Lỗ Tấn và "Tiếc thương những ngày đã mất" Tác phẩm viết về lời kết buồn cho chuyện tình của Quyên Sinh và Tử Quân. Xuyên suốt câu chuyện, giọng điệu hối hận, đau đớn của nhân vật tôi (Quyên Sinh) trở thành một bóng ma ám ảnh. Tư tưởng "tự do luyến ái" của một người con gái muốn phá bung định kiến lạc hậu đã trở thành vòng hoa viếng hương hồn cô. Bên cạnh đó bi kịch của một người trí thức "sống mòn", "sống thừa" cũng làm ta suy nghĩ về mối quan hệ giữa ước mơ và hiện thực xã hội. Và "tôi của những ngày xưa" đã vào vai một người thầy, dạy bài học "ý chí và hình dung" của tuổi trẻ tác động như thế nào đến khát vọng có một gia đình nhỏ, chứa chan hy vọng? Câu chuyện vẽ ba đôi mắt, có tác động mang tính quy luật để lấp đầy khoảng trống tâm lý, tư tưởng cho thấy tiến trình xã hội từ quá khứ để liên tưởng đến các vấn để đương đại: Thời đại, tình yêu và thân phận (phụ nữ). Lỗ Tấn tên thật là Chu Thụ Nhân, thuộc dòng dõi quan lại đã sa sút. Ông sớm chịu ảnh hưởng truyện cổ dân gian từ mẹ của mình. Bà vốn là một thôn nữ, đã tự học để có thể tự đọc sách. Ông thuộc lớp trí thức từng du học Nhật, tiếp thu tư tưởng tiến bộ của phương Tây. Ông cũng tham gia hoạt động văn nghệ và các tổ chức yêu nước của người Trung Quốc. Ông có kinh nghiệm nghề nghiệp phong phú: Dịch thuật, viết luận, chí sĩ cách mạng, dạy học, nghiên cứu sách cổ, kinh kệ Phật, viết truyện ngắn, viết thơ, viết báo, chủ bút.. Nhưng người đời sau thường gọi ông là nhà văn và ghi nhận tinh thần sáng tác văn học của ông. Tiếc thương những ngày đã qua là một trong những truyện ngắn ấn tượng của ông. Lỗ Tấn mượn một câu chuyện nhỏ để phân tích vấn đề tình yêu và lý tưởng sống. Và dưới góc nhìn thời đại nó vụt hóa thành một lời kêu gọi: Giải phóng phụ nữ khỏi sự kìm hãm của Khổng giáo để hướng đến nhận thức tiến bộ, bình đẳng trong chuyện sống và yêu.. Tình yêu nam nữ vốn không còn xa lạ, vì vậy ông phải tình cách cắt nghĩa một cách triết lí, sâu sắc. Và để độc giả biết đến ông rộng rãi, ông phải viết về tình yêu một cách lãng mạn và hợp thời nhất. Tiếng giày cao gót nhẹ nhàng trên con đường lót gạch của Tử Quân khiến Quyên Sinh vừa náo nức, vừa sốt ruột (chờ gặp mặt). Bắt chước cái trò thường thấy trên màn ảnh khiến Tử Quân hết bất ngờ, lo sợ đến ngại ngùng, xao xuyến (màn tỏ tình). Họ dắt nhau đi chơi ngoài phố, dạo vườn hoa trong niềm hạnh phúc ngập tràn (lần hò hẹn). Nhưng tất cả chỉ còn là hoài niệm hiện lên trung khung cửa buồn bã, bàng hoàng một năm trước và Tử Quân đã chết một cách không rõ ràng. Vì sao thế? Có thể, người đời ngày ấy vẫn còn kinh hoàng khi chứng kiến những chuyện vượt qua lề thói của một cô gái: Cãi nhau dữ dội với người chú ruột, bỏ nhà để sống bên người tình, cùng người yêu nắm tay, bước đi hiên ngang trên phố. Thêm nữa, họ chỉ nói rằng cô đã chết và coi thường Quyên Sinh khi anh đến nhờ bạn của một người bác kiếm việc giúp trong bộ dạng nhếch nhác. Điều này cho thấy họ đang lên án hành động "trắc nết", "vô phép" của Tử Quân. Theo họ, cô phải chết là đúng tội, mọi thứ đã quá rõ ràng, cần gì phải tốn hơi và nước bọt. Và họ cũng nghĩ một cô gái thì có gì đáng để quan tâm. Phần anh, họ chê trách hai tội: Kẻ sĩ lại đi dụ dỗ con gái nhà người, bất tài nên phải đói rách, đi chạy việc và không thể nuôi dưỡng, bảo vệ "tiện nội" của mình cho thật tốt. Nếu họ có đánh giá như vậy, thật chua xót thay cho kẻ chịu tiếng. Lỗ Tấn đã nói gì qua đó, tình yêu càng đẹp càng dễ bị cuộc đời làm biến chất. Ông miêu tả lung linh trạng thái của hai tâm hồn lúc vào yêu: Chỉ cần tình yêu dẫn lối đến ước ao cùng sống dưới một mái nhà bình dị, hạnh phúc (họ đã làm được). Nhưng ngay sau đó, ông đã ném họ xuống đất đen, trong căn nhà tối tăm, mục nát: Tử Quân mất việc, cả hai đứng trước nguy cơ chết đói, tình yêu của hai người dần lạnh nhạt và một người ra đi, một người ở lại tự vấn, cố bám víu sự sống. Qua đó, ông nhắc nhở họ muốn trở thành nguồn sáng tiên phong thì phải kiên quyết, mạnh mẽ và đổi mới luôn. Họ muốn bay ra ngoài, qua khung cửa sổ mục nát nhưng họ vẫn như nhìn thấy những con mắt phán xét: Tò mò - chế nhạo - đểu cán - khinh bỉ. Cứ thế, họ sống quẩn quanh và chịu đựng cây kim châm thấm tận tâm hồn để rồi buồn thương, hối tiếc cho tuổi trẻ bị chôn vùi. Tình yêu thuộc về cá nhân thật nhưng phải gắn kết với gia đình. Gia đình là nền tảng, mục đích cốt lõi của tình yêu, nâng dậy tình yêu. Tuy nhiên, Tử Quân vì quyết liệt bảo vệ cảm xúc của mình mà bỏ nhà ra đi, thoát li cả gia đình lớn (rời quê, xa cha mẹ, cãi nhau với chú). Để rồi, cô bị giam cầm trong ngõ tối chật hẹp, sống cùng đàn gà, con Tùy và lo chuyện cơm nước. Nếu như cô đủ kiên nhẫn thuyết phục gia đình lớn của mình nàng ắt hẳn sẽ được giúp đỡ và chưa chắc đã chết. Giá như, cô có thể cùng "chồng" kiếm tiền để duy trì sinh hoạt đầy đủ thì gia đình nhỏ của hai người sẽ khoái hoạt, rộn rã hơn. Cô có học thức, cô có thể vào tòa soạn viết báo, hay làm việc văn phòng cho các cơ sở kinh doanh.. Con người có cơ thể vật chất, không ăn không thể sống. Không có năng lượng, tinh thần làm sao nghĩ ra cách chiến đấu với định kiến và đối xử với nhau "lãng mạn như tiểu thuyết". Từ khi Quyên Sinh thất nghiệp (có phải vì người đời đàm tiếu nên anh phải mất việc) cuộc sống bấp bênh, tuột dốc thảm hại, cơm không đủ no (hai người nguội lạnh), con Tùy gầy rộc (bà chủ nhà cười), đàn gà thiếu ăn (Tử Quân và bà chủ nhà cãi nhau về đàn gà, có thể những con gà của cô tranh ăn phần đàn gà nhà bà). Không bạc tiền, Tử Quân lấy đâu ra thức ăn mà nấu (lặng lẽ lui về phía sau), Quyên Sinh phải viết thư cho chủ bút "Người bạn của tự do", đăng tin dịch thuật những mong duy trì trạng thái ấm iu, nồng đượm ban đầu. Trên con đường mưu sinh đó thì cần phải hoặc nắm tay cùng đi, hoặc một mình can đảm tiến lên. Còn như chỉ biết cầm lấy vạt áo người ta mà đi theo thì dù người kia là một chiến sĩ đi nữa, cũng khó mà chiến đấu cho được. Khi không còn tìm thấy điểm chung của nhau (cùng nhau góp sức xây dựng gia đình ở mặt vật chất và tinh thần) thì cũng là lúc tình yêu chết dần. Tử Quân chết trong sự ghẻ lạnh của người đời. Quyên Sinh cũng hai lần nhắc đến việc muốn cô chết đi. Có thể, anh không muốn cô phải chịu khổ nữa (tinh thần và thể xác) hay cũng có khi anh muốn cô chấm dứt tình yêu với anh, suy nghĩ lại, trở về với vòng tay gia đình và tìm người xứng đáng hơn. Câu chuyện của họ khép lại nhưng lại cho ta suy nghĩ: 1. Tình yêu nhiều cung bậc cảm xúc (không khác chi đời người vì người ta mang đời mình về chung một ngõ), 2. Tình yêu tự do song phải kết nối với gia đình, với thời đại, tình yêu không chỉ được tạo tác bằng những lời ngọt ngào, hành động ấm áp mà còn có sự góp mặt của kinh tế và 3. Quan trọng hơn hết để đi đến cùng với nhau, hai trái tim phải cùng một nhịp đập. Hay nói tóm lại, họ yêu nhau trên hình thức (chỉ biết yêu và yêu, đi theo tiếng gọi con tim) chứ chưa yêu nhau bằng cách xây dựng nội dung (không truy tìm cách bảo vệ tình yêu). Bút kí của Quyên Sinh và cái tựa Tiếc thương những ngày đã mất trong tương quan với nội dung, có phải đã ra dáng hình một lời thú tội của Quyên Sinh? Trong câu chuyện các đoạn hội thoại xuất hiện rất ít nhưng rất nhiều dòng hồi tưởng (tìm kiếm trong linh hồn những phần còn xót lại của những ngày quá vãng, thời gian quá khứ hiện tại đan xen, cho thấy sự thay đổi nhận thức và góc tối của mỗi giai đoạn trong cuộc đời của một con người). Mức độ hối hận của nhân vật "tôi" phần nào làm giảm cảm giác tội lỗi của anh ta Trong cơn gió dữ, lửa độc, tôi sẽ ôm lấy nàng, van lạy nàng khoan dung cho tôi, hoặc làm cho nàng thỏa nguyện.. Lỗ Tấn phải thông cảm cho anh lắm mới viết như vậy. Nhưng thật trớ trêu anh chỉ là một con người bình thường bị hoàn cảnh khó khăn làm cho lạnh lùng và xa cách. Và anh lấy cớ hoàn cảnh để biện hộ cho mình khiến Tử Quân hiện về trong bộ dạng tội nghiệp, mỏng manh như sương khói. Cô chắc hẳn sẽ ở lại cùng anh trong mọi hoàn cảnh, có ý định tìm việc kiếm thêm thu nhập chỉ vì cô yêu anh chân thật, trọn lành. Nhưng anh không chịu được áp lực nghịch cảnh, phải buột miệng nói anh đã hết yêu cô ấy. Tình yêu phải đến từ hai phía, nếu một người đã tìm lí do thì người còn lại có miễn cưỡng ở lại cũng không vui vẻ gì. Vì vậy hai người xa nhau đến mức không thể gặp lại. Bầu không khí của Bắc Kinh những năm 1920, một trong những thời kì đen tối nhất của lịch sử Trung Quốc hiện đại. Người dân sống trong thân phận tù nhân. Họ như con chim bị giam trong một cái lồng hẹp nhưng lại quên rằng đôi cánh vẫn còn bay được. Trong câu chuyện có nhắc đến việc "vị trí của con người trong tự nhiên" (giữa con chó và đàn gà). Sau tàn lụi của thứ tình yêu mỏng mảnh như màu khói (Xuân Quỳnh), gia đình nhỏ ấy tan rã, những con gà sẽ thoi thóp chờ chết, Tử Quân chết chìm trong quên lãng, con Tùy phải đi hoang, Quyên Sinh cũng vậy, chắc anh cũng chịu kiếp vô gia cư. Thời điểm ấy những con người trung thực rất khó sống, họ phải chịu đựng áp lực của các công việc nặng nhọc. Họ không thể lươn lẹo, khôn xảo, giả dối họ sẽ bị sa thải nhanh thôi. Và không có việc làm nghĩa là họ sẽ kí tên vào bản án tử hình. Kiến thức tốt và giáo dục tốt chẳng ích gì vì xã hội đó chỉ cần sống! Quyên Sinh và Tử Quân thuộc thế hệ trẻ, có nền tảng văn hóa, được sinh ra từ phong trào Ngũ Tứ. Vốn hiểu biết về văn học phương Tây và ngoại ngữ đối với họ còn quý hơn cả khối tài sản. Sách họ đọc tiến bộ chớ họ chưa thật khá (cách vận dụng phải theo không gian văn hóa, bối cảnh lịch sử, phải tùy thuộc vào khí thế bứt phá, muốn làm mới cuộc sống của con người). Lỗ Tấn đã dẫn ra rất nhiều tên tuổi vĩ đại và nêu tác động của họ đến tâm thức con người để khẳng định điều đó. Tử Quân và Quyên Sinh có khả năng tiếp cận những quyển sách tốt, được cởi trói tinh thần nhưng về mặt xã hội - người đương thời không chấp nhận hành động tự do yêu đương của họ, dồn họ đến đường cùng: Một người chết, một người cố gắng thoát khỏi tổn thương tinh thần để nuôi khát vọng sống. Tử Quân rất tuyệt vời nhưng cô không quyết liệt giữ chắc lí tưởng của mình. Cô ấy tuyên bố cơ thể cô ấy nên quyền quyết định trong tay cô. Từ đó cô suy ra chuyện tình yêu, ước muốn của một người phụ nữ cũng phải đổi mới luôn. Nhưng cô vẫn còn chịu ảnh hưởng của quan niệm truyền thống. Cô ấy dốc hết can đảm cắt tóc ngắn và sống thử với người đàn ông cô yêu. Nhưng cô lại xấu hổ khi nhìn bức ảnh của nhà thơ người Anh Shelley vì anh ta là nam. Dẫu cho cô biết sự thật anh ta đã chết hơn một thế kỉ trước. Cô không đi tìm việc vì cô cho rằng một người phụ nữ sẽ giỏi quán xuyến gia đình - nội trợ. Quyên Sinh cũng thừa nhận rằng lúc anh có cô, anh ăn ngon hơn và đàn gà, con chó không thể thiếu cô. Và chú ruột của cô cũng từ mặt cô. Danh tiết của cô đã vẩn đục, cha cô người chủ nợ sẽ dùng tư cách gia trưởng và đòn roi bảo thủ "bắt cô đi". Còn người đời sẽ phỉ nhổ cô không ngừng. Và dù không ai nói cô chết ra sao nhưng ta có thể đoán - cô tự sát vì che chắn mình khỏi nước miếng và gia pháp. Nấm mồ của cô không mộ bia vì cô không được thừa nhận (danh bất chính ngôn bất thuận). Lỗ Tấn đã trị bệnh cho Tử Quân: Cho cô ấy ra đi, không cho cô ấy chịu đựng thêm nữa, đồng thời gây nên một cú sốc để thương thay cho một kiếp hồng nhan khổ mệnh. Ông cũng dạy các cô gái nếu muốn làm một nữ cường nhân phải chịu được dư luận, vươn lên giữ gìn mạng sống và hoài bão của mình. Và nhất là phải nhìn cho kĩ người đàn ông mà các cô chọn. Ông cũng cứu chữa cho Quyên Sinh. Bằng phương thuốc sinh tồn, anh phải vứt bỏ đàn gà, con chó và thậm chí để quên Tử Quân trong nấm mồ lạnh lẽo. Anh trong cơn hèn nhát và ích kỉ muộn màng đã biết mình sắp chết thì không nên ôm đồm làm chi. Vì không kiên định anh đã mất Tử Quân và tình yêu của cô. Anh ta không nghĩ đến việc cô ấy không đủ mạnh mẽ để tự chăm sóc bản thân sau khi chia tay. Anh ta có thể đến thư viện công cộng để sưởi ấm, còn cô ấy chịu lạnh, cô độc, lòng vòng trong suy nghĩ cơm áo, buồn bã nhìn tình cảm phai nhạt, hụt hẫng vì đã tin anh, đi theo Quyên Sinh. Anh ta không biết yêu và được yêu. Anh ta viết Tiếc thương những ngày đã mất để ca ngợi đức hy sinh của Tử Quân: Cô hiên ngang bước đi giữa những ánh mắt không thiện cảm, cô sẵn sàng bán đồ trang sức để sắm sửa cho tổ ấm của hai người, cô hạnh phúc vì được anh cầu hôn và dẫu bị nhận lời chia tay cô ấy vẫn yêu anh: Để lại muối, ớt khô, bột mì, nửa cái bắp cải và vài chục đồng tiền - nguyên liệu kéo dài sự sống. Cô không hối hận khi đã yêu. Dẫu có nếm trải bao nhiêu vết thương, cô vẫn hát Em trở về đúng nghĩa trái tim em - Biết yêu anh cả khi chết đi rồi (Tự hát, Xuân Quỳnh). Và trong chuỗi ngày khi Tử Quân "biến mất hoàn toàn" anh đã viết một bài văn tế để thành khẩn xin lỗi. Qua đó, một sự đối lập về tình yêu và sự sống, hy sinh và ích kỉ được chỉ ra. Các tác phẩm khác của Lỗ Tấn thường mang tính châm biếm nhưng Tiếc thương những ngày đã mất thì không. Sức hấp dẫn đặc biệt của nó đến từ việc chọn bản tính thờ ơ làm góc nhìn các yếu tố thảm hại của cuộc sống và những khía cạnh đớn đau, nuối tiếc của tình yêu. Vì vậy giọng điệu chính rất lạnh lùng, buồn bã, tối tăm, chứa đầy dự cảm diệt vong. Lỗ Tấn đứng về phe tuổi trẻ. Tiếc thương những ngày đã mất nằm trong tập truyện ngắn Bàng hoàng. Nó ở ngay sau giai đoạn ông viết tập truyện ngắn Lang thang, khi đó ông ngọn lửa dùng thuốc chữa bệnh ban đầu đã lụi tắt vì hành loạt các biến cố lịch sử. Ông mới nhận ra mình cần tìm cho rõ bệnh trạng trước rồi hẳn tìm phương pháp chữa trị. Mười một truyện trong Bàng hoàng, phần lớn ông viết về người trí thức (phong kiến, tư sản) nhưng ta thấy ông quan tâm đặc biệt đến người trí thức trẻ. Ông gửi gắm hy vọng kiến thiết đất nước trên đôi vai thế hệ tương lai. Thế nhưng trước khi cho họ biết sứ mệnh to lớn của mình, ông cho họ thấy đôi vợ chồng trẻ cần phải chiến thắng cơn tuyệt vọng ở buổi đầu gầy dựng cuộc đời. Hay trưởng thành là khi con người lập gia đình và đất nước là hình ảnh của nhiều gia đình. Và không nơi nào khác trong văn học Trung Quốc hiện đại ta gặp lại đôi vợ chồng trẻ nào trong cơn khốn cùng vì chống trả bản chất khắc nghiệt của xã hội. Có lẽ, Lỗ Tấn đã thành công khi dạy một bài học đau thương về tình yêu lứa đôi trong thời loạn - Quyên Sinh (góp mạng sống, đau đớn, hối hận cho một sự thức tỉnh), Tử Quân (kết thúc mạng sống để lớp sau không lặp lại).
Mình rất vui vì nhận được những ý kiến đóng góp của bạn. Mình sẽ cố gắng viết mỗi ngày để nâng cao tay nghề. Vì mới than gia diễn đàn nên còn chưa thành thục lắm, có gì mong bạn hướng dẫn và giới thiệu thêm người đọc để mình có thêm góp ý để hoàn thiện. Mình cảm ơn rất nhiều!