Tên Truyện: Lòng Chảo Tác Giả: 555va4017 Thể loại: Tâm lý Văn án: Rokusta Tienni, đã bỏ lại những kí ức đau buồn của quá khứ để tiến về phía trước. Có thật là như vậy không, hay trong thâm tâm hắn vẫn còn những nỗi sợ, nuối tiếc? "Cậu bảo tôi bị tâm thần, nhưng cậu nhìn lại cậu đi! Có bác sĩ nào hành xử như cậu không?" "Hình như tôi sắp có bầu bạn trong này rồi đấy. Tôi chỉ cần đợi người yêu tôi trở về nữa thôi, tất thảy cả cậu nữa là ba người" "Tôi hỏi cô, sao cô lại không nhớ một chút gì khi ở trong đó?" "Chúng ta đang ở trong một cái lòng chảo, lòng chảo của sự khô khan, hàn lâm, thiếu kiến thức và không chịu nhìn nhận sự thật ngay trước mắt!". Tienni thốt lên.
Chương 1: Mở đầu Bấm để xem "Tôi thông báo cho cậu hai chuyện, một chuyện buồn và một chuyện vui, đều liên quan đến việc thực tập cuối kì ra trường của cậu. Cậu muốn nghe cái nào trước?". Vị giáo sư già đáng kính của trường cao đẳng y dược Wienz mặt không lấy gì là vui vẻ, với chất giọng của người cao tuổi hơi khàn khàn, khó nghe, hỏi Rokusta Tienni. "Dạ thưa thầy, tin xấu trước ạ.". Tienni hai tay để sau lưng đan từng ngón tay vào nhau, một chân hơi chùng xuống bình tĩnh trả lời. "Cục Giáo dục vừa điều chỉnh một vài tiêu chí để sinh viên được đi thực tập tổng kết ở bệnh viện đa khoa thủ đô, nếu theo tiêu chí cũ thì cậu chắc suất, nhưng giờ điểm tổng kết môn Phân tích pháp đồ lại thiếu 0.15 điểm". Ông trả lời, thầm nghĩ thấy tội cho thằng học trò cưng của mình. "Dạ, 0.15 điểm?". Tienni hỏi lại ông, không tin vào đôi tai của chính mình nữa. Được đi đến thủ đô và trở thành một vị bác sĩ được mọi người kính trọng, giúp đỡ nhiều người là mơ ước của anh từ khi còn bé, mơ ước đó còn cháy bỏng hơn kể từ khi sức khoẻ của người bà luôn yêu thương, đùm bọc anh khi cha đang ở chiến trường, còn mẹ đi vào nhà máy sản xuất đạn dược bắt đầu giảm sút. Bà đã chết vì sự mê tín của dân làng, ngu muội của chính bản thân bà và sự vô tâm của tên dược sĩ chết bầm phải đưa một đống tiền cho hắn thì mới có thuốc chữa trị. Khi biết nhà bà chẳng còn gì sót lại, hắn bẻ thanh lương khô trong chiếc hộp sắt hoen gỉ ra làm bốn phần, ba phần để vào cái túi treo trước bụng, còn một phần để lại, bước nhanh ra khỏi cửa rồi quay đầu lại nói: "Xin lỗi, đây không chữa trị được cho bà, phiền người nhà chuẩn bị trước". Căn phòng im lặng một lúc "Đúng vậy, tiếc cho cậu thật đấy". Vị giáo sư vừa nói vừa mân mê cái bút máy, đôi mắt hơi trùng xuống vì thiếu ngủ. "Còn một tin vui đó là hiện nay có một viện nghiên cứu tâm lí con người mới được nhà nước thành lập ở phía bắc nước ta, cậu có biết khu tự trị các dân tộc thiểu số vùng Lòng Chảo không, trung tâm đó mới được thành lập hai tháng trước thôi. Tình cờ là họ mới có một vài bác sĩ cùng với y tá túc trực trên đó, hôm trước họ còn hỏi người của trường ta. Nếu cậu được đi thực tập ở trên đó thì chắc mọi người sẽ thoải mái với nhau đấy." Tienni hơi bất ngờ, viện nghiên cứu tâm lí con người? Cách gọi mĩ miều của bệnh viện tâm thần à? Tâm lí học không phải là thế mạnh của anh, ngay cả ở trên trường cũng chỉ mới được nghe qua thôi. Đại khái thì tâm lí học là một ngành mới trong y khoa, trước đây thì có rất ít người bị bệnh tâm thần, hoặc là không được báo cáo. Nhưng kể từ khi chiến tranh giữa hai nước Levol và Ankazax nổ ra, hai bên thi nhau phát minh chế tạo vô vàn thứ vũ khí, phương tiện tiêu diệt mục tiêu. Với phương châm là càng chết chóc càng tốt thì khi đó số trường hợp bị báo cáo phát bệnh ngày càng gia tăng và chỉ mới chững lại một chút khi chiến tranh kết thúc. Cha anh khi trờ về từ chiến trường đã kể cho anh một câu chuyện, nhưng Tienni lại quên mất tiêu rồi. Anh vẫn nhớ khuôn mặt của ông khi đó, khuôn mặt gầy gò, hốc hác, đôi mắt như người vô hồn, sâu thẳm như đáy vực, hai hàm răng bị vàng xỉn vì hút nhiều xái thuốc. Ông lấy lưỡi liếm cái chỗ nẻ trên môi sắp bong ra máu rồi bắt đầu kể.. "Nhưng thưa thầy, tâm lí học có phải là thế mạnh của em đâu". Tienni băn khoăn. "Ai cũng là gà mờ trong lĩnh vực này. Hai tháng trước trung tâm mới thành lập thì cậu nghĩ ai nắm bắt được hết nào. Vì nước ta chưa có ai chuyên hẳn về lĩnh vực này nên họ cũng chỉ gọi những bác sĩ khác chuyên ngành đi để nghiên cứu bệnh nhân, viết báo cáo rồi nộp lên Cục thôi" Vị giáo sư ngừng lại một lúc rồi nói tiếp. "Vả lại trên đó cũng nhàn hạ, thoải mái lắm đấy." "Nhưng em không muốn thoải mái cho qua kì thực tập, em muốn được tích luỹ kinh nghiệm càng nhiều càng tốt cơ!" Tienni vội trả lời ông, anh không muốn những kiến thức sáu năm học vất vả của mình chỉ được dùng có một lần là những lúc thi cử rồi vứt xó một góc. Anh đã quá hiểu những trung tâm, viện nghiên cứu ở những nơi hẻo lánh rồi, vì ở trên đó rất ít việc nên hầu như mọi người chỉ cần làm nhẹ nhàng một buổi sáng là xong việc, thời gian còn lại chỉ ngồi không, đọc sách rồi tán ngẫu vô thưởng vô phạt. Còn gì là thử thách cho một chàng trai điểm số xuất sắc, sức trẻ căng tràn như anh chứ! Ông bất ngờ, vội vàng trả lời lại: "Nào bình tĩnh nào, cậu biết tại sao trên đó lại nhàn hạ không?" Tienni không nói gì, im lặng đợi câu trả lời. "Trên đó có đúng một bệnh nhân, mà người này hơi.. Nói như nào nhỉ? Đặc biệt?". Ông lấy ngón tay cái xoa hai đầu thái dương. "Dạ, đặc biệt?". Câu nói của vị giáo sư già kích thích trí tò mò của anh. "Đúng rồi, cả Ankazax này chỉ có người đó là có triệu chứng như thế. Thế cậu có muốn đi không?" "Có ạ, đằng nào thì nếu không được đi thủ đô thì lại phải thực tập ở đây." "Đúng bảy giờ ngày mai xe sẽ xuất phát, cậu về chuẩn bị đồ đi. Và nhớ vứt hết mấy cái ảnh hở hang cậu giấu trong hộc tủ đi đấy!". Ông gằn giọng.
Chương 2: Đãng trí Bấm để xem Đúng bảy giờ ngày hôm sau, Tienni đã có mặt ở trước cổng trường, một tay cầm lấy cái túi xách du lịch màu xanh lục, bên trong có vài cuốn sách, giấy bút, mấy bộ quần áo cùng với cái đài sóng ngắn mà anh tự chế tạo theo sơ đồ mạch của một người bạn làm trong xưởng điện. Nghĩ lại thì cái đó cũng chưa gọi là "đài" hoàn chỉnh được vì nó mới chỉ là cái mạch nham nhở còn dính đầy nhựa thông hàn, anh chưa kiếm được cái vỏ đẹp đẽ nào cho nó. Mà kệ đi, nghe được nhạc là tốt rồi, anh nghĩ. Tienni kiểm tra ngăn trong cùng của cái túi xách. Một, hai, ba.. đủ mười tờ giấy bạc, tổng cộng là một nghìn ki-ép mà cha anh gửi tuần trước, trong ví của anh trước khi đi đã đếm kĩ rồi. Ba trăm hai mươi sáu ki-ép sáu mươi xu tiền mà anh tích góp vài tháng mới có được. Bảy giờ năm phút mà xe vẫn chưa đến. Tienni dựa lưng vào bức tường vừa được quét vôi trắng, khoanh tay đứng nhìn người lao công đang quét lá trên vỉa hè, miệng lẩm bẩm lời bài hát anh vừa nghe trên đài hôm qua: "Và rồi trời mưa giông bão cũng phải nhường chỗ cho nắng ấm êm đềm Dù rằng cửa hàng đầu góc phố đã đóng cửa suốt hai năm nay rồi Dù rằng mọi hi vọng của chúng ta dường như đã tan biến Dù rằng cái tủ lạnh bị trục trặc lần này là lần thứ mười rồi Nhưng em vẫn hi vọng rằng Một tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một giây nào đó Thần may mắn sẽ mỉm cười với chúng ta, một lần" Anh nhắm mắt lại, miệng vẫn lẩm bẩm, dần chìm sâu vào những suy tưởng của riêng mình: "Chà, chẳng biết trên đó như thế nào nhỉ, thằng Mark bảo mình là mày sẽ chết dí trên cái chốn khỉ ho cò gáy đấy, còn thằng Xereda thì bảo mình phải cẩn thận, không biết là trên đấy có những thể loại người gì đâu, nhất là hắn hay ả bệnh nhân tâm thần kia. Mà thằng Mark là bạn thân của mình, còn thằng Xereda thì là bạn xã giao, không thân lắm." "Thế thì thằng Mark đúng, mày sẽ chết dí trên cái chốn khỉ ho cò gáy đó Tienni ạ!" Tienni cười thầm, mắt vẫn nhắm chặt. Người thanh niên ngồi trên chiếc xe tải quan sát Tienni từ nãy đến giờ, nhìn đồng hồ thấy đã chậm quá mười phút liền dí còi, dí lâu đến nỗi mà tiếng còi dần trở lên méo mó: "Bípppppppppríttttttt!" Tienni vội mở mắt, suýt nữa ngã lăn ra đường, tay vội cầm lấy cái túi xách chạy một mạch đến xe. "Tienni phải không, cha anh nhờ anh cho mày quá giang lên Lòng Chảo" "Dạ vâng, hôm nay anh lái xe lên đó à?" "Ừ, hôm nay tự dưng phải tiếp tế trang bị cho quân đội thường trực biên giới. Chú em lên đấy nghiên cứu đúng không, lên xe nhanh lên nào". Anh ta thúc giục Tienni. Tienni vội mở cửa xe ném cái túi xách lên trước, sau đó lấy tay nắm lấy thanh ngang cửa trèo lên. Khi đã ngồi ngay ngắn trên xe rồi thì anh dứt khoát đóng sập lại cánh cửa. "Tên anh là Wojak, giới thiệu trước cho khỏi phải hỏi vòng vo. Giáo sư Kuruski chính là cha của anh đấy, biết chưa?". Wojak vừa quay đầu xe vừa nói. "Ổng đúng thật bị hâm này!". Tienni thầm nghĩ trong đầu. Trước đây anh đã từng nghe mấy tin tức không tốt đẹp lắm về ổng rồi. Nào là hay quên, nói năng lung tung, xọ nọ xọ kia đến cả việc ổng hay đi lang thang trong hẻm phố vào ban đêm nữa. Nhưng ít ra ổng chưa làm việc gì xấu cả, chỉ là hơi phiền phức thôi. Xe phóng ra đường lớn rồi tăng tốc, đi thẳng về phía bắc. Trên đường chỉ có vài chiếc xe quân sự cùng với lác đác người đi xe đạp, phóng xe ngựa kéo. Chiến tranh mới kết thúc được có gần hai năm. Tienni im lặng một lúc, cả Wojak cũng vậy, hai tay anh cầm chặt cái vô lăng gỗ đã bệt màu sơn, thi thoảng tay phải lại chìa ra với lấy cái cần số chỉnh xuống, sang trái, sang phải vài lần rồi lại trở về vị trí cũ. "Chúng nó lại nói xấu anh phải không?". Wojak mở lời. Tienni đang chuẩn bị gật gù thì giật mình, nhìn Wojak nói: "Ý anh là sao?" "Còn gì nữa! Anh để ý từ lâu rồi. Những người lạ chưa gặp anh bao giờ thường giữ khoảng cách với anh, họ ít khi bắt chuyện với anh. Chú có hiểu cảm giác của một người đang vui vẻ vì gặp được người mới mà trong suốt cuộc hành trình người kia chẳng nói với họ lấy một câu nào không? Anh đấy!". Cái xe hơi loạng choạng. "Dạ không, chẳng qua là em đang hơi ngại vì lần đầu gặp anh thôi mà, thật đấy". Anh sinh viên tội nghiệp đang cố gắng bào chữa. Wojak bình tĩnh rồi nói tiếp: "Ừ, chẳng qua anh cứ gặp người khác là lại làm mấy trò dở người, anh cũng chẳng biết tại sao nữa. Cha anh còn nói.." Anh ta đột nhiên dừng lại, khuôn mặt tỏ vẻ buồn bã rồi nói tiếp: "Thế là ổng tống anh làm lái xe, mặc dù anh làm tốt nhiệm vụ nhưng anh vẫn cảm thấy mình vô dụng, thiếu một thứ gì đó, một thứ rất quan trọng. Nhiều lúc anh nghĩ mình nên.. chết đi cho rồi ấy". Tienni im lặng, nghĩ rằng liệu đây có phải là một dấu hiệu của bệnh tâm thần không? Cảm xúc bị dồn nén lâu ngày sẽ có hậu quả khôn lường. Nhưng mà tự mình cảm thấy mình vô dụng với xã hội, nhiều lúc có suy nghĩ tiêu cực thì là loại tâm thần gì? Hình như trong sách không có loại tâm thần nào phù hợp với đặc điểm trên. Mà thường thì mấy người như này sẽ đều bị cho là rảnh rỗi sinh chán đời thôi. Đó chính là hai trong nhiều triệu chứng của bệnh trầm cảm thường bị xem nhẹ, là nguyên nhân của năm mươi phần trăm tỉ lệ tự sát. Xe rời đường lớn rồi lên đường mòn để đi qua đèo. Đã là hai tiếng kể từ khi khởi hành. Tienni thiu thiu ngủ ngon lành. Trước khi vượt đèo Wojak cho dừng xe lại, mở nắp capô ra đổ nước làm nguội động cơ, miệng huýt sáo bài "Gia đình". Vừa làm xong việc thì anh ta mới chợt nhớ ra là phải đưa cái tập đựng bản sao hồ sơ bệnh nhân với thư giới thiệu cho Tienni. Trước khi cha anh nhét cả hai thứ đó vào rồi niêm phong thì anh đã đọc qua nó rồi: Vatasya Vilette, nữ, tuổi là.. bao nhiêu nhỉ? Anh nhớ được mang máng khuôn mặt, khá là ưa nhìn, tóc ngắn, hơi xoăn.. Còn mấy dòng dưới thì anh không nhớ được một từ nào cả.
Chương 3: Nhớ nhung Bấm để xem Bây giờ là mười giờ hai mươi sáu phút ngày hôm sau. Anh sinh viên năm cuối căng tràn tuổi trẻ, luôn sẵn sàng cống hiến (ít nhất là theo Tienni nghĩ) đang thở hổn hển leo bậc thang bê tông lên núi, cái túi xách đeo chéo ở sau lưng. Đôi chân rã rời, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực vĩnh biệt tên chủ nhân độc ác đang hành hạ, dày vò nó. "Chết tiệt! Sao lại không xây cái Viện ở ngay dưới thị trấn kia hả?". Tienni vừa nghĩ vừa nhìn xuống thị trấn bao quanh bởi nhiều ngọn núi, lõm xuống, nội bất xuất, ngoại bất xâm. Anh leo cao đến độ những ngôi nhà mái tranh, lợp lá ở phía dưới giờ chỉ trông như những cục đất sét bọn trẻ con hay nặn thành những cục bé con con để làm tiểu cảnh chơi. Trụ sở thị trấn là một gian nhà sàn lợp mái ngói giờ cũng chỉ như là một cục đất sét nhỏ tô đỏ phần trên. Tienni không nghĩ rằng mình phải mất đến gần mười bốn tiếng để đi quãng đường hai trăm năm mươi cây số, tính ra thì không đi nhanh hơn tốc độ người đi xe đạp là bao. Tối qua nghỉ chân ở trạm dừng chân Tienni đã phát hiện ra rằng hóa ra Wojak cũng không quá đáng sợ như những lời đồn thổi: "Mẹ kiếp! Anh mới đi ra khỏi đường buổi đêm đúng một lần – cái lần mà nhà anh đang lục đục chuyện họ hàng. Thế mà chúng nó đã gán luôn cho anh cái danh đấy rồi cơ à! Mà anh nói cho chú biết này, cái Viện đấy không phải là" trại "tâm thần như chú nghi ngờ, mà nó.." Trước khi cả hai chào tạm biệt thì Wojak đã đưa cho Tienni tập tài liệu mà vị giáo sư gửi cho anh. Bên ngoài ghi thư giới thiệu gửi cho Trưởng viện, còn hồ sơ bệnh nhân thì đích thân anh sẽ cầm lấy, làm cơ sở để nghiên cứu, tìm nguyên nhân gây ra bệnh lí và phương pháp chữa trị thích hợp. Những phát hiện của Viện sẽ được chọn lọc, phân tích và gửi cho các cơ sở chữa trị bệnh nhân tâm thần, rối loạn hành vi trên cả nước. Hiện tại thì những nơi đó phải gọi là "trại" thì đúng hơn vì ngoài nhốt lại bệnh nhân thì họ cũng chẳng biết phải làm như thế nào vì chưa có pháp đồ chuẩn. Tienni cảm thấy yên tâm hơn khi Wojak đã giải thích kĩ càng cho mình. "Mà quang cảnh ở đây cũng đẹp thật đấy, để mình mượn một cái máy ảnh chụp vài tấm xong gửi về cho thằng Mark, cho nó ghen một phen xem sao. Thằng này thích đi du ngoạn lắm". Khoảng mười phút sau, Tienni đã có mặt ở trước cổng chính Viện, bên ngoài có một chiếc bảng nhỏ bằng đồng màu vàng ánh kim, trên đó ghi dòng chữ màu đỏ tươi: "Viện nghiên cứu tâm lí con người Ankazax". Cổng chính đã mở sẵn, anh bước thẳng một mạch đi qua hàng cây non mới trồng, mỗi cây đều có vành thép bao quanh bảo vệ. Con đường dẫn tới nhà trung tâm của Viện được lát gạch màu xám nhạt, còn hai bên đường chỉ là những dải đất màu đỏ vàng trống trải, thi thoảng lại có đám cỏ tụm lại từng chùm như những cục rêu nhô cao lên. Bờ tường bao quanh những khu chính của Viện được xây bằng gạch block, thứ gạch làm từ tro bay, mạt đá, bê tông rồi nén lại từng viên. Tuy nó mới được quét ba lớp vôi trắng nhưng ở một vài vị trí đã thấy lốm đốm lên những vệt rêu xanh ẩm mốc. Tienni mở cánh cửa sắt rồi tiến vào bên trong nhà chính. Dãy hành lang của Viện không dài lắm, chỉ có vài phòng ban: Phòng bảo vệ, phòng họp, phòng dược liệu, phòng hội chẩn và phòng khám. Có vài gian phòng để trống, chưa gắn biển. Ở cuối hành lang là cầu thang dẫn lên tầng hai. Tienni tiến tới phòng bảo vệ, ở đó anh thấy một người trung niên mặc đồng phục màu xanh dương, đội chiếc mũ bê-rê cùng màu đang dựa lưng vào chiếc ghế gỗ đọc sách. Tienni mở lời: "Xin cho cháu hỏi phòng Trưởng viện ở đâu ạ, cháu đến để đây thực tập cuối kì" Người bảo vệ rời mắt khỏi trang sách nhìn Tienni rồi nói: "Ở trên tầng hai, ở cuối hành lang, ông ấy đang chờ cậu đấy" Nói rồi người đó lại dán mặt vào quyển sách. Tienni cảm ơn ông rồi tiến bước lên tầng hai, đi tới phía cuối hành lanh, đến trước căn phòng cửa gỗ kính màu hoa văn, trên đó ghi: Trưởng Viện Mikhael Vanika. Anh gõ nhẹ cánh cửa ba lần, bên trong vang lên tiếng: "Mời vào!". Dựa vào giọng nói Tienni đoán ông không kém tuổi thầy giáo của anh là bao. Tienni mở nhẹ nhàng cánh cửa rồi bước vào. * * * "Cậu nhiệt huyết thật đấy! Đúng người chúng tôi đang cần. Mà giáo sư của cậu là bạn từ hồi chúng tôi còn đang học năm cuối hệ tám năm đấy cậu biết không". Vị Trưởng viện cười khà khà nói với Tienni. Anh cũng đáp lại ông bằng một nụ cười mỉm. Anh không nghĩ là buổi đầu tiên gặp mặt lại thoải mái thân mật như thế này. Cứ nghĩ là mình sẽ bị kiểm tra từ đầu đến cuối kiến thức xong lại tra hỏi từng tí một. Hóa ra ông ấy chỉ hỏi đúng một câu: "Cậu tự nguyện đi đến đây thực tập hay là có ai bắt?". Được mười lăm phút là hai người bắt đầu nói chuyện với nhau rôm rả như hai người bạn thân. "Chỗ chúng tôi hiện chỉ có tôi là Trưởng viện, kiêm luôn bác sĩ, kế toán. Còn cô Reika là y tá, cũng là điều dưỡng luôn. Ông bảo vệ cậu thấy ở dưới đấy tên là Sergi, có việc gì thì cậu cứ hỏi ổng, ổng biết hết mọi thứ xung quanh đây mà. Còn với bệnh nhân của chúng ta thì đang ngồi dưới kia cùng với Reika kìa, cậu thấy không? Tên là Vilette thì phải". Trưởng viện vừa nói vừa chỉ tay ra ngoài cửa sổ. Tienni bước tới lại gần xem. Đúng là ở dưới kia có hai người thật, một người tóc ngắn, hơi xoăn, tóc hơi ánh đỏ như bị cháy nắng, đang mặc một bộ đồ màu xám nhạt ngồi trên ghế đá dưới tán cây chải tóc cho một người tóc dài ngang đến thắt lưng mặc bộ đồ y tá. Thi thoảng người tóc ngắn nói với người kia một câu bông đùa nào đó, người kia chỉ im lặng cười nhẹ nhàng. "Bệnh nhân của chúng ta để mà nói thì không phá phách hay có những hành động làm hại bản thân và những người xung quanh như những người lính trở về từ chiến trường, trường hợp của chúng ta lại khá lành. Tuy nhiên cổ lại có những biểu hiện khá thú vị mà những bệnh nhân khác không có, tôi đã tổng hợp lại và gửi cho bạn tôi rồi, chắc cậu cũng đã có nó rồi đúng không? Ngày mai chúng ta sẽ tiến hành nghiên cứu thêm bệnh nhân của chúng ta, bao gồm cả quan sát hành động và vấn đáp trực tiếp nữa. Hiện tại thì cậu cứ đi ăn trưa trước đi xong nghỉ ngơi, phòng của cậu ở giữa hành lang này đấy". Ông nói xong rồi ngồi xuống bàn, tay cầm lấy cây bút máy viết cho xong giấy tờ đã. Tienni chào tạm biệt ông rồi tiến về phòng, chỉ kịp để cái túi xách lên giường, cởi cái áo khoác ra rồi xuống sảnh dưới ăn trưa, đông đủ cả. Reika đem một phần riêng cho Vilette rồi mới trở lại ăn cùng với mọi người. * * * Vilette được Reika dẫn trở lại buồng của mình vào buổi tối. Sau khi cánh cửa buồng đã được khép lại rồi khóa chặt, Vilette nhìn qua khe cửa để thấy Reika từ từ bước ra khỏi hành lang. Khi đã thấy khuất bóng của cô y tá, cùng với tiếng cánh cửa sắt đóng sầm lại và ánh đèn vụt tắt. Vilette mới yên trí lật tấm ga trải giường lên, lấy ra một quyển sổ đã mòn gáy và một cây bút máy mất nắp. "Bây giờ sẽ chẳng có ai phát hiện ra đâu". Cô nghĩ thầm: Reika thì tầm giờ này đã đi ngủ rồi, còn tên trưởng kia thì hay thức khuya nhưng không bao giờ xuống đây, thằng oắt non choẹt mới đến đây thì từ trưa đến giờ chết dí ở trên phòng vì mệt rồi. Vilette quỳ xuống sàn, sàn lát gạch men lạnh cóng. Cô dựa vào ánh sáng từ đèn quan sát léo lắt qua khe cửa sổ lưới mắt cáo để viết vào trong quyển sổ, viết thỏa thích cũng được vì hôm kia vừa trộm được vài thanh mực của tên trưởng đó: "Ngày 13 tháng 11 năm 932 Họ lại chuyển mình tới một viện quân y khác. Mình thắc mắc là một cái tay với vài cái xương sườn gãy chữa trị phải tốn công tới mức nào mà họ lại chuyển viện cho mình tới tận ba lần rồi. Tuy giờ mình không cảm thấy đau nhưng ít ra cũng phải chữa trị cho lành hẳn chứ. Ở cả ba viện người ta lại không băng bó, phát thuốc cho mình. Riêng ở đây chỉ có ngồi yên trong khuôn viên, muốn làm gì thì làm. Thi thoảng có Reika thì cũng vui, nhưng lại còn có thêm tên trưởng kia. Lần nào gặp hắn cũng hỏi mấy câu vô nghĩa, vớ vẩn. Xong kết cục thì cũng chỉ nhận lại được vài ba cái lắc đầu rồi lại rời đi, trong SUỐT GẦN HAI TIẾNG ngồi nói chuyện với hắn. Tên non choẹt mới đến thì không biết như thế nào, để mai xem như thế nào đã. Nghĩ lại thì lí do mình bị chuyển viện lần ba là do tên thiếu tá ở đó treo cổ tự tử, và họ nghĩ tất cả là do mình. Ơ kìa? Tôi chỉ nói những điều tôi nghĩ về hắn thôi mà, toàn là sự thật cả. Về việc hắn là một tên vô dụng khi bỏ lại đồng đội của mình chạy trước, hay là việc vợ con của hắn đã chết cháy thành tro vì bom xăng khi đang đi lánh nạn, người ta đem gom lại tro của những người khác lẫn với vợ con hắn rồi đem đổ xuống biển. Thế là họ tống mình đến đây luôn. Lúc này mình chỉ muốn có anh ấy ở bên cạnh thủ thỉ, ôm ấp, xoa đầu mình mà thôi, hi vọng anh ấy sẽ về thăm mình sớm.. Anh ấy yêu mình thật lòng mà." Nhưng năm nay là năm 936 sau Đại Động Đất. Và kể cả từ lúc Vilette còn được coi là khoẻ mạnh, chưa ai từng thấy cô có quan hệ yêu đương với một ai cả. Cái máy ảnh cũ kĩ của Vilette được đặt ở góc phòng, chĩa thẳng ống kính về phía cô. Năn nỉ mãi Reika mới cho cầm theo nó, còn bút máy thì lại không được cầm theo, Vilette cũng chẳng biết tại sao.