Hiện nay, liệu pháp "Truyền trắng" khá phổ biến tại các spa và thẩm mỹ viện, thậm chí là có dịch vụ tại nhà. Khái niệm này không còn xa lạ nữa. Vậy với những bạn có làn da chưa được trắng như mong muốn có nên Truyền trắng hay không? Rủi ro của liệu pháp này là gì? Nó có thực sự hiệu quả? Chúng ta có thể cải thiện màu da với các biện pháp an toàn khác hay không? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhé. 1. Truyền trắng là gì? Truyền trắng hay truyền trắng da nói đơn giản là việc đưa hoạt chất Glutathione vào cơ thể thông qua việc truyền tĩnh mạch, nhằm làm trắng da. 2. Có dạng dùng đường uống không? Glutathione rất khó có thể hấp thu tại đường tiêu hóa do bị phân hủy tại dạ dày, do vậy việc dùng các viên/gói theo đường uống có vẻ không có hiệu quả đáng kể. 3. Tại sao Glutathione có thể làm trắng da? Tác dụng làm sáng da của nó là do ức chế trực tiếp cũng như gián tiếp enzyme tyrosinase và chuyển từ sản xuất eumelanin sang phaeomelanin, tức là làm giảm sản sinh sắc tố da (hắc tố da - làm da trở nên tối màu). 4. Nguồn gốc tự nhiên và vai trò của Glutathione Glutathione là một thiol-tripeptide trọng lượng phân tử thấp, bao gồm ba axit amin (cysteine, glutamic, glycine) và thiol phi protein. Nó là một chất chống oxy hóa được sản sinh tự nhiên tại gan của chúng ta. Glutathione cũng có trong thực vật, động vật, nấm, vi khuẩn. Glutathione có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe, nó đóng vai trò nổi bật trong việc duy trì cân bằng oxy hóa khử nội bào. Cụ thể, glutathione đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chống oxy hóa, chuyển hóa chất dinh dưỡng và điều hòa các sự kiện của tế bào (bao gồm biểu hiện gen, tổng hợp DNA và protein, tăng sinh tế bào, phản ứng miễn dịch). Thiếu hụt glutathione góp phần gây ra stress oxy hóa, lão hóa và sinh bệnh học của nhiều bệnh (bao gồm kwashiorkor, co giật, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, bệnh gan, xơ nang, thiếu máu hồng cầu hình liềm, HIV, AIDS, ung thư, đau tim đột quỵ và tiểu đường). Hiện nay glutathione được sử dụng trong y khoa với chỉ định chủ yếu là hỗ trợ điều trị bệnh gan hoặc hỗ trợ điều trị ung thư. 5. Truyền trắng có an toàn không? Sự cường điệu xung quanh các đặc tính làm mất sắc tố của glutathione có thể là một mánh lới quảng cáo tiếp thị của các công ty dược phẩm. Nó có sẵn ở dạng uống, tiêm và bôi, thậm chí có cả dạng ngậm dưới lưỡi. Mặc dù việc sử dụng glutathione tiêm tĩnh mạch rất phổ biến nhưng không có bằng chứng nào chứng minh tính hiệu quả của nó lâu dài bởi sự ức chế sinh hắc tố da sẽ mất đi khi glutathione bị đào thải hết ra khỏi cơ thể. Dùng glutathione lâu dài có liên quan đến mức kẽm thấp hơn. Glutathione hít vào có thể gây ra cơn hen suyễn ở những người mắc bệnh hen suyễn. Chưa có bằng chứng cho thấy liệu dùng glutathione có an toàn với phụ nữ mang thai và cho con bú hay không. Một số nghiên cứu cho rằng quá liều còn có thể gây ra ngộ độc và phản tác dụng trên hệ miễn dịch. Trên thực tế, những tác dụng phụ do glutathione truyền tĩnh mạch gây ra, nguy hiểm nhất là sốc phản vệ, có thể dẫn đến tử vong, đã khiến Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm một số nước đưa ra cảnh báo công khai lên án việc sử dụng nó cho các mục đích làm đẹp. Bên cạnh đó, những câu hỏi quan trọng như thời gian điều trị, thời gian duy trì hiệu quả làm sáng da và quy trình làm trắng vẫn chưa có bằng chứng khoa học cụ thể. Ngoài ra việc truyền trắng tại nhà hay tại các cơ sở không có đủ phương tiên cấp cứu sẽ rất nguy hiểm khi xảy ra sốc phản vệ, bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời có thể xảy ra nguy cơ tử vong. 6. Liệu pháp thay thế? Bổ sung bằng cách nào? Mức độ glutathione trong cơ thể có thể bị giảm do một số yếu tố, bao gồm dinh dưỡng kém, độc tố môi trường và căng thẳng. Mức độ tổng hợp glutathione tại gan cũng giảm dần theo tuổi tác. Một số chất bổ sung khác có thể thúc đẩy sản xuất glutathione của cơ thể bạn, chẳng hạn như: Tinh bột nghệ, N-axetylcystein (đặc biệt là ba axit amin cấu tạo nên glutathione), Selen, Silymarin, Vitamin C, Vitamin E Bạn có thể nhận được glutathione tự nhiên từ các thực phẩm sau: - Măng tây: Trong 100g măng tây có chứa khoảng 28.3mg Glutathione - Trái bơ: Trong 100g trái bơ có đến 27.7mg Glutathione tự nhiên - Rau chân vịt: Trong 100g rau bina có chứa đến 11.4mg - Đậu bắp: 100g đậu bắp, lượng Glutathione chiếm đến 11, 3mg. - Súp lơ xanh: Trong 100g súp lơ có chứa khoảng 9.1mg Glutathione Nghiên cứu lâm sàng cho thấy các biện pháp bổ sung bằng con đường dinh dưỡng mang lại lợi ích đáng kể. Hết. Nguồn tham khảo: - Vinmec.com - Pubmed