Review Phim Lollita - 1997

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Hoang0302, 22 Tháng hai 2020.

  1. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    "Ta càng trân trọng một ký ức nào đó, thì nó lại càng trở nên mạnh mẽ và khác lạ hơn. Tôi cho rằng cũng là lẽ thường khi những xúc cảm tôi dành cho các ký ức xưa của mình, những ký ức về thời thơ ấu, thường mãnh liệt hơn nhiều so với tình cảm của tôi đối với những ký ức mới mẻ hơn.." Vladimir Nabokov, tác giả tiểu thuyết Lolita 1955 (BBC 1962 – Cao Việt Dũng dịch)


    * * *​

    Tiểu thuyết Lolita (1955) thì có lẽ không cần nói nhiều thì ai cũng biết về sức mạnh và tầm cao của nó trên văn đàn thế giới. Nhiều người bảo đó là một tác phẩm kỳ lạ, một câu chuyện nói về triệu chứng "ấu dâm" của người đàn ông trung niên có học thức, nhưng khi xem Lolita, được chuyển thể từ tiểu thuyết do Adrian Lyne đạo diễn (1997), tôi đã nghĩ chủ đề tác phẩm nó hẳn phải vượt xa hơn thế, vượt ra khỏi rào cản về định kiến mà xã hội đặt sẵn ở đó, kiên cố và vững chải. Xét theo một khía cạnh nào đó, một khía cạnh mà tôi tiếp nhận từ màn ảnh – vốn có thể gây ra vài thiếu sót và dở dang hơn so với nguyên tác, thì Lolita là một hành trình của Humbert đi xuyên qua thời gian, cố gắng vươn tay để chạm vào những ảo ảnh tuổi thanh xuân. Có lẽ đối với tôi, Humbert đã thực sự chết ở tuổi 14, lứa tuổi ghi dấu ấn trong ông bằng dải ruy-băng của chiếc váy cô bạn gái đã mất, là tuổi của Lolita khi ông nhìn thấy em lần đầu tiên trong mảnh vườn nhà bà Charlotte Haze

    Trong số các phiên bản điện ảnh thì Lolita thì bộ phim năm 1962 (đạo diễn Stanley Kubrick) và 1997 (đạo diễn Adrian Lyne) được nhiều người đón xem nhất. Tuy nhiên, tôi để ý đến vai Giáo sư văn chương đến từ Pháp Humbert nhiều hơn Lolita, bởi tôi nghĩ ông mới là nhân vật chính trong trò chơi này. Và vai diễn của Jeremy Irons trong phiên bản 1997 khiến tôi ấn tượng hơn cả, bề ngoài điềm tĩnh, phong thái nhã nhặn của một tiến sĩ, bao bọc nỗi lo sợ, run rẩy khi đứng trước Lolita (Dominique Swain) làm người xem không ít lần đau xót. Nói như thế không có nghĩa là Humbert của James Mason (1962) là không xuất sắc. Tùy theo trí tưởng tượng trong quá trình xây dựng nhân vật khi đã đọc tác phẩm, người xem sẽ chọn một Humbert cho riêng mình, còn tôi – tôi chọn Humbert của Jeremy Irons.

    Humbert của ông đúng như tâm thế vừa là chủ nô, vừa là nô lệ của Lolita. Vì em, ông chấp nhận lấy Charlotte, mẹ của Lolita để được gần gũi với em. Hằng ngày ông ghi vào nhật kí những cảm xúc dạt dào với đứa con riêng của vợ đang tuổi dậy thì, mong ngóng nghe tiếng chân của em mỗi khi đi học về. Hằng đêm, ông len lén nhìn qua bên phòng xem em đang làm gì, những chuyển động của hông, ngực, cánh tay, đôi chân khi em nhảy múa, phá phách cũng làm ông hạnh phúc. Khi Lolita đi trại hè, thỉnh thoảng ông qua phòng em để vùi đầu vào tủ quần áo của em, tìm kiếm hơi ấm xác thịt của một cô bé đang trổ mã. Ánh mắt của Humbert dành cho Lolita là một ánh mắt vừa trìu mến, vừa khao khát và cũng vừa mặc cảm tội lỗi. Vì Lolita, ông cũng không ngần ngại chuyển đổi công việc của mình, chở em đi khắp nơi, từ thành phố này đến thành phố khác, ông sẵn sàng để em chét bã kẹo cao su bừa bộn ở khắp nơi, quần áo, tất vớ, đồ lót vứt lung tung, vốn là điều xa lạ đối với một giảng viên nghiêm khắc như ông. Và cũng chính vì quá yêu Lolita, vì chỉ muốn chiếm hữu em, ông đã phản đối cho cô bé được tập kịch cùng bạn, lo sợ em sẽ không an toàn nếu rời xa vòng tay của ông, ông sợ em sẽ bỏ trốn khỏi mình với số tiền tiêu vặt mà ông cho em mỗi tuần.. Xem phim, Humbert biết rõ mình đang rơi vào tình thế nào, nhưng tôi thấy ông không thể dừng lại được. Vài lần Lolita thách thức ông, nghịch ngợm quá trớn, bất tuân lệnh với yêu cầu về học hành, ông đã tát cô bé, nhưng liền sau đó ông đã quỳ phục xin lỗi và thề thốt sẽ không như thế nữa. Sự mâu thuẫn đó, nó đã thổi nguồn cho ngọn lửa hủy hoại ông mỗi ngày. Mỗi khi ở bên cạnh Lolita, trên xe hay trong các motel xa lạ, khám phá cơ thể dậy thì của em, tức giận em, xoa dịu em, phủ phục em, sợ hãi em.. Humbert đã tự thả mình vào những tưởng tượng hồi cố, để mình trôi đi trong cái mê cung nhằng nhịt tội lỗi và khoái cảm.

    Trong phim, tôi đặc biệt ấn tượng phân cảnh Humbert sau khi mua chuối cho Lolita về, linh cảm về một ai đó đã dụ dỗ em trong lúc ông vắng mặt, ông đã trượt lên người em, hôn em ngấu nghiến, vừa khóc vừa mếu hỏi em người đó là ai, dáng vẻ vô cùng thảm thương và liêu xiêu, rất xót xa.. Và cảnh gần cuối, sau 3 năm Lolita mất tích trong bệnh viện, trước khi ông đến nhà Clare Quilty định đoạt số mệnh cuối cùng của hắn, ông đã đến thăm Lolita, giờ đã lấy chồng và đang mang bầu, ông đã không khỏi thương cảm. Thiên thần bé nhỏ của ông, nỗi đam mê của ông, nỗi sợ hãi của ông, giờ đang sống trong một căn nhà ẩm thấp ở vùng ngoại ô hẻo lánh. Em xơ xác, đang thiếu tiền, túng quẫn và cực kỳ bế tắc với cuộc sống nghèo khổ, thế nên em cần ông, em cần Humbert chu cấp cho em ít tiền. Đó không còn là Lolita của ông nữa, mọi thứ đã đổi thay. Riêng ông, ông có lẽ không muốn đối diện với sự đổi thay này, thế nên ông phải chấm dứt. Và trước khi đi, một lần nữa Humbert chỉ nhìn thấy hình dáng Lolita, không phải là người phụ nữ đang ôm bụng bầu kia, nàng xuất hiện trong chiếc áo trễ cổ, quần short năng động, ở em đang tỏa ra ánh hào quang mà cả cuộc đời ông theo đuổi và sống vì nó.

    Liệu có phải điều mà Humbert sợ hãi khi để mất Lolita là khi ông sẽ phải rời xa vĩnh viễn ký ức tuổi 14 của mình? Hay liệu là một điều gì khác? Có phải là sự phản ánh về thời cuộc mà ông đang sống, một Châu Âu già nua, cũ kỹ cần được cứu vãn bằng một sự tươi mới.. Câu trả lời, tôi đang nghĩ về câu trả lời có nhất thiết phải được làm rõ hay không?

    Vì sao Humbert lại yêu Lolita đến như thế? Đó là điều có xảy ra nhưng chúng ta khó lý giải được. Cảm xúc Humbert dành cho Lolita có phải là tình yêu không? Có. Nhưng với mong muốn chiếm đoạt và sở hữu em thì có phải là tội lỗi không? Có, đó là tội lỗi. Humbert đã rơi vào tình thế nguy hiểm khi phải vật lộn với ham muốn tột cùng nằm sâu trong bản ngã của ông, có thể được đánh thức bởi một lần va chạm trong quá khứ, đó là một cơn mê mà ông nhận thức rất rõ, mà vẫn không thể thoát ra được.

    Cuộc đời của Humbert là một ký ức buồn bã, cô độc, dưới cặp mắt kính uyên bác là cả một ánh mắt đang chờ được thú nhận và sám hối..

    Một điểm cộng khác của phim là lối diễn xuất tự nhiên, lẳng lơ của cô đào Dominique Swain. Đạo diễn rất biết tận dụng vẻ đẹp cơ thể dậy thì của nàng năm 17 tuổi. Cô có bờ môi gợi cảm và ánh mắt đa tình, làn da trắng nõn và mịn màng đã giết chết tâm hồn của Humbert, Lolita của Dominique vừa ngây thơ vừa táo tợn dữ dằn, dễ khiến người ta vừa yêu vừa ghét.

    Còn cảnh quay trong phim thì đậm chất retro, tôi thích hình ảnh của những cảnh cửa bên ngoài motel, nơi mà Humbert và Lolita dừng chân trên hành trình của mình. Ngoài ra, bộ phim sẽ không thể hoàn hảo nếu không nói đến nhạc phim do thần tượng của tôi – Ennio Morricone đảm trách. Bản Love in the morning hay Lolita in my arm trầm buồn như vệt nắng sắp tắt cuối ngày, như chính sự lẻ loi và cô đơn của Humbert khi tồn tại trong cõi đời này.

    Thông Tin Film:

    Năm Phát Hành: 1997

    Thể Loại: Lãng Mạn, Tâm Lý

    Hãng Sản Xuất: Pathé

    Hãng Phát Hành: The Samuel Goldwyn Company

    Quốc Gia: Mỹ, Pháp

    Đạo Diễn: Adrian Lyne

    Biên Kịch: Stephen Schiff

    Diễn Viên: Dominique Swain, Frank Langella, Jeremy Irons, Melanie Griffith

    Thời Lượng: 2h17m

    Trailer Film:

     
  2. Đăng ký Binance
  3. Nguyễn Duy Dương

    Bài viết:
    9
    Bạn viết rất hay, nhưng quá chi tiết, qua đó khiến người ta không còn hứng thú để xem phim nữa, hãy tiếc lộ vừa phải đủ để người ta cảm thấy hứng thú với phim, mình thấy bạn hợp với review sách hơn.
     
    Phượng Chiếu NgọcHoang0302 thích bài này.
  4. Nguyễn Thị Linh

    Bài viết:
    337
    Bạn viết rất sâu sắc luôn. Mình chưa xem phim nhưng mình đã đọc truyện này. Nhiều người nói Humbert Humbert là một người đàn ông trung niên gớm ghiếc, bỉ ổi với những suy nghĩ sa đọa nhưng theo mình ông ta cũng có những suy nghĩ đau khổ. Lúc mình mua sách này, mình nhớ có rất nhiều người nhìn mình cứ như là sinh vật lạ, bao gồm cả chị thu ngân luôn. Về nhà mình cũng đọc vài dòng rồi bận, mãi một thời gian sau mới đọc lại nhưng thực sự nó là một cuốn sách khó đọc. Humbert Humbert có phải là tên ấu dâm hay không tùy thuộc vào độc giả. Cảm ơn bạn đã giới thiệu bộ phim, khi có thời gian mình sẽ xem nó.
     
    Phượng Chiếu NgọcHoang0302 thích bài này.
  5. nntc6761 ~~~Editing "Ta có ba trúc mã là long ngạo thiên"~~

    Bài viết:
    2,158
    Thực sự bộ phim mang lại cho mình những cảm xúc rất khó tả. Hoàn cảnh được dựng lên trong phim từng bị lên án là "loạn luân", "bệnh hoạn", "ấu dâm", bởi vì nó nói về tình yêu của một đàn ông đã 40 tuổi với cô bé Lolita 12 tuổi, cũng chính vì yêu Lolita mà người đàn ông ấy đã chấp nhận cưới mẹ của cô để được gần gũi với cô hơn.. Phim chuyển thể từ truyện, mà từ truyện đến phim đều có những tranh cãi gay gắt từ người xem, nhưng thực sự khi xem nó rồi thì không tài nào dứt ra được. Lolita là một tác phẩm chỉn chu, có đầu tư, diễn xuất tốt và rất nhiều ý nghĩa.
     
    Phượng Chiếu NgọcHoang0302 thích bài này.
  6. Nguyễn Duy Dương

    Bài viết:
    9
    Đi viết review sách đi, một bài cũng được hơn 50k, tất nhiên không phải trang này, trang này chắc 2 năm mới đủ 50k
     
    Phượng Chiếu NgọcHoang0302 thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...