Những hạt lựu tươi mọng màu đỏ ngọc rất giàu các hợp chất chống oxy hóa, đặc biệt là punicalagin, thuộc nhóm tannin. Tính năng của hợp chất chống oxy hóa này cao gấp 2 - 3 lần rượu vang đỏ và trà xanh. Nước ép lựu chứa hợp chất giúp tăng cường sức khỏe tuyến tiền liệt và hoạt chất chống oxy hóa giúp tăng tính đàn hồi cho động mạch. Theo y học cổ truyền, mọi phần của cây đều được dùng làm thuốc. Ở các nước phương Tây, hạt và nước ép lựu được xem là có tính kháng virut và kháng khuẩn. Hạt lựu chứa chất béo không bão hòa, hợp chất isoflavone tương tự như trong đậu nành, và các dưỡng chất vi lượng khác. Vỏ quả lựu được dùng để pha trà hoặc làm nước súc miệng. Các nghiên cứu cho thấy vỏ quả lựu chứa các hợp chất kháng khuẩn và ngăn ngừa ung thư. Hiệu quả chứng minh Huyết áp: Uống 50ml nước ép lựu 2 lần/ngày giúp hạ huyết áp tâm thu 5%. Sức khỏe nam giới: Uống 1 ly nước ép lựu mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt. Các bệnh về tim mạch: Uống 240ml nước ép lựu mỗi ngày trong suốt 3 tháng sẽ giúp cải thiện đáng kể dòng chảy của máu đến cơ tim, giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim và đột quỵ. Cholesterol: Uống 1 ly nước ép lựu mỗi ngày giúp hạ thấp hàm lượng cholesterol "xấu" và cải thiện chứng xơ cứng động mạch. Sức khỏe xương khớp: Hoạt chất chống oxy hóa trong lựu giúp giảm các triệu chứng sưng viêm của khớp, ức chế quá trình gây tổn thương sụn. Ngăn ngừa nhiễm khuẩn: Nước ép lựu có tác dụng ức chế vi khuẩn sinh ra các mảng bám trên răng và có thể giúp giảm nguy cơ sâu răng. Do đó, nếu được bạn nên ăn cả hạt lựu (nhớ nhai kỹ), hoặc làm nước ép lựu. Nguồn: - "Ăn lành sống mạnh - sức khỏe vững bền" – Dr Sarah Brewer - "Trái cây - Dinh dưỡng và chữa bệnh" – Susan Curtis, Pat Thomas và Dragana Vilinac.