Hỏi đáp Luật lệ sinh ra có phải để phá vỡ

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Mạnh Thăng, 7 Tháng một 2022.

  1. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,713
    Chào mừng các bạn đã quay trở lại với Game Show - Ai Là Nhà Tâm Lý Tài Ba?

    Để khởi đầu cho một năm mới đầy suôn sẻ, sau đây mình xin gửi đến các bạn một câu hỏi mà chắc hẳn các bạn đã từng nghe rất nhiều

    Theo bạn, Luật lệ sinh ra có phải để phá vỡ?

    Nghe thì có vẻ câu trả lời là có đấy nhưng nếu kỹ lại thì chưa chắc phải không nào. Vậy bạn ở phía nào của câu hỏi này. Hãy bình luận câu trả lời của bạn ở dưới và đừng quên like và đánh giá 5 sao cho câu hỏi cũng như gameshow nhé ^^
     
  2. Trường Ninh

    Bài viết:
    23
    Theo mình là không.

    Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, xã hội ngày càng phát triển hơn rồi. Theo như mình hiểu thì "luật lệ sinh ra là để phá vỡ", nó chỉ nên dùng trong những thời điểm mà những luật lệ ấy trái với luân thường đạo lý thôi. Ví dụ như ngta đưa ra luật lệ bảo bạn phải làm một việc gì đó, nhưng bạn lại cảm thấy điều đó là sai nên bạn không làm, chẳng lẽ như vậy cũng được gọi là "phá vỡ luật lệ"

    Mỗi người sinh ra đều có một cách nhìn nhận riêng về cuộc sống. Mỗi khi bạn đến cơ quan để làm việc, sẽ có những nơi yêu cầu bạn phải mặc đồng phục. =Bạn nghe theo cái câu "luật lệ sinh ra là để phá vỡ", thế là bạn không thèm mặc đồng phục, cuối cùng bị sếp mắng, tệ hơn là có thể bị bảo vệ đuổi ra ngoài.

    Mẹ mình luôn nói với mình rằng trong xã hội này chỉ có kẻ mạnh mới có đủ tư cách để đưa ra luật lệ. Bạn thấy, việc bạn không mặc đồng phục khi đến công ty thì có chết ai đâu? Nhưng ngta suy xét đến nhiều vấn đề như hình thức, tâm lý.. Rồi mới đưa ra cái luật đó.

    Túm cái quần lại là luật lệ sinh ra không phải là để phá vỡ. Bạn xem phim nhiều quá rồi, vì trong phim cái gì cũng có thể xảy ra, từ một cậu bé rất bình thường sau đó bị đày xuống làm nô lệ, cuối cùng thì vùng dậy để "phá vỡ luật lệ". Nhưng trong cuộc sống thì đâu phải điều này lúc nào cũng xảy ra đâu? Nếu không thì pháp luật sinh ra để làm gì?

    Cảm ơn những ai đã kiên nhẫn đọc đến tận dòng cuối cùng này. Dù sao thì lối diễn đạt của tui cũng không phải là hay, vậy nên có những chỗ viết ra có thể hơi khác người một chút, không cần thiết phải mở Bộ luật hình sự ra để nói chuyện với tôi đâu=. =
     
  3. Tiểu mèo con

    Bài viết:
    47
    Luật lệ sinh ra tất nhiên là để phá vỡ rồi. Vì con người chúng ta có vô hạn khả năng và tình cảm mãnh liệt. Mèo ví dụ nhé nếu con người có thể khống chế được tình cảm của mình thì đã không có luật pháp sinh ra và chẳng có các vụ án mạng xảy ra do cảm xúc bất chợt rồi. Mà cũng như thế nếu luật pháp có thể khống chế con người không làm điều sai trái thì tệ nạn xã hội đã sớm biến mất rồi.

    Luật lệ nói đơn giản chính là hậu quả báo trước cho những người làm sai và hậu quả đó ít nhiều cũng kiềm chân được một số người chuẩn bị làm điều sai trái.

    Mà luật lệ có được phá bỏ hay không thì còn nằm ở chỗ con người có muốn phá bỏ nó hay không mà thôi. Trong lịch sử đã có rất nhiều trường hợp mà con người phá bỏ luật lệ đó thôi. Ví dụ như vào thời phong kiến hoàng quyền lớn hơn tất cả, tuy nhiên sau này chủ nghĩa tư bản rồi chủ nghĩa xã hội đã đánh vỡ luật lệ do hoàng quyền đặt ra và lên nắm quyền rồi đặt ra luật mới.

    Bên cạnh những con người muốn phá bỏ luật lệ thì vẫn còn có rất nhiều con người không muốn phá bỏ luật lệ. Ví dụ như những người con gái sống trong cảnh gia đình trọng nam khinh nữ thời xưa. Họ theo luật lệ đó mà tự khinh thường bản thân mình rồi con gái họ.

    Hơn nữa việc phá bỏ luật lệ rất khó. Ví dụ như định kiến của xã hội dành cho phái nữ. Tại sao một cô gái 30 tuổi thì buộc phải kết hôn chứ, tại sao họ lại không được ấu trĩ chứ. Hay tại sao thần tượng lại không được phép yêu đương chứ. Thế nên rất nhiều luật lệ mà con người chưa thật sự thành công để phá vỡ được.
     
  4. Eelise

    Bài viết:
    1
    Trước khi trả lời thì, mình nghĩ luật lệ là thứ được định ra để duy trì trật tự, nói cách khác thì pháp luật là thứ nhà nước định ra để quản lí người dân, nghĩa là miễn là xã hội còn phát triển ổn định và người điều hành thấy, hoặc ít nhất thì họ cho người dân thấy là đang đi lên và chưa cần gì nhiều hơn thì luật vẫn chưa cần thay đổi.

    Đầu tiên, mình đồng ý với ý kiến là luật chắc chắn sẽ bị phá vỡ theo thời gian, bởi vì ý nghĩa tồn tại của nó là duy trì trật tự xã hội con người, mà con người thì luôn thay đổi. Ví dụ như trong xã hội phong kiến, địa vị của phụ nữ thấp nhưng xã hội vẫn ổn định vì có ít những thành phần phản đối điều này, nhưng theo thời gian, khi tư tưởng về dân chủ và bình đẳng ngày càng lan rộng, việc bỏ qua những thế lực khởi nghĩa giành bình đẳng là không thể, một loạt các đạo luật đã phải thay đổi theo để đáp ứng các yêu cầu này.

    Thứ hai, các điều luật đều do con người soạn ra, mà người thì không thể tránh được sai sót nên việc thay đổi hay sửa chữa thì cũng là điều dễ hiểu.

    Ở một khía cạnh khác, nhiều khi sẽ có những trường hợp ngược lại với điều thứ 2 ở trên, nghĩa là người ta không đoán trước được kết quả của một điều luật, nhưng nó vô tình lại gây nên ảnh hưởng tốt. Trong quyển sách mình từng đọc đã phân tích như thế này:

    "Hoa Kỳ vào những năm đầu thập niên 1990 tỉ lệ tội phạm không ngừng gia tăng − biểu đồ về tội phạm tại bất kỳ thành phố nào của Mỹ đều biểu thị độ dốc đi lên − và đồ thị đó như báo trước ngày tàn của thế giới vậy. Tử vong do súng đạn, có chủ đích hay vì nhiều lý do khác, đã trở nên ngày càng phổ biến.

    Năm 1995, một chuyên gia tội phạm học là James Alan Fox đã viết một bản báo cáo gửi tới vị Tổng chưởng lý của Mỹ liệt kê rất chi tiết xu hướng gia tăng các vụ án mạng do vị thành niên gây ra. Fox đã đưa ra cả viễn cảnh lạc quan và bi quan. Với viễn cảnh lạc quan nhất, ông tin rằng tỷ lệ án mạng do trẻ vị thành niên gây ra sẽ tăng 15% trong thập niên tới; còn với viễn cảnh bi quan, tỷ lệ này sẽ tăng gấp đôi. Theo như ông phát biểu," Làn sóng tội phạm sắp tới sẽ cực kỳ nhức nhối "và" đến mức nó sẽ khiến chúng ta nhìn lại năm 1995 giống như những ngày tươi đẹp xa xưa ". Nhưng sau đó, thay vì gia tăng liên tục, liên tục và liên tục, tội phạm bắt đầu suy giảm. Giảm, giảm và ngày càng giảm nhiều hơn. Tội phạm giảm một cách đáng kinh ngạc trên một số khía cạnh.

    Các chuyên gia cho rằng đó chính là do nền kinh tế đang phát triển của những năm 1990 đã góp phần giảm bớt tội phạm. Họ cho rằng đó chính là do sự tăng cường của luật kiểm soát súng; đó là do các chiến lược cải tổ ngành cảnh sát được triển khai tại thành phố New York, nơi các vụ án mạng đã giảm từ 2.245 vụ trong năm 1990 xuống còn 596 vụ trong năm 2003.

    Nhưng, có một yếu tố khác đóng vai trò chính trong việc đẩy lui nạn tội phạm trong thập niên 1990. Yếu tố đó đã hình thành từ hơn 20 năm trước và liên quan tới một phụ nữ trẻ tuổi ở Dallas có tên là Norma McCorvey. Tất cả những điều cô ta muốn chỉ là việc phá thai. Đó là một phụ nữ 21 tuổi, nghèo, thất học, không nghề nghiệp, nghiện rượu và ma túy. Ngày 22 tháng Một năm 1973, tòa án đã tuyên bố cô Roe thắng kiện, cho phép hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.

    Đúng vậy, không phải do việc kiểm soát súng, hay do nền kinh tế thịnh vượng, hay các chiến lược kiểm soát mới đã cản bước làn sóng tội phạm tại Mỹ. Ngoài những yếu tố khác, thì còn một nguyên nhân quan trọng là do số lượng người có nguy cơ trở thành tội phạm đã giảm sút đột ngột."

    Cuối cũng, điều mình cảm thấy để ý hơn ở đây là quyết định của những người quản lí, ý kiến người dân và xu hướng của thế giới. Thay vì quan tâm đến sự phá vỡ của luật lệ - thứ sản phẩm đi kèm của ba yếu tố trên, phân tích gốc rễ của lí do lịch sử hoặc là bản chất tính chất xã hội có vẻ sẽ có nhiều ý nghĩa hơn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng một 2022
  5. Biện Thị Hà Mi

    Bài viết:
    6
    Luật lệ là một trong những yếu tố cấu thành nên xã hội loài người. Luật lệ có ý nghĩa như một cơ cấu tổ chức nhất định trong xã hội mà bất cứ thời đại nào con người cũng cần có để duy trì được tính ổn định và dài lâu của một xã hội. Luật lệ len lỏi trong mọi khía cạnh của đời sống và ở bất cứ đầu ta cũng đều phải tuân theo luật lệ. Luật lệ trong gia đình được gọi là gia phong, luật lệ trong cơ quan, tổ chức gọi là nội quy. Luật lệ phải tuân theo trong cộng đồng xã hội gọi là pháp luật.

    Vào thời kỳ nguyên thủy xa xưa, con người sống theo bầy đàn và tổ chức xã hội còn khá đơn giản. Tuy nhiên, con người nguyên thủy lúc này cũng có những quy tắc nhất định trong việc ứng xử như ăn đồng chia đủ, con sinh ra là con chung nên sẽ được cả đàn nuôi dưỡng. Bước sang giai đoạn xã hội cao cấp hơn là xã hội chiếm hữu nô lệ, các luật lệ cũng bắt đầu nhiều hơn và ràng buột chặt chẽ hơn. Điểm đáng lưu ý ở đây đó chính là có sự phân chia giai cấp và thứ bậc trong xã hội, việc này dẫn đến các luật lệ được ban hành dưới quyền thống trị của đẳng cấp cao hơn và được đóng khung dưới hình thức là pháp luật. Pháp luật chính là những luật lệ do bộ máy cai trị ban hành nhằm chủ yếu phục vụ lợi ích của tầng lớp thông trị. Điều này bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn trong quần chúng khi mà quyền lợi của họ bị tước bỏ và bị đới xử tệ hại. Không những vậy, những định kiến của con người cũng trở thành các luật lệ công khai hoặc luật lệ ngầm trong xã hội. Một trong những chính sách pháp luật cai nghiệt và độc tài bậc nhất của chủ nghĩa thực dân đó chính là chế độ phân biệt chủng tộc Apacthai. Người da đen luôn bị người da trắng kỳ thị và đánh giá thấp vì họ cho rằng người da đen là giống người bẩn thỉu, dốt nát, họ không bao giờ cao quý như người da trắng. Suy nghĩ này đã tồn tại từ ngàn đời dưới chế độ chiếm hữu nô lệ tàn bạo. Các cuộc đấu tranh đòi quyền dân chủ và tự do cùng vì thế mà nổ ra liên tục và không bao giờ ngừng nghỉ để có thể lật đổ các đạo luật vô lý như thế. Xét đến cùng dù là đấu tranh vì duyên cớ gì thì mục tiêu cuối cùng của quần chúng nhân dân chính là chống lại sự áp bức, bốc lột tàn bạo, hà khắc của kẻ thống trị bằng cách phá bỏ các luật lệ.

    Như thế, luật lệ đôi khi sinh ra chỉ đề người ta cố gắng phá vỡ khi chúng vốn không hề tạo ra một sự cân bằng và ổn định trong xã hội. Gia phong trong gia đình nếu quá hà khắc sẽ bị chôn vùi qua những thế hệ nối tiếp. Nội quy trong cơ quan nếu quá cứng nhắc sẽ bị bác bỏ. Pháp luật nếu không có sự công bằng sẽ bị lật đổ. Xét đến cùng phá vỡ luật lệ cũng chính là sự đổi mới tiến bộ hơn, nhân văn hơn. Tuy nhiên, luật lệ khi được sinh ra không phải để phá vỡ vì vốn dĩ bản chất của luật lệ là hướng con người đến những diều tích cực và đảm bảo tính công bằng cho tất cả các cá nhân trong một nhóm xã hội. Điều mà chúng ta cần làm ở đây chính là suy xét cặn kẽ lọi hại, được mất, thiệt hơn của việc ban hành một số luật lệ cũng như cần có một sự tỉnh táo trong việc hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của những luật lệ ngầm (định kiến, khuôn mẫu nhận thức) trong cuộc sống.
     
  6. Jp002

    Bài viết:
    8
    Phải hay không cũng tùy vào thời điểm nữa. Nếu vào thời điểm đó luật lệ đó không phù hợp thì phải xem xét lại có nên thay đổi hoặc lập ra luật lệ mới hay không.

    Không thay đổi tùy lúc sẽ thành cứng nhắc và không thể kiểm soát được mọi thứ nên đôi khi cần suy xét một cách cẩn thận.

    Tóm lại phá vỡ hay không cũng là do tác động từ nhiều phía mà chủ yếu nhất vẫn là xem nó có được duy trì hay thay thể để hướng đến mục đích cuối cùng hay không.

    Đây là suy nghĩ cá nhân của mình.

    Cảm ơn đã bỏ chút thời gian.
     
  7. Lemanman

    Bài viết:
    5
    Nếu chỉ được chọn một đáp án thì mình sẽ trả lời là "không" vì mình thấy tuân thủ theo luật số người được hưởng lợi nhiều hơn. Bên cạnh đó mình nghĩ câu "Luật lệ sinh ra để phá vỡ" dễ khiến nhiều người mang ra biện bạch cho các hành vi sai trái.

    Tuy nhiên suy xét thêm một khía cạnh khác, không phải tự nhiên có câu "thấu tình đạt lý", đôi lúc luật pháp cũng chưa bao quát được đầy đủ các vấn đề của xã hội. Trường hợp này thì đen rồi, tuân thủ hay phá vỡ đều có những tác động tiêu cực.

    Kết lại thì mình theo phe tuân thủ luật lệ và tránh xa các trường hợp lận đận lao lý.
     
  8. Huệ Lê Thị

    Bài viết:
    196
    Từ xa xưa ông bà ta đã có câu "Quốc có quốc pháp, gia có gia quy" đó chính là luật, là lệ.

    Nói về vĩ mô thì để giữ cân bằng ổn định giữa các quốc gia, trên thế giới tồn tại một số tổ chức để thảo luận và đưa ra những luật lệ, nguyên tắc ứng xử giữa các quốc gia với nhau về vấn đề an ninh, chính trị, lãnh thổ, luật biển.. Tất cả mọi quốc gia đều phải tuân thủ theo luật của thế giới.

    Nói về tầm vi mô, một quốc gia, một đất nước muốn ổn định, muốn phát triển bền vững thì phải có luật pháp làm nền tảng, luật pháp càng chi tiết, rõ ràng và công minh thì đất nước đó càng bình ổn, càng phát triển, cả về chính trị lẫn kinh tế. Có như vậy thì đời sống nhân dân mới được cải thiện.

    Luật pháp sinh ra dựa trên những điều đã và đang diễn ra trong cuộc sống này, thậm chí còn là dự tính trong tương lai. Cho nên luật pháp có tính thiết thực, công bằng và phù hợp với tình hình hiện tại của một quốc gia, dân tộc.

    Luật pháp được xem như là những quy chuẩn để ổn định trật tự xã hội, để trừng phạt những trường hợp gây hại cho xã hội.

    Nói về quy mô nhỏ hơn nữa, chính là "gia quy". Gia ở đây không chỉ là nhà của riêng ai mà còn là những tổ chức, những tập thể nhỏ lẻ, riêng biệt cấu thành nên một xã hội, một đất nước. Đó là những doanh nghiệp, công ty, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường học, bệnh viện.. Tất cả những thành phần tồn tại trong xã hội, ở đó cũng có những luật lệ riêng tuân thủ theo pháp luật của cả quốc gia, chúng ta gọi đó là nội quy, là quy tắc, là nguyên tắc. Và tất nhiên những nội quy, quy tắc riêng này lại càng cụ thể, càng chi tiết và gắn liền với những phương châm, những định hướng phát triển và văn hóa doanh nghiệp riêng, dựa trên nền tảng tuân thủ pháp luật chung của đất nước.

    Không cần nói đâu xa, ngay trong mỗi gia đình cũng đều có những nguyên tắc cơ bản và có thể khác nhau về cách ăn nói, cách ứng xử và gìn giữ các mối quan hệ trong gia đình.

    Từ xa xưa, trải qua nhiều thời kỳ, từ phong kiến đến chủ nghĩa xã hội, về mọi mặt, pháp luật đã có sự khác biệt vô cùng lớn và nhân sinh quan của con người cũng thay đổi rất nhiều, tức là "lệ" cũng đã thay đổi. Dù vậy, mình không nghĩ rằng luật lệ sinh ra là để phá vỡ mà luật lệ sinh ra là để thay đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp theo từng thời kỳ phát triển nhất định của một quốc gia, cái cốt lõi là yếu tố con người vẫn luôn được giữ lại.

    Dù rằng luật là vật chết, con người là vật sống nhưng một khi phá vỡ vật chết kia thì chưa chắc con người có thể sống trong yên ổn. Không phải muốn phá vỡ là phá vỡ mà luật lệ phải được thay đổi một cách chậm rãi và từ từ theo thời gian, đến khi phù hợp với thời đại rồi thì luật lệ vẫn tiếp tục được sửa đổi và bổ sung để càng ngày càng hoàn thiện. Bởi vì thế giới và cuộc sống vẫn luôn vận hành, luôn biến hóa từng giờ, cho nên một khi luật lệ bị phá vỡ bất ngờ thì mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn và mất kiểm soát.
     
  9. Nguyên-Phương

    Bài viết:
    194
    Không!

    Luật sinh ra mà để phá vỡ thì còn sinh ra để làm gì?

    Chỉ đến khi nó không còn phù hợp với tình hình thực tế thì mới cần được thay đổi chứ không phải phá vỡ.
     
    Muối, Ưu Đàm Thanh TiMạnh Thăng thích bài này.
  10. Thủy Quỷ Lam Quân

    Bài viết:
    16
    Luật lệ sinh ra là để duy trì trật tự xã hội và đạo đức của con người. Bạn thử nghĩ xem nếu hiện tại luật lệ toàn bộ biến mất, thì thế giới này sẽ sinh ra hỗn loạn, chiến tranh thời đồ đá, hay những án mạng ghê rợn mà hiện tại nó khiến vô số người sợ hãi sẽ diễn ra thường xuyên bên cạnh chúng ta.

    Vậy nên nếu nói luật lệ sinh ra là để phá vỡ thì bạn còn chưa chín chắn cho lắm, bởi vì hiện tại bạn sống trên thế giới này, và luật lệ đang bảo vệ bạn. Nếu không có luật lệ thử xem bạn sẽ ra sao.

    Dĩ nhiên, nếu bạn muốn làm trái luật lệ thì tìm chỗ nào đó không có ai mà làm, đừng ảnh hưởng đến người khác là được.
     
    Muối, Ưu Đàm Thanh TiMạnh Thăng thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...