Lý luận văn học: Sức mạnh của văn học dựa trên những chức năng của nó

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi An Nam, 11 Tháng mười một 2021.

  1. An Nam

    Bài viết:
    185
    Lý luận văn học

    Đề bài: Có ý kiến cho rằng: "Sức mạnh của văn học dựa trên những chức năng của nó". Anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

    Bài làm:

    Tác phẩm văn học muốn trường tồn đều phải mang trong mình một sức hấp dẫn riêng: Và cho đến nay, nhân loại đã có một kho tàng văn học khổng lồ. Văn chương là món ăn tinh thần thiết yếu, thường xuyên của con người trong xã hội. Thưởng thức văn chương là hoạt động hàng ngày của hàng triệu con người thuộc các lứa tuổi, dân tộc, tầng lớp khác nhau trên hành tinh của chúng ta. Chính vì vậy mà có ý kiến cho rằng: "Sức mạnh của văn học dựa trên những chức năng của nó". Vậy nên, phải chăng khi đề cập đến vấn đề này, chúng ta cũng tách bạch, phân định theo từng chức năng ấy?

    Đọc một tác phẩm văn học, điều làm chúng ta quan tâm hơn cả là sau những câu chữ, những cách thể hiện hấp dẫn, nhà văn đem đến cho độc giả điều gì? Nếu tài năng của họa sĩ được đánh giá bằng đường nét, màu sắc của bức vẽ, thì tài năng của nhà văn được đánh giá dựa trên những vấn đề cuộc sống mà anh ta đề cập qua tác phẩm. Nói như vậy để khẳng định rằng văn học nghệ thuật nhất định phải liên hệ với hiện thực cuộc sống, nhất định phải mang sức mạnh có được từ thiên chức của mình.

    Bản thân văn học cũng là một loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù có tác động lớn đến cuộc sống. Có thể nói, "nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại" (Banzắc). Nói như vậy, không có nghĩa là văn học chỉ ghi chép lại những gì xảy ra trong cuộc sống. Nhưng ngược lại, văn học là sản phẩm đầy sáng tạo được nhào nặn từ chất liệu của cuộc sống. Những sản phẩm ấy không bao giờ chấp nhận sự bình thường, bởi "bình thường là cái chết của nghệ thuật" (Huy-gô). Và như vậy, một tác phẩm hay được ra đời là một lần nữa sức mạnh của văn học được khẳng định, một lần nữa nhà văn lại tìm đến thiên chức diệu kỳ của văn học đối với cuộc sống con người.

    Thực ra, việc phân định như vậy chỉ mang tính lý thuyết. Trong thực tế, văn học tác động tới người đoc bằng cả một quá trình tổng hợp, kết chuyển nhiều yếu tố chức năng, và đương nhiên, sự tác động ấy cũng mang tính toàn diện. Phải thừa nhận rằng, trong tri thức văn học là cả một cuốn "bách khoa toàn thư" về cuộc sống. Nó đáp ứng nhu cầu hiểu biết của con người về thế giới xung quanh. Và đó cũng là một yếu tố cơ bản cấu thành sức mạnh riêng của văn học nghệ thuật. Con người không phải lúc nào cũng đủ điều kiện để tìm hiều cuộc sống mới lạ ở những vùng đất xa xôi, thậm chí là không thể nào có thể mường tượng ra được nơi chúng ta sống trước kia là như thế nào. Với văn học, chúng ta vẫn còn có thể thấy Thăng Long của mấy trăm năm về trước trong nỗi buồn cả Bà Huyện Thanh Quan, có thể đến với vùng đất Hi Lạp xa xôi để chứng kiến cuộc thám hiểm của chàng Uylitxơ thông minh, gan dạ.. Không phải đương nhiên chúng ta hiểu điều đó, mà trong quá trình sáng tạo, tác giả đã đưa vào tác phẩm một lượng thông tin phong phú, giúp người đọc nắm bắt cuộc sống. Khi mà ta tiếp cận, cố gắng thấu hiểu bằng một tình yêu, một sự khát khao hiểu biết, thì chúng ta sẽ dễ dàng nắm bắt được tri thức của cuộc sống thông qua những tác phẩm văn học. Không phải ai cũng một lần trong đời được đặt chân lên xứ Lạng, song người ta vẫn có thể biết đến xứ Lạng qua câu ca dao giản dị: "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh".

    Văn học mở ra những chân trời hiểu biết mới, những tầm nhận thức mới, thúc đẩy quá trình phát triển của con người. Bởi lẽ, mỗi chỉnh thể văn học là một tấm gương cho độc giả soi mình vào đó để tự hoàn thiện bản thân, đồng thời đó cũng chính là kho tàng kinh nghiệm sống có tác dụng trực tiếp đến quá trình giao tiếp của con người. Một nhà lí luận đã rất đúng khi cho rằng "nghệ thuật là một phương thức tồn tại của con người. Nó giúp cho con người mãi mãi là con người không sa xuống thành con vật, cũng không biến thành những ông thánh vô duyên vô bổ". Như vậy, rõ ràng văn học nghệ thuật tác động trực tiếp đến ý thức của con người. Hay nói cách khác, nó đã nâng cao khả năng nhận thức của độc giả về những vấn đề trong cuộc sống. Chúng ta đều biết đến Đăm Săn hùng dũng đi bắt nữ thần Mặt Trời và cho dù có thất bại đi chăng nữa thì khát vọng chinh phục thiên nhiên của chàng là sự vươn lên của ý thức con người trong cuộc sống.

    Dù ở khía cạnh nào, thời đại nào đi nữa thì những câu thơ ấy vẫn là tiếng nói của nhận thức mà mỗi độc giả đều có thể cảm nhận được. Chúng ta nói văn học tác động đến người đọc một cách toàn diện, nghĩa là cả về mặt lí trí và tình cảm. Đó là điều đương nhiên. Bởi lẽ, "mỗi tác phẩm văn học được viết ra, ngoài những nội dung thông tin nhằm mở rộng hiểu biết và nâng cao nhận thức, còn chất chứa tấm lòng của người sáng tác" (Chế Lan Viên). Phải thực sự có cái tình ấy, thì tác phẩm mới có thể đi sâu gợi tình và chính nó cũng là sợi dây liên cảm đánh thức dậy trong lòng người đọc những cảm xúc trong trẻo, mãnh liệt. Có ai đọc mà không cảm phục một Hăm-lét, mà không yêu mến một Giăng Van-giăng, mà không nghiêng mình trước mối tình bi thương của Rô-mê-ô và Ju-li-ét. Văn học đủ sức làm rung lên cả những con tim tưởng chừng như đã chai cứng, những tâm hồn tưởng như đã cằn cỗi, già nua. Trước cuộc sống thực tại, ta có thể bình thản, nhưng trước những cuộc đời mà ta có thể thấy tường tận trong tác phẩm thì lại khó cầm lòng. Nói như vậy không có nghĩa là tác phẩm văn học đã hư cấu một cách thái quá những gì thuộc về cuộc sống, mà ngược lại, những tác phẩm ấy đã "dùng thứ ngôn ngữ hoàn chỉnh, lạ lùng để cô đọng lại những ý nghĩ, những cảm xúc, những giọt máu và những giọt lệ đắng cay, nóng bỏng của thế gian này" (M. Gorki). Giữa người đọc và tác giả, sợi dây nối liền chính là tác phẩm. Mối quan hệ này tưởng như đơn giản song thật ra lại rất quan trọng. Người đọc chỉ có thể hiểu được tâm trạng của tác giả hay cảm thông chia sẻ với những số phận con người khi tác phẩm đó mang đầy đủ giá trị nội dung, nghệ thuật, và quan trọng hơn là giá trị nhân đạo. Xét cho cùng, dù nói cách này hay cách khác, chúng ta đều thừa nhận, văn học tìm đến chiều sâu của thế giới trong con người để khơi dậy lòng nhân ái, tình yêu thương trước cái đẹp, đồng thời căm ghét cái xấu xa. Văn học đã phá vỡ những giới hạn của không gian và thời gian. Các nhân vật tiêu biểu xa như Hăm-lét, Đăm Săn, gần như Lão Hạc, Chí Phèo.. đều đã là người thiên cổ, thế nhưng, trong chúng ta họ vẫn định hình với những tình cảm yêu, ghét, thương cảm, xót xa.. Đó chính là điều mà các tác phẩm văn học đã làm được và cũng chỉ là duy nhất chỉ có văn học làm được mà thôi.

    Đọc một tác phẩm là đọc những cuộc đời, những tâm trạng, là tự soi mình vào để sống sao cho đẹp hơn. Văn học trong quá trình vận động theo quy luật từ cuộc sống đến nghệ thuật, rồi lại trở về với cuộc sống đã góp phần tích cực vào việc thanh lọc tâm hồn con người. Giúp con người hướng tới cái chân - thiện - mĩ. Từ những cái bình dị nhất của thực tiễn, người sáng tác đã đưa vào tác phẩm khiến nó trở thành những chuẩn mực về cách sống, về đạo đức con người. Chúng ta biết, trong mỗi tác phẩm văn học không chỉ có những vẻ đẹp mà còn cả những điều sâu xa để loại trừ. Làm được điều đó, văn học không thể không bắt nguồn từ cuộc sống và cái đẹp ấy cũng không thể gắn liền với đời sống thực của con người. "Truyện Kiều" có những nỗi đau, những khổ ải và cả những niềm hạnh phúc khiến người đọc phải suy nghĩ. Con người là một thực thể khó hiểu, không xấu hoàn toàn, cũng không tốt hoàn toàn. Chỉ có điều trong con người tốt, những nhược điểm được hạn chế đi rất nhiều. Tuy vậy, một người tốt chưa hẳn sẽ giữ mãi được cái tốt của mình. Cũng như vậy, một kẻ xấu chưa chắc đã rẻ rúng: "Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết/ Bui một lòng người cực hiểm thay" (Nguyễn Trãi).

    Như vậy, trong quá trình thanh lọc, văn học đã tác động vào con người bằng cả việc nói đến cái thiện, cái ác. Có điều phải tìm tòi, khơi dậy cái lương thiện của con người, loại bỏ những cái xấu xa, độc ác. Nói tổng quát, văn học đã xã hội đi lên theo chiều hướng tích cực. Văn học đã cho người đọc thấy những người hùng, những người hùng không mình đồng da sắt những rất đỗi dũng cảm, dám hi sinh cả thân mình để bảo vệ cho đất nước, dân tộc mình. Đó là những binh lính đời nhà Lý đánh quân Tống trên sông Như Nguyệt, là những người chiến sĩ dũng cảm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.. Những vần thơ đẹp đẽ trong những tác phẩm văn học đã làm tăng thêm sức mạnh cho con người: "Ôm đất nước những người áo vải/ Đã đứng lên thành những anh hùng." (Nguyễn Đình Thi).

    Với tư cách là một loại hình sáng tác nghệ thuật, văn học đã tồn tại trong quá trình phát triển của con người và khẳng định vai trò to lớn của nó đối với cuộc sống. Đặt bên cạnh những bộ môn nghệ thuật khác, văn học luôn chiếm ưu thế với tính đặc thù. Văn học mang trong mình tính chính xác của bộ môn khoa học xã hội, mang những quan niệm về đạo đức, tất cả được kết tinh để trở thành nét độc đáo cho văn học. Thế giới của các tác phẩm là thế giới của hình tượng rất đa dạng và mang tính sinh động rất cao. Chính vì vậy, mỗi tác phẩm là một bộ phim quay chậm chứ không còn là bức tranh, bức tượng bất động.

    Như vậy, tất cả đều đi đến khẳng định: "Văn họ luôn có sự tác động đến cuộc sống con người". Sự tác động ấy dù dưới nhiều hình thức, những đều tập trung hoàn thiện con người và cải tạo xã hội, để con người và xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Bất kỳ ở thời đại nào, văn học cũng luôn mang sức mạnh nội tâm được đúc kết từ cuộc sống. Sức mạnh ấy có thể làm xoay chuyển thế giới tinh thần của nhân loại giúp cho con người tìm đến cuộc sống văn minh, nhân ái. Qua hàng ngàn năm, ngày nay chúng ta được kế thừa những tác phẩm nổi danh kim cổ để thêm một lần nữa chiêm nghiệm về giá trị lớn lao của văn học. Những tác phẩm ấy tồn tại cùng thời gian, tiếp tục hoàn thiên chức năng thiêng liêng của mình đối với đời sống con người.
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...