Trong lịch sử bang giao Việt Nam – Trung Hoa, chỉ có 4 vị đại khoa được công nhận là: Lưỡng quốc Trạng nguyên. Ngoài Mạc Đĩnh Chi đã quá nổi tiếng thì có lẽ Nguyễn Đăng Đạo là một ông Trạng có nhiều giai thoại thú vị nhất. Nguyễn Đăng Đạo (1651–1719) là một trong số rất ít Trạng nguyên làm quan tới chức Tể tướng thời Lê Trung hưng. Dân gian còn gọi tên ông là Trạng Bịu. Đăng Đạo người xã Hoài Bão (có tục danh là làng Bịu), tổng Nội Duệ (nay là xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Thân phụ ông là tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, giữ chức Quốc Tử Giám tế tửu triều Lê. Ông còn là cháu ruột của thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, em trai Nguyễn Đăng Tuân. Tinh tú chuyển sinh, thông minh tuyệt đỉnh Đất Kinh Bắc, xứ quan họ nghìn năm văn vật, quê hương của Nguyễn Đăng Đạo, là vùng đất nhuốm đầy văn hóa thần thoại với nhiều sự tích thần tiên giáng trần du ngoạn. Đó là một nơi thiên nhiên hữu tình với bao câu chuyện đẹp như Từ Thức – Giáng Hương trên núi Phật Tích, Vương Chất gặp tiên ở núi Tiên Du, hay những lời ca quan họ tình tứ đắm say.. Do đó cũng không lạ lùng gì khi ngay từ lúc chào đời, Nguyễn Đăng Đạo đã có một lai lịch nhuốm màu huyền thoại. Một đêm mùa hạ trăng sáng, mẹ của ông là bà Ngọc Nhĩ nằm mộng ra giếng lấy nước, sao sa xuống thùng nước, bà bèn lấy khăn bịt lại mang về. Hôm sau, nghe kể lại, thám hoa Nguyễn Đăng Cảo khuyên bà nên lấy thùng ấy để chứa nước dùng. Ít lâu sau, quả nhiên bà mang thai. Xuất thân trong gia đình đại Nho, dòng dõi khoa bảng danh tiếng, dĩ nhiên Nguyễn Đăng Đạo có một nền tảng tốt phi thường để sau này đỗ đạt công danh. Nhưng mọi việc trên đời đều không ngẫu nhiên. Ông có tài học siêu phàm trác tuyệt và được sinh ra trong gia đình đại Nho có lẽ đều là sự sắp đặt của ý Trời. Phật – Đạo – Thần đều không phải là điều gì huyền hoặc, đều có thật, chỉ là con người không nhìn thấy. Vì bản thân ông mang theo sứ mệnh nên rất có thể là một vì tinh tú nào đó chuyển sinh thực sự. Những giai thoại trong đời Nguyễn Đăng Đạo sẽ giải mã phần nào sứ mệnh đặc biệt mà trời cao đã an bài cho ông. Thần đồng 3 tuổi kinh động sứ đất Bắc Người xưa rất coi trọng thuyết thiên mệnh. Tất cả những gì con người có được trên đời là do Trời định. Ngay từ cái tên Đăng Đạo nghĩa là con đường đỗ đạt, cũng hé lộ một phần thiên cơ. Ông chính là Trạng nguyên tương lai như người xưa vẫn hay nói: "Cái tên vận vào đời người". Sinh thời, bác ông là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo rất yêu quý đứa cháu ruột, thường hay ẵm bế, lại vỗ bụng chú bé Đạo mà nói: "Triều đình ghét ta không lấy cho đỗ Trạng nguyên chứ như thằng nhỏ này, dù muốn không cho cũng không được". Quả nhiên lời ông bác vận đúng vào học vị đứng đầu tam khôi của đứa cháu yêu. Không những thế, khi cậu bé mới được khoảng 3, 4 tuổi, Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo khi đón tiếp sứ Trung Hoa ở cửa ải còn đem cả Đăng Đạo đi theo. Cậu bé mới 3, 4 tuổi trải qua thiên sơn vạn thủy mà vẫn nói năng đối đáp bình thường với sứ thần Trung Hoa. Sứ nhà Thanh vốn giỏi tướng số, trông thấy thần tướng chú bé họ Nguyễn Đăng tóc để chỏm đào, bèn nói: "Thiên sơn vạn thủy, lam chướng bất xâm, chân kỳ đồng dã" (tức là: Dặm ngàn non nước mà lam chướng không xâm phạm nổi, thì cũng là đứa trẻ quá lạ). Đó cũng chính là ý của đôi câu đối tại nhà thờ Nguyễn Đăng Đạo ngày nay: "Tam tuế kỳ đồng kinh sứ Bắc. Thập niên tể tướng trọng triều Nam". Tài cao Bắc Đẩu mà cũng liều lĩnh đệ nhất Từ khi còn nhỏ, Nguyễn Đăng Đạo đã tỏ rõ là một bậc tài năng hơn người, tính khí lại phóng túng, không chịu gò vào khuôn phép, chẳng kiêng nể quyền thế. Có dạo vào dịp mùa đông trời rét mướt, ông vào trong chiếc cầu "Thượng gia hạ kiều" ở gần làng đánh một giấc nồng. Đương lúc say mộng, có viên quan huyện đi qua, Đăng Đạo chẳng buồn dậy chào. Lấy làm phật ý, quan huyện mới chau mày, hỏi: – Ngươi là ai mà vô lễ thế, thấy bản chức đến mà không đứng lên thi lễ? Khi nghe Đăng Đạo trả lời là học trò trong huyện, lạnh quá nằm co nên không kịp dậy chào, viên huyện quan bảo: – Được, đã là học trò thì phải xem chữ nghĩa thế nào. Làm cho ta bài thơ có đề tài "rét nằm co" xem nào. Chẳng ngần ngại, Đăng Đạo ứng khẩu thành lời: Vi vu gió thổi, bụi lầm đường Rét phải nằm co, há phải cuồng! Cá chửa giương vây miền Bắc Hải Rồng còn cuộn khúc bãi Nam Dương Cất đầu ngóng đợi kiền khôn đế Uốn gối mong chầu cảnh thổ vương Bĩ hệ cực rồi, rồi đến thái Sang xuân đầm ấm lại nghênh ngang Nghe khẩu khí bài thơ, viên quan huyện vốn dân chữ nghĩa, cảm được, tấm tắc khen tài ông và bỏ qua cho tội vô lễ. Nguyễn Đăng Đạo "Trạng Bịu" (1651–1719). (Ảnh dẫn theo youtube.com) Yêu ai thì phải trèo tường.. Ngoài chuyện danh vọng, khoa cử được nói tới ở trên, đường tình duyên của trạng Bịu cũng có điều khác lạ. Điều này trong "Lan Trì kiến văn lục" của Tri phủ Quốc Oai Vũ Trinh (1759 – 1828) có ghi lại khá cụ thể thể. Dạo ấy, gặp dịp Tết Nguyên Tiêu, Nguyễn Đăng Đạo mặc áo nhà nho đạm bạc, cùng hai kẻ tiểu đồng và nhóm bạn đi thăm kinh thành. Đến cổng chùa Báo Thiên bỗng đâu bắt gặp một chiếc kiệu hoa, nữ tì, lính lệ theo hầu. Bước xuống kiệu là một mỹ nhân mặt hoa da phấn, vẻ đẹp mặn mà. Nguyễn Đăng Đạo ngây người ra ngắm nàng, quên cả ngắm cảnh. Người đẹp vào chùa hồi lâu rồi ra, lại lên kiệu mà đi. Nhưng ông trạng tương lai vẫn cứ bồi hồi đứng trước kiệu, lính lệ quát tháo, giơ roi đòi đánh mà Đăng Đạo cũng chẳng màng tới. Trong kiệu, tiếng người thiếu nữ ấy cất lên: – Hội vui cảnh đẹp, mọi người cùng du chơi thưởng ngoạn, các ngươi chớ có nạt nộ người ta như thế. Lại bảo quân khiêng kiệu dẹp đường mà đi. Đăng Đạo thấy thiếu nữ vừa đẹp người, lại hay nết, cứ thế đi theo đến mấy dặm. Đến khi phu khiêng kiệu vào một dinh thự lớn, ông mới dừng bước, lại vào quán nước ngoài cổng, lân la hỏi bà chủ quán, được biết: – Đây là dinh nhà Võ quan Ngô Hiến hầu. Hầu vì có công lớn được cử coi cấm binh, chỉ huy việc quân cả kinh thành. Lại biết được Ngô Hiến hầu chỉ có mỗi mụn con gái là thiếu nữ vừa gặp, nhan sắc xinh tươi hiếm ai bì kịp, giỏi chữ nghĩa, đến tuổi cập kê rồi mà chưa lấy ai. Từ ấy, về xóm trọ, Nguyễn Đăng Đạo cả đêm mơ tưởng đến người đẹp. Đến sáng mai, ông lại tới cổng nhà quan họ Ngô, tìm cách đánh bạn được với đứa hầu nhỏ, hay mang tiền và quà bánh cho nó. Khi đã quen thân, ông hỏi kỹ đường ra lối vào, cổng cửa các phòng trong dinh, ghi lại trong dạ cho thật nhớ. Đêm hôm ấy, ông ăn mặc gọn ghẽ, vượt mấy lớp tường, lần thẳng đến chỗ buồng người đẹp, khoét tường chui vào buồng cô gái, rồi lay cô dậy. Đang say giấc nồng, giật mình tỉnh giấc thấy có người lạ trong phòng, nhưng cô gái không lấy thế làm hoảng hốt, mới hỏi ông. Đăng Đạo tỏ hết lòng dạ mình: – Từ bữa gặp nhau ở chùa, tôi trằn trọc thương nhớ khôn nguôi, định tìm mai mối, lại sợ làm nhơ đến quan tể tướng, chưa chắc được ngài đoái hoài tới. Nay cả gan ở đây, định đính ước trăm năm với tiểu thư đây. Người đẹp cả thẹn mà rằng: – Quân canh bao nhiêu lớp, lầu các sâu thăm thẳm, ông làm sao vào đây được? Cha tôi tính nóng như lửa, ông sẽ bị băm vằm thành bùn cho mà xem. Đăng Đạo cả cười. Cô gái không biết thế nào, lấy hai tấm lụa trao cho ông, lại tiếp: – Ông chết cũng đáng. Nhưng nếu để người ta biết thì tiết hạnh của tôi cũng mang vết. Cho ông cái này, nhân lúc bọn đầy tớ cha tôi chưa biết, mau tìm đường mà đi. Nguyễn Đăng Đạo lại cười mà nói: – Nàng đừng đem cái chết dọa ta. Nếu sợ chết, ta đã không đến đây. Nếu đại nhân có tới, tôi cũng thành thực mà thưa, cớ sao đem cái chết ra dọa nhau? Giọng Đăng Đạo to như trống, làm bọn đầy tớ thức giấc, ùa đến bắt ông. Kẻ đánh, người trói mà Đăng Đạo si tình cứ nói cười không thôi. Ngô Hiến hầu hay biết, đùng đùng nổi giận. Nhưng thấy ông mặt mũi nho nhã, nói năng đàng hoàng, thẳng thắn thì không nỡ đánh đập, cho người giải đến quân trướng, dùng quân pháp luận tội. May sao, lúc ấy có quan đồng liêu họ Phạm làm ở Nội viên đến thăm biết việc, nói với Hiến hầu: – Kẻ làm việc phi thường ắt có tài khác thường. Tên này chắc có tài cán, hoài bão gì đây. Chi bằng xem nó có tài gì không. Nếu có thì nhân đó tác thành cho nó. Còn là loại côn đồ thì đánh chết chưa muộn. Nghĩ thế cũng hợp lý, Ngô Hiến hầu cho gọi ông vào, bắt làm văn để thử tài. Nhận được đề, chẳng cần suy nghĩ, Đăng Đạo hạ bút viết liền một mạch xong ngay, lại tự tin bảo bọn người hầu: – Bay đi nói với tiểu thư sửa soạn cơm nước, nếu có chút khinh lờn là ta nhất định không làm khách quý nhà các người nữa. Bọn hầu nghe thế bưng miệng cười, ngẫm đây là kẻ ngông cuồng. Bài làm xong trình lên, quan họ Phạm bạn đồng liêu với Ngô Hiến hầu đọc xong, hết lời ngợi khen, nói riêng với quan võ: – Ngàn vàng cũng chẳng tìm được đứa rể quý như thế đâu! Thấy tên đục tường, khoét vách giỏi văn chương, thơ phú, Ngô Hiến hầu lệnh tha tội cho, hỏi quê quán, họ tên, làm phòng riêng cho ở, cấp dầu đèn cho học. Năm sau, Nguyễn Đăng Đạo đi thi đỗ đầu kỳ thi Hương, được Ngô Hiến hầu đón về ở rể, tác thành nhân duyên phu phụ với con gái mình. Vài năm sau, Đăng Đạo thi Đình, đỗ thứ nhất. Trong "Đại Việt sử ký tục biên" cho biết: "Mùa xuân, tháng Giêng, thi Đình. Cho Nguyễn Đăng Đạo, Phạm Quang Trạch, Quách Giai ba người đỗ tiến sĩ cập đệ, Nguyễn Đương Hồ tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp) ; bọn Trần Thiện Thuật 14 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân". Về sau, hai vợ chồng Nguyễn Đăng Đạo ăn ở với nhau hết nghĩa. Người đẹp con quan Hiến hầu năm nào không phụ lòng thương yêu của chồng, xứng với nghĩa phu thê. Xét về đạo đức của nhà Nho thì việc trèo tường vào khuê phòng con gái người ta thật cũng chẳng quang minh chính đại gì. Nhưng Đăng Đạo hơn người ở chỗ là nam thanh niên huyết khí phương cương, đã vào tận buồng khuê mà vẫn giữ tinh thần sáng suốt, nói năng đàng hoàng, bày tỏ tấc lòng thành chứ không phải hạng người bị dẫn động bởi dục vọng mà mù quáng làm liều, gây chuyện nhơ nhuốc. Người quân tử khó nhất chính là giữ vững đức hạnh ở những nơi không ai nhìn thấy thì ông đã làm rất tốt vậy. Nhưng Ngô Hiến Hầu mới là người có phong độ quân tử đức cao vọng trọng. Thân là tướng quân, vốn nóng tính và hay giết người nhưng ông đã kiềm chế được bản thân không vì cơn giận mù quáng mà hại kẻ dám xâm phạm con gái yêu. Chính vì đức nhẫn ấy mà kết cục tốt đẹp viên mãn đã đến với ông, con gái và cả chàng rể Trạng nguyên tương lai kia. Quả thật là trên đời này ăn ở tử tế, thiện lương chính là biện pháp bảo hộ tốt nhất cho đời người ta vậy.
Trong lịch sử bang giao Việt Nam – Trung Hoa, chỉ có 4 vị đại khoa được công nhận là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Ngoài Mạc Đĩnh Chi đã quá nổi tiếng thì có lẽ Nguyễn Đăng Đạo là một ông Trạng có nhiều giai thoại thú vị nhất. Lưỡng quốc Trạng nguyên, rạng danh sứ Việt nơi đất Bắc Với tài năng của mình, sau khi thi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Đăng Đạo được cử đi sứ nhà Thanh 2 lần. Tình hình bang giao khi ấy khá căng thẳng. Trong khoảng 10 năm từ 1688 đến 1697, quan lại nhà Thanh nhiều lần đem quân xâm chiếm biên giới nước ta. Sách “Việt sử thông giám cương mục” và “Lịch triều hiến chương loại chí” đều có ghi lại những sự việc này. Ví như: Tháng 5/1688, thổ ty Vân Nam xâm chiếm biên giới ba châu thuộc Tuyên Quang và châu Thủy Vĩ thuộc Hưng Hóa, giáp liền địa phủ Khai Hóa nhà Thanh. Tháng 6/1689, biên giới Na Oa châu Lộc Bình (Lạng Sơn) bị chiếm… Triều đình đã cử nhiều đại thần sang sứ triều Thanh như Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Tiến Sách, Trần Thọ… nhưng đều không thu được kết quả. Năm 1697, Nguyễn Đăng Đạo được cử làm chánh sứ cùng Nguyễn Thế Bá, Đặng Đình Tường, Nhữ Tiến Hiền sang nhà Thanh xin trả lại 3 động. Trước những lập luận và chứng cứ pháp lý không thể chối cãi, quan lại nhà Thanh đều bị thuyết phục. Tuy nhiên, cuối cùng Hoàng đế nhà Thanh lại không đồng ý trao trả đất vì sợ Đại Việt đòi được sẽ “được đàng chân lân đàng đầu”. Trong những ngày đi sứ, Nguyễn Đăng Đạo đã tỏ rõ vị thế nước Đại Việt, nhiều lần vượt qua những lần “thử tài” một cách xuất sắc. Ông còn được vua nhà Thanh phong làm “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Rất nhiều giai thoại về chuyện ông đi sứ vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Chuyện kể rằng ông làm chánh sứ, đến Bắc Kinh đúng dịp tết Nguyên đán cùng một số sứ thần các nước chư hầu khác. Sau khi vào chầu vua Khang Hy, các sứ ra nghỉ ở quán Hội Đồng. Một hôm, viên thái giám do vua cử đến quán cầm theo vế đối: “Xuân tiêu phong nguyệt, nguyệt tân hoa sắc, phong tống hoa hương, hương tùy sắc, sắc tùy hương, hương hương sắc sắc mãn xuân tiêu, tương tư khách tưởng tương tư khách”. Dịch nghĩa: Đêm xuân có gió trăng, trăng đẹp thêm hoa, gió đưa hương ngát, có hương rồi có sắc, có sắc lại có hương, hương hương sắc sắc, suốt đêm xuân, khách tương tư nghĩ tới khách tương tư. Nguyễn Đăng Đạo đi sứ vào Chầu vua Khang Hy. Ảnh dẫn theo ĐKN Sứ Cao Ly đối: “Tùng viện trúc mai, mai sinh long diệp, trúc hóa long chi, chi ty diệp, diệp ty chi, diệp diệp chi chi liên trùng viện, hữu tình nhân thức hữu tình nhân”. Dịch nghĩa: Mai trúc lầu tùng, mai trồi lá đẹp, trúc nảy cành xinh, cành theo lá, là liền cành, lá lá cành cành khắp tòa viện. Người hữu tình biết người hữu tình Sau khi sứ Cao Ly đối xong, Nguyễn Đăng Đạo mới ra vế đối này: Hạ nhật cầm thi, thi ngụ ngã tình, cầm hòa ngã tính, tính viên tình, tình viên tính, tính tính tình tình thư hạ nhật, tri âm nhân thức tri âm nhân. Dịch nghĩa: Ngày hạ có đàn thơ, thơ ở tình ta, đàn hòa tính ta, tính vẹn thêm tình, tình càng vẹn tính, tính tính tình tình vui ngày hạ, bạn tri âm biết bạn tri âm. So với vế đối của sứ Cao Ly, vế của Đăng Đạo rõ ràng là hay hơn hẳn, thể hiện được khí chất tiêu dao, ung dung, tự tại của người quân tử. Hơn thế trong câu văn lại nghe thấy được cả âm thanh tiếng đàn bởi nghệ thuật chơi chữ hết sức độc đáo. “Tính tình” vừa là tâm tính, tình cảm, lại vừa là tiếng đàn kêu. Sau khi đọc xong vế đối của Đăng Đạo, quan thái giám gật gù phê: “Sau này sẽ làm nên sự nghiệp lừng lẫy“. Sau đó, câu đối các sứ thần đều được đệ lên Hoàng đế ngự lãm. Xem xong, vua Khang Hy lấy làm thán phục, khen là Đăng Đạo là: “Chung đúc cả tạo hóa vào chung một con người“, nhân đó phong cho ông làm “Bắc triều đệ nhất Trạng nguyên”. Giữ tiết tháo trung quân, chẳng khuất phục cường quyền Thân là Trạng nguyên, là bậc đại Nho thì phải có khí tiết cứng cỏi của kẻ sĩ quân tử. Nguyễn Đăng Đạo luôn sống đúng như vậy. Thời điểm đó, Chúa Trịnh Căn cậy có công lao, được phong tước Định Nam vương, bắt đầu ỷ thế lộng quyền, lập ra phủ Chúa gọi là phủ liêu. Chúa Trịnh bắt đình thần mỗi khi vào hầu ở phủ liêu phải mặc đại triều phục như khi vào chầu vua. Một lần vào phủ liêu, Đăng Đạo chỉ mặc áo thường triều. Chúa hỏi: “Sao dám phục sức như vậy?“. Đăng Đạo thưa: “Tôi nghe đại triều phục là để chầu Thiên tử. Nay nhà Chúa cũng là bầy tôi Thiên tử. Nếu lấy áo chầu Lê Hoàng vào chầu Chúa, e không hợp lệ, xin được miễn thứ“. Chúa Trịnh không giận mà lại khen ông là trung thực, thưởng cho 10 nén vàng. Thoạt nhìn, chuyện mặc hay không mặc một chiếc áo cũng không lấy gì làm to tát cho lắm. Nhưng đó là thời điểm hết sức nhạy cảm, là thời vua Lê – Chúa Trịnh âm dương đảo chiều, thế sự đảo điên, quân thần không phân rõ. Chính vua Lê cũng chỉ là một chiếc áo mắc trên ngai vàng mà thôi, suốt ngày chỉ biết chắp tay rủ áo ra vào. Chúa Trịnh quyền nghiêng thiên hạ, có thể phế lập Hoàng đế bất cứ khi nào. Hành động của Đăng Đạo về lý chính là trái phép nhà Chúa, có thể bị khép tội khi quân phạm thượng. Tuy nhiên, ông đã tỏ rõ khí tiết của một người quân tử, không vì chiếc mũ ô sa trên đầu mà làm vấy bẩn tinh thần Khổng môn. Chúa Trịnh bắt đình thần mỗi khi vào hầu ở phủ liêu phải mặc đại triều phục như khi vào chầu vua. Một lần vào phủ liêu, Đăng Đạo chỉ mặc áo thường triều. Ảnh minh họa dẫn theo pda.vietbao.vn Làm quan thanh liêm, thương dân như con Quan to, chức cao nhưng Đăng Đạo lại sống vô cùng thanh liêm. Năm 1698, khi đi sứ về, thấy vợ làm thêm hai gian nhà ngói, ông tỏ ý không bằng lòng. Tiết kiệm với gia đình, bản thân nhưng ông lại rất hào phóng với dân làng. Đỗ trạng, ông dành tiền tu bổ đình đền, miếu mạo ở quê hương. Không thể từ chối nhận ruộng công, nên ông bèn nhận những khoảnh ruộng xấu, bị bỏ hoang lau lách ở cánh đồng cầu Vực rồi thuê người nghèo phát cỏ. Cải tạo thành ruộng tốt rồi, ông lại chia hết cho dân nghèo. Có năm hạn hán mất mùa, ông và vợ phát chẩn cứu đói cho dân. Có ân với dân như thế nên sau khi mất, ông được dân thờ làm Thành Hoàng của làng. Năm Kỷ Hợi (1719) đời vua Lê Dụ Tông, “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Nguyễn Đăng Đạo qua đời, vua Lê ban cho 4 chữ vàng “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên” treo tại nhà thờ ông ở thôn Hoài Thượng và buồn thương viết bài thơ: Núi chè cao ngất, sông Đức trong Người tài chung đúc bởi non sông Một cành tươi tốt muôn cành đẹp Bảy lá hương thơm vạn lá hồng Lớp lớp quan giai nhờ lộc nước Đời đời nghiên bút giữ gia phong Nền nhân, cỗi phúc nay còn mãi Xe ngựa làng xưa vẫn đợi mong Năm 1999, lăng mộ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo được xây dựng lại tại nghĩa trang ven thành phố Bắc Ninh. Hai bên mộ có đối câu đối: Tiến sĩ Thượng thư thiên hạ hữu Trạng nguyên Tể tướng thế gian vô Nghĩa là: Tiến sĩ (làm) thượng thư thiên hạ có (nhiều). Trạng nguyên (làm) tể tướng thiên hạ chẳng một ai. Đền thờ Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo tại làng Bịu (xã Liên Bão, huyện Tiên Du). Ảnh dẫn theo baomoi.com Lời kết Thời kỳ đỉnh cao của Nho học ở Việt Nam đã trôi qua từ lâu trước khi Nguyễn Đăng Đạo qua đời. Thời đại của ông là thời rối ren của vua Lê – Chúa Trịnh, là thời điểm các giá trị đạo đức Nho học truyền thống bị đảo lộn. Trung nghĩa giờ đây không phải là trung với vua mà là với Chúa Trịnh, vốn là một quyền thần. Tài học không còn dùng để kinh bang tế thế mà là để mua áo mão cân đai. Nguyễn Đăng Đạo tài năng tuyệt thế, đường công danh thênh thang rộng mở, quan hàm đến Tể tướng nhưng vẫn chính là “sinh bất phùng thời”, còn nhiều điều chưa toại nguyện. Dù giữa thời nhiễu nhương, ông vẫn giương cao khí tiết của bậc túc Nho. Ông đã sống một cuộc đời gương mẫu, chính trực, cống hiến tài năng cho quốc gia, nêu cao tiết tháo của một nhân sĩ Nho gia chân chính. Ông chính là ngọn đèn rạng ngời, giữa đêm đen u ám vẫn chiếu ra ánh sáng đạo đức chói ngời để chỉ dắt người đời. Thực đáng khâm phục thay!