Tiểu thuyết: Lều chõng Tác giả: Ngô Tất Tố Thể loại: Tiểu thuyết phóng sự lịch sử Nhà xuất bản: Văn học Giá bìa: 90.000 vnđ Khi chưa đọc "Lều chõng" của Ngô Tất Tố, cảm thấy kỳ thi trung học phổ thông hay những kỳ thi trên trường Đại học thật vất vả, thật khó khăn, căng thẳng các thứ.. Nhưng mà sau khi đọc "Lều chõng", thì thực sự phải thốt lên một điều: "May là mình được sinh ra ở thời hiện đại", được cải cách việc học việc thi và thực sự, so với ngày xưa thì thi của mình còn thoải mái chán. Vậy thì, có bạn nào đã từng thặc mắc, "À, ngày xưa ông cha ta thi cử thế nào nhỉ?", hay chưa? Trước thì bản thân cũng chưa từng tò mò, hồi xưa tổ tiên học thế nào, thi ra sao. Nhưng mà sau khi cơ duyên đọc được "Lều chõng" - Ngô Tất Tố thì thực sự bản thân đã được mở mang rất nhiều. Hóa ra ngày xưa các cụ đi thi thật vất vả. Ví như các kỳ thi hương hay tổ chức vào tháng giá rét, đi thi còn phải tay xách nách mang cổ đeo đủ thứ. Ví như đường đi thi hội vừa xa vừa nguy hiểm. Còn cả lúc làm bài thi phải kiêng kỵ đủ thứ, quy tắc nghiêm ngặt, sai một ly có thể đi gặp diêm vương lúc nào không hay. Không kể thi đứng đầu trường chưa chắc đã được nhận danh tương ứng cơ, tài cao nhưng vì trẻ tuổi mà bị đánh trượt toàn bộ. Hơn nữa giữa danh vọng và gông xiềng, ranh giới cũng không xa là mấy, chỉ cầm lỡ một chút là bay toàn bộ công sức bỏ ra. Lều chõng, một tiểu thuyết phóng sự lịch sử, với bút pháp hiện thực đã cho những đứa con hiện thời một cái nhìn sâu sắc về chuyện văn chương, cùng quá trình tuyển chọn nhân tài của nhà nước phong kiến Nhà Nguyễn qua con đường khoa cử, cái việc mà gắn bó mật thiết đến vận mệnh đại sự quốc gia, đến sự tồn vong, hưng thịnh của đất nước. Không thể nghi ngờ, các hành văn của Ngô Tất Tố luôn lôi cuốn người đọc phải đọc hết trang này đến trang nọ mà không nỡ buông xuống một phút nào. Với cách mô tả mạch lạc sinh động toàn bộ hệ thống khoa cử từ khảo hạch, thi Hương đến thi Hội cho đến thi Đình, thứ tưởng chừng là khô khan khó nhớ cũng trở nên cuốn hút đến vậy. Cách xây dựng nhân vật qua các cuộc đối thoại đã thành công khắc họa hình tượng, tính cách, tâm lý điển hình cho các loại người có thực lúc bấy giờ. Mở đầu rầm rộ, nhưng kết thúc lại nhẹ nhàng. Từ cảnh vinh quy bái tổ, đón rước sĩ tử đỗ đạt, sự lên duyên của nhân vật chính Đoàn Văn Hạc với cô Ngọc, con đường thi cử khấp khuỷu của chàng, cho đến khi chàng nghe tin Nghè Long bị đi đầy còn bản thân bị đánh trượt tất cả các kỳ thi. Đây phải chăng chính là điều mà tác giả muốn gửi gắm? Thứ từng được coi là tập tục và trở thành nền nếp thuần phong mỹ tục "học hành, thi cử, đỗ ra làm quan", thứ tâm lý chung "tiến thân bằng khoa cử" đã trở thành chuẩn mực hàng đầu bao trùm lên mọi mặt trong cuộc sống của xã hội, liệu có còn phù hợp, liệu có nên đánh đổ nhiều thứ mà chưa chắc đã đạt được? Anh Khóa Đoàn Vân Hạc, học rộng tài cao nhưng đường thi cử lại không thuận lợi. Hai lần thì đầu chưa đến đâu, đến lần thứ ba, đỗ đầu kỳ thi Hương nhưng vì tuổi trẻ mà bị đánh trượt toàn bộ. Bến lần thứ tư, sau khi đã vượt núi, vượt rừng, vào Huế thi Hội lại chỉ vì bốn chữ dùng lầm mà bị giam hai ngày rồi hỏng tuột, bị cách cả Thủ khoa. Oan ức, tủi hờn không? Ngang trái không? Nhưng biết tỏ cùng ai? Biết kêu với ai? Rõ ràng thi cử chính để giúp triều đình phong kiến tìm kiếm nhân tài phát triển đất nước, nhưng chỉ vì tuổi trẻ ngông cuồng chưa trải mà bỏ qua. Những quy định hết sức nghiêm ngặt, các "án xử phát trường quy" đầy oan ức tủi hờn, các quyết định ngang trái xóa sạch tài năng, cách tuột bằng cấp liệu có tìm được nhân tài thực sự trong biển nhân tài hay không? Lều chõng còn phanh phui các mẹo thuật lừa dối, các hành vi ăn gian chữ nghĩa, các thủ đoạn trắng trợn mua bán văn chương. Cả lối sống ăn chơi bê tha- điều mà gia tộc, làng xã đều biết, thường được giới sĩ bộc lộ hết mình trong thời gian chờ đợi yết bảng giữa các kỳ thi tại những xóm cô đầu thời phong kiến, làm gì có phải là hình ảnh một chàng thư sinh ngượng ngùng trước những cô gái xinh đẹp. Đọc đến đoạn Văn Hạc đi chơi gái chỉ muốn chửi vào mặt y "tra nam" cho hả dạ. Tuy câu từ trong tiểu thuyết khá khó hiểu, vì tác giả sử dụng các câu thơ cổ, những từ ngữ đã không còn thông dụng hiện thời.. nhưng vẫn không làm giảm được độ hấp dẫn của tác phẩm. Ngoài ra một điểm trừ cho sách, phần chú giải lại nằm ở cuối sách. Bình thường chú giải sẽ ở ngay trang có từ cần chú thích, lần đầu tiên đọc kiểu này có đôi chút bỡ ngỡ và cũng gây khó khăn khi tra cứu. Nhưng cũng một phần chú giải quá dài nên có thể nhà xuất bản đã phải đẩy nó ra cuối sách. Sách mình đọc là của nhà xuất bản Văn học, ngoài bất tiện kể trên thì sách rất chất lượng. Minh họa bìa sách đúng kiểu lều chõng như tên tiểu thuyết, màu sách vô cùng thanh nhã. Chất giấy cũng ổn, in ấn rõ ràng, cũng không có lỗi chính tả mấy (mình đọc cũng chỉ thấy có 1 lỗi nhỏ thôi thì phải). Nói chung rất chất lượng, đáng đồng tiền và thời gian bỏ ra.