Lời nói dối ngọt ngào Tác giả: Vũ Tiến Luật Năm ấy, anh đội trưởng đưa toán thợ nề của Thực đến một địa điểm xây nhà. Tưởng trong thành phố đông vui, hóa ra lại ở ngoại thành. Nơi đây làng không ra làng, phố cũng chưa ra phố còn nhiều khu đất trống, ruộng hoang và ao chuôm. Anh đội trưởng bảo toán thợ nề dựng lán ở gần mặt bằng xây dựng cho tiện việc đi lại và trông coi vật liệu. Toán thợ nề được nghỉ trong nhà trọ một buổi tối. Sáng hôm sau ông chủ cho xe chở vật liệu và cốt pha đến cho thợ nề dựng lán. Sàn ghép bằng gỗ cốt pha, xung quanh che vải bạt, mái cũng lợp vải bạt. Những ngày đầu Thực không sao ngủ được vì ban đêm có những cơn gió lùa, tấm vải bạt rung phần phật! Gió lách qua khe hở đưa cái mùi cống rãnh khai điếc mũi. Đã thế lũ muỗi đói vớ được thợ nề ta như miếng mồi ngon, chúng hò reo từng đàn vo vo chui vào trong lán cứ nhằm những anh nào giẫy đạp thò chân ra ngoài màn là chí vòi vào hút máu. Sợ nhất là hôm nao động trời có muỗi mắt. Chúng bé tí hin màn nào cũng chui lọt đốt đau nhoi nhói. Anh Hòe đội trưởng phải đến cửa hàng mua thuốc phun muỗi tuy độc hại còn hơn là mất ngủ. Nhưng đâu đã yên. Những hôm mưa rào, nước ngập các ruộng ao, hồ thì ếch, nhái, chão chuộc phồng má trợn mắt cãi nhau. Con thì "chuộc, chuộc, chuộc!" con lại "chẳng chuộc, chẳng chuộc" suốt đêm điếc cả tai nghe vừa tức vừa buồn cười: Thành phố mà cũng có chão chuộc? Thế mà cái làng quê của Thực từ khi ao chuôm san đất xây nhà, xây khu chế xuất, mở đường cao tốc đi qua thì lũ ếch nhái, chão chuộc kéo cả bầu đoàn thê tử đi đâu? Chỉ những hôm nào mưa rào mới thấy vài chú ngoé nhảy tanh tách ngoài bờ ao và lơ thơ tiếng ếch kêu ộp ộp! Có lên thành phố mới thấm thía cái nắng chang chang như bốc khói ngoài mặt đường. Nó không như ở quê, nhà cửa thưa thớt lại có bóng râm cây cối. Cái nóng của thành thị ngoài tia nắng như đốt của mặt trời, cái nóng còn ở những ngôi nhà bê tông, đường nhựa tỏa ra, có lúc tưởng như máu trong người sắp sôi lên mất. Thế mà thợ nề vẫn thoăn thoắt tay bay, tay gạch hàng hàng thẳng tắp! Ông chủ nhà - một quan chức của thành phố là người cẩn thận, khó tính. Ông từng học Đại học Bách khoa Hà Nội, vốn quen với độ chính xác từng li, lại có con mắt tinh tường, anh thợ nào làm ẩu là ông phát hiện ra ngay. Thường cứ chiều thứ bảy, hoặc chủ nhật ông đến kiểm tra cánh thợ. Hai tay chắp sau đít ông thũng thẵng đi quan sát từng người, rồi dừng lại xem Thực trát trần. Bàn tay Thực dẻo quẹo cầm bay vẩy vữa tanh tách lên trần nhà. Thợ vụng thì vữa rơi lả tả. Với Thực thì như có chất keo dính kết trên bề mặt bêtông. Tay vẩy vữa, tay cầm thước gạt, tay cầm bàn xoa. Xoa lên, xoa xuống, lượn tròn, lượn khéo. Mặt trần phẳng lừ, nhẵn thín tưởng như thạch sùng cũng khó mà leo lên được. Ông chủ gật đầu: "Khá lắm, khá lắm! Ngày mai tôi thưởng". Đúng như lời hứa, chiều hôm sau bà chủ đích thân lái chiếc xe con bán tải đến đón toán thợ nề đến khách sạn bốn sao. Khỏi phải nói toán thợ nề ta sung sướng đến nhường nào. Bụng đang đói ngấu mà thức ăn thì bày la liệt trên bàn, trên giá nào là thịt gà, tôm rán, ghẹ, ốc đĩa, ốc hương, thịt lợn, thịt bò, rau xào, bí luộc.. thơm nức mũi. Ai muốn ăn gì cứ tự nhiên xúc vào đĩa. Ăn nhiều, ăn ít chẳng ai bảo sao, thoải mái cho thợ nề ta ăn như tằm ăn rỗi. Chỉ có mấy cô nhân viên phục vụ là hay tò mò cứ nhìn anh em ăn mà tủm tỉm cười. Ông chủ tỏ vẻ thích anh em thợ. Ông giao hẹn: Từ nay mỗi khi làm xong một công đoạn có chất lượng tốt, ông sẽ thưởng tiền và cho một bữa "búp-phê" ăn mệt nghỉ! Đấy! Thế mà hôm mới đến, nhiều anh chán nản muốn đòi về. Bây giờ anh nào anh ấy túi tiền rủng rỉnh lại thích đi chơi phố. Mỗi buổi chiều đi làm về tắm giặt sạch sẽ, cơm rượu no nê thì trời cũng vừa tối. Đứng ở cửa lán nhìn lên trung tâm thành phố đã lên đèn sáng rực một khoảng trời. Ánh đèn màu nhấp nháy như mời gọi. Thợ nề í ới rủ nhau lên phố. Mỗi Thực không đi ở nhà sang hàng xóm xem tivi, có hôm đi ngủ sớm. Nhiều lúc Thực thấy nhớ nhà, nhớ người bạn gái - cô Nền, bạn học từ thời cấp một, yêu nhau đã mấy năm. Hôm mẹ Thực cùng dì Thu và mấy người họ hàng đi dạm ngõ bên ấy thách cưới những hai mươi bánh dày, ba mươi cân thịt lợn, năm mươi chiếc bánh nướng thập cẩm, năm chỉ vàng và hai mươi triệu tiền mặt! Họ hàng nhà Thực ai cũng lè lưới lắc đầu "sao bây giờ vẫn còn những con người lạc hậu thế không biết?". Thế là đám cưới không thành. Mẹ Thự bảo: "Con là thợ đi đâu chả lấy được vợ. Lo gì?". Buổi sáng hôm ấy trời nắng chang chang, Hàng cây rên rỉ tiếng ve sầu. Bỗng có đám mây đen ùn ùn kéo đến nhưng trời không mưa mà chỉ có gió. Gió rào rào của cơn giông giải nhiệt mát rượi. Sướng rơn! Chất văn nghệ bốc lên, thợ nề ta cao hứng cất tiếng hát. Anh thì: "Ôi con sông quê, con sông quê.." anh thì ngân nga câu quan họ: "Đứng ở đằng xa, yêu nhau đứng ở đằng xa.." anh lại nghêu ngao câu vọng cổ: "Thôi em ơi đừng yêu anh nữa, trái tim anh đã trát vôi vữa cả ơ.. rồi!". Toán thợ cười như pháo. Bỗng có tiếng hỏi: "Các anh ơi có gì bán em mua?". Một cô gái ve chai dắt xe đạp bước vào. Cô đội chiếc mũ cói rộng vành. Khẩu trang che kín cả mặt lẫn mũi. Chả biết xấu, đẹp thế nào, nhưng chỉ nhìn cái dáng cao cao thon lẳn đã thấy cảm tình. Dựng xe đạp bên kiêu gạch cô ngước mắt lên: "Các anh ơi có sắt vụn, vỏ bao xi măng thì bán cho em?" Toán thợ tranh nhau nói: "Em có mua anh, anh bán". Cô ve chai không lạ gì thợ nề thường vui nhộn thích đùa. Cô cũng véo von một chút cho vui: Em mua sắt vụn chứ mua anh để làm gì? - Có chồng thì mặc có chồng. Ở đây vắng vẻ tơ hồng ta cứ se. Hí hí! - Em có chồng rồi anh ạ! - Mua anh về làm chồng! Toán thợ phá lên cười. Trong khi các anh thợ bông lơn, cợt nhả thì Thực tụt xuống giàn dáo dẫn cô ve chai đến chỗ hôm trước Thực làm sắt có rất nhiều mẩu thép thừa, Thực bảo: "Em cứ nhặt thoải mái. Vài ngày sau em đến tôi đề dành cho." Từ hôm ấy cứ cách ba, bốn ngày cô đến. Mỗi lần cô đến cánh thợ xôn xao, náo nức. Không khí làm việc rộn rã tưng bừng. Thế rồi tự nhiên hơn một tuần sau không thấy cô đến. Thực nghĩ: "Hay là do các anh thợ bỗ bã đùa dai nên cô ngại, hoặc biết đâu cô ốm? Chiều hôm đó đổ xong bêtông mặt sàn tầng năm, có thời gian rỗi rãi, Thực một mình đến bưu điện gửi ít tiền về cho mẹ. Lúc về Thực đi qua một con phố có bãi đất trống người ta đổ đầy rác rưởi. Dưới nắng chiều hầm hập, bãi rác bốc mùi hôi thối, Thực phải bịt mũi nín thở cố bước qua thật nhanh. Đến gần Thực nhìn thấy hai cô gái đang cãi nhau. Cô mặc áo nâu túm tóc cô áo xanh vít xuống. Đàn bà đánh nhau thường chỉ dùng hai miếng võ hiểm. Một là túm tóc, hai là xé áo quần của nhau ra để làm nhục nhau trước đám đông. Cô áo nâu đồng thời tung ra hai miếng võ, vừa túm tóc vừa tụt quần cô áo xanh. Cô áo xanh rơi cả nón cùng khẩu trang, mặt không còn hạt máu. Hai tay vẫn cố thủ cạp quần. Thực nhảy vào kéo hai cô giãn ra. Thực ớ người nhận ra cô ve chai quen biết. Thực mắng cô áo nâu: - Cùng cảnh áo rách với nhau, đã không giúp đỡ nhau lại còn cậy lớn đánh người ư? - Vì nó nhặt ở bãi rác của tôi. - Đã là bãi rác thì ai cũng có quyền nhặt, sao cô có quyền cấm đoán? - Anh nói dở! Bãi rác này là của tôi vì tôi đã nộp thuế cho người ta thì tôi là trưởng bãi. Nó muốn nhặt thì cũng phải nộp thuế cho tôi chớ! Thực bực tức chửi đổng:" Tiên sư chúng nó. Bãi rác cũng có kẻ bảo kê? ". Thực kéo cô ve chai ra ngoài an ủi:" Thôi em ạ. Từ nay em đừng đến bãi rác này nữa kẻo người ta đánh cho thì khổ. Em cứ đến chỗ tôi. Ở đấy các anh thợ vui tính tếu táo cho vui thôi. Em đừng ngại ". Cô ve chai ngoan ngoãn đi theo Thực. Hai người vừa đi vừa trò chuyện. Cô ve chai khoe với Thực có đứa em gái học rất giỏi. Nó học giỏi toàn diện các môn. Từng đoạt giải nhất môn toán của tỉnh và giải nhì môn sinh toàn quốc. Nó có nguyện vọng thi vào trường Đại học Y nhưng vì nhà nghèo, cha ốm, mẹ yếu nên chỉ muốn cho nó học hết trung học phổ thông rồi ở nhà làm ruộng và lấy chồng. Nó bảo:" Mẹ cứ cho con thi vào trường đại học Y. Trở thành bác sĩ con sẽ trở về chữa bệnh cho bố mẹ. Nếu con thi đỗ con sẽ vừa học vừa làm để tự nuôi mình. Mẹ đừng lo. "Không ngờ nó đỗ thật. Hôm có giấy báo tựu trường, anh em họ hàng, xóm phố đến ngồi chật ba gian nhà chúc mừng. Họ coi đó là một bác sĩ tài năng tương lai. Em đã xin bố mẹ ra phố làm nghề ve chai nuôi nó ăn học từ bấy đến nay. Nó đã học sang năm thứ tư. Thực vô cùng cảm động trước tấm lòng thương yêu vô bờ bến của người chị đối với em. Mải mê trò chuyện, Thực và cô ve chai đã về đến lán. Toán thợ nề nhìn thấy hai người đi song đôi reo lên:" Đẹp đôi quá! Thằng Thực tán được em ve chai rồi các cậu ơi! ". Cô ve chai đỏ mặt, Thực thì mặc kệ, anh đến bên cửa lán xách một bao sắt vụn và mấy tệp vỏ bao xi măng đặt lên gác-ba-ga xe đạp rồi chằng buộc cẩn thận cho cô. Anh em trong tổ nề bảo Thực là" nịnh đầm ". Thực không coi việc làm đó là" nịnh đầm ". Bởi Thực biết hoàn cảnh những cô gái ve chai cũng khó khăn vất vả lắm. Cả ngày rong ruổi trên các nẻo đường dù nắng hay mưa. Nếu không mua được gì thì sà vào các bãi rác tìm những đồ thải đem bán kiếm những đồng tiền lẻ. Với sự cảm thông sâu sắc, Thực muốn chia sẻ, giúp cô thế thôi. Tuy chưa biết mặt, nhưng mỗi khi đứng trên giàn giáo nghe thấy tiếng rao" ai đồng chì, sắt vụn, tivi, tủ lạnh, xoong nồi hỏng bán ơ! Thực lại dừng tay bay ngó xuống. Nhận ra cô ve chai thân thiết, Thực vội vàng tụt xuống, và lần nào cũng như lần nào, Thực nâng bao sắt vụn, giấy, vỏ lon đưa lên xe đạp chẳng buộc cẩn thận cho cô. Tuy không ai nói ra nhưng cả hai trong lòng như đã có ý, nên mỗi ngày không nghe thấy tiếng rao của cô ve chai, Thực rất bâng khuâng. Vậy mà bẵng đi mấy tuần liền, Thực không nhìn thấy bóng dáng cô ve chai. Thực nóng lòng chờ tới một tháng, rồi hai tháng.. lần này thì Thực tin là cô ve chai ốm thật. Một buổi tối Thực lang thang tìm đến mấy xóm trọ để biết thực hư. Thực đến một nhà trọ toàn con gái. Cô mặc váy, cô mặc quần đùi áo may ô ba lỗ. Kẻ nằm người ngồi ngả nghiêng trò chuyện. Những cô gái ve chai không còn đeo khẩu trang, hoặc chít khăn kín mít như ban ngày, Thực được nhìn rõ khuôn mặt của các cô. Hóa ra các cô không đen đúa, xấu xí như Thực tưởng. Trước mắt Thực là những cô gái trắng trẻo dễ thương, mái tóc được chải chuốt mượt mà. Có một cô gái đang nằm nhìn ra thấy Thực nhổm dậy hỏi: - Anh kia tìm ai? - Tôi muốn gặp một cô.. quen nhưng chưa biết tên.. Các cô ngồi cả dậy phá lên cười: Yêu người ta rồi hả? Chúng mày ơi tất cả lại đây xem anh ấy nhận mặt ai là người yêu? Gần chục cô gái xúm lại quanh Thực. Mạnh dạn như thợ nề mà trước các cô, Thực cũng phải đỏ mặt. Thực nhận diện từng gương mặt, nhưng không thấy ai là người giống cô ve chai thân thiết ấy. Thực thẫn thờ ra về, định hôm nào rỗi sẽ đến xóm trọ khác tìm cô thì ngôi nhà đã xây xong, toán thợ nề của Thực lại nhổ lán đến một khu phố mới. Khi ở nội thành, lúc ở ngoại thành, công việc liên miên khép kín thời gian. Nhiều hôm đứng trên giàn dáo nghe tiếng rao "đồng chì sắt vụn bán ơ!". Thực háo hức nhìn xuống, chỉ là những cô ve chai thường gặp, còn cô ve chai ấy vẫn như bóng chim tăm cá. Tự nhiên Thực thấy buồn, tủi thân trách phận toàn đi xây nhà đẹp cho người, còn mình thì quanh năm suốt tháng sống trong lán trại hôi hám nơi đất khách quê người. Tuổi xuân cứ vùn vụt trôi. Dòng đời hối hả trong cuộc đua chen, thì Thực như dừng chân tại chỗ. Mấy đứa bạn của Thực đa số đã trưởng thành. Đứa là chủ doanh nghiệp, đứa có đầm nuôi tôm, đứa công chức nhà nước và hầu hết đã có vợ con. Mấy hôm trước mẹ Thực nhắn tin qua một người họ hàng: "Tìm lấy đứa nào ở quê hay làm gì cũng được, chứ đừng già kén, kẹn hom rồi sẽ chết già đấy con ạ". Thực bỗng nhớ tới cô ve chai. Thấm thoát đã hơn hai năm rồi Thực không gặp lại. Giờ cô em gái của nàng hẳn đã tốt nghiệp ra trường. Hai chị em nàng đã yên bề gia thất? Dự định xây xong ngôi nhà mới này Thực sẽ về quê. Chiều ý mẹ Thực sẽ cưới một cô gái nông thôn đẹp người, tốt nết. Mẹ sẽ có nàng dâu thảo chăm sóc mẹ trong những ngày Thực đi làm xa. Người ta bảo "cái gì nói trước thường bước không qua". Buổi sáng hôm ấy anh thợ cả giao cho Thực trang trí mặt tiền. Với bàn tay khéo léo, tỷ mỉ, Thực đắp, cắt những đường phào, đường chỉ thẳng tưng; Những đường nét hoa văn tinh xảo, sống động. Ai qua lại cũng ngẩng đầu lên ngắm nghía, tấm tắc khen. Thực hưng phấn mải mê làm không biết mệt. Lúc đứng lên, khi ngồi xuống, lúc lùi ra ngắm nghía, bất chợt dẫm chân lên thanh gỗ bập bênh, Thực trượt chân ngã nhào xuống, cũng may, áo Thực vướng vào thanh giàn giáo người Trực bị treo lơ lửng. Toán thợ nhốn nháo chạy đến, nhưng không kịp, Thực bị rơi xuống đất. Những người thợ xúm lại ai nấy đều thở phào vì Thực rơi vào đống cát san nền. Họ đưa Thực đi bênh viện cấp cứu. Tỉnh dậy Thực thấy mình nằm trong bệnh viện. Nhìn trong phòng, người nào cũng bông băng trắng xóa. Gương mặt rầu rĩ lo âu. Thực cảm thấy mình nhỏ bé trước những tà áo trắng. Đã thế Thực lại luôn nghe bệnh nhân thì thầm về những điều không tốt của bệnh viện, Thực càng thêm hoang mang lo lắng. Ông bệnh nhân nằm gần giường Thực hỏi: "Cậu có quen ai là bác sĩ không?". - Cậu phải tìm cách làm quen với bác sĩ, điều dưỡng chứ không thì gay đấy. Các vết thương của cậu đến mục thất mới khỏi. Muốn làm quen họ cũng dễ thôi. Chớ có quà cáp linh tinh, cứ qui ra tiền, càng nhiều tiền càng dễ làm quen. Đời bây giờ nó thế, mình phải thế đấy cậu ạ! - Cháu là thợ nề ở quê ra chẳng có ai quen. Thực đưa tay vào túi áo. Tiền mới lĩnh còn nguyên. Thực yên dạ làm sẵn một chiếc phong bì đút túi áo. Sáng hôm sau chị bác sĩ trưởng khoa vào thăm khám. Chị vạch áo xem các vết thương rồi đo huyết áp, nghe tim, phổi, thử phản xạ của mắt, phản xạ chân tay cho Thực xong, chị nói: "Anh là may lắm đấy, các vết thương đều ở phần mềm. Yên tâm điều trị, và ngày nữa là ra viện thôi. Anh đừng lo". Thực rụt rè đưa tay vào túi áo định rút phong bì, nhưng lại lúng túng không biết đưa cho bác sĩ bằng cách nào thì chị đã bước sang phòng bên. Thế là nhỡ mất cơ hội, Thực lo lắm, chờ hôm nào chị bác sĩ trực ca. Song, không như Thực nghĩ, không như người ta đồn thổi, Thực được bác sĩ cùng kỹ thuật viên chăm sóc tận tình. Hằng ngày còn có các nhóm sinh viên thực tập. Em nào cũng mặc áo blu trắng. Chiếc ống nghe thõng trên ngực. Thực nhìn họ vừa gần gũi vừa cao sang. Buổi chiều hôm ấy có ba cô sinh viên vào phòng thực tập. Một cô nhìn thấy Thực vội vã đi đến hỏi: Anh Thực đấy ư? Anh làm sao, vào viện từ bao giờ mà em không biết? Thực ngỡ ngàng: Tôi ngã giàn giáo nằm viện đã hai ngày rồi. Nhưng sao cô lại biết tên tôi? Biết chứ! Em còn biết rõ về anh nữa là đằng khác. Thực nhìn cô sinh viên có dáng quen quen. Trong trí nhớ của Thực hiện lên hình bóng cô ve chai. Thực nghĩ hay là cô em gái của nàng. Thực ướm hỏi: - Tôi trông cô rất giống cô gái mua bán sắt vụn mà tôi quen. - Chị em đấy! Chị em bảo có quen một anh thợ nề rất tốt tính đã giúp chị nhiều và có lần cứu chị ấy thoát một trận đòn của chị ve chai ngoài bãi rác. Thì ra người ấy là anh đấy ư? - Thật thế à? Chị ấy giờ ở đâu, lâu quá rồi tôi không gặp. - Chị em đang ở dưới quê. Chị ấy bảo mấy hôm nữa sẽ lên phố. - Anh có nhớ chị ấy không? - Nhớ lắm! Tôi cảm phục chị ấy đã vì sự học của em mà dấn thân vào cuộc sống lam lũ để nuôi em ăn học. Chị ấy đã tốt nết lại đẹp người, một vẻ đẹp khiêm nhường giản dị chứ không phấn son lòe loẹt như những cô gái phố. - Anh quá khen, chứ chị em xấu lắm lại làm cái nghề thấp hèn. - Xã hội phân công mỗi người một nghề. Tôi là thợ nề cũng nghèo như chị ấy, lại đen đúa xấu trai, nên chẳng có cô gái nào yêu. Cô sinh viên che miệng cười khúc khích: Anh có yêu chị em không? - Người như thế thì ai mà không yêu! - Thế mà anh chả nói. Đàn ông phải chủ động nói trước chứ. Ai lại để con gái nói trước bao giờ? Anh ngố lắm! Hôm ra viện, cô sinh viên tiễn chân Thực ra ngoài cổng. Cô đưa cho Thực một lá thư và nói khi nào anh về đến nhà mới được mở ra xem. Về lán Thực hồi hộp mở thư ra đọc: "Anh Thực ơi! Em có lỗi với anh nhiều lắm. Em đã nói dối anh. Em chẳng có chị gái nào cả. Cô ve chai mà anh thương nhớ ấy là em, anh ngố lắm. Người ta nói dối thế mà cũng tin!". Thực xem đi, xem lại nhiều lần rối áp lá thư vào ngực để cảm nhận hơi hướng của cô ve chai yêu quý. Thực nhìn ra xa, thành phố như trải rộng tới chân trời nguy nga đồ sộ những tòa cao ốc, mà lòng Thực rộn rã những niềm vui.