Truyện Ngắn Lời Thì Thầm Của Beethoven - Nhật Dương

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Băng Vy, 21 Tháng chín 2018.

  1. Băng Vy Kỷ Băng Hà

    Bài viết:
    11
    Truyện ngắn: Lời thì thầm của Beethoven

    Tác giả: Nhật Dương

    Khi tôi bảo sẽ đưa con tôi đi chọn đàn, khuôn mặt con bé rạng rỡ hẳn lên. Đôi mắt nó long lanh một niềm xúc động. Nụ cười xô hai khóe miệng nhỏ xinh tạo thành lúm đồng tiền dễ thương. Tất cả những nét biểu cảm của con bé chao ôi sao mà giống em tôi đến thế, ngay cả cái khoảnh khắc hiếm hoi em tôi hạnh phúc cũng giống y như con bé bây giờ.

    Lòng tôi quặn thắt lại. Buồng phổi tôi, tim tôi dường như đang hỗ trợ nhau ngăn chặn mọi đường thở từ ngoài vào khiến lồng ngực tôi đau nghẹt. Tôi hớp lấy hớp để từng chút không khí quý giá trong vô vọng. Đầu óc tôi quay cuồng, chân tôi quỵ xuống, và cả người tôi gập cong lại trước khi kịp vịn lấy vai con.

    Con tôi trông thấy thế liền hốt hoảng kêu lên thất thanh:

    "Mẹ ơi. Mẹ. Mẹ đừng làm con sợ."

    Giữa cơn hen đang dày vò tôi cố thều thào ra chữ "thuốc" trong hơi thở khó nhọc. Con tôi chạy ù ngay vào phòng run rẩy lục lạo cho tôi lọ thuốc hít terbutalin.

    Khi đón lọ thuốc từ tay con bé, tôi lập tức vồ lấy như cá tìm thấy nước. Đoạn, nó nhẹ nhàng dìu tôi vào phòng. Một lát sau, tình hình của tôi trở nên ổn hơn, tôi quay lại tự trách bản thân mình sao mà đau đớn đến thế bởi vì niềm vui của con bé.

    Con tôi thận trọng dò sắc mặt của tôi rồi mới nói:

    - Hay là mình không mua đàn nữa mẹ.

    Tôi xua tay.

    - Không phải là vì chuyện đàn mà mẹ bị hen đâu. Chỉ đơn giản là bệnh cũ tái phát thôi. Con đừng lo. "

    - Thật không ạ." - Nó ghé sát xuống mặt tôi hỏi lại lần nữa.

    - Thật - Tôi trả lời.

    Con bé thở phào, ánh mắt nụ cười sáng trở lại

    - Trời ạ. Mẹ làm con sợ gần chết.

    Tôi đã nói dối nó, đâu phải lần đầu tiên, cũng chẳng riêng chuyện này. Vậy mà tôi luôn luôn dạy con bé rằng phải làm một con người trung thực, không được nói dối.

    Tôi dẫn nó đến một cửa hàng bán nhạc cụ ở quận trung tâm. Thầy Hưng, thầy dạy đàn của con bé cũng đi cùng chúng tôi, vừa tiện đường cho thầy qua nhà bạn vừa để giúp nó thử đàn. Con bé nói với tôi từ lâu về việc mua một cây piano cơ loại nhập khẩu từ Nhật. Nó muốn trở thành nghệ sĩ dương cầm trong tương lai cho nên một cây đàn như vậy là cần thiết để đạt đến một trình độ cao hơn. Tôi không hiểu nhiều về âm nhạc nhưng cũng nghe thầy giáo bảo thế tôi đành bấm bụng mua dẫu một cây đàn piano cơ khá mắc. Vì tương lai con tôi, tôi không ngại.

    Bước vào cửa hàng, tôi như bị choáng ngợp trước sự đa dạng của các loại nhạc cụ. Từ dương cầm, vĩ cầm, cello hay kèn đồng cổ điển phương Tây cho đến đàn tranh, đàn bầu, sáo, nhị của dân tộc Việt Nam. Từ hiện đại sử dụng điện như keyboard, piano điện, ghita điện cho đến các nhạc cụ cơ mà chủ yếu là bộ dây, bộ hơi, bộ gõ. Từ những loại phổ biến cho đến mấy thứ có hình thù kỳ lạ mà tôi chưa hề thấy bao giờ. Tất tần tật đều ở đây, cây nào cây nấy bóng loáng nước sơn, nhỏ to đủ cả.

    Người bán đàn dẫn chúng tôi qua khu piano theo yêu cầu. Đi đến đâu anh chàng trai trẻ đó liên tục giới thiệu một cách thao thao bất tuyệt về tính năng, âm thanh của từng chủng loại đến đấy. Hai thầy trò đi trước, thử vài phím đàn ở mỗi cây. Thỉnh thoảng, họ lại dừng lại kêu cậu mở hộp đàn ra mà soi sét kỹ lưỡng đến từng cái chốt, cái dây, cái khe sau đó thử toàn bộ phím đàn một lần nữa. Và rốt cục, có vẻ như đã tìm được một cây ưng ý, con gái tôi nói với cậu ta.

    - Em chơi thử một bản nhạc được chứ ạ.

    - Được. Em cứ thoải mái đi. - Cậu ta vui vẻ đáp.

    Con bé ngồi xuống, những ngón tay búp măng nhẹ nhàng lướt trên mặt đàn mà cất lên những nốt nhạc đầu tiên. Rồi con quay sang tôi toe toét cười

    Tôi khóc khi nhận ra đó là Fur Elise-bản nhạc đã lớn lên cùng em gái tôi, giờ đây không chỉ mang trong mình bản chất âm nhạc mà còn chứa đựng nỗi đớn đau của một tâm hồn day dứt. Tại sao Fur Elise cứ mãi cộng hưởng vào ký ức của tôi để rồi thỉnh thoảng lại cùng nhau âm vang trong một khoảnh khắc nào đó ở hiện tại. Tại sao không thể chia tách ra để tôi dễ dàng chôn sâu nó vào tầng tận cùng nơi tiềm thức.

    Tôi lặng lẽ ngắm nhìn biểu cảm con tôi lúc con ngồi chơi đàn, cái vẻ đăm chiêu với các nét co lại trên mặt như là bị căng thẳng ấy sao mà giống em tôi đến thế. Thế giới âm nhạc của Beethoven, thiết tha và buồn man mác, tâm hồn con bé đã từng như thể có một hơi thở riêng, thực sự sống một cuộc đời tràn đầy cảm xúc trong đó.

    Giống quá, giống đến nỗi nước mắt tôi trào ra.

    Bản nhạc chấm dứt, tôi bắt đầu bị ngộp thở. Tôi không thể tiếp tục đứng đây để con tôi trông thấy mẹ nó đang khóc lóc, vật vã như thế này được nữa, rồi nó sẽ lo lắng cho tôi nhưng biết đâu nó lại chẳng thắc mắc hay nghi ngờ điều gì. Nghĩ vậy, tôi vội tìm đại một cái cớ để ra ngoài.

    Dù đã kết thúc rồi nhưng những dư âm của bàn đàn vẫn không dứt được khỏi tai tôi. Tôi vẫn còn nghe thấy nó vang vọng lẩn khuất đâu đó trong không gian. Fur Elise! Fur Elise! Fur Elise như lời thì thầm của em gái tôi vọng về, nó muốn nhắn nhủ với tôi điều gì đó- một điều mà tôi không thể hiểu.

    * * *

    Tôi và chồng tôi đã có một cuộc cãi nhau nho nhỏ.

    Thực ra chuyện chẳng có gì ngoài việc anh ấy bực mình vì tôi suốt ngày đứng lên ngồi xuống than vãn với anh nỗi lo lắng đủ mọi điều về đứa con gái đang ở tuổi dậy thì của chúng tôi - cái tuổi cảm xúc nhiễu nhương, bắt đầu biết yêu và nhiều nông nổi. Tôi lo con tôi ra ngoài bị người ta lừa lọc. Tôi lo nó chơi phải bạn xấu, rủ rê theo những con đường sai trái. Tôi sợ nó đi xa bị bắt cóc hay nhỡ sảy ra chuyện gì. Và quan trọng nhất là hình như nó đang yêu. Tôi thấy con bé lúc cười, lúc khóc, lúc lại mơ màng thơ thẩn đâu đâu. Yêu ở cái tuổi này rất phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến việc học mà tôi còn sợ con bé chưa biết nhận thức đúng đắn về các vấn đề giới tính.. Chồng tôi hết chịu nổi những lảm nhảm tiêu cực của tôi nên đột ngột ngắt lời:

    - Em toàn nghĩ ra mấy cái kịch bản trời ơi đất hỡi. Những lo lắng ấy đều chính đáng nhưng rồi thì sao. Em định bảo bọc nó, không cho nó ra ngoài giao tiếp nữa hả. Anh thấy mấy ngày nay em làm cho nó ngột ngạt rồi. Lúc nào thấy con bé là cũng tra hỏi như hỏi cung.

    - Không phải thế. Nhưng em cần phải biết nó đang làm gì, đang suy nghĩ gì, đang chơi với ai.

    - Em nghĩ đi. Con bé cũng cần có một khoảng trời riêng. Hơn nữa là bạn bè nó em đều biết hết.

    - Chưa hết đâu. Còn bạn trai bây giờ của nó nữa.

    Chồng tôi toan mở miệng, sau đó cau lông mày một lúc rồi mới nói:

    - Em có chứng cứ gì không để nhận định điều đó.

    - Cần gì chứng cứ. Tâm lý của một đứa con gái đang yêu em lại còn không biết hay sao. Tất cả hiện hết trên mặt con bé ấy. - Tôi gào lên.

    Anh thở dài:

    - Thôi được rồi. Em đừng lo quá. Mình hãy nhẹ nhàng bảo nó. Nó vốn là một đứa trẻ ngoan.

    Anh ấy không hiểu. Con tôi đúng là một đứa trẻ ngoan nhưng cái tôi sợ là sự nổi loạn ngầm bên trong nó. Những bí mật của con sẽ ngăn trở rất nhiều sự giáo dục của cha mẹ. Hằng ngày tôi lên mạng xã hội, ở nơi phức tạp đó tôi thấy biết bao chuyện xô bồ, thanh thiếu niên bây giờ thích bạo lực, thích đăng ảnh người lớn và làm mấy trò quá trớn lố bịch. Tôi tự hỏi liệu cha mẹ các con có biết những việc chúng làm hay không. Rằng con cái họ đang bị ảnh hưởng bởi rất nhiều luồng thông tin tệ hại khiến các con có thể bị lệch lạc tâm lý, thậm chí nặng hơn là bệnh hoạn. Mà nào có phải là mấy thứ đấy ẩn chìm, bị giới hạn hay bị cấm. Chúng lồ lộ, đường đường chính chính hiển hiện trên khắp các trang mạng xã hội. Chúng kích thích trí tò mò và khát vọng bản năng thẳm sâu bên trong của các con. Rồi các con bắt chiếc theo một cách vô thức, người nọ lặp lại người kia. Cha mẹ các con có biết hay không.

    Rất nhiều bạn trẻ bây giờ sống một cuộc sống khác xa với những gì bố mẹ chúng có thể tưởng tượng. Những đứa con sắm cho mình hai vai trái ngược nhau khi ở nhà và ra ngoài. Đó là điều tôi sợ xảy ra với con mình.

    Tôi có một đứa em gái đã từng rất ngoan ngoãn. Con bé rất yêu âm nhạc và đàn piano.

    Nhưng rồi những bí mật của nó đã ngăn cách gia đình chúng tôi. Đã hơn hai mươi năm trời, tôi suy nghĩ đến nát cả óc mà vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra vs con bé để khiến nó cảm thấy gia đình không còn là nơi nương tựa. Con bé đã trải qua những gì, những xung đột gì xảy ra bên trong tâm hồn mong manh của con bé. Tất cả duyên do là vì sao?

    Hai mươi năm tôi hết lần này đến lần khác cứ hi vọng rồi tuyệt vọng. Đã hơn một lần trong tôi manh nha lên một ý nghĩ độc ác rằng giá mà tôi biết rằng con bé đã chết, để tôi thôi tìm kiếm, chấm dứt một nỗi đau dài không biết bao giờ kết thúc.

    Chồng tôi nhìn tôi, hình như thấy rõ sự mệt mỏi trên gương mặt, anh buồn bã nói:

    - Em lại nghĩ đến em gái em à.

    Tôi tựa đầu vào vai anh. Anh quay sang ôm khuôn mặt tôi bằng hai bàn tay, sau đó ôm vào lòng. Tôi khóc.

    - Em tự hỏi giờ này con bé đang ở đâu. Đang sống hay đã chết. Và nếu còn sống nó có được hạnh phúc hay không hay đang phải chịu đựng một cuộc sống lênh đênh, trôi nổi. Cứ khi mỗi tin tức về những nơi bạo hành, bóc lột sức lao động hay đường dây buôn bán người là em lại giật thót mình. Em sợ lắm anh ạ. Không biết là con bé có bao giờ nghĩ đến em hơn hai mươi năm qua chưa từng thôi lo lắng cho nó hay không.

    Anh hỏi:

    - Nghe này. Từ khi chúng ta kết hôn đã nhiều lần anh hỏi em rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì. Anh chưa bao giờ ép em nhưng giờ đã đến lúc em chia sẻ nó ra. Chúng ta đã sống với nhau mười lăm năm. Em đã đủ tin tưởng anh chưa?

    Tôi lúng túng vì những lời của anh, nước mắt cứ thi nhau tuôn ra

    - Em không biết - Giọng tôi khản đi vì nức nở. Nó đã từng rất ngoan mặc dù cũng hơi bướng bỉnh chút chút. Bố mẹ em đều yêu thương nó.

    Anh ấy lắng nghe rồi quay sang suy nghĩ một điều gì lung lắm, rồi nói:

    - Bố mẹ em có là người quá nghiêm khắc không.

    - Hai ông bà đều là người có quan điểm rất mạnh, cũng rất nghiêm khắc và nóng nảy nên hơi khó gần. Có thể con bé không hợp bố mẹ nhưng chẳng nhẽ nó lại không cảm nhận được tình yêu thương mà họ dành cho nó hay sao. Họ đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để con bé có thể phát triển tài năng. Trong bữa ăn lúc nào con bé cũng được phần những miếng ngon hơn. Con bé có đòi hỏi gì họ đều đáp ứng. Chẳng lẽ tất cả những điều đó nó lại bỏ qua hết ư? Phải có điều gì đó xảy ra.

    Anh thở dài:

    - Có lẽ đúng là như vậy. Nhưng đứa trẻ một khi giữ tất cả những bí mật trong lòng ngay cả với gia đình thì có một nguyên do là nó không cảm thấy tin tưởng ai cả, bất kỳ một ai.

    Anh có nhiều bạn bè là người hướng nội, họ đều như thế.

    - Suốt hơn một năm trước khi đi, con bé đã ở lì trong phòng không giao tiếp với bất kỳ một ai. Bố mẹ em không tài nào tìm được cách giao tiếp với nó. Nó luôn đóng cửa, chỉ ra ngoài lúc ăn cơm. Cũng may là nó còn ăn cơm để mọi người biết rằng nó chưa làm điều gì dại dột. Nhưng nếu bố mẹ tìm cách nói chuyện với con bé lúc nó ăn thì ngay lập tức nó gào thét lên, đôi mắt nó man dại, vẻ sợ hãi như một con thú trước cây súng của người thợ săn. Em không hiểu. Hai mươi năm qua em không thể nào quên được đôi mắt ám ảnh của nó.

    Những tháng cuối cùng con bé càng kì lạ, không chỉ đóng kín cửa, nó còn liên tục chơi đàn gần như cả ngày. Cả nhà em đập cửa liên tục nhưng không tài nào dứt được tiếng đàn của nó. Chắc chỉ có khi nào mệt quá chẳng tiếp tục được nữa nó mới ngưng. Có hôm nó tỉnh dậy giữa đêm chơi đàn từ lúc đó đến sáng. Cả nhà em không ai ngủ được. Nó chơi như thể muốn chấm dứt hết mọi âm thanh khác của thế gian.

    Tôi thở dài một cái nặng nhọc rồi nói tiếp.

    - Em vẫn còn nhớ được bản nhạc mà nó chơi nhiều nhất, đến nỗi có khi cả tháng nó chỉ chơi đúng bản đó. G Minor của nhạc sĩ J. S. Bach. Em bị ám ảnh bản nhạc đến mức mỗi lần nhỡ chẳng may nghe được là lần nào em cũng phải nhập viện.

    Tối hôm trước khi đi, nó đã chơi bản Fur Elise, nhẹ nhàng và tha thiết như một lời nhắn nhủ thì thầm cuối cùng mà nó gửi lại cho gia đình.

    Cả bố lẫn mẹ em đều bị cao huyết áp. Họ không vượt qua nổi cú sốc ấy, lần lượt qua đời không lâu sau đó. Trong những ngày tháng tưởng chừng như sống trong địa ngục đó, cũng may có bạn thân luôn luôn bên cạnh, an ủi và động viên em.

    Nói đến đây tôi lượt nghĩ liệu em tôi có được một người bạn nào đủ tin tưởng để con bé chia sẻ hết những vui buồn hay không. Ở ngoài kia, giữa xã hội xô bồ, lẫn lộn trắng đen em tôi liệu có được một chỗ nào yên thân.

    Con gái tôi năm nay cũng chạc tuổi em tôi hồi xưa. Và thật trớ trêu thay con bé giống em tôi một cách đáng ngạc nhiên về tính cách. Con bé cũng rất ngoan, sống hướng nội và yêu đàn piano. Mỗi lần thấy bóng dáng em tôi ở đứa con của mình, lòng tôi lại run rẩy lên nỗi sợ.

    Những năm qua tôi không chỉ cố gắng giáo dục con những đức tính tốt mà còn luôn cố tạo mọi điều kiện cho tài năng và ước mơ cho con, không gắng ép gượng nó làm bất kì điều gì theo ý mình, tự nhủ bản thân đừng quá phán xét gay gắt những nghĩ suy dù là chưa đúng của con để giúp con cởi mở hơn với mình. Chỉ khi nào con bé đừng giấu một bí mật gì hệ trọng, tôi mới có thể yên tâm.

    Vậy mà đôi lúc sự lo lắng vượt quá tầm kiểm soát của lý trí trong tôi đã khiến tôi kìm kẹp nó trong một cái khuôn khổ đủ để con bé cảm thấy ngột ngạt. Liệu có phải chăng là như thế?

    Sau cùng, chồng tôi dịu dàng nhìn vào mắt tôi, bảo:

    - Dù vậy chuyện gái của chúng ta, cả anh và em đều phải hết sức tinh tế. Việc bảo bọc con quá mức sẽ làm cho con ít va chạm xã hội, những kinh nghiệm xã hội dù tốt hay xấu cũng hình sẽ hình thành trong con kỹ năng quan trọng trong đó có kỹ năng tự bảo vệ mình. Làm cho con vừa trở nên nhút nhát vừa thiếu sự linh hoạt đồng thời chính việc ngăn cấm mới gây nên sự nổi loạn ngầm bên trong con vì bản chất của một đứa trẻ lúc mới sinh ra không phải hướng nội mà là hướng ngoại.

    * * *

    Hai vợ chồng chúng tôi nhất trí với nhau rằng lần này sẽ để anh ấy nói chuyện với con bé. Tính tôi nóng nóng nảy, sợ chẳng may nhỡ mất kiểm soát làm cho con bị tổn thương mà càng thu mình lại. Tôi hồi hộp đến độ ngày nào đi làm về cũng gặng hỏi chồng tôi xem đã nói chuyện với nó chưa.

    Cuối cùng rồi không biết anh ấy tâm sự với con bé lúc nào, một buổi tối con gõ cửa phòng tôi những tiếng ngập ngừng. Nó nói:

    - Mẹ ơi. Mẹ cho con nói chuyện một chút được không ạ.

    Tôi mừng như bắt được vàng:

    - Được. Được. Con lại đây với mẹ nào.

    Con chăm chú dò xét gương mặt của tôi. Tôi nhận ra sự căng thẳng của con khi lồng ngực nó phập phồng. Con lấy một hơi dài, mới nói:

    - Mẹ ơi. Có phải là ở tuổi này con chưa được yêu phải không ạ?

    Nghe nó hỏi câu ngây ngô, dễ thương đó nước mắt tôi trào ra. Vậy là rút cuộc con cũng đã nói với tôi, những điều băn khoăn trong lòng con đã có thể tìm đến tôi và chia sẻ. Con không biết là điều đó khiến tôi hạnh phúc thế nào đâu. Tôi ước giá mà trước kia tôi cũng có thể nói với tôi như vầy.

    Thì có lẽ bi kịch ấy đã chẳng xảy ra.

    Nước mắt tôi cứ liên tục tuôn rơi, để rồi không còn là khóc thầm nữa, tôi nức nở ra thành tiếng.

    Con bé hốt hoảng cũng khóc theo.

    - Mẹ ơi. Mẹ sao vậy. Con.. Con.. - Nó nói, giọng nghẹn ngào.

    Một lúc sau, khi bình tĩnh lại, tôi nhẹ nhàng bảo con:

    - Không phải đâu con. Con được yêu chứ. Chỉ là hứa với mẹ một điều nhé.

    - Vâng - Con đáp.

    Tôi nắm lấy tay nó.

    - Con không được để việc yêu đương làm ảnh hưởng đến học tập. Và dù bây giờ hay sau này dù con có yêu, có gặp hay giao tiếp với bất kì ai thì con hãy nhớ rằng. Làm con gái là phải có lòng tự trọng, biết suy xét, không phải ai nói gì con cũng nghe và đừng ai bảo gì con cũng làm theo. Con hiểu chứ.

    Tôi thấy con suy nghĩ, băn khoăn một hồi nhưng tôi không biết liệu nó có hiểu ẩn ý trong những lời nói của tôi hay không?

    - Dạ. Vâng ạ - Con bé đáp dứt khoát, đồng hành theo nó là tiếng cười vui vẻ. Tôi thấy ánh cười chạy lên cả mắt con khiến lòng tôi bồi hồi, hạnh phúc.

    - Còn nữa -Tôi lại nói.

    - Dạ.

    - Hôm nào dẫn chàng trai đó về đây nhé.

    - Vâng mẹ ạ.

    Con ngồi vào đàn. Những nốt nhạc của Fur Elise lại cất lên, du dương và tha thiết. Nhưng lần này tôi cảm nhận Fur Elise với cảm xúc khác. Với nhịp nhanh và có chút vui vẻ ở đâu đó trong bản đàn. Tôi không còn bị xúc động quá mạnh nữa.

    Con quay lại nhìn tôi, kể cho tôi nghe cái cách con thể hiện mình trong nhạc.

    Phải rồi. Em gái tôi cũng thế. Khi chúng tôi còn ở bên nhau, con bé rất thích chia sẻ điều như vậy. Mà minh chứng rõ nhất chính là Fur Elise. Con bé nói với tôi rằng nó rất yêu thích bản Fur Elise do nghệ sĩ IVo Pororelich trình bày. Ngài không cố chơi bản này nhanh như những người khác để thể hiện kỹ thuật mà chơi bằng tất cả tâm hồn cảm xúc. Cái hồn của tác phẩm đã được ngài truyền đạt đến tất cả mọi người một cách trọn vẹn.

    Trong cơn mơ, tôi lại nghe âm vang đâu đây những tiếng đàn chậm rãi, thiết tha như lời thì thầm của em gái tôi vọng về. Tôi không giật mình cũng chẳng hoang mang hay cố kiếm tìm trong vô vọng, cứ để mặc mình chìm đắm vào không gian.
     
    Aki Re thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...