[lược dịch] Đàn kiện thứ: Làm cái bóng của vai diễn - Nhân vật

Thảo luận trong 'Cần Sửa Bài' bắt đầu bởi Mạc Tư Điềm, 6 Tháng mười một 2023.

  1. Mạc Tư Điềm Cynthia

    Bài viết:
    49
    [​IMG]

    Thời gian: 11: 14, 02/04/2022

    Báo Tân Kinh: Phóng viên Trương Hách, biên tập Ngô Đông Ni

    Chuyển ngữ: Cyn



    Sau khi một người trở nên nổi tiếng, mọi "quá khứ" dường như được trao cho một giá trị mới.

    Khi "Đàn Kiện Thứ" trở thành từ nóng trên internet vào tháng 3 năm nay, rất nhiều dân mạng đã đào lại những video của anh ấy nhiều năm trước: Khiêu vũ, biểu diễn, phát trực tiếp.. Mọi người muốn dùng những mảnh ghép rải rác này để ghép một bức tranh hoàn chỉnh hơn về chàng trai trên màn ảnh.

    Chúng tôi từng ba lần phỏng vấn Đàn Kiện Thứ vào các năm 2018, 2020 và 2022.

    Năm 2018, một câu "Đây mới là thần tượng" của Từ Tranh trong show "Tôi chính là diễn viên" đã khiến vị "diễn viên mới" một lòng ở trường quay để trở thành diễn viên này nhanh chóng đạt được sự công nhận của giới chuyên môn và thị trường.

    Năm 2020, Đàn Kiện Thứ vào vai diễn viên kinh kịch Trần Nhẫn Hương trong phim truyền hình "Bên tóc mai không phải hải đường hồng". Áo choàng trắng y phục xanh, xướng, niệm, tác, đá; màn "tự vẫn trên sân khấu" bình thản mà cô độc đã trở thành kinh điển. Anh ấy tiến thêm một bước chạm tới cảm xúc vui buồn cùng nhân vật.

    Năm 2022, thời điểm này, tiếng vang của bộ phim "Lạp tội đồ giám" cuối cùng cũng giúp Đàn Kiện Thứ hoàn toàn nổi tiếng. Cho đến nửa tháng sau khi tập cuối lên sóng, mọi điều xung quanh anh ấy vẫn cứ là đề tài được quan tâm.

    Bốn năm qua, tam thập nhi lập. Rõ ràng trên con đường diễn xuất này Đàn Kiện Thứ đã có thêm nhiều cơ hội lựa chọn, không còn ai định nghĩa anh ấy là "thần tượng" mà thay vào đó là những vai diễn phù hợp với thân phận "diễn viên". Lý do đằng sau điều này dường như đáng để nhìn lại và khám phá hơn bất kỳ "quá khứ" nào - Tại sao trong nhiều nghệ sĩ nửa đường dấn thân vào nghiệp diễn thì anh ấy lại là người thành công?

    1. Diễn xuất là lối thoát khỏi cuộc sống nhàm chán

    Đề tài mới lạ, nghề nghiệp hiếm thấy, chưa từng thử sức, ba điểm này đủ để Đàn Kiện Thứ bị hấp dẫn bởi một vai diễn nào đó. Thẩm Dực trong phim "Lạp tội đồ giám" chính là như thế. Họa sĩ trẻ thiên tài nhưng vì mang một bí mật nào đó trên mình mà trở thành họa sĩ vẽ chân dung chuyên nghiệp của đội cảnh sát hình sự. Anh ấy được mệnh danh là "chuyên gia đuổi gió bắt bóng" của đội cảnh sát nhờ khả năng vẽ chân dung thông qua miêu tả và nhìn ảnh ba tuổi vẽ được khuôn mặt khi về già.

    Nhưng đây cũng là một vấn đề khó giải quyết. Khó khăn đầu tiên là vẽ tranh. Đây là việc Đàn Kiện Thứ không am hiểu. "Thật ra bởi vì quay bộ phim này mà tôi mới có thời gian cầm bút vẽ tranh lâu như vậy." Trong thời gian ngắn không thể đạt được tới trình độ chuyên nghiệp nên anh ấy liên tục luyện tập phác thảo và sắp xếp các đường nét đơn giản, đồng thời dành nhiều công sức để nắm giữ trạng thái của giáo viên chuyên nghiệp: Cách ngồi, cách cầm bút, cách sử dụng linh hoạt các công cụ.. Anh ấy yêu cầu bản thân phải sao chép được dáng vẻ của một "bậc thầy", ít nhất khi hóa thân thành Thẩm Dực và đối mặt với giấy vẽ, anh ấy không thể do dự và thiếu tự tin.

    Khó khăn thứ hai chính là giải thích. Đạo diễn Hình Kiện Quân của "Lạp tội đồ giám" từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: Đàn Kiện Thứ là diễn viên "thoạt nhìn hiền hòa nhưng nội tâm rất mạnh mẽ" . Điều này gần như trùng hợp với một Thẩm Dực có vẻ ngoài thanh tú và trái tim cuồng nhiệt. Mà diễn viên và họa sĩ dường như cũng có một số điểm tương đồng, ví dụ như khả năng kiểm soát trí tưởng tượng và nắm bắt cảm xúc của nhân vật.

    Nhưng Đàn Kiện Thứ vẫn cẩn thận sửa chữa một vài điểm không giống nhau giữa hai người - Họa sĩ chân dung dùng lí trí nắm bắt động cơ tâm lí thông qua lời miêu tả của đương sự, từ đó vẽ "sự thật" sống động lên trang giấy. Mà diễn viên, trừ các nhân vật lịch sử và nhân vật có thật thì bất kì một nhân vật hư cấu nào họ đều có thể thỏa trí tưởng tượng để làm nhân vật trở nên đầy đủ hơn.

    "Mâu thuẫn giữa vẻ ngoài và nội tâm của Thẩm Dực cần phải tồn tại song song. Nhưng nhân vật này không thể quá phô trương và hướng ngoại, anh ấy nên giấu kín mọi chuyện trong lòng. Cho nên anh ấy là họa sĩ chân dung và cũng là người lập hồ sơ tâm lí. Điều này tương đương với việc đóng vai một người làm chủ tâm lý người khác trước khi bạn làm chủ được tâm lý của chính mình. Đây đều là thách thức đối với tôi." Đàn Kiện Thứ phải tìm niềm tin mạnh mẽ hơn để chống đỡ, trái tim phải tràn đầy và diễn xuất phải được tiết chế.

    Những "khó khăn" ấy chưa từng có tiền lệ. Nhưng khi nói, có vẻ Đàn Kiện Thứ lại hài lòng với nó. Điểm chi tiết các vai diễn trên màn ảnh của Đàn Kiện Thứ có thể biết: Từ Tào Phi anh hùng trong "Tam Quốc Cơ Mật", Trần Khải Văn mâu thuẫn gay gắt với mẹ trong "Đưa bố đi du học" đến Quan Chấn Lôi không học vấn không nghề nghiệp được nuông chiều từ nhỏ trong "Yêu từng centimet".. Anh ấy không ngừng thử thách các nhân vật "bắt đầu từ con số 0". Nhớ năm đó được mời tham gia "Bên tóc mai không phải hải đường hồng", thời lượng lên sóng của Trần Nhẫn Hương không nhiều nhưng nghe nói có thể thử thách hí khúc nên Đàn Kiện Thứ không nghĩ ngợi gì, ngày hôm sau lập tức bay tới Hoành Điếm.

    "Có thể tôi sẽ cho rằng, nhân vật như vậy tôi chưa từng trải nghiệm, thử thách và trải nghiệm nhân vật đó một chút có phải rất thú vị hay không." Đối với Đàn Kiện Thứ, sự đơn giản và lặp lại là điều nhàm chán. Cuộc sống đã nhàm chán rồi, đóng phim chính là "lối thoát" để anh ấy tìm kiếm sự mới mẻ trong cuộc sống, ở đó anh ấy có thể thỏa sức trải nghiệm.

    2. Không đồng cảm được với nhân vật thì diễn xuất sẽ giả tạo

    Nhưng mọi trải nghiệm mới đều đi kèm với áp lực.

    Trước khi quay "Lạp tội đồ giám" Đàn Kiện Thứ đã rất lo lắng. Nhận được kịch bản, anh ấy luôn đặt ra nghi vấn từ góc độ khán giả: Tại sao nhiều manh mối quan trọng trong việc phá án lại đến từ họa sĩ chân dung? Làm sao để kể một câu chuyện từ góc độ của mình? Sau đó, anh ấy thu thập một lượng lớn thông tin và sách về các họa sĩ vẽ chân dung, đồng thời sử dụng những kỹ năng cơ bản nhất để đến gần hơn với các nhân vật và giải quyết những bối rối.

    Tuy nhiên những điều này vẫn chưa đủ. "Cảnh này diễn ra sao? Nhân vật của tôi như thế nào?" Có quá nhiều điều không chắc chắn và không thể phân tích được. Mãi đến một ngày trước khi khởi quay, Đàn Kiện Thứ vẫn thảo luận cùng đạo diễn và biên kịch. Biên kịch động viên anh ấy không nên nghĩ quá nhiều, chỉ cần anh ấy từ từ kéo nhân vật đến gần mình hơn trong lúc diễn, trong lòng hình thành một "hình bóng" thì tự nhiên sẽ thoải mái hơn.

    Đặt ra nghi vấn, xây dựng nội tâm, tìm kiếm sự đồng cảm, đây dường như là cách Đàn Kiện Thứ nhập vai. Trong phim "Yêu từng centimet", Đàn Kiện Thứ vào vai Quan Chấn Lôi không học vấn không nghề nghiệp được nuông chiều từ nhỏ nhưng không có chí tiến thủ và còn rất khó ưa. Đàn Kiện Thứ có độ không thể hiểu nổi cuộc đời như vậy, "Trong tình huống tôi không thể đồng cảm với nhân vật thì làm sao để diễn? Đây là điều tôi không thể chấp nhận." Sau đó anh ấy xem rất nhiều phim tài liệu cùng chủ đề và sưu tập rất nhiều câu chuyện từ bạn bè và đồng nghiệp. Anh ấy phát hiện trong cuộc sống người như Quan Chấn Lôi có tồn tại, và rất nhiều người cũng phải đối mặt với sự hoang mang như thế. Vì vậy Đàn Kiện Thứ lại đến gặp đạo diễn và biên kịch để tham khảo sự hiểu biết về nhân vật này. Anh ấy cho rằng nếu nhân vật này chỉ gây được tiếng vang đối với khán giả và muốn khán giả "đánh" mình thì không có giá trị gì. Vì sao nhân vật này lại biến thành bộ dáng hiện tại? Là do sự giáo dục của gia đình ư? Anh ta sẽ thay đổi và trưởng thành như thế nào trong tương lai? Có thể cho khán giả biết cách hướng dẫn người bên cạnh.

    "Nếu bạn không thể thấu hiểu nhân vật hoặc không thể cảm nhận được nội tâm nhân vật thì những gì bạn diễn sẽ giả tạo. Nếu khán giả xem một bộ phim mà không theo dõi được cốt truyện cũng như những vui buồn của nhân vật thì chứng tỏ bộ phim đó không thành công. Cho nên diễn viên càng phải nhập vai, nếu không đồng cảm thì sẽ rất khó để diễn." Đàn Kiện Thứ nói.

    Năng lực "đồng cảm" với Đàn Kiện Thứ không hẳn là thiên phú mà là một món quà của kinh nghiệm.

    Trước khi trở thành diễn viên Đàn Kiện Thứ từng có nhiều năm là ca sĩ hát nhảy. Điều này từng khiến Đàn Kiện Thứ quen với việc thể hiện "trọn vẹn" bản thân trước ống kính. Anh ấy đã nhiều lần nói về điều này trong các cuộc phỏng vấn khi vào vai Tư Mã Chiêu trong bộ phim truyền hình "Quân sư liên minh", vì tin rằng nhân vật của mình "nên" thông minh và thỉnh thoảng biểu hiện dương dương tự đắc, vì vậy anh ấy đã cố ý cường điệu biểu cảm của mình trong các cảnh làm nền và bị tiền bối phê bình nghiêm khắc.

    "Tôi sợ khán giả không thấy được diễn xuất của mình." Đàn Kiện Thứ nhớ lại khi mới đóng phim, trong lòng có áp lực rất lớn, đến tay cũng không biết phải đặt ở đâu. Mỗi lần đạo diễn hô bắt đầu quay, tay tay anh lại buông thõng bên người và có cảm giác như đứng trên vách đá. "Bởi vì bạn sợ mình diễn sai, sợ mình biểu đạt sai. Không đủ tự tin. Khi bạn có nhiều suy nghĩ xao lãng như vậy, về cơ bản đó là 'tạm biệt'. Suy nghĩ của bạn sẽ thể hiện hết trên khuôn mặt." Cũng trong "Quân sư liên minh", Đàn Kiện Thứ từng bước nghiên cứu cách diễn bằng việc quan sát diễn xuất của các diễn viên gạo cội, phân tích trơn tru cấu trúc và khái niệm của toàn cảnh, đồng thời suy nghĩ cách làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn thông qua diễn xuất.

    Bây giờ anh ấy đã quen với việc tạo áp lực trước khi quay phim, khi đọc kịch bản anh ấy cố gắng đặt ra các câu hỏi về vai diễn và giải quyết nghi vấn nhiều nhất có thể. Một khi bắt đầu khởi quay anh ấy có thể hoàn toàn biểu diễn bằng niềm tin, sự tận tâm và thư giãn. Miễn là nhập vai rồi thì diễn như thế nào cũng cảm thấy tự nhiên. "Bạn ngày càng đến gần nhân vật này và (quá trình khám phá nhân vật) thực sự thú vị hơn."

    3. Sự tự tin đến từ tài năng và hoài bão chứ không phải vẻ ngoài

    Ngoại hình điển trai được bên ngoài cho là "bước ra từ truyện tranh" thật ra không phải vũ khí lợi hại nhất của Đàn Kiện Thứ.

    Năm 2020, Đàn Kiện Thứ từng chia sẻ với chúng tôi về cuộc phỏng vấn tại phim trường của anh ấy. "Ví dụ nếu tôi muốn đóng vai này, người khác cho rằng không thể. Tôi hỏi vì sao không được, (đối phương) nói bởi vì răng của bạn không hợp. Tôi nói, răng của tôi có liên quan gì đến nhân vật này? Dù sao thì đó chỉ là về ngoại hình của tôi mà thôi." "Bởi vì (ngoại hình) này bạn không lấy được vai diễn này" "Bởi vì (ngoại hình) mà bạn không thể nổi tiếng được." Có một thời gian Đàn Kiện Thứ thường xuyên nghe thấy những lời tương tự.

    "Có đả kích tới cậu không?" Phóng viên hỏi.

    "Hoàn toàn không có" (cười). Từ khi ra mắt Đàn Kiện Thứ đã có nhận định về "sự nổi tiếng", giá trị nhan sắc không phải "vũ khí" của anh ấy. Đàn Kiện Thứ bắt đầu tập hát nhảy từ năm 2007 và ra mắt cùng nhóm nhạc nam MIC vào năm 2010, anh ấy chưa bao giờ định nghĩa mình là "thần tượng"; thậm chí, "nhóm nhạc nam" trong mắt anh ấy phải là tổ hợp thực lực như "Vũ Tuyền", những thứ khác chỉ là nhãn do người ngoài dán lên mà thôi. Anh ấy chỉ muốn làm âm nhạc và cho ra các tác phẩm. Diễn viên cũng như vậy. "Tôi vẫn muốn được khán giả biết đến thông qua năng lực nghiệp vụ và tác phẩm của mình. Có lẽ việc nổi tiếng chỉ bằng vẻ ngoài không phải là điều tôi mong muốn."

    Nhưng khi ngoại hình giới hạn ranh giới diễn xuất, Đàn Kiện Thứ vẫn để tâm. Từng có thời gian anh ấy muốn thử thách và cảm nhận một vài nhân vật nhưng bị đối phương từ chối khéo vì "Cậu đẹp trai quá, không hợp với cậu". Vì thế anh ấy biến mình thành dáng vẻ "cẩu thả", ăn nhiều để béo lên và tìm kiếm mùi khói lửa nhân gian. Nhưng rất nhanh chóng anh ấy nhận ra dùng cách "phá hủy" vẻ ngoài để chứng minh mình biết diễn là sai lầm. "Tôi làm vậy để làm gì? Tại sao tôi không thể khiến bản thân trở nên tốt hơn về mọi mặt? Thay vì xóa bỏ khía cạnh này để cải thiện khía cạnh khác."

    Trong "Lạp tội đồ giám" Thẩm Dực từng nói với cô gái phẫu thuật thẩm mĩ vì thiếu tự tin: "Sự tự tin đến từ tài năng và hoài bão của cô mà không phải vẻ bề ngoài." Trong phỏng vấn, Đàn Kiện Thứ cũng dành những lời này cho bản thân.

    Ngoài ngoại hình, Đàn Kiện Thứ, người nhận được nhiều sự chú ý, cũng bị động bị ép vào vòng vây của dư luận. Chẳng hạn, nhiều người lầm tưởng cái tên "Đàn Kiện Thứ" là nghệ danh và có rất nhiều phiên bản về cái tên này. Đàn Kiện Thứ vừa "đùa" vừa giải thích khi anh ấy 4, 5 tuổi đọc một cuốn truyện tranh và thấy nhân vật chính trong đó rất đẹp trai nên nói với mẹ rằng anh ấy muốn đổi tên thành "Đàn Kiện Thứ". "Vậy là rất tùy ý sửa lại (trên sổ hộ khẩu), tôi cũng không kịp phản ứng." Mãi đến khi lớn lên bị nhầm là người nước ngoài anh ấy mới hối hận và muốn đổi lại, nhưng lúc đó bạn bè và người ngoài đều đã quen với cái tên này, nghĩ lại thì, vẫn nên để vậy đi.

    "Khi mọi người không chú ý đến tôi, thật ra tôi rất tùy ý. Thậm chí vào thời điểm đó tôi cảm thấy dù có một ngày mọi người chú ý đến tôi, tôi cũng sẽ làm bất cứ điều gì mình nên làm, làm chính mình." Nhưng khi ngày đó thực sự tới, Đàn Kiện Thứ mới nhận ra bản thân không có cơ hội lựa chọn khi trước có lẽ vẫn luôn sống trong "nhà ấm". Đối mặt với những âm thanh xung quanh, anh ấy thường muốn nói điều gì đó nhưng lại cảm thấy không cần thiết, nói gì cũng có vẻ hơi tự phụ, nhưng không giải thích thì anh ấy chỉ có thể tự mình chịu đựng,

    "Sau đó tôi lại nghĩ, cứ vậy đi! Tôi không xem nữa! Dù sao chỉ cần giữ vững sơ tâm, nghề nghiệp của tôi là gì? Nghề của tôi là diễn viên."

    Đàn Kiện Thứ luôn khích lệ chính mình bằng câu nói của thầy Lý Tuyết Kiện: "Dùng nhân vật để làm bạn với khán giả" . Giữ tâm thái ngay thẳng và bình tĩnh giải quyết vấn đề. Nếu không thể nghĩ ra anh ấy sẽ quay lại đóng phim, ở nơi đó anh ấy có thể cảm nhận được nội tâm vô cùng vững vàng.

    4. Tam thập nhi lập, có thêm sứ mệnh của nghề diễn viên

    Năm 2016 khi Đàn Kiện Thứ 26 tuổi, con đường diễn xuất chỉ vừa mới bắt đầu và anh ấy có thể làm mọi điều mình muốn. Khi đó anh ấy mang theo tâm thái "vui vẻ" để lựa chọn nhân vật. Năm năm trôi qua, giờ đây anh ấy có nhiều cơ hội và khả năng hơn, sự tùy ý trong cuộc sống không hề thay đổi nhưng niềm tin vào nghề "công nhân văn nghệ" dường như ngày càng kiên định hơn hơn nhờ trải nghiệm và suy ngẫm về cuộc sống. Minh chứng chính là trong cuộc phỏng vấn anh ấy thẳng thắn, chân thành và kiên định bày tỏ rằng anh hy vọng sau này có thể dùng tác phẩm của mình để tác động đến nhiều người hơn nữa, "Cái gọi là 'ảnh hưởng' không phải là mang đến nhiều lợi ích hơn cho bản thân tôi mà là có thể truyền sự ấm áp và năng lượng cho khán giả hay không."

    Năm 30 tuổi Đàn Kiện Thứ quay một bộ phim. Bộ phim này mất bốn tháng để quay và khiến anh ấy cảm thấy kiệt sức hơn bất kỳ bộ phim nào khác, đến mức anh bị dị ứng và phát ban khắp người. "Đề tài mới lạ" và "tính không chắc chắn" của bộ phim này cũng khiến anh chịu nhiều áp lực và bị quấy nhiễu. "Nhưng đó là bộ phim cảm động và ấm áp nhất mà tôi từng quay, mang lại cho tôi sự trưởng thành chưa từng có." Trong câu chuyện đó, Đàn Kiện Thứ trực tiếp cảm nhận được khi một người đối mặt với thế giới tàn khốc, một chút hơi ấm sẽ ngưng tụ thành ngọn lửa mạnh mẽ. Năng lượng "cứu rỗi" này này bao quanh nhân vật trong bộ phim và truyền cảm hứng cho anh ấy: "Bạn sẽ cảm nhận được trong cuộc sống thật ra cũng không có nhiều chuyện đáng để bạn cảm thấy đau khổ như vậy."

    Khi quay "Lạp tội đồ giám" Đàn Kiện Thứ cũng trải qua giai đoạn tách biệt cuộc sống và phim ảnh: Lúc đó trong cuộc sống có quá nhiều vấn đề anh ấy không muốn đối mặt và giải quyết, nhưng khi quay lại trong phim, cảm nhận một cuộc đời khác anh ấy lại có thể sống thoải mái, cười vui vẻ. "Trở thành một người khác trong bộ phim đã mang lại rất nhiều cảm giác an toàn cho tôi. Bạn chìm đắm trong nhân vật này và không nghĩ tới bất kì điều gì. Sau khi quay xong tôi cũng không bi quan tiêu cực như thế nữa mà trở nên lạc quan và tươi sáng. Bạn sẽ thấy cuộc sống không phải đã được viết từ lâu rồi sao? Điều bạn cần trải qua không phải đều trải qua rồi sao? Lần sau bạn sẽ không sợ nữa".

    Những khoảnh khắc chữa lành liên tiếp đã tạo ra mục tiêu mới cho Đàn Kiện Thứ 31 tuổi: Anh ấy bắt đầu tin vào sức mạnh của tác phẩm có thể khiến con người đón nhận cuộc sống một cách say mê hơn; anh ấy rất hi vọng có thể đem sức mạnh này truyền tới càng nhiều người thông qua diễn xuất. "Đôi khi phim ảnh có thể mang lại chút ấm áp cho rất nhiều người còn đang bối rối. Có lẽ tác dụng không quá lớn nhưng nếu nó có thể khiến một người cảm thấy cuộc sống không dễ dàng nhưng sau khi xem bộ phim này, nhân vật này lại muốn học tập người đó. Đây là sự truyền tải năng lượng tích cực. Tôi cảm thấy mình có thêm một sứ mệnh với tư cách diễn viên, đó là phải diễn những tác phẩm ý nghĩa đối với mọi người."


    ĐỐI THOẠI

    1. Kim Thế Giai là diễn viên rất lí trí

    Báo Tân Kinh: Nhiều cảnh nổi tiếng trong "Lạp tội đồ giám" miêu tả "Đôi mắt của Thẩm Dực là khuôn thước", phải chăng những thông tin thực tế bạn biết cũng "thần kỳ" đến vậy? Bạn và đạo diễn đã thảo luận chi tiết này như thế nào?

    Đàn Kiện Thứ: Thực ra lúc đầu nhận kịch bản và thấy vai Thẩm Dực này tôi cũng giống như nhiều khán giả. Tôi cảm thấy anh ấy được viết quá "thần thánh". Sau này khi tìm hiểu thông tin, đọc một số sách và tin tức về họa sĩ chân dung tôi mới phát hiện ra họa sĩ chân dung quả là một nghề vĩ đại và tuyệt vời. Bạn hiếm khi thấy nó trong các bộ phim điều tra tội phạm trước đây, nhưng nó đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình truy bắt tội phạm, hơn nữa bản thân nó chính là một nghề hiếm có, rất quý giá, có thể chỉ có hơn 100 họa sĩ chân dung trên cả nước. Nhưng họ còn tài giỏi hơn Thẩm Dực trong bộ phim. "Ba tuổi họa lão" hay vẽ người qua xương mà mọi người xem đều là những trường hợp có thật.

    Báo Tân Kinh: Bạn cho rằng Kim Thế Giai là diễn viên lí trí hay cảm tính?

    Đàn Kiện Thứ: Anh ấy là một diễn viên rất lí trí. Anh ấy phải phân tích mọi thứ, mọi logic hành vi một cách kỹ lưỡng, anh ấy tỉ mỉ trong mọi cảnh quay, tại sao anh ấy lại làm điều này ở nơi này, anh ấy làm như vậy vì cái gì. Anh ấy thảo luận rất nhiều trước khi quay và bày tỏ nhiều (ý tưởng) nhất. Điều đó đủ để cho thấy anh là một diễn viên rất tỉ mỉ về logic hành vi trong từng cảnh quay cũng như động cơ tâm lý của các nhân vật và biết mình muốn gì.

    Báo Tân Kinh: Chúng tôi đã thấy nhiều cảnh quay dưới nước trong phim, còn có cảnh nhảy xuống bể bơi, lúc ấy quay có khó không?

    Đàn Kiện Thứ: Đây là lần đầu tôi quay cảnh dưới nước nên rất khó. Nước sâu khoảng sáu bảy mét, rất sâu. Bởi vì tôi cho rằng mình bơi rất giỏi, còn Giai ca thì là vận động viên bơi lội nên lúc đó hai chúng tôi đều nói sẽ quay trong bể bơi, sau đó nhiếp ảnh gia mặc áo phao và máy thở rồi lặn xuống chờ chúng tôi. Tôi muốn diễn cảnh vùng vẫy dưới nước sau đó Giai ca nhảy xuống cứu tôi. Máy thở đang chờ ở phía dưới (bể bơi) nên mọi người phải bơi tới đáy, hít oxi rồi mới bắt đầu diễn. Nhưng lần quay đầu tiên của cảnh đó, tôi vừa nhảy xuống nước và lặn được nửa đường thì bắt đầu bơi lên như điên. Tôi nói không được, quá đáng sợ. Khi lặn được nửa đường, dung tích phổi của tôi đã cạn kiệt và tôi không có đủ không khí nhưng tôi có cảm giác như họ vẫn còn ở cách xa tôi.

    Sau đó tôi lại nói chúng ta thử lần nữa. Rồi tôi lại lao xuống. Lần này tôi hít một hơi thật sâu, lặn xuống đáy và hít oxi. Giai ca liền nhảy xuống. Nhưng khi chuẩn bị diễn, tôi chợt nhận ra màng nhĩ của mình sắp "nổ tung" và tôi bắt đầu bị sặc nước. Dù sao sau khi quay đi quay lại vài lần, cuối cùng cảnh quay của tôi cũng dừng lại và sau khi trở về Bắc Kinh tìm một studio dưới nước chuyên nghiệp để quay.

    2. Vẫn luôn muốn làm âm nhạc nhưng không muốn "ném dưa"

    Báo Tân Kinh: Từ năm 2020 bạn bắt đầu tham gia rất nhiều gameshow, từ "Theo đuổi ánh sáng đi! Anh trai" đến "Thanh âm trời ban" bạn cũng cống hiến rất nhiều sân khấu hát nhảy làm mọi người bất ngờ. Có kế hoạch mới nào về mặt âm nhạc không?

    Đàn Kiện Thứ: Thật ra vẫn luôn có kế hoạch nhưng khoe lâu rồi mà chưa thực hiện được. Mỗi lần tôi đều "ném dưa" tôi muốn phát hành âm nhạc, tôi muốn làm âm nhạc nhưng rồi chưa bao giờ thực hiện được. Bản thân tôi cũng cảm thấy có chút tội lỗi. Vậy nên hiện tại tôi không nói gì. Tôi nghĩ tốt hơn là nên trực tiếp làm mọi người ngạc nhiên. Nếu có ngày tôi thực hiện cũng sẽ không "báo trước" với mọi người. Một là thời gian và sức lực có hạn, hai là tôi thực sự chưa chuẩn bị kỹ càng và chưa nỗ lực đủ. Vì vậy việc phát hành các tác phẩm âm nhạc chưa bao giờ nằm trong lịch trình của tôi. Bây giờ tôi không khoe nữa, nếu khoe thì tôi sẽ trở thành "chủ dưa giả".

    Báo Tân Kinh: Nhưng tôi vẫn hy vọng thỉnh thoảng bạn có thể trở lại sân khấu.

    Đàn Kiện Thứ: Tất nhiên. Sân khấu là ước mơ đầu tiên của tôi từ khi con nhỏ. Vì vậy nếu những thứ này đột nhiên biến mất tôi sẽ rất buồn. Thật ra tôi từng có khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018 vì chuyển hình làm diễn viên nên không làm gì cả mà chỉ ngâm mình ở đoàn phim. Nhưng khi đó tôi cảm thấy không thoải mái khi nhìn người khác ca hát trên sân khấu! Tôi thực sự muốn lên sân khấu. Chính là "thèm". Sau đó có sân khấu ở "Theo đuổi ánh sáng đi! Anh trai" và "Thanh âm trời ban", tôi rất vui.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...