nhà rồi bà ạ. - Bà Giảng nhẹ giọng nói. - Nó không bán vợ bán con là may rồi, haiz, ngày xưa nó hiền lành như vậy mà. - Ừ, ngày xưa năng nổ là thế mà giờ thì.. - À, nghe nói nó bị HIV bà ạ, giờ tôi mới nhớ ra. - Giọng the thé của bà Kha lại thốt lên, bà nhìn 3 người còn lại, bà nhấp ngụm trà rồi nói tiếp. - Công ty cái Loan làm ấy, đuổi việc nó rồi. - Thật á? * * * Tôi đi bộ về nhà, trong đầu cứ nghĩ đến câu chuyện vừa nghe được. Nếu anh Bình bị HIV thì làm sao? Ngoài anh ấy ra, chị Loan, cái Dương có sao không? Nếu thật thì gia đình Dương phải sống sao? Những câu hỏi không lời đáp cứ quẩn quanh trong đầu tôi mãi không thôi. Để đồ vào chạn bếp, tôi đi về phòng, nằm lên trên giường, không ngừng được mà cứ nghĩ về quá khứ trước đây.. 5 năm trước, lúc ấy tôi mới chỉ 10 tuổi và Dương 6 tuổi. Khi ấy, xóm tôi nghèo lắm, có thể nói là nghèo nhất thôn, nhà cửa thì lụp xụp, lớp vôi trắng của tường bong chóc lam nham. Nhiều nhà còn không đủ gạo mà ăn, trong đó có nhà nó.. Nhưng khi nó vừa đủ 6 tuổi thì bố nó, dáng vẻ cao gầy cõng nó tới trường, mặc cho bao người già trong xóm khuyên: "Nó là con gái, học hành gì, ở nhà mà lấy chồng", "Nó đi học rồi sau này về nhà chồng chứ có ở nhà với vợ chồng mày đâu".. Lúc ấy bố nó chỉ hiền lành cười cười, nói: - Nhà cháu có mỗi đứa con gái, không cho nó ấm lo đầy đủ thì cũng phải được đi học bằng bạn bằng bè chứ bà. Và cũng vì phải đóng học phí cho nó mà bố nó làm thuê mướn quên ngày quên đêm, tới nỗi đang làm thì bị tai nạn, bị buộc phải cắt chân bên trái. Từ ấy, bố nó mở tiệm sửa xe ở tại nhà. Tuy thu nhập không cao nhưng ổn định, người dân trong xóm cũng thương, mỗi khi đi bơm xe lại dúi vào tay nó mấy đồng bạc bảo là: Cho để mua kẹo mà ăn.. Vậy mà bây giờ con người ấy trở lên như vậy. Cờ bạc liên miên, không làm việc, bán đồ trong nhà để đánh bạc, cầm giấy tờ để tiêm chích ma túy.. Than ôi, chỉ vì cái nghèo mà bao nhiêu con người bị biến thành như vậy? Mồng ba Tết, tiết trời còn hơi se lạnh, tôi vừa đi chúc Tết nhà thầy cô về thì thấy nhà cửa vắng tanh. Tôi tắt khóa xe, vào phòng khách mở tivi xem Táo Quân, nhưng ánh mắt không nhịn được nhìn ra cổng. Lạ thât, Tết mà sao nhà lại chẳng có ai thế này? Mang tâm trạng tò mò, hoang mang tôi xem hết hai bộ phim hài thì thấy bà nội về. Dáng bà hơi còng, đôi tay gầy gò lại đưa lên quệt mắt. Bà nhìn tôi, nhẹ giọng: - Chi sang nhà cái Dương đi, bố nó mất rồi. - Ơ.. Bố nó.. anh Bình mất ạ? - Tôi ngạc nhiên hỏi bà - Ừ, mất lúc trưa. Giờ mày sang với cái Dương đi, bà thấy nó thẫn thờ ngồi một mình như người mất hồn ấy. - Nhưng anh Bình vẫn bình thường mà, sao chết được hả bà? - Nó bị xốc thuốc.. aiz, không biết sau này gia đình nó sống sao đây. - Bà đi đến bên ghế, ngồi xuống, thở dài. - Vậy con sang bên đấy nhé. Tôi đứng dậy, bước vội ra cửa. - Đổi áo khác đi, mặc cái áo gió màu đen trong tủ ấy. - Con quên mất. * * * Khi tôi đến nhà nó, tôi thấy nó ngồi đấy, ngay cái giường cạnh áo quan, nhưng không khóc, ánh mắt không tiêu cự như nhìn về nơi nào đó, rất xa, rất xa. Tôi bước đến bên nó, ngồi xuống, ôm lấy nó, nước mắt lã chã rơi. Nó máy móc quay lại nhìn tôi, khẽ cười rồi nói: - Bố con mất rồi, con vui lắm. Nhưng nước mắt lại lăn dài trên gò má gầy gò của nó. Nó nói tiếp: - Bố mất rồi thì từ nay mẹ con không phải làm việc cực như trước nữa. Cả bố con nữa, nhiều lúc lên cơn nghiện, nhìn thấy sắc mặt bố đỏ bừng đánh mẹ con con, rồi mỗi khi bình thường trở lại bố xin lỗi mẹ con, bố nói rằng bố sẽ cai nghiện.. Nhưng bố chẳng bao giờ làm được cả.. Bố con chết đi thì con phải vui phải không cô? Tôi định nói thì nó cướp lời: - Nhưng.. Nhưng con không cười được cô ạ. Rõ ràng khi con còn bé bố đã hứa.. đã hứa sẽ dắt tay con vào lễ đường với người con yêu.. Bố cũng hứa là sẽ đưa con đi học Đại học.. Tại sao bố chưa thực hiện lời hứa mà đã bỏ lại con rồi.. Tại sao chứ? Nói xong, nó càng ôm tôi chặt hơn, bàn tay vòng sau lưng tôi run rẩy. Tôi im lặng. Tôi còn biết nói gì nữa? Vốn dĩ tôi đâu hiểu được tâm trạng hiện giờ cửa nó như thế nào? Một người mà đã rất quan trọng với mình bỗng nhiên biến mất. Một người khiến cho gia đình mình khốn khổ biến mất. Nếu là tôi, cũng chẳng biết nên cười hay khóc nữa. Nước mắt bên gò má lạnh buốt. Trong đầu tôi bỗng có một ý nghĩ, đúng vậy, gia đình nó chỉ là nạn nhân của tệ nạn xã hội mà thôi. Ma túy, cờ bạc từng bước từng bước chiếm lấy trái tim bố nó khiến anh chẳng thể dứt được. Rồi càng ngày càng phá hỏng đi hạnh phúc mà gia đình nó vốn có. Cũng chính ma túy, cờ bạc đã khiến cho một con người hiền lành biến thành bộ dạng như bây giờ. Anh tìm mọi cách để có tiền để tiêm chích, để đánh bạc.. Kể cả việc mà trước đây anh luôn nhắc nhở tôi và cái Dương không bao giờ được phạm vào: Trộm cắp.. Nhiều lúc thấy vẻ mặt lấm lét của anh quanh xóm mà tôi sẽ rùng mình, sợ sệt nhìn con người mà tôi không hề quen này. Tại sao lại khác như vậy chứ? Cũng chính ma túy, cờ bạc khiến anh và chị Loan ngày càng xa cách nhau hơn. Tới mức suýt phải ra tòa ly dị. Mà phải chăng, ma túy, cờ bạc là người tình của bố nó? Một người tình không phải người nhưng sức hấp dẫn còn hơn nhiều so với con người. Chúng khiến ta trầm mê trong đó, và mãi mãi không thể nào thanh tỉnh được? Hoặc cũng có thể, ma túy cờ bạc như liều thuốc ngủ, nó có thể khiến ta quên đi hiện tại bất hạnh, quá khứ đau thương và chìm vào giấc mộng đẹp.. Nhưng mấy ai biết rằng, dùng thuốc ngủ quá liều lại gây hậu quả khôn lường? Ngày đưa đám, trời nắng to. Nắng như cuộc đời anh vậy, nhọc nhằn, khó khăn mà không bao giờ thấy gió mát. Chị Loan đi bên cạnh đoàn xe, người vốn gầy giờ càng thêm lung lay, ánh mắt ảm đạm nhìn về phía trước, hai tay buông thõng. Thỉnh thoảng, chị đưa mắt nhìn về phía anh, nước mắt lại tuôn rơi. Lúc ấy tôi cứ nghĩ là do tình yêu, ha, cái suy nghĩ thật trẻ con. Đến mãi bây giờ, tôi mới biết, thực sự anh Bình không hề do dùng ma túy quá liều mà chết. * * * Mồng ba Tết năm ấy, anh Bình lên cơn nghiện. Đôi mắt anh đỏ ngầu, quần quại trên giường, nhà thì chẳng còn ai. Dương thì chúc Tết thầy cô, chị Loan thì làm tăng cường. Anh đưa tay xuống dưới gối, lấy ra hai cái kim tiêm chứa đầy dịch trong suốt, anh điên cuồng định đâm vào tay mình, nhưng nghĩ đến gì đó, anh dừng lại giây lát rồi khẽ mỉm cười, tay cầm kim càng dùng thêm lực, ống kim dài cắm thẳng vào mạch máu, dòng nước trong suốt theo đó mà chảy vào cơ thể anh. Hết một ống, lại một ống nữa.. Đây là ống tiêm mà anh định dùng hai lần, nhưng trong một lần là hết. * * * Anh nằm trên giường, người co giật kịch liệt, sùi bọt mép ướt hết cả cổ áo. Lúc ấy, anh chỉ mong trước khi kết thúc cuộc đời mình, trước khi giải thoát cho vợ con thì anh có thể thấy họ lần nữa, những người mà anh yêu thương nhất, có lỗi nhất và muốn bảo vệ nhất. "Cạch.. cạch.." Khi nghe thấy tiếng xe đạp quen thuộc ấy, ánh mắt anh sáng lên, nhưng ngay sau đó thì bị cơn đau lấn áp, cơ thể anh vẫn run lên từng cơn, nhưng đầu anh ngoái ra cửa. Chị Loan nặng nhọc bước vào nhà, dưới mắt quầng thâm đen khiến chị càng thêm gầy yếu hơn. Anh Bình nhìn chị, miệng khẽ mấp máy - Xin lỗi, em và con sống tốt nhé.. Chị Loan chưa kịp hiểu chuyện gì thì anh Bình đã nhắm mắt, thi thể bất động trên giường, bên môi vẫn nụ cười khổ. Anh còn chưa kịp nói xong mà. Anh còn muốn nói rằng hai người ở lại mạnh khỏe.. anh muốn nói rằng anh thật sự xin lỗi, xin lỗi vì một phút nghe theo kẻ khác mà rơi và nông nỗi này.. Anh còn muốn nhìn thấy mặt Dương nữa cơ mà.. * * * Còn Dương, nó không khóc không nháo, chỉ là bàn tay nắm chặt tay tôi, chặt tới nỗi khớp xương trắng bệch ra. Như cảm nhận thấy ảnh mắt của tôi, nó quay lại nhìn tôi khẽ cười, nhưng đôi mắt thì đỏ hoe. Nó khoác trên người cái áo tang trắng rộng thùng thình, đã gầy giờ còn gầy hơn, sắc mặt thì tái nhợt. Lúc ấy, tôi cũng không hiểu nó lấy đâu ra sức để bóp tay tôi mạnh đến vậy.. Từ đó, hai mẹ con nó tựa vào nhau mà sống. Mẹ con nó vẫn ở căn nhà lụp xụp ấy, chỉ có điều trong nhà cũng đã có thêm đồ đạc. Thời gian gặp nó cũng ít đi rất nhiều, có lần tôi vào chơi thì thấy nó bặm môi, nhìn chằm chằm đề Hóa. Thấy tôi, nó vẫn sẽ cười như trước, nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy nụ cười của nó không tới được đáy mắt mà mang theo chút u buồn. Tôi bước đến gần nó, cầm tờ đề lên, đọc đầu bài rồi phân tích cho nó. Nó rối rít cảm ơn rồi cúi xuống làm. Xong xuôi đâu đó, nó mới ngồi xuống bên cạnh tôi. Chiếc giường cũ kêu kẽo kẹt, kẽo kẹt. Tôi không khỏi thắc mắc, mẹ nó hai năm nay buôn bán không tệ, tại sao không đổi giường hay xây lại nhà đi.. Tôi đang định hỏi thì nó nhìn tôi rồi cười, ánh mắt lấp lánh như nhìn về phương trời nào xa xôi lắm: - Cô biết không, vì đóng cái giường này cho con mà bố con phải bỏ tiền sửa xe gần ba tháng, tự tay mua gỗ rồi mượn đồ về làm cho con. Còn cái giá đựng bút kia nữa, hồi đi thả trâu, bố con thấy cây tre già bị gẫy lên cắt về, nói là cho con để bút vào đấy.. Tôi nhìn nó, thấy nó như đang kể một câu chuyện bình thường chẳng quan trọng hay liên quan gì tới cuộc đời nó mà lòng tôi đau xót. Phải cố gắng thế nào để kể lại kí ức về một người rất quan trọng với mình giờ không còn nữa? Nếu là tôi, tôi chẳng thể làm được. - Cô à, sau này cháu muốn làm cảnh sát. - Câu nói của nói lôi tôi từ trong suy nghĩ trở lại, tôi ngạc nhiên nhìn nó rồi nói: - Không phải cháu muốn làm bác sĩ sao? Ngày xưa suốt ngày nói: "Sau này cháu làm bác sĩ, cháu sẽ nghiên cứu thật nhiều phương thuốc và cứu thật nhiều người." - Bây giờ cháu nhận ra, thật ra dù có trị đến đâu thì vết thương vẫn để lại sẹo chỉ có phòng ngừa ngay từ đầu thì mới không để bị kịch xảy ra thôi cô ạ. Có rất nhiều con người lương thiện, nhưng chi vì cái thứ còn ma lực hơn cả phụ nữ kia mà đánh mất chính bản thân mình. Ngày trước, mỗi khi đọc truyện ngôn tình, cháu lại thấy tiểu tam thật đáng ghét, cháu đồng cảm với nữ chính.. Nhưng thật ra, có thứ còn hơn cả tiểu tam, thứ đó chẳng phải con người mà lại khiến con người trầm mê trong đó. Và cháu, cháu muốn đưa những người đó trở lại cuộc sống, tránh xa thứ độc ác kia.. Cháu không muốn ai phải chịu cảnh như gia đình cháu cả. Mắt tôi ươn ướt, giọng tôi như nghẹn lại: - Vậy cháu cố gắng học thật giỏi nhé. - Vâng ạ, cháu chắc bố cháu sẽ luôn dõi theo bước chân cháu. Bố nhỉ? * * * Thanh xuân là vậy, thanh xuân của mỗi người chẳng ai giống ai cả. Tôi bước qua thanh xuân một cách nhẹ nhàng, yên bình bên gia đình người thân.. nhưng đâu phải người khác cũng vậy đâu, phải không? Nhưng dù thế nào thì thanh xuân vẫn là quãng thời gian đẹp nhất của mỗi con người. Đúng không? Ngọc Dương, sắp lên cấp ba rồi, cô chúc cháu trải qua quảng thời gian còn lại của thanh xuân thật hạnh phúc, coi như sự đền bù muộn màng của ông trời. Chúc cháu học giỏi và sớm thực hiện được ước mơ của mình. Cô sẽ luôn đứng sau ủng hộ cháu. Cố lên. Thái Nguyên, 5-12-2015. Hết.