Tác phẩm: Lời cảm ơn đến muộn Tác giả: Đoan Trang (Iluttmab) Cuộc thi Nét Bút Tuổi Xanh Tôi thấy bé Quỳnh gần nhà tôi ngày nào cũng được bà dắt tay đi dạo vào đúng khoảng năm giờ chiều. Cứ mát trời, bà ngoại Quỳnh sẽ dắt nó đi một vòng quanh xóm, nó có một cái váy yếm màu xanh, đẹp lắm, nên nhà nó sắm cho nó rất nhiều váy vóc màu xanh mà nó thích. Thằng Minh nữa, tính ba nó khoe khoang nên bao giờ gặp tôi cũng thấy ba nó đang ba hoe chích choè về mấy giải đá banh của nó. Cả bé Trâm, bé Miu, thằng Tí, thằng Beo.. Dường như đứa trẻ nào cũng sống ngập trong tình yêu của ba mẹ. Nhưng mà tôi thì không thế. Tôi là mảnh tàn dư còn sót lại của một gia đình không hoàn hảo. Khi cô giáo bắt tôi viết bài văn về gia đình, tôi đã ngẫm nghĩ rất lâu, lâu đến tưởng chừng như tôi không viết nữa. Gia đình của mấy đứa trong lớp đều có ba người. Nhưng tôi chỉ có hai thôi. Mẹ tôi mất ngay sau khi tôi ra đời, vì bà bị băng huyết. Thời bà thì bệnh đó còn khó chữa, nên bà mất ngay sau khi đẻ tôi ra. Tôi nghĩ có thể đó là lý do ba không thích tôi. Bởi vì ba tôi yêu mẹ tôi hơn bất kỳ ai trên đời. Ba tôi không thích tôi khóc lóc, ba bảo con người chỉ khóc khi có chỗ dựa thôi, ba không phải chỗ dựa của tôi, nên tôi không được khóc. Ba cũng không thích tôi khoe khoang, hồi bé tôi đã từng nỗ lực đến sứt đầu chảy máu để cầm một tấm bằng khen về cho ba, ba vẫn dùng chất giọng đều đều để dạy tôi: "Con hãy đừng khoe khoang, đứa trẻ khác nghe thấy sẽ ghen tị." Ba tôi bị mất một chân. Ba kể đó là di chứng để lại sau khi ba cứu chị của mẹ lúc nhỏ. Vậy nên từ nhỏ đến lớn, tôi chưa từng được ba dắt đi dạo. Còn nhiều lắm, nhiều lắm. Nhiều đến nỗi tôi không ít lần nghĩ rằng, hẳn là ba ghét mình lắm. Lại gần đến ngày ba gặp mẹ lần đầu rồi. Năm nào tới ngày này ba cũng ngồi ngẩn người. Còn tôi thì vẫn như thường thôi, nằm ngủ li bì trên sô pha, chỗ yêu thích của tôi. * * * Tôi nghe tiếng ầm ầm dội lại bên tai mình, hình như còn có ai đó đang lay thân mình tôi liên tục nữa. "Cô gái ơi, cô ơi, cô có sao không?" "Cô ơi, các anh chiến sĩ sắp tới rồi, cô ráng chịu thêm chút nhé!" Tôi bất chợt choàng tỉnh dậy. Trước mặt tôi là một gương mặt xa lạ. Đó là một cô gái trẻ, cô ấy có một đôi mắt hạnh sáng ngời, nhưng gương mặt cô lem luốc, trên đầu cô là cái mũ tai bèo màu xanh rêu. Cô đang nhìn tôi bằng ánh mắt rất lo lắng. Tôi hốt hoảng nhìn quanh. Đổ nát. Đó là từ duy nhất tôi nghĩ đến, nhà cửa kiểu cũ bị phá tan hoang, cây cối đổ rạp và cháy xém, con đường vắng hoe chỉ có mấy người trông giống y tá đang hớt hải chạy tới. Tôi hoảng hồn. Có lẽ mình vào nhầm đoàn phim chiến tranh chăng. Nhưng ngay lúc đó, một giọng nói vang lên trong đầu tôi: "Chào mừng quý du hành giả trở về 1974. Vì sự cố thời không, quý du hành giả vui lòng ở lại đây cho đến khi sự cố được khắc phục. Lưu ý, nếu quý du hành giả tử vong ở vòng thời gian này, du hành giả sẽ trực tiếp được đưa về thời điểm trước khi vượt thời gian. Tất cả những người từng tiếp xúc với du hành giả sẽ được xóa ký ức toàn bộ về du hành giả. Xin trân trọng cảm ơn." * * * Tôi đã xuyên không. Đúng hơn là được "đưa" lên chuyến tàu khứ hồi về quá khứ. 1974. Miền Trung. Quê cũ của ba mẹ tôi. Đây là năm ba mẹ tôi gặp nhau. Ba tôi sinh năm 1967, vậy là năm nay ba 7 tuổi. Tôi theo các anh chị đi về cứ địa an toàn, sau đó cẩn thận dò hỏi mọi người xung quanh ở đây về ba mình. "Dạ vâng, con trai ạ. Khoảng 7 tuổi, có một cái bớt trên trán. Tên Quang. Minh Quang." Bà cụ được tôi hỏi, đôi mắt hơi đục của bà sáng lên. "Cu Quang, thằng cu nhà ông Lục. Nó đang đi ra ngoài rồi! Con là họ hàng nó hả?" Tôi vô thức ngậm chặt miệng, tôi không biết nên giới thiệu với bà cụ mình là gì của ba. Tôi chợt nhớ đến người chị của mẹ trong miệng ba. Ba luôn đinh ninh mẹ có một người chị hơn mình độ chục tuổi trông rất giống mình. Nhưng mà ngày xưa có kể sao mẹ cũng nói là không nhớ. Tôi nghĩ, thôi thì dùng tạm danh nghĩa này vậy. Có lẽ ba mẹ vẫn chưa gặp người chị này vào lúc này đâu. "Con là chị họ của bạn Quang. Con tên Trang. Em con ở quận kế, nó lo cho cu Quang bên này nên nhờ con ở gần đây qua coi thử." Bà cụ ồ lên: "Ôi trời, thằng Quang cả ngày lầm lì vậy mà coi bộ cũng dễ mến dữ. Lâu lắm rồi không thấy nó đi với bạn nào đâu. Ra là làm bạn với người quận kế." Tôi bất chợt tò mò về ba. Thật ra từ nhỏ tới giờ, tôi nghe ba kể về quảng đời ba gặp mẹ rất nhiều lần, nhưng ít nghe ba kể về những năm trước đó của ba. Ba hay lẩm bẩm ba cũng muốn kể, nhưng mà ba chỉ nhớ mang máng ngày xưa người chị họ của mẹ từng theo ba dạy ba một khoảng thời gian, còn đâu thì cứ mơ mơ hồ hồ vậy thôi. Tôi đánh bạo hỏi bà: "Bà ơi, thằng Quang bên này tính sao đó bà? Em con bên kia cũng đằm tính lắm, không biết thằng cu này sao mà vô được mắt xanh của nó." Bà cụ xởi lởi: "Tội lắm con ơi, ba mẹ nó đi sớm lắm. Trinh sát mà, ai biết nay đây mai đó. Nó được cái khu này nuôi đó con. Thằng nhỏ nó lầm lì chút thôi, chứ nó cũng tốt tính lắm. Nó sợ người ta nuôi nó là gánh nặng cho người ta nên nó đi làm sớm lắm, mới có nhiêu tuổi đầu đâu, cứ đi bưng bê rửa chén cho người ta vậy thôi. Nhưng mà ngoại nói con nghe, bữa nay nó bắt đầu đi tuần rồi. Cứ tới ngày là nó đi quanh xóm, thằng Tây nào nó cũng biết mặt hết. Nó cũng là cánh tay nhỏ của mấy anh chị chiến sĩ rồi đó. Con đừng có lo, nó không học chữ, nhưng mà nó làm người được lắm con ơi." Tôi bỗng thấy hơi nghẹn ngào. Những đứa trẻ thời bình như tôi rất khó hình dung được cuộc sống trong khói lửa. "Bà hay cho bánh thằng Quang lắm, nó dễ thương lắm. Loại này là nó thích nhất đó." Hóa ra, ba tôi cũng từng là đứa trẻ rất sáng lạng, mặc dù điều kiện không ổn lắm, nhưng hình như ai cũng mến ba tôi. Bất chợt, một giọng nói lanh lảnh vang lên trong cả một khu trú ẩn "Thằng Quang bị lão David phát hiện rồi, ai cứu nó với, nó trốn vào đồi ông Sáu rồi." Tôi điếng người. Cả hầm nhốn nháo, nhưng chị chỉ huy vẫn còn đang cứu hộ chưa về! Theo lí mà nói còn chưa đến ngày ba gặp mẹ, có lẽ chuyến này ba sẽ hữu kinh vô hiểm, nhưng mà tôi bỗng nhớ tới sự cố thời không. Hô hấp tôi dồn dập, đầu tưởng tượng tới cảnh ba nằm trong vũng máu. Không biết dũng khí đào ở đâu ra, tôi vùng dậy la lớn: "Chị là chị nó đây! Dẫn chị ra đồi ông Sáu, chị đi tìm nó về!" Thằng nhóc có lẽ cũng cùng đường lắm rồi, thiết nghĩ giờ có dắt tôi đi hay không thì thằng Quang sợ cũng không xong nên đành dắt theo một đứa con gái tay chân lèo khèo mới vào khu trú ẩn là tôi. Tôi với thằng nhóc chia nhau ra đi kiếm. Tôi tìm thấy ba tôi trước. Lúc đấy ba tôi, người vẫn còn là đứa trẻ, đang nằm nấp trong một cái hang nhỏ. Lão David vẫn đang lăm le gần đó. Tôi cẩn thận nhặt một tảng đá nhỏ, ném mạnh vào sau gáy lão. Lão quay phắt đầu về phía tôi, tôi đang nấp sau tảng đá liều mạng chạy đi, vừa chạy vừa đánh mắt với ba, ý bảo ông chạy cho mau. Không ngờ ngay lúc này, ba tôi đột ngột nhảy ra, cầm một cục đá to bằng cả cái đầu của ông nhào mạnh ra sau lưng lão David, đập liên tọi vào gáy gã. Tôi sợ điếng người. Lão già David có lẽ đau quá, tay cứ chới với quặp mạnh ra sau hòng tóm lấy ba tôi. Tôi nhìn súng vẫn còn dắt trên lưng lão chưa rút ra, âm thầm quyết định làm chuyện điên rồ. Tôi lao mạnh ra, cắn mạnh vào tay lão, vừa cắn vừa húc lão. Ba tôi hiểu ý, rút cây súng vứt về phía sau rồi cũng góp sức xô lão. Hai đứa trẻ, một đứa nhỏ tuổi một đứa xác không biết làm được gì một lão lính Tây, nhưng chắc lão già quá rồi, phản ứng chậm nên tới tận lúc lão bị xô xuống đồi vẫn chưa kịp ngóp một tiếng. Nhân lúc chưa ai phát hiện, tụi tôi ra hiệu thằng nhóc lúc nãy tập hợp lại rồi thục mạng lao về khu trú ẩn. Vì vụ lần này mà mọi người lại di chuyển cấp tốc sang một căn cứ mới bí mật hơn. Trong khoảng thời gian ở đây, vì đổi địa chỉ nên ba tôi không "hành nghề" được nữa. Ông cả ngày phụ việc trong căn cứ. Sau lần đầu gặp mặt đầy ấn tượng đó, ba tôi cũng gần gũi với tôi hơn. Nói đến cũng thú vị, đây ấy vậy lại là khoảng thời gian ba dịu dàng nhất với tôi trong suốt cả cuộc đời tôi gộp lại. Tôi bắt đầu dạy ba và mấy đứa trẻ trong căn cứ. Tôi dạy ba và mấy đứa nhỏ viết chữ, làm toán. Dạy cả làm ná bắn và vòng tay. À, còn cả may vá nữa. Mặc dù tôi vá xấu nhất đám. Không biết có phải ôm tâm lý trả thù khoảng thời gian ba nghiêm khắc với mình không, tôi thi thoảng bảo ba: "Phải học hành cho cật lực, nếu không học thì đời khổ lắm. Em chị tương lai cũng phải nhờ vào em đấy." Trước đây con học cực lắm đấy, ba cũng phải nếm thử cho biết đi. "Đừng có khoe khoang nhiều, những đứa bé khác nghe được sẽ ghen tị lắm. Tụi nó sẽ chạnh lòng đấy." Con ghen tị với thằng Minh lắm đó, ba nó khoe nó hoài. Vậy mà ba chẳng bao giờ khoe con. Mà thôi, ba cũng đừng giống ba thằng Minh, nghe ba nó khoe hoài con cũng thấy ghét lắm. "Đừng có khóc nhè hoài, phải có chỗ dựa mới khóc, không có ai cho dựa thì khóc cũng vô dụng." Thật ra ngẫm lại ba mình cũng rất tội, mình tính ra vẫn còn ba, ông thì chẳng còn ai nữa rồi. " Chúng tôi sinh hoạt bình yên như vậy tầm độ tháng rưỡi. 29/4/1974. Ba tôi bắt đầu lại công việc trinh sát nghiệp dư của mình được gần một tuần rồi. Hôm nay, tôi bắt gặp một chiếc xe con lặng lẽ đậu sau căn cứ. Người trên ghế lái xuống xe rồi bắt tay với chị chỉ huy của chúng tôi. Còn đứa trẻ theo sau anh ta, có một gương mặt dù non trẻ nhưng tôi ngay lập tức nhận ra được. Vì khuôn mặt này cực kỳ giống tôi. Đây là mẹ tôi, tôi khẳng định. Hình như ngày mai chính ngày mai là ba mẹ tôi gặp nhau. Không hiểu sao tôi đột nhiên bồn chồn vô cớ. Đêm hôm đó ba tôi về, tôi vẫn ru ba tôi ngủ như mọi khi. Trong không gian im ắng, ba nói:" Mai em đi. " " Hả? " Ba tôi vẫn nói giọng bình tĩnh:" Em gặp thằng bắn trúng cha em rồi. Chị Mai bảo đã thu xếp xong thằng khọm đó rồi. Nhưng em vẫn muốn tận mắt nhìn thấy nó đền mạng cho cha em. Nên mai em phải đi. " Chị Mai là chỉ huy của chúng tôi. Tôi nghe thấy mình nhẹ giọng:" Thì đi thôi. Mặc dù ba chị không được xứng chức cho lắm, nhưng nếu chị thấy mặt thằng nào bắn cha chị, chị cũng sẽ không tha cho nó. Em xin chị Mai chưa? " " Em xin rồi. " * * * Hôm nay là ngày ba gặp mẹ. Tôi có một linh cảm, có lẽ tôi sắp quay về. Đêm nay chị Mai sẽ xử tử thằng khọm bắn trúng ông nội tôi. Công khai. Có lẽ đứa trẻ con là ba tôi không biết, nhưng tôi biết rất rõ, đây khả năng cao là tấm lưới mà bên mình giăng sẵn. Tôi lén nhịn lại sự sợ sệt vì sắp xảy ra súng thật đạn thật, khẽ nói với ba:" Lát nữa nếu có gì xảy ra, nhất định phải ưu tiên mạng mình trước. " Ba tôi tròn mắt nhìn tôi. Tôi lại nhẹ nhàng nói tiếp:" Chị sẽ không chết được, dẫu cho chị bị bắn, chị nằm xuống, hay chị chết đi, chị vẫn sẽ không chết. Vậy nên phải giữ chặt mạng mình nhé. " Tôi nhìn về pháp trường, đạn đã lên nòng. Giây tiếp theo đây sẽ là một hồi khói lửa. Quả nhiên, bóng dáng bọn Tây bắt đầu thấp thoáng. Chị Mai chỉ huy cho dân thường chúng tôi thoát khỏi căn cứ, để binh đoàn ở lại chiến đấu. Tôi và ba lui quân chậm hơn, vì tôi biết ba muốn chắc chắn kẻ thù giết ông nội tôi đã chết. Chúng tôi chạy thục mạng về hầm thoát. Bất chợt, một tay lính Tây nhào ra từ trong góc tối. Tôi thấy họng súng hắn đen ngòm chỉa thẳng vào chúng tôi, trong giây phút máu trong người tôi rút đi, tôi theo bản năng muốn kéo ba ra sau, nhưng có người còn nhanh hơn tôi, nhào lên che chắn cho tôi. Đoàng một tiếng lớn, chân ba tôi ghim một viên đạn sâu hoắm. Tôi quay đầu nhìn ba mình, nước mắt chực trào, chân bị bắn là chân phải. Cái chân bị què bao năm của ba trong trí nhớ của tôi cũng là chân phải. Hóa ra tôi nợ ba mình nhiều đến thế. Cái chân của ba, cuộc đời vốn nên rực rỡ huy hoàng của ba. Thằng khọm này già nhưng mãi không chết, dai như con gián. Tôi lấy hết sức bình sinh giữ chặt lão, cho đến khi một giọng nói lảnh lót vang lên bên tai. " Cứu người, bên này còn giặc Mỹ! " Mẹ tôi tới rồi. Tay tôi dần trong suốt, vạt áo tay khọm già dần xuyên qua bàn tay tôi. Tôi biết, đây là lúc tôi trở về. Trong giây phút chia xa, thiên ngôn vạn ngữ hóa thành hình hài nhỏ bé của ba. Trước khi bị thời không bắt mất, tôi gọi ba:" Ba rất rất dũng cảm. Phải làm một người tốt như con bảo ba đấy. Thật ra xin lỗi ba nhiều lắm, con phải đợi 18 năm mới nói được lời yêu thương ba chính đáng. Ba phải sống kiên cường tới lúc gặp con nhé. " Cảm ơn ba vì đã không quên mất con, vẫn yêu thương mẹ, tìm được mẹ. Và để con được chào đón thế giới. Thật ra ghen tị gì với bé Quỳnh, thằng Minh chứ. Đều do tôi gieo gió gặt bão. Tôi đã có hai đấng sinh thành tuyệt vời nhất vũ trụ. * * * Mở mắt ra, vẫn ghế sô pha quen thuộc, vẫn cái bàn gỗ quen thuộc. Ba nhìn tôi bằng ánh mắt đau lòng và thấu tỏ. " Xin lỗi con. Tới tận bây giờ mới nhớ được con rõ ràng. Cảm ơn con vì đã dạy ba học, dạy ba làm một người tốt. Tiếc rằng ba lại không làm người cha tốt suốt bao năm qua. Dù câu nói hơi sến sẩm này đến muộn tận 18 năm, nhưng mà, ba yêu con và cảm ơn con nhiều lắm con gái của ba." Tôi bật khóc. Tôi nghĩ tôi đã biết vì sao mình được về 1974, có lẽ mẹ đã hi vọng không nhìn thấy hai người mình yêu thương nhất hiểu lầm nhau, nên mẹ đã ban cho tôi cơ hội quý báu này để không bỏ lỡ những điều trân quý. Mẹ vẫn luôn là anh hùng, vì đã đến bên ba lúc nguy nan nhất, vì sinh ra con lúc nguy nan nhất, và cứu lấy mái ấm này lúc nguy nan nhất. Mẹ là anh hùng, ba luôn dũng cảm, con là cô bé vượt thời không mạnh mẽ nhất. Cảm ơn vì đã trở về. 1974.
Chào bạn, trước tiên xin chúc mừng bạn đã đạt giải trong Tháng Đặc Biệt. Ngoài chấm điểm, Ban giám khảo còn có một vài nhận xét/góp ý về bài viết của bạn như sau: Giám khảo 1: Bạn trình bày bài viết khá đơn điệu. Nói chung là không được đẹp mắt. Về phần nội dung, có rất nhiều ý bạn nên xem xét cũng như rút kinh nghiệm nha! Đầu tiên, bạn đưa ra một cái nút thắt là tình cảm giữa nhân vật Tôi và người Ba không được tốt. Sau đó bạn đặt ra tình huống giả định để giải quyết mâu thuẫn, tức là bám theo chủ đề xuyên không về 1974. Câu hỏi lớn đặt ra là: Cái nút thắt bạn tạo ra từ đâu mà có? Tại sao nhân vật Ba lại có thái độ như vậy với con mình? Rõ ràng ngay từ đầu câu chuyện của bạn tạo ra vốn là để gỡ cái nút thắt này. Tuy nhiên, bạn lại lái câu chuyện về cái chân bị mất của nhân vật Ba. Mục đích của câu chuyện bạn viết ra vốn là phải giải thích lý do vì sao tình cảm giữa hai ba con đến mức này? Bạn không đi sâu vào khai thác, chỉ nói qua loa như: Mẹ tôi mất ngay sau khi tôi ra đời, vì bà bị băng huyết. Thời bà thì bệnh đó còn khó chữa, nên bà mất ngay sau khi đẻ tôi ra. Tôi nghĩ có thể đó là lý do ba không thích tôi. Bởi vì ba tôi yêu mẹ tôi hơn bất kỳ ai trên đời. Nếu xem như đây chưa phải chủ đích của câu chuyện thì ngay từ đầu bạn không nên đặt ra hoàn cảnh này: Nhưng mà tôi thì không thế. Tôi là mảnh tàn dư còn sót lại của một gia đình không hoàn hảo. Người ba bị sốc như thế nào hoặc lý do nào đó. Đây mới chính là nguyên nhân dẫn tới hệ lụy trên. Ý thứ hai: Nói về việc trở về quá khứ. Bạn viết nhân vật Ba hồi còn nhỏ, khoảng 7 tuổi, rất nhỏ đúng không bạn. Vào tình huống này: Chúng tôi chạy thục mạng về hầm thoát. Bất chợt, một tay lính Tây nhào ra từ trong góc tối. Tôi thấy họng súng hắn đen ngòm chỉa thẳng vào chúng tôi, trong giây phút máu trong người tôi rút đi, tôi theo bản năng muốn kéo ba ra sau, nhưng có người còn nhanh hơn tôi, nhào lên che chắn cho tôi. Đoàng một tiếng lớn, chân ba tôi ghim một viên đạn sâu hoắm. Tôi phải chỉ ra chi tiết này cho bạn nắm: - Theo như mô tả thì khẩu súng trong truyện thường là súng trường. Cảnh sát thường sử dụng loại đạn vòng 9mm và tốc độ của nó là một con số đáng kinh ngạc: 1448km/h, trong khi đó loại 5.56mm của súng trường Mỹ thường có tốc độ tận 3291 km/h. Năng lượng nó tạo ra khoảng 542J. Có bao giờ bạn tự hỏi khi một viên đạn đi vào cơ thể, tất cả năng lượng của nó sẽ đi đâu không? Nơi đó không hề xa lạ, chính là những mô mềm trong cơ thể của chúng ta. Khi đạn đi vào bên trong, với tốc độ và độ xoáy khủng khiếp lớp thịt của bạn sẽ bị giãn ra và tạo thành một khoang trống, nhưng nó sẽ co lại ngay lập tức để trở về hình thái ban đầu. Quá trình này diễn ra trong thời gian cực ngắn, không chỉ các mô xung quanh mà dây thần kinh cũng bị tổn hại, mạch máu bị đứt lìa, còn cơ bắp thì nát tan. Cú sốc từ đạn bắn có thể làm tổn thương nghiêm trọng các cơ quan nội tạng, ngay cả khi chúng không xuyên thủng bất kỳ cơ quan nào. Nghĩa là sẽ không có chuyện: Chân ba tôi ghim một viên đạn sâu hoắm. Bạn có hình dung một đứa trẻ 7 tuổi bị dính đạn vào chân thì như thế nào không? Mất chân là còn may, vấn đề ở đây là mất mạng chứ chẳng đùa. Chân của trẻ rất nhỏ và yếu. Bạn miêu tả thế này thì không hợp lý rồi nha. Cú sốc từ đạn có thể khiến nhân vật Ba chết từ lúc bé chứ không có tới đời sau để sinh ra nhân vật Tôi đâu bạn ạ. Tôi nói dài dòng để bạn hiểu tính phi logic ở đây. Ý thứ ba: Bạn có vẻ rất thích dùng "chữ". Ở đây tôi muốn nói rõ xíu là bạn phải hiểu hết nghĩa nó trước khi dùng. Vài ví dụ nha: VD1: Hô hấp tôi dồn dập, đầu tưởng tượng tới cảnh ba nằm trong vũng máu. Lẽ ra phải viết là: Hơi thở tôi dồn dập, đầu tưởng tượng tới cảnh ba nằm trong vũng máu. => Hô hấp: Được định nghĩa là sự vận chuyển oxi từ không khí bên ngoài vào các tế bào ở trong mô, và vận chuyển carbon dioxide theo chiều ngược lại. Tôi nói chỗ này là vì: Câu cần một danh từ, không phải một chu trình. VD2: Trong giây phút chia xa, thiên ngôn vạn ngữ hóa thành hình hài nhỏ bé của ba. Cái ý đầu nó sao lại tương xứng cái ý sau? Đúng là đọc thì hiểu ý của bạn nhưng bạn diễn đạt vậy nó hơi kì. Cho bạn ví dụ đây: Tiên nho ta có câu: "Thiên ngôn vạn ngữ bất quá hồ thiệt" nghĩa là: "Ngàn lời muôn tiếng chẳng qua cái thiệt". Nếu bạn muốn dùng thành ngữ thì phải đi theo kiểu câu này. Nếu bạn muốn viết tình cảm khúc cuối thì câu này nên chỉnh lại kiểu như: Trong giây phút chia xa, bao tình cảm mãnh liệt không nói nên lời trước hình hài nhỏ bé của ba. Ý cuối cùng: Cái kết của bạn chưa thuyết phục. Lý do: - Tại sao người ba bị con mình nghĩ là ghét con? Lẽ ra khúc cuối phải có câu trả lời. - Khúc đầu cứ cho là bạn tạo tình huống bị xóa kí ức, xong khúc cuối nhớ lại thấy nó hơi kì nha. Kì là người Ba nhớ rồi cảm ơn con mình. Dù có nhớ cũng là nhớ lúc chia tay, mọi chuyện xảy ra về sau làm gì biết. Rồi sao người ba biết nhân vật Tôi hiện tại đã về quá khứ? Ít nhất thì cũng phải có sự nghi ngờ, bối rối, lúng túng các kiểu. Bạn nhận ra vấn đề chưa? Nghĩa là bạn chưa nắm rõ tính cách nhân vật, chưa biết miêu tả nội tâm sao cho hợp lý và chưa biết dẫn dắt câu chuyện theo hướng mình đã định ra. Câu chuyện còn bỏ ngỏ rất nhiều khía cạnh, nó khá dài nhưng chưa logic là vậy. Dù sao cũng là câu chuyện có ý nghĩa. Bạn cứ hoàn thiện dần là sẽ viết tốt hơn^^ Giám khảo 2: Hướng đi của câu chuyện có đôi chút bất ngờ nhưng các khúc chuyển cảnh giữa hai thời không hiện tại và quá khứ chưa được mượt mà. Giám khảo 3: câu chuyện hay, xúc động, thiếu ảnh