Luật Sở Hữu Trí Tuệ - Tính Mới, Tính Sáng Tạo

Thảo luận trong 'Khoa Học' bắt đầu bởi Dũng Văn Trần VNU, 30 Tháng tư 2021.

  1. Dũng Văn Trần VNU Minh Đăng

    Bài viết:
    3
    Quyền sở hữu trí tuệ đang là vấn đề được rất nhiều các quốc gia quan tâm bởi nó chính là cơ sở của sự phát triển kinh tế đất nước. Trên thế giới hiện nay kể cả đối với các nước phát triển và các nước đang phát triển đang có những thay đổi lớn trong việc tư duy luật pháp đặc biệt là luật sở hữu trí tuệ có những thay đổi, bổ sung hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

    Vấn đề cấp bằng sáng chế cũng được pháp luật sở hữu trí tuệ quan tâm đáng kể sau nhiều lần sửa đổi. Bằng sáng chế là hình thức thể hiện sự ghi nhận của nhà nước về sự sáng tạo, đóng góp của nhà sáng chế và nó cũng là văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bảo vệ những quyền lợi pháp lý của tác giả hoặc người sở hữu các sáng chế đó. Hay có thể hiểu rằng, bản chất của việc cấp bằng sáng chế là sự ghi nhận sở hữu của chủ sở hữu với sáng chế của mình qua sự chấp nhận của cơ quan quyền lực nhà nước.

    Theo quy định tại Điều 58 Luật Sở hữu Trí tuệ 2005. Điều kiện chung đối với sáng chế được bảo hộ

    "1. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

    a) Có tính mới;

    b) Có trình độ sáng tạo;

    c) Có khả năng áp dụng công nghiệp.

    2. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:

    a) Có tính mới;

    b) Có khả năng áp dụng công nghiệp."

    Vì vậy, việc cấp bằng sáng chế phải mang đầy đủ các điều kiện về tính mới và tính sáng tạo của sản phẩm. Đồng thời, cũng mang lại khả năng ứng dụng công nghiệp vào đời sống thì mới đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của các chủ thể sáng tạo.

    [​IMG]

    Thứ nhất, về tính mới của sáng chế

    Tính mới của sáng chế là yêu cầu bắt buộc quan trọng của sáng chế để được cấp bằng sáng chế. Theo đó, sáng chế được xem là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế.

    Theo quy định tại Điều 60 Luật Sở hữu Trí Tuệ năm 2005 quy định Điều 60. Tính mới của sáng chế

    "1. Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.

    2. Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.

    3. Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

    a) Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;

    b) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

    c) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức."

    Có thể thấy rằng, tính mới của sáng chế phải được đảm bảo bởi những điều trên thì sáng chế mới có tính mới. Tuy nhiên, việc quy định về tính mới của sáng chế như trên vẫn tạo ra những khoảng trống pháp lý nhất là trong khoản 2 điều này vấn đề về việc kiểm soát số người biết về sáng chế, kiểm soát về nghĩa vụ giữ bí mật của số người biết. Cũng có trường hợp, những người biết được sáng chế này là cộng sự cùng sáng tạo ra sáng chế nhưng phá vỡ quy tắc, thỏa thuận bí mật thì lúc đó sáng chế cũng không còn tính mới. Hơn nữa, những quy định pháp luật trên đều được quy định theo phương pháp định tính nên việc bảo đảm tính mới còn chưa chặt chẽ.

    Hình thức thể hiện sáng chế có thể được bộc lộ qua các nguồn thông tin liên quan đến sáng chế như ấn phẩm, phim ảnh, băng từ, đĩa từ, đĩa quang phát thanh, truyền thanh, truyền hình và được tính từ ngày công bố tin, vật mang tin bắt đầu được lưu hành. Hoặc các nguồn thông tin đại chúng: Các báo cáo khoa học, các bài giảng.. nếu được ghi lại bằng bất kì phương tiện nào – tính từ ngày báo cáo hoặc giảng bài; các triển lãm sẽ được tính từ ngày hiện vật bắt đầu được trưng bày.

    Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định các trường hợp nhằm loại trừ đi khả năng làm mất tính mới của sáng chế ở khoản 3 điều này nhằm tránh những trường hợp có khả năng xâm phạm đến tính mới của sáng chế. Vì vậy, để đảm bảo chắc chắn sáng chế của mình được cấp bằng sáng chế bởi cơ quan nhà nước thì chủ sở hữu trước tiên phải kiểm tra tính mới của sáng chế đã bị công khai chưa để đảm bảo quyền và lợi ích của chủ sở hữu.

    Thứ hai, về tính sáng tạo của sáng chế

    [​IMG]


    Theo quy định tại Điều 61 Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005 quy định về Trình độ sáng tạo của sáng chế

    "Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng."

    Như vậy, tính sáng tạo của sáng chế là kết quả của cả quá trình nghiên cứu có thể bắt nguồn từ một sáng chế khác nhưng vẫn mang tính mới của sáng chế. Hơn nữa, tính sáng tạo của sáng chế còn phải được đánh giá thông qua những tiêu chí được pháp luật quy định như dấu hiệu cơ bản khác biệt có bị coi là đã được bộc lộ trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc hay không hoặc tập hợp các dấu hiệu cơ bản khác biệt có bị coi là có tính hiển nhiên đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng hay không.

    Có thể thấy rằng, đối với một sáng chế phải đảm bảo tuyệt đối về tính mới cũng như tính sáng tạo để đủ điều kiện cấp bằng sáng chế. Từ việc được công nhận cấp bằng sáng chế là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi của chủ sở hữu sáng chế tránh những xâm phạm của các chủ thể bên ngoài. Tính mới và tính sáng tạo phải tồn tại đồng thời trong cùng một sáng chế thì sáng chế mới được bảo vệ bởi cơ quan thẩm quyền nhà nước. Mối quan hệ này cùng tồn tại trong sáng chế nhưng với một số quy định của pháp luật vẫn cần có những bước tiến mới trong việc xác định tính mới và tính sáng tạo để không còn những trường hợp xâm phạm đến sự sở hữu của chủ sở hữu.
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...