Lý luận văn học về truyện ngắn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Bả tửu vấn nguyệt, 1 Tháng mười 2023.

  1. Với học sinh cấp 2, cấp 3 thì LLVH luôn là một vấn đề rất khó khăn để tìm hiểu và áp dụng. Đặc biệt là SGK theo chương trình mới lại được biên soạn theo thể loại nên việc tìm hiểu LLVH về đặc trưng thể loại là điều cực kỳ quan trọng để bạn phân tích một tác phẩm mới. Và sau đây là chuyên đề về truyện ngắn do mình soạn một cách ngắn gọn và đầy đủ nhất cho những bạn muốn tìm hiểu từ cơ bản.

    CHUYÊN ĐỀ: TRUYỆN NGẮN


    [​IMG]

    I, KHÁI NIỆM TRUYỆN NGẮN

    - Khái niệm: Truyện ngắn là một thể loại tự sự văn xuôi cỡ nhỏ, nội dung phản ánh có thể bao gồm hầu hết mọi phương diện của đời sống: Đời tư, thế sự, sử thi.. Đặc trưng truyện ngắn là "ngắn". Với lối hành văn đầy ẩn ý, truyện ngắn xây dựng các chi tiết nghệ thuật đặc sắc, một tình huống, 1 nỗi lòng, 1 cảnh ngộ, qua đó nhà văn muốn đối thoại với bạn đọc vấn đề có ý nghĩa nhân sinh.

    - Nhận định:

    Pauxtopki: "Truyện ngắn là một truyện viết rất ngắn gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như một cái gì đó bình thường, và cái bình thường hiện ra như một cái gì không bình thường".

    Nguyễn Minh Châu: "Tôi thường hình dung thể loại truyện ngắn như mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ: Chỉ liếc qua những đường vân trên cái khoanh gỗ tròn tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc".

    "Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân của một chân lý giản dị của mọi thời." (Nguyễn Kiên)

    II, ĐẶC TRƯNG TRUYỆN NGẮN

    1. Nội dung truyện ngắn:

    Nội dung của truyện ngắn có thể bao gồm hầu hết mọi phương diện của đời sống: Đời tư, thế sự, sử thi..

    VD: + Truyện ngắn thế sự của Nguyễn Huy Thiệp

    + Truyện ngắn sử thi: "Số Phận con người" – Solokhov là tiểu thiên anh hùng ca

    2. Hình thức:


    a. Cốt truyện truyện ngắn

    - Khái niệm: Cốt truyện là hệ thống các sự kiện xảy ra trong đời sống nhân vật, có tác dụng bộc lộ tính cách, số phận nhân vật. "Một hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong những mqh qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề tư tưởng tác phẩm".

    - Cốt truyện của truyện ngắn: Truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một vài biến cố, mặt nào đó của đời sống. Các sự kiện tập trung trong một không gian, thời gian nhất định. Nguyễn Kiên: "Truyện ngắn thường chỉ phản ánh một khoảnh khắc, một mẩu nhỏ nào đó của cuộc sống".

    - Phân loại:

    + Truyện không có cốt truyện (hoặc cốt truyện rất mờ nhạt) : Do chủ ý nghệ thuật của nhà văn chỉ nhằm thể hiện diễn biến tâm trạng nhân vật trong mối liên hệ với hoàn cảnh. Truyện chỉ có những ý tưởng, không có sự kiện gay cấn, thời gian cụ thể, thậm chí không có đầu đuôi (truyện ngắn Thạch Lam).

    + Truyện ngắn có cốt truyện rất chú ý xây dựng những tình tiết, sự kiện bộc lộ tính cách của nhân vật và thúc đẩy hướng phát triển, vận động của mạch truyện. Bản thân cốt truyện là hệ thống các sự kiện, được chia theo lớp lang từ đầu đến cuối truyện. Các sự kiện càng gay cấn, nổi bật càng tạo kịch tính, sức hấp dẫn cho truyện ( "Chí Phèo" – Nam Cao)

    - Vai trò của cốt truyện: "Nhà văn sống bằng cốt truyện, y như họa sĩ sống bằng màu và bút vẽ vậy".


    [​IMG]

    b. Tình huống truyện trong truyện ngắn

    - Khái niệm: Tình huống truyện là hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt trong truyện khiến tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất

    - Nhận định về tình huống truyện:

    + Nguyễn Minh Châu: Tình huống truyện là "tình thế nảy ra truyện", "Tình huống chính là thứ nước rửa ảnh làm nổi hình nổi sắc nhân vật, làm rõ tư tưởng nhà văn, là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người", "Tình huống truyện là lát cắt, là khúc của đời sống, nhưng qua đó, ta hiểu được trăm năm của đời thảo mộc".

    + "Dựng tình huống truyện là khâu quan trọng nhất".

    + "Tình huống truyện, xét đến cùng, là một sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn sáng tạo trong tác phẩm theo lối lạ hóa".

    + "Rất nhiều tác giả của những truyện ngắn hay là những người cầm bút có cái biệt tài có thể chọn trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất (), thậm chí có khi đó là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại".

    - Vai trò của tình huống truyện:

    +tình huống truyện là "thứ nước rửa ảnh làm nổi hình nổi sắc nhân vật" – Nguyễn Đăng Mạnh

    + tình huống truyện thể hiện tài – tâm – tầm của người nghệ sĩ

    + tình huống truyện tạo nên sự kích thích, tò mò, hấp dẫn bạn đọc

    - Phân loại tình huống truyện: Dựa trên 2 tiêu chí

    + Số lượng: Truyện ngắn một tình huống ( "Chữ người tử tù", "Làng") và truyện ngắn nhiều tình huống ( "Chí Phèo", "Vợ chồng A Phủ", "Cao Lương Đỏ")

    + Tính chất của tình huống:

    · Tình huống hành động: Chữ người tử tù..

    · Tình huống tâm trạng: Truyện ngắn Thạch lam, Thanh Tịnh, Đỗ Chu

    · Tình huống nhận thức: Truyện ngắn NMC, Nam Cao..


    c. Chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn

    - Khái niệm: Chi tiết nghệ thuật là tiểu tiết của tác phẩm lắm khi nhỏ nhặt nhưng mang sức chứa lớn về nội dung, tư tưởng, tình cảm của tác phẩm.

    - Nhận định về chi tiết nghệ thuật:

    + "Chi tiết là hạt bụi vàng của tác phẩm".

    + "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn".

    + "Chi tiết trong truyện ngắn là những người tí hon mang nhiệm vụ khổng lồ".

    + "Chi tiết là lát cắt trên thân cây để thấy cả đời thảo mộc" - Nguyễn Minh Châu

    + "Nếu tình huống truyện tạo ra bước ngoặt của tác phẩm thì chi tiết nghệ thuật lại là cái bánh lái bẻ nên đường cua tuyệt diệu ấy." (Lêonit Leonov)

    - Vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn:

    + "làm nổi hình nổi sắc nhân vật" hé lộ cuộc đời, số phận, tính cách, tâm lí nhân vật.

    VD: Chi tiết cái bóng => hé lộ số phận Vũ Nương

    Chi tiết giọt nước mắt: Tâm lí xúc động của Chí Phèo, thể hiện phẩm chất nhân vật

    + khắc sâu tư tưởng, ý nghĩa triết lí của tác phẩm

    + "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn" – thể hiện tài – tâm – tầm của người nghệ sĩ

    d. Nhân vật trong truyện ngắn

    - Khái niệm: Nhân vật trong truyện ngắn là những bức vẽ về con người và đời sống được xây dựng thông qua những chi tiết nghệ thuật. Nhân vật có thể được lấy nguyên mẫu từ đời sống, đồng thời được sáng tạo, hư cấu để qua đó gửi gắm tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Nhân vật văn học có thể là đồ vật, con vật, thiên nhiên nhưng đều mang phẩm chất người, tính cách người.

    VD: Dế mèn, cây chuối, trăng, hoa, cái bánh bao tẩm máu người..

    - Số lượng: Ít

    - Đặc điểm:

    + Nhân vật ít khi được khắc họa cụ thể, tỉ mỉ như trong truyện dài, tiểu thuyết. Nhân vật trong truyện ngắn là nhân vật được tước bỏ, tinh chất, chỉ được khai thác ở một đoạn đời, một nét tính cách, một ý nghĩ (khác tiểu thuyết: Con người "nếm trải", "đầy đặn") qua đó, tác giả làm hoàn thiện hơn bức chân dung, tính cách số phận nhân vật.

    VD: Ở nhân vật Bá Kiến, Nam Cao đi sâu phác họa một nét tính cách của địa chủ: Lõi đời, cáo già, dâm ô, tham lam..

    + Nhân vật của truyện ngắn mang ý nghĩa khái quát, tiêu biểu cho một hạng người. Nói như nhà văn Lỗ Tấn: Qua 1 mảng lông mà thấy cả con báo..

    VD: Tâm trạng Liên lúc chiều xuống: Buồn man mác. Chỉ qua một nét tinh thần ấy, nhà văn cho thấy tâm thế sống của con người ở cả một thời: Sống mòn, sống mỏi, quẩn quanh bế tắc. Trong trạng thái ấy, con người không thôi khát khao sự thay đổi, hi vọng đổi đời.

    - Vai trò: "Nhân vật là nơi tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác"

    + Nhân vật là phương tiện để nhà văn khái quát, phản ánh hiện thực đời sống.

    VD: Nhân vật người vợ nhặt đói mất hết cả tự trọng, nhân cách để theo một người đàn ông lạ mặt → hiện thực cái đói.

    Nhân vật Chí Phèo, AQ, ông Sáu..

    + Nhân vật là phương tiện để nhà văn bộc lộ tư tưởng, quan niệm, triết lí về con người và cuộc đời.

    Nhân vật là kết tinh tài - tâm - tầm của người nghệ sĩ. (nhắc đến Secvantec ta nhớ ngay đến Đônkihote) → Nhân vật là tượng đài để nhà văn sống mãi cùng năm tháng.

    Nhân vật là phương tiện để nhà văn khái quát tính cách, số phận con người. (Nhân vật điển hình)

    g. Ngôn ngữ:

    - Là yếu tố quan trọng.

    - Ngôn ngữ của truyện ngắn có tính chất cô đúc, tinh luyện, chọn lọc cao độ. Mỗi một "truyện ngắn như một bài thơ tứ tuyệt", không thể có sự rườm rà.

    - Ngôn ngữ của truyện ngắn là ngôn ngữ đậm đặc. Người viết truyện ngắn phải kiệm lời (khác hẳn với tiểu thuyết).

    - Ngôn ngữ truyện ngắn vừa có đặc điểm của văn xuôi, vừa mang đặc điểm của thơ.
     
    Ray Ray thích bài này.
    Last edited by a moderator: 29 Tháng mười 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...