Lý luận văn học: Tác phẩm văn học chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng - Aimatôp

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi An Nam, 21 Tháng chín 2021.

  1. An Nam

    Bài viết:
    185
    Lý luận văn học

    Đề bài: Khi bàn về các tác phẩm văn học, nhà văn Nga Aimatôp có nhận định: "Tác phẩm văn học chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện". Hãy trình bày ý kiến của anh/chị về nhận định trên.

    Bài làm:

    Văn học tự bao đời nay vố không phải là thứ gì đó giản đơn, dễ dãi như bao người vẫn nghĩ. Lao động sáng tạo đã là một quá trình vô cùng dài của người nghệ sĩ muôn đời. Vì thế nên đọc một tác phẩm văn chương sao cho đúng nghĩa là một công việc không hề đơn giản chút nào. Làm sao bây giờ khi ta gấp lại trang sách cuối cùng nhưng những nhân vật vẫn không thôi kể câu chuyện của bọn họ, vẫn không ngững nhảy múa trên trang sách? Liệu câu chuyện có thực sự kết thúc hay không khi dấu chấm văn bản cuối cùng đã xuất hiện? Tất nhiên là không, bởi vì "tác phẩm văn học chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện" (Aimatôp).

    Tác phẩm văn học là sản phẩm sáng tạo đặc biệt được hình thành qua quá trình lao động đặc thù của nhà văn. Dù muốn hay không, nó cũng phải mang dấu ấn sâu sắc của nhà văn. Hoạt động sáng tạo của nhà văn lạ là hoạt động đặc biệt mang tính đặc thù không giống với bất kỳ hoạt động nào khác. Hoạt động này được thực hiện trong sự chi phối mạnh mẽ, dưới sự tác động sâu sắc giữa các yếu tố đặc biệt. Đó là khả năng quan sát tinh tế, cùng một sự vật, sự việc, hiện tượng.. diễn ra hằng ngày ở mọi nơi mà ai cũng nhìn thấy, cũng có thể bắt gặp nhưng chỉ có nhà văn mới là người đầu tiên và duy nhất phát hiện ra những bản chất tinh vi thú vị mà thôi. Những phát hiện của họ gây sửng sốt cho người đọc, người nghe và họ bị lôi cuốn mạnh mẽ vào cái thế giới huyền diệu của nhà văn để rồi ngỡ ngàng: "Hóa ra đây toàn là những thứ ngày nào ta cũng thấy. Ở đâu ta cũng thấy nhưng dưới con mắt của nhà văn nó mới tuyệt vời làm sao, mới kì lạ làm sao, mới sống động làm sao" (Nguyễn Thanh Tuấn).

    Tác phẩm văn học như là sự mênh mang của biển cả, lúc lặng yên khi ồn ào dữ dội. Công việc cụ thể hóa của người đọc như tát nước biển, bao giờ cho cạn? Cái khoảng lặng trong tác phẩm văn học là không thể lấp đầy được vì nó được tạo ra bằng chính những khoảng lặng trong tâm hồn nhà văn. Tuy vậy, chúng lại tạo nên bản chất của văn học, ở đó đời sống văn học được bắt đầu và sự sống được duy trì.

    Nhận định của Aimatôp đã làm sáng tỏ hơn nữa khúc mắc này trong đời sống văn học. Người nghệ sĩ hoài thai nên đứa con của mình ngay từ cuộc sống này, sau đó gửi gắm cả vào đời sống văn học với băn khoăn liệu rằng độc giả sẽ đón nhận nó như thế nào. Ngày hôm nay ta đọc nó đến dấu chấm cuối cùng những vẫn chưa là xong được bởi lẽ "khả năng kể chuyện" của nó là vô tận. Lúc này đây, tác phẩm văn học mới thực sự sống cuộc đời của nó trong tâm hồn, trái tim người đọc, mới thực sự nhập thân vào đời sống thông qua người đọc. Vấn đề tiếp nhận văn học từ cơ sở đó mà dần hình thành.

    Trước kia, F. Schlegel cũng đã đề cập đến vấn đề tiếp nhận văn học trong sự thừa nhận có mối quan hệ giữa các bậc tiền bối và hậu bối sau này. Ông cho rằng tác phẩm văn học một khi mang lại sợi dây đồng điệu cho tác giả và người đọc đương thời nghĩa là nó vẫn sống. Khi Lê-nin nghiên cứu tỉ mỉ L. Tôn-xtôi, ông cũng đặc biệt chú ý đến ảnh hưởng của những tác phẩm này đến với đương thời và về sau, tức là đề cập đến số phận và sự vận động của chúng qua các môi trường lịch sử và xã hội.

    Mặt khác, bản chất của ngôn từ nghệ thuật vốn có tính đa nghĩa mơ hồ, nên đối với mỗi người, tác phẩm lại gợi theo một cách. Từ đó hình thành nên nhiều cách cảm khác nhau, nhiều cách nghĩ khác nhau trong cộng đồng độc giả. Ai đó cho rằng "Đây thôn Vĩ Dạ" là cảm xúc tình yêu của Hàn Mặc Tử đối với Hoàng Cúc mà không được đáp lại. Nhưng liệu có hợp lí hơn chăng, khi ta tiếp cận bài thơ theo hướng: Đó là cảm xúc của thi nhân về nỗi đau nhân thế, nỗi niềm khắc khoải của một con người đang đến rất gần với vực sâu của cái chết? Chính vì thế nên mới có những câu thơ đau đáu nỗi niềm phấp phỏng, lo âu: "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?".

    Trường tư tưởng, cảm xúc của người tiếp nhận cũng thay đổi theo thời đại, theo từng vùng. Người Pháp gọi Đôn Ki-hô-tê trong tác phẩm cùng tên của Xéc-van-téc là chú hề đáng thương, trong khi người Tây Ban Nha gọi chàng là kẻ điên rồ. Chủ nghĩa lãng mạn cho đó là người anh hùng phong kiến còn sót lại, còn chủ nghĩa hiện thực coi đó là biểu tượng suy vong của một thời phong kiến đã qua. Tác phẩm kết thúc rồi, mà dư ba của nó vẫn còn lắng đọng trong lòng mỗi người là vì thế. Người đọc sẽ là người bù lấp những khoảng trống nghệ thuật trong tác phẩm bằng những cách hiểu chủ quan của mình.

    "Tác phẩm văn học không bao giờ hết khả năng kể chuyện". Người ta truyền tai nhau những tác phẩm hay, nêu bật lên cách hiểu của mình về tác phẩm. Công việc sáng tạo đâu chỉ dành riêng cho những người nghệ sĩ.

    Độc giả cũng là một nhà văn của muôn đời, tìm ra những dải sóng mới từ chiếc đài nhiều tầng, nhiều bậc. Đôi khi những sáng tạo từ người đọc lại nằm ngoài cả trường tư tưởng - tình cảm của nhà văn. Chính vì lẽ đó mà cánh diều văn học vẫn luôn bay cao, bay xa bởi ngọn gió từ những tâm hồn tài hoa phả tới.

    "Truyện Kiều" là bản án rõ nhất về thế lực của đồng tiền chà đạp lên quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Thúy Kiều rơi và vực thẳm đoạn trường xét đến cùng cũng chỉ vì chữ "tiền" mà ra. Và khi Chế Lan Viên viết: "Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc/ Sắc tài mà lại lắm truân chuyên" (Đọc Kiều) thì ý nghĩa của "Truyện Kiều" đã được nhìn ở một góc độ khác, góc độ từ hơi thở của thời đại và cảm quan của nhà văn.

    Người nghệ sĩ bao giờ cũng làm việc trong sự kết hợp giữa trí tuệ và cảm xúc, trí tuệ là cái bất biến và luôn ổn định nhưng cảm xúc thì không phải vậy. Nó biến động rất phức tạp nhưng chính nó là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa những người lao động nghệ thuật và những người lao động bình thường khác. Người nghệ sĩ chỉ làm việc khi có cảm xúc, đôi khi là sự lắng đọng tới tận tiềm thức. Thường thì cảm xúc luôn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của trí tuệ, trí tuệ trở nên bất lực trước cảm xúc. Như V. Huy-gô đã khẳng định: "Tình yêu có những quy luật riêng mà trí tuệ không thể hiểu được". Chính vì thế mà tác phẩm văn học là sự đan xen, sự kết hợp một cách tinh vi giữa yếu tố thực và yếu tố ảo. Trong đó xuất hiện nhiều khoảng mờ nhạt mơ hồ. Bất kì tác phẩm nghệ thuật nào cũng có những đoạn bị bỏ ngỏ trong tình thế lửng lơ giữa đôi bờ hư thực do quy luật cảm xúc, cùng những đòi hỏi nghiêm ngặt của nghề văn. Chính điều này đã làm cho "tác phẩm văn học chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện". Cái ranh giới của sự bắt đầu và kết thúc trở nên nhạt nhòa như sương khói.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Bằng một cách nói ngắn gọn, ý kiến của Aimatôp chứa đựng những hàm ý rất sâu sắc, rất đáng nghĩ. Vấn đề tiếp nhận văn học không thể bàn luận trong một sớm một chiều. Nhưng nó sẽ không bao giờ tụt hậu chừng nào sáng tạo nghệ thuật còn tồn tại.
     
    Last edited by a moderator: 14 Tháng chín 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...