Lí luận văn học: Thơ chú trọng đến cái đẹp

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi nhungoc03, 31 Tháng bảy 2022.

  1. nhungoc03

    Bài viết:
    6
    Đề: Thơ chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống khách quan. Vẻ đẹp và tính chất gợi cảm, truyền cảm của thơ có được còn do ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu.

    Bài làm

    Như loài hoa hướng dương sinh ra chỉ để hướng về mặt trời, như ánh nắng mặt trời sinh ra chỉ để hướng về mặt đất. Thơ ca cũng thế. Thơ sinh ra chỉ để hướng con người đến một cuộc sống tốt đẹp. Lưu Trọng Lư đã từng nói thế này: "Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi". Có ai yêu một loài hoa không sắc không hương? Có ai quyến luyến những vần thơ khô khan không cảm xúc? Thơ ca phản ánh hiện thực nhưng nó không phải là một tấm hình thô cứng, tẻ nhạt mà đó là vẻ đẹp xao xuyến của thiên nhiên đất trời, hay đó là tiếng lòng thổn thức từ những câu chuyện của cuộc đời. Chính hiện thực cuộc sống là những cảm hứng cho sáng tác thơ ca, là cội nguồn cho mọi con chữ nên "thơ luôn chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống khách quan". Hơn thế "vẻ đẹp và tính chất gợi cảm, truyền cảm của thơ có được còn do ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu". Giai điệu của văn chương bao giờ cũng đằm thắm và ngọt ngào. Khi những cung bậc cảm xúc ấy được cất lên, chúng giống như một nốt nhạc du dương chạm đến tâm hồn người đọc.

    Tại sao "thơ chú trọng đến cái đẹp"? Bởi lẽ, "cái đẹp" có chức năng cứu rỗi thế giới. Cái đẹp xoa dịu, gạt bỏ mọi điều xấu xa khỏi tâm hồn con người và chỉ để lại những gì thanh khiết. Chính nhờ nó mà con người cảm thấy thêm yêu cuộc đời này, thấy cuộc sống có thêm ý nghĩa. Đó là một trong những chức năng đặc trưng của thơ nói riêng và văn chương nói chung: Chức năng thẩm mỹ của văn học. Thơ chú trọng đến "phần thi vị của tâm hồn con người" thế nào? Thơ ca là tiếng nói của tâm hồn, là tiếng nói của cảm xúc, hay "thơ chính là tâm hồn" - M. Gorki. Và tình cảm trong thơ là một trong những yếu tố quan trọng đem đến sức rung động của thi ca, thơ phải sinh ra từ sự thoi thúc mạnh mẽ trong tâm hồn. Nhưng, thơ đâu chỉ cần đến cảm xúc, thơ còn chú trọng đến "cuộc sống khách quan", là thành quả của sáng tác văn học phản ánh cuộc sống. Cuộc sống bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông, bất tận của tâm hồn người nghệ sĩ. Trong thi ca, hình thức cũng phải đẹp! "Vẻ đẹp và tính chất gợi cảm, truyền cảm của thơ có được còn do ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu". Lúc này, tình cảm trong thơ phải mang tính chất chọn lọc, ngôn ngữ thơ phải mang nội dung tư tưởng sâu sắc và những lời thơ đẹp đẽ ấy chính là sự thăng hoa cảm xúc của nhà thơ trước cuộc đời. Có như thế thì mới có thơ đích thực, thơ hay. Vậy nên, một tác phẩm thơ chân chính phải đạt đến đỉnh cao cả nội dung lẫn hình thức, cả lời, cả tư tưởng, cảm xúc phải đạt đến độ chín mùi, đẹp đẽ nhất, mãnh liệt nhất. Có thế mới tạo nên những rung động trong trái tim người đọc.

    Một tác phẩm thơ là một hệ chỉnh thể được biểu hiện qua mối quan hệ mật thiết giữa nội dung, hình thức. Nội dung và hình thức luôn gắn liền, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, không thể tách rời. Như câu nói của Biêlinxki: "Nội dung và hình thức gắn bó nhau như tâm hồn và thể xác". Nội dung là những mảnh ghép vụn vỡ, lấy chất liệu từ hiện thực cuộc sống, khai thác bằng nghệ thuật nhằm bộc lộ tư tưởng, quan điểm người viết muốn gửi gắm. Hình thức là những gì được xây dựng dựa trên chất liệu là ngôn ngữ đời sống kết hợp với sự sáng tạo độc đáo của nhà văn. Sự gắn bó này là kết quả sáng tạo chứa đựng tài năng và tâm huyết của nhà văn. Và những tác phẩm văn học có giá trị lớn thì càng chứng tỏ sự thống nhất cao độ giữa nội dung và hình thức thể hiện ở mọi phương diện trong thơ ca: Ngữ âm, cú pháp, thể loại, nhạc điệu, hình ảnh, thanh điệu.. tạo nên một tác phẩm có giá trị. Nội dung nào - hình thức ấy. Một hình thức độc đáo, hấp dẫn sẽ phát huy tối đa chức năng bộc lộ sâu sắc nội dung nó biểu hiện, hướng người đọc đến giá trị chân - thiện - mỹ. Ngược lại, một nội dung mới mẻ, ý nghĩa, sẽ lôi cuốn độc giả khám phá về vẻ đẹp của hình thức, ngôn từ. Nhà văn Nga, L. Lêônôp khẳng định: "Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và là một khám phá về nội dung".

    Theo Atona Phrăng - xơ: "Đọc một câu thơ hay nghĩa là ta bắt gặp một tâm hồn con người". Nhà thơ như những con ong hút nhuỵ từ bông hoa đời sống. Không có sự tái tạo tài tình của những con ong thì phấn hoa cũng sẽ không trở thành những giọt mật ngọt. Những bông hoa của hiện thực cuộc sống ấy chưa một lần được tỏa ngát hương thơm, chưa một lần sắc hương của chúng có thể tiếp cận đến bạn đọc. Và đó chính là công việc của những chú ong chia. Những chuyến bay xa để mang về hương phấn cho đời. Nhà thơ đã lao động nghệ thuật hăng say, đã thực sự nhập tâm vào cuộc sống để bật ra trong tim những vần thơ hay nhất. Nhưng nhà thơ làm cách nào để có được một câu thơ hay? Làm thế nào để truyền tải được sợi dây tình cảm người nghệ sĩ mang trong lòng? Không bằng một cách nào cả, bởi nó xuất phát từ trái tim của người nghệ sĩ, từ cái tâm và cái tài của người cầm bút!

    Nhắc đến những tác phẩm thi ca phản ánh hiện thực, thể hiện rõ phần thi vị trong tâm hồn con người, mà lại còn chú trọng đến cái đẹp. Nếu không nhắc đến "Truyện Kiều" của Nguyễn Du thì quả là một thiếu sót lớn. "Truyện Kiều" đặc biệt ở chỗ không kể riêng lẻ cuộc đời của bất kì ai, bất kì một người nào mà kể về cả xã hội loài người. Xã hội trong "Truyện Kiều" là xã hội hiện thân thu nhỏ của xã hội phong kiến đương thời - xã hội của đồng tiền. Đại thi hào Nguyễn Du đã đề cập đến hai mặt tốt - xấu của đồng tiền. Dĩ nhiên, ông không có thái độ một chiều hay cực đoan khi nói tới điều đó, thay vào đó, ông đã sáng suốt phát hiện ra hai sự thật tồn tại song song qua hai tuyến nhân vật chính diện - phản diện. Đó là thằng bán tơ - vì đồng tiền mà bán rẻ nhân cách, vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm, vì đồng tiền mà trở thành kẻ "mặt người dạ thú". Qua đó, ta còn thấy rõ quyền lực của bọn phong kiến quan lại, cái xấu xa của chúng không phải chỉ là một hiện tượng mà nó là cả bản chất. Việc vu oan của thằng bán tơ chỉ là cái cớ cho bạn sai nha có dịp cướp bóc, hành hạ người khác. Khi kéo về cửa quan, thì quan cũng chẳng hơn gì bọn sai nha. Bọn chúng quả thật là một lũ "cướp ngày". Chúng xử kiện mà chẳng cần biết phải trá thực hư:

    "Tính bài lót đó luồn dây

    Có ba trăm lạng việc này mới xong".

    Lại còn cả tên buôn người Mã Giám Sinh đểu cáng, lừa gạt; mụ Tú Bà chuyên kiếm tiền trên thân thể, nhân phẩm của người phụ nữ; tên ma cô Sở Khanh tráo trở, vô liêm sỉ. Nguyễn Du đã lên án tố cáo chế độ xã hội phong kiến lúc bấy giờ, với đồng tiền tồn tại như một con quỷ dữ ăn mòn nhân cách, lương tâm của con người. Nhưng ở đâu đó trong xã hội ấy, đồng tiền vẫn còn ẩn hiện tình người. Nó tồn tại như một chữ "hiếu" mà Kiều đã phải bán mình để trả; nó tồn tại như tình yêu đôi lứa son sắc, thuỷ chung của Kim Trọng - Thuý Kiều; nó tồn tại như một tình cảm tri âm, tri kỉ của nàng và Từ Hải. Có thể nói, "Truyện Kiều" là bức tranh xã hội thu nhỏ đầy đủ mọi loại người lúc bấy giờ, bức tranh ấy với những màu sắc khác nhau tô đậm nét cho văn thơ và phong cách Nguyễn Du. Tôi chợt nhận ra rằng: Nguyễn Du đã dùng cả trái tim, cả tâm hồn mình vào tác phẩm. Chính vì vậy đã khiến cho độc giả cứ ngỡ mình đang sống trong "Truyện Kiều" và chứng kiến toàn bộ cuộc đời của nàng vậy. Dù đã qua hàng trăm năm, nhưng Kiều vẫn chưa thôi làm cho người đọc xót thương. Với những gì mà tác phẩm ấy mang đến, Nguyễn Du thật xứng đáng là một đại thi hào dân tộc!

    Thơ là tiếng nói chân thành của con người, bộc lộ tâm tư, cảm xúc mãnh liệt của thi sĩ khi bắt gặp những phút giây giao cảm, rung động trước cuộc đời. Ngôn ngữ thơ chính là phương tiện biểu hiện cụ thể nhất đặc trưng của thơ ca. Chính vì vậy, vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ luôn giữ vai trò quyết định nên vẻ đẹp cho tác phẩm. Với "ông hoàng thơ tình" - Xuân Diệu thì mỗi từ ngữ, chất liệu làm nên hình thức, vỏ bọc bên ngoài luôn được ông trau chuốc, mài giũa. Đồng thời, tình cảm, tư tưởng về con người, về thiên nhiên cũng được thi sĩ bộc lộ đầy đủ, chân thực và sâu sắc qua tác phẩm của mình. Ở "Vội vàng", từng câu từng chữ đều chở đầy tư tưởng mới mẻ, khao khát sống mãnh liệt, điên cuồng của nhà thơ:

    "Tôi muốn tắt nắng đi

    Cho màu đừng nhạt mất

    Tôi muốn buộc gió lại

    Cho hương đừng bay đi".

    Có lẽ vì quá đỗi say mê, tham sống đến tột cùng, đến vô biên mà nhà thơ trở nên tham lam, ích kỉ muốn giữ lại vẻ đẹp sự sống của tạo hóa cho riêng mình. Ngôn ngữ cô đọng, hàm súc thể hiện trong từng câu chữ, gợi cảm giác âu lo, sợ hãi, cảm nhận rõ từng chút một sự nuối tiếc của ông. Đến khổ thơ thứ hai, trước mắt người đọc như trải ra một bức tranh xuân tuyệt sắc, một mâm cổ đầy, bữa tiệc lớn với thực đơn vô cùng quyến rũ:

    "Của ong bướm này đây tuần tháng mật

    Này đây hoa của đồng nội xanh rì

    Này đây lá của cành tơ phơ phất

    Của yến anh này đây khúc tình si

    Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

    Mỗi buổi sớm. Thần vui hằng gõ cửa

    Tháng giêng ngon như một cặp môi gần".

    Có sự góp mặt đầy đủ vạn vật đang trong độ xuân thì với "ong bướm", "hoa, lá, cành tơ" nở trên "đồng nội xanh rì" tràn đầy sức sống, chim "yến anh" lại ngân vang "khúc tình si". Xuân Diệu như đắm chìm miên man trong niềm hạnh phúc nơi trần thế. Nói như Hoài Thanh: "Xuân Diệu đốt cảnh bồng lai, xua ai nấy về hạ giới", quả thật không sai! Nhưng đối với thi sĩ thì giờ đây, thiên nhiên không còn là chuẩn mực cho cái đẹp nữa. Không như Nguyễn Du lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để lột tả vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" của chị em Kiều:

    "Làn thu thuỷ nét xuân sơn

    Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh".

    Thì Xuân Diệu với tư tưởng, quan niệm mới mẻ của mình, ông lại cho rằng vẻ đẹp của con người mới thật sự làm điểm tựa, chuẩn mực cho thiên nhiên. Khi con người làm chuẩn mực thẩm mỹ, nó mang đến cho người đọc một ánh nhìn cao quý, sâu sắc với vẻ đẹp và giá trị nhân văn với vẻ đẹp và giá trị nhân văn của nó. Với phong cách đó, nhà thơ khiến cho thời gian trừu tượng trở nên gần gũi, tươi đẹp. Con người và cảnh vật thiên nhiên mới có cơ hội giao hòa, gắn kết. Bằng tài năng văn học, "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới" (Hoài Thanh) đã mang đến cho thơ ca những vẻ đẹp và mang trong mình tính chất gợi cảm, truyền cảm do ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh, nhịp điệu biến đổi linh hoạt theo mạch cảm xúc, một âm hưởng mới mẻ không bị gò bó. Hơn thế, "Vội vàng" quả thật là một sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp của "hình thức nghệ thuật" độc đáo và "nội dung tư tưởng" mới mẻ, sâu sắc.

    Một tác phẩm thơ ca có giá trị, đích thực và bất hủ là khi nó hội tủ đủ 2 yếu tố: Nội dung sâu sắc, ý nghĩa và hình thức trau chuốc, mới lạ độc đáo. Để làm nên tác phẩm thơ chân chính, sống mãi với nghệ thuật, với cuộc đời thì tài năng và phong cách của nhà thơ luôn luôn trở thành cốt lõi. Nó đòi hỏi rất nhiều cái tâm cái tài thể hiện qua "đứa con tinh thần quý báu". Đồng thời đề cao tính sáng tạo, giọng nói riêng đối với người nghệ sĩ. Hơn bất cứ điều gì, để cho tác phẩm và tác giả trở nên "bất tử" với cuộc đời cần có những bạn đọc với cái nhìn khách quan, toàn diện về tác phẩm ở cả nội dung lẫn hình thức, vì họ là người sẽ cấp "chứng minh thư" cho chính tác phẩm ấy. Có như thế mới tạo được sự đồng điệu, gắn kết giữa người cầm bút và người tiếp nhận. Bởi "thơ là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu" - Tố Hữu.

    Đinh Gia Trinh: "Nội dung và hình thức liên lạc với nhau như máu cùng huyết quản". Những tác phẩm thơ có hình thức tác phẩm thơ có hình thức hấp dẫn, hòa quyện trong nội dung sâu sắc chắc chắn sẽ bất tử trong lòng người đọc và đánh một dấu mốc quan trọng trong đời một người nghệ sĩ. Để đạt được điều đó, tác phẩm cần "chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị trong tâm hồn con người và cuộc sống khách quan". "Vẻ đẹp và tính chất truyền cảm, gợi cảm trong trang thơ còn do ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh, nhạc điệu". Muốn vậy, trái tim người nghệ sĩ phải để ở giữa cuộc đời và vì cuộc đời.
     
    SóiAdmin thích bài này.
    Last edited by a moderator: 26 Tháng chín 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...