So với các quốc gia khác trong khu vực thì quyền lợi của phụ nữ Đại Việt được quan tâm và tiến bộ hơn rất nhiều, có một số điều luật gần giống luật hiện hành. Trong lao động, người phụ nữ được trả công ngang bằng với người thợ nam, "không có sự phân biệt về tiền công nhật cho lao động đàn ông với đàn bà" (1). Điều 23 trong "Quốc triều hình luât" quy định tiền công nhật cho nô tỳ là 30 đồng. Việc trả công ngang bằng như thế rõ ràng cho thấy lao động của phụ nữ được đánh giá cao và vị trí của người phụ nữ được tôn trọng trong xã hội Trong hôn nhân, người phụ nữ cũng có thể yêu cầu ly hôn (đâm đơn kiện). Điều 322 - "Quốc triều hình luật" ghi: "Con gái thấy chồng chưa cưới có ác tật có thể kêu quan mà trả đồ sính lễ", nếu "con rể lăng mạ cha mẹ vợ, đem thưa quan, cho ly dị". Trong gia đình người vợ tương đối bình quyền với người chồng và do đó, hôn nhân không được coi là sự chuyển giao hoàn toàn cô gái từ gia đình bên nội của mình sang gia đình chồng như ở Trung Quốc. Không những thế, luật pháp còn bảo vệ người phụ nữ. Họ được phép đến nhà đương chức xin ly hôn trong trường hợp chồng không chăm nom, săn sóc vợ trong 5 tháng (1 năm - nếu vợ đã có con). Nếu vợ đem đơn đến công đường thì bộ luật cho phép cưỡng bức ly hôn. Nghĩa là, người chồng không làm tròn nghĩa vụ với vợ thì người vợ cũng không buộc phải làm tròn bổn phận của mình. Quy định này không có trong bất kỳ bộ luật nào của Trung Quốc cũng như các văn bản cổ luật trước hay sau triều Lê Điều 167 - Hồng Đức thiện chính thư - quy định rõ hình thức thuận tình ly hôn: Giấy ly hôn được làm dưới hình thức hợp đồng, người vợ và người chồng mỗi bên giữ một bản làm bằng. Vậy là, bên cạnh sự ưng thuận của cha mẹ hay các bậc tôn thuộc rất quan trọng thì sự ưng thuận của hai bên trai - gái cũng là một thành tố được nhà lập pháp chú ý đến. Quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng sau khi ly hôn hoàn toàn chấm dứt, hai bên đều có quyền kết hôn với người khác mà không bị pháp luật ngăn cấm. Nếu chồng đã bỏ vợ mà ngăn cản người khác lấy vợ cũ thì bị xử tội biếm. Quy định này mang tính tiến bộ, không thấy có ở các bộ luật phong kiến khác. Thông thường, nếu ly hôn không do lỗi của người vợ thì phần tài sản riêng (gồm cả điền sản và tư trang), người vợ có quyền mang về nhà mình. Trong trường hợp có lỗi; thường thì tự ý người vợ không đem theo tài sản hoặc trong một vài trường hợp luật định người vợ buộc phải để lại tài sản đó cho chồng, "người vợ mà đi gian dâm, tài sản phải trả về cho chồng" Ngoài ra, việc phân chia và thừa kế tài sản còn tùy thuộc vào việc vợ chồng có con hay không có con. Pháp luật quy định cụ thể ở các điều 374, 375 và 376 (Quốc triều hình luật). Tài sản của vợ chồng được hình thành từ 3 nguồn: Tài sản của chồng thừa kế từ gia đình nhà chồng; tài sản của người vợ thừa kế từ gia đình nhà vợ và tài sản do hai vợ chồng tạo dựng trong quá trình hôn nhân (tài sản chung). Khi gia đình tồn tại, tất cả tài sản được coi là của chung. Khi ly hôn, tài sản của ai, người đó được nhận riêng và chia đôi tài sản chung của hai người Trong quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, pháp luật nhà Lê không phân biệt con trai - con gái. Nếu cha mẹ mất cả thì lấy 1/20 số ruộng đất làm phần hương hỏa, giao cho người con trưởng giữ, còn lại chia đều cho các con (điều 388) ; "người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng" (điều 391). "Ruộng hương hỏa giao cho con trai, cháu trai, nếu không có thì giao cho cháu gái ngành trưởng". Về việc áp dụng hình phạt "ngũ hình", có sự phân biệt giữa đàn ông và đàn bà: Không áp dụng hình phạt "trượng" cho đàn bà và áp dụng riêng từng loại tội "đồ" cho đàn ông và đàn bà (điều 1 - Quốc triều hình luật). Trong trường hợp bị tội vạ khi thi hành án, người đàn bà được hưởng sự khoan hồng. Nếu phải tội tử hình mà đang có thai thì sau sinh 100 ngày mới thi hành án. "Đàn bà phải tội tử hình trở xuống, nếu đang có thai thì phải để sau 100 ngày mới đem hành hình. Nếu chưa sinh mà đem hành hình thì ngục quan bị xử biếm hai tư, ngục lại bị tội đồ làm bản cục đinh. Dù sinh rồi nhưng chưa đủ 100 ngày mà hành hình thì ngục quan, ngục lại đều giảm hai bậc tội. Khi chưa sinh mà đem thi hành tội xuy thì ngục quan bị phạt tiền 20 quan, ngục lại bị phạt 80 trượng. Nếu vì đánh roi để xảy ra trọng thương hay chết thì ngục quan, ngục lại bị khép vào tội lầm lỡ giết người hoặc làm bị thương. Sau khi sinh nở chưa đủ 100 ngày mà đem thi hành xuy hình thì chiếu theo tội lúc chưa sinh mà giảm một bậc tội". Điều 22 cho phép "đàn bà phạm tội được chuộc tội bằng tiền như đàn ông phạm tội". Theo quy định ở các Điều 429, 446, 450, người phụ nữ phạm tội trộm cắp, lấy trộm lợn, gà, lúa má được giảm nhẹ tội so với nam giới. Chính sách pháp luật của vua Lê Thánh Tông còn được thể hiện trong các quy định bảo vệ tính mạng, danh dự và nhân phẩm cho phụ nữ trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình. Điều 113 - Quốc Triều hình luật quy định: Nếu con gái tự bán mình mà không có người bảo lĩnh thì cả người mua, người viết văn khế, người làm chứng đều bị phạt, phải trả lại tiền cho người mua và văn khế bị huỷ bỏ. Về việc thoái hôn, từ hôn, luật chú trọng bảo vệ danh dự cho người con gái. Theo Điều 315 - Bộ luật Hồng Đức: Nếu nhà gái đã nhận đồ sính lễ mà nhà trai trở mặt không lấy nữa thì chủ hôn bên nhà trai phạt 80 trượng, mất đồ sính lễ. Con gái đã hứa gả chồng mà chưa thành hôn, nếu người con trai bị ác tật hay phạm tội hoặc phá tán gia sản thì cho phép người con gái kêu quan mà trả đỗ lễ. Nếu người con gái bị ác tật hay phạm tội thì không phải trả đồ lễ (Điều 323 - Bộ luật Hồng Đức) Luật Hồng Đức có nhiều quy định trách nhiệm pháp lý đối với quan lại với các mức hình phạt rất nặng khi họ phạm tội cưỡng ép, hiếp dâm, cưỡng bức đàn bà, con gái. Người nào phạm các tội này thì bị xử tội lưu hay tội chết cùng với việc nộp tiền tạ cho cha mẹ người con gái (Điều 42 - Bộ luật Hồng Đức; Nếu vì tội này làm người đàn bà bị thương hay bị chết thì kẻ phạm tội bị xử nặng hơn tội đánh bị thương (đánh chết) người thường một bậc, điền sản bị tịch thu trả cho bên bị thiệt hại (Điều 403 - Bộ luật Hồng Đức). Đặc biệt là bộ luật quy định việc xử phạt nghiêm khắc những kẻ có hành vi gian dâm với con gái dưới 12 tuổi. Dù con gái có thuận tình thì vẫn xử như tội hiếp dâm vì ở tuổi này con gái chưa trưởng thành, dễ bị lừa gạt, khống chế. Đây là điểm tiến bộ đáng chú ý trong nội dung các quy định của pháp luật phong kiến và cũng gần với những quy định của luật hình sự nước ta hiện nay về vấn đề này. Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) là bộ luật hoàn thiện nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Tuy còn có điểm hạn chế nhưng đã là một bước tiến rất lớn trong việc bảo vệ quyền con người.