LEO VÀ VENICE NĂM ẤY Thể loại: Truyện ngắn. Tác giả: Diệp Lâm Anh (Hướng Dương) (ảnh bìa) * * * "Một tuần nữa sẽ bay, con chuẩn bị được chứ?" Tôi cầm lấy tờ giấy giới thiệu òa khóc nức nở như một đứa trẻ. Tôi không nhớ mình còn ôm chầm lấy cả thầy, khi thầy gửi cho tôi bức ảnh thầy tự chụp lúc ấy tôi mới giật mình cười bằng cách bật hơi ra liên tục. Bỗng nhiên, người đàn ông bên cạnh hốt hoảng đưa cho tôi chiếc bình oxi. Tôi ngơ ngác, anh ta như vỡ ra vấn đề: - À không, tôi tưởng cô bị hụt.. hụt hơi. Tôi lấy làm lạ lắm nhưng không tiện hỏi nhiều: - Không sao không sao Không sao là hai từ tôi nói nhiều nhất trong cuộc đời tôi. Tôi không nghĩ sau khi tới Venice đây cũng là từ tôi học được đầu tiên. Lần nói không sao đầu tiên bằng tiếng Ý – mới lạ theo một cách khá cũ kĩ nhỉ. Tôi được thầy giới thiệu ở nhà một vị bác sĩ đã nghỉ hưu. Ban đầu tôi đã định lang thang ở nước Ý để tìm tới nhà một vị họa sĩ ẩn danh vì nghĩ rằng cái nghiệp về hưu kia có thể không giúp ích cho tôi lắm. Thêm nữa là tôi đã cực kì mê tranh của người họa sĩ giấu mặt kia nữa. Nhưng tôi đã nhầm, tôi cứ nhầm liên tục. Ông Torento, thực chất là một thiên tài. Ông ấy có thể vẽ không thiếu một cái tĩnh mạch nào trên người tôi, mà còn làm cho nó cực kì sinh động. Torento (ông ấy nói muốn có một người bạn nên tôi quyết định gọi như vậy) khoát tay mời tôi ra uống trà đến lần thứ 5 vì tôi cứ đứng như chôn chân trước mấy bức vẽ của ông: - Ra đây nào, mấy thứ ấy thì có gì hay ho chứ? Cầm lấy cốc trà và cho ta hỏi vài điều về ông bạn già của ta ở Việt Nam được chứ? Tôi ngồi xuống sàn theo kiểu người Nhật vì thấy như thế thật lịch sự. Đỡ lấy chén trà, tôi trả lời: - Giáo sư vẫn còn đủ sức vật nhau với cả thảy sinh viên, xin ông đừng lo. Thay vào đó, giáo sư có nhờ con mang đến cho ông vài thứ hay ho lắm. Ông có muốn xem ngay bây giờ không? Tôi đã hạn chế dùng kính ngữ nhất có thể nhưng vẫn không quen gọi tên cúng cơm của ông ấy luôn miệng. Ông gật gù và tôi lấy trong túi đồ ra một xấp ảnh kỉ niệm của thầy và Torento. Ông ấy cứ vừa cười vừa khóc, tôi phải biến tấu liên tục để ông ấy thấy mình không cô đơn. Khi tôi còn chưa biết phải ngồi xem đến bao giờ thì bỗng nhiên có người gõ cửa. Hình như đã hẹn trước, ông Torento bảo tôi ra mở cửa và tiếp vị khách đó cho ông vì ông không muốn ai làm phiền. Tôi thấy hơi mất thời gian vì tôi còn muốn thử tới bảo tàng trước khi trời tối. May ra nếu vị khách này có thể tự tiếp chính mình thì tốt.. Tôi mở cửa chào bằng tiếng Ý: - Xin chào, đây là nhà của giáo sư To.. Cậu thanh niên đứng trước mặt tôi mang một vẻ gì rất bụi bặm và ngay lập tức làm tôi thấy cậu ta hình như được sinh ra từ một khu rừng. Ý tôi là kiểu rất sức sống ý. Các bạn có hiểu hình ảnh nắng chiếu rất gắt vào đầu chiều và nụ cười của cậu ta còn gắt hơn không? Nhưng mà khoan đã.. Cậu thanh niên bỏ mũ chào rồi ngẩng mặt lên: - Ô.. cô là cô gái ngồi cùng tôi trên máy bay phải không. Cô gái oxi? Tôi miễn cưỡng nhận lấy cái biệt danh ấy. Dù sao thì trông cậu ta có một vẻ ngoài cũng rất dễ được tha thứ. Tôi nói: - Anh là ai? Anh tới tìm ông Torento sao? - Vâng tôi tới tìm ông ấy để.. xin ở nhờ. Bây giờ tôi mới để ý thấy đống vali lỉnh kỉnh của cậu ta. Có tiếng từ trong vườn trà gọi với ra: - Hướng Dương, để cậu ta vào đi. À trước đấy hỏi xem cậu ta có phải Leo không đã. Tôi như người thừa của cuộc trò chuyện vì anh chàng này lại ngển cổ lên trả lời: - Chính cháu thưa ông bác sĩ. Cháu có thể ở đâu được ạ? Ông Torento lúc này đã nằm bò cả ra sàn để xem ảnh. Ông trả lời: - Leo sao? Leo ở cùng với Hướng Dương nhé. Căn phòng bên cạnh ta để cho cún con cách ly mất rồi, nó sẽ lây bệnh đậu mùa cho cả khu nếu để nó ra ngoài mất. Tôi há hốc mồm nhìn cậu ta: - Sao cơ? Cháu ở cùng với.. với Le.. với cậu này sao? Trong khi tôi hỏi chấm ngoẹo cả cổ thì Leo đã giơ tay chính thức chào hỏi: - Rất vui được làm quen với cô. Cô sẽ trở thành oxi của tôi trong thời gian tôi ở Venice chứ? Câu chào hỏi kì cục nhất mà tôi được biết đó giờ đó. Leo là một người bừa bãi kinh khủng. Cứ nhìn cách cậu ấy sắp xếp đồ đạc tôi đã vang lên oang oang trong đầu những câu càu nhàu quen thuộc của một bà mẹ. Quần áo gấp nham nhở để một góc dù tủ đồ còn dư chỗ, giấy nhớ đầy một.. xô? Sách vở lẫn lộn cả ghi với giáo trình. Tôi chắc ông Torento là lý do khiến cậu ấy tới đây vì tôi thấy vở của cậu ấy cũng nhằng nhịt các tĩnh mạch ở trang bìa. Một cây vẽ rơi ra từ hộp bút lăn đến chân tôi, tôi cầm lên tò mò: - Cây A302, cậu cũng vẽ sao? Tôi tò mò vì không nhiều người dùng loại bút này, nó là loại chuyên dụng cho dân vẽ. Cậu ấy cười cợt, tiếp tục đặt chậu cây thứ 8 lên cửa sổ và trả lời: - Cây bút đẹp nhỉ. Tôi thấy nó ở bảo tàng nên mua về chứ không biết vẽ. Nhìn nó cứ nghệ thuật kiểu gì. Nhắc đến bảo tàng, tôi dựng đứng lên. Dù biết bây giờ mà đi không chắc đã vào trong được nhưng tôi vẫn muốn thử. Tôi sẽ lăn qua lăn lại cả đêm nếu không thể nhìn thấy bức tranh ấy vào hôm nay mất. Tôi chạy biến ra khỏi cửa nhưng rồi lại sực nhớ ra, tôi quay lại vừa thở vừa hỏi Leo: - Cậu tới đây bằng gì? Leo chở tôi tới bảo tàng bằng chiếc xe đạp đặc trưng kiểu Ý. Chúng tôi men theo đường biển, đi một đoạn ngay sát thành cổ lâu đài rồi dần tiến vào sâu trong lòng thị trấn. Phải nói là thời tiết Venice quá đỗi ngọt ngào đi, cái ý tưởng đến bảo tàng bây giờ nhẹ như bấc trong lòng tôi vì tôi đang mải đắm mình vào một bảo tàng khác – bảo tàng thiên nhiên. Một vị khách còn đòi hỏi gì nhiều hơn khi gia chủ phóng thoáng như thế này cơ chứ. Leo ra sức đạp xe, tôi không ngại mà vòng tay túm lấy áo cậu ấy. Tôi hỏi, tiếng nói lẫn ù ù với tiếng gió: - Cậu sẽ ở lại đây bao lâu? Leo hơi nhổm người dậy để xuống dốc: - Tôi á? Tôi chưa biết. 1 ngày, 1 tuần hoặc 10 năm nếu có thể. Đúng như tôi nghĩ, cậu ấy sống như thể một khu rừng vậy. À không, cậu ấy nên là một con chim thì đúng hơn. Tôi cười, tôi vẫn hay tưởng tượng ra hình ảnh tôi cười trông xinh lắm. Vì thứ nhất là khi tâm trạng vui, mọi thứ đều xinh đẹp và cũng có một vài anh chàng đã tỏ tình với tôi bằng cách kể lại anh ấy đã say lòng nụ cười của tôi ra sao. Nhưng bây giờ thì Leo không thể nhìn thấy nó, trái lại tôi có thể nhìn thấy rõ nửa khuôn miệng tươi tắn của cậu ấy. Venice lộng gió cùng ánh mặt trời hôm ấy, cách cậu ấy cười đã buộc lòng tôi cả đời với Venice. Bảo tàng vừa mới đóng cửa. Nó đóng lại ngay trước mắt tôi mà tôi không hề tiếc nuối, kì lạ thay. Tôi áp má vào lớp kính chắn dày cộp. Đưa mắt tìm kiếm bức tranh tôi muốn, nó đặt không chính giữa lắm nhưng tôi vẫn nhìn được. Vì tôi đã ngắm nó qua ảnh chụp cả 6 năm trời từ khi biết nó. Nó mang một vẻ gì đó cứ thôi thúc người khác, chính vì nó mà tôi quyết định phải tới Venice để tiếp tục con đường họa sĩ của mình, chính vì nó mà tôi đã tháo chiếc khăn voan của mình xuống vào hôm cuối cùng đi thử đồ cùng vị thanh mai trúc mã của mình. Nó thật đẹp, tôi không biết diễn tả sao nữa. Giọng nói của Leo kéo tôi về thực tại: - Cậu tới tìm bức tranh kia à? Tôi gật đầu như gà mổ thóc, ánh mắt sáng lấp lánh nhìn Leo: - Đẹp phải không? Thật tuyệt khi nó xuất hiện trên đời dù tôi không thể gặp được người vẽ ra nó. Leo tò mò: - Vì sao? - Ông ấy là một họa sĩ ẩn danh, có người nói ông ấy đã mất cách đây vài tháng. Tuy đó chỉ là tin đồn vì không ai biết ông ấy là ai cả. Leo bật cười. Cậu ấy bắt đầu ngồi xuống và chống tay ra sau: - Những người làm nghệ thuật thật là bí ẩn. Trời sắp tối rồi, cậu không định về sao, ông Torento sẽ đóng cửa mất. Tôi ngồi xuống cạnh Leo: - Ông ấy sẽ không nhốt tôi ở ngoài đâu. Tôi là học trò cưng của.. bạn thân ông ấy mà. - Vậy sao? Còn tôi là học trò cưng của ông ấy luôn đó. Chúng tôi bắt đầu ganh đua kể ra hết những điểm tốt đẹp hơn của nhau. Ai cũng tự tin về việc ông Torento rất cưng cả hai đứa và sẽ không có đứa nào phải ở ngoài hết dù vượt giờ giới nghiêm. Dù vậy, chúng tôi vẫn ra về. Nhưng mà bằng cách đi bộ. Đến đoạn Leo kể rằng có lần cậu ấy đã xin được quản giáo vào trong kí túc bằng cách đứng trước cửa đặt tay lên trái tim và hô to: "Hồ Chí Minh", tôi bỗng tò mò: - Tại sao cậu lại chọn Venice? Đây không phải nơi học Y lý tưởng lắm. - Tôi thích sự yên bình ở đây. Còn gì tuyệt hơn khi cuối cùng người ta được trả về với thiên nhiên, phải không? Hình như đêm phủ lên vẻ ngoài của Leo một cái gì man mác. Cậu ấy hơi trầm lặng, không còn những thứ năng nổ của buổi ban trưa nữa. Song cậu ấy vẫn đẹp lạ thường. Chúng tôi lên dốc, trở lại thành cổ lâu đài. Con đường ở đây rất hẹp, chúng tôi đi sát vào nhau để không làm phiền người đi đường khác. Nếu cứ tránh nhau luân phiên thế này thì sẽ không có chuyện ai va phải ai cả. Nhưng Venice lại không cho chúng tôi làm thế. Một em bé ngoại quốc với chiếc xe trượt patinh bỗng chen vào giữa chúng tôi và một chiếc xe đạp khác. Em bé không thể phanh lại và kéo theo cả tôi lúc vụt qua. Leo nắm lấy tay tôi: - Cẩn thận. Tôi đập đầu xuống cái thứ gì mềm mềm. Đó là cánh tay Leo, tôi vội tìm cách đứng dậy nhưng Leo đã chống tay còn lại sang bên cạnh. Cậu ấy không để ý cậu ấy vừa ghìm tôi lại, khi mở mắt ra đã thấy hai khuôn mặt gần nhau đến mức mũi chúng tôi chạm vào nhau. Trái tim tôi đập thình thịch, tôi nín thở và nghe thấy hơi thở của Leo rõ mồn một. Cậu ấy cũng nhìn lại tôi chăm chú. Càng ngày càng gần hơn rồi bỗng.. Cười. Hai chúng tôi cùng cười phá lên. Leo lật ngửa sang bên cạnh, vẫn để lại cánh tay dưới đầu cho tôi. Không hiểu có gì đáng cười nhưng buổi chiều hôm ấy tôi chắc chắn là buổi chiều tôi cười nhiều nhất kể từ khi được sinh ra. Cái ý tưởng Torento cưng chúng tôi đến nỗi sẽ không có đứa nào ở ngoài chỉ đúng một nửa. Buổi đêm, tôi và Leo sắp xếp lại chỗ ngủ cùng nhau. Tôi đã quyết định nhường bên rộng hơn cho cậu ấy vì đồ đạc của cậu ấy quá nhiều. Nhưng cậu ấy không cho tôi giúp chuyển đồ đạc một chút nào hết, thành ra tôi chỉ ngồi vắt vẻo một chỗ mà nhìn. Tôi hỏi: - Có ai nói rằng cậu có nụ cười chết người chưa? Leo xếp chồng sách cao ngất, cậu ấy quay lưng lại phía tôi nên tôi không biết cậu ấy có lại đang cười không: - Mỗi cậu thôi. Ý cậu là tôi có nụ cười cực khét.. hả? Cực khét là một từ mạnh.. tôi cá là tôi cũng nghĩ nó cực khét. Sau một hồi tất bật thì Leo tự nhiên đi đi lại lại, tôi hỏi: - Sắp xong chưa? Sao cậu cứ đi lại nãy giờ thế? Leo ngồi xuống, đối diện tôi: - Ồ, xong rồi. Chúng ta đi ngủ thôi Tôi nhảy sang phần bên của mình, cứ ngỡ ngày hôm nay sẽ kết thúc ở đây thì khi tôi và Leo chuẩn bị ngủ, ông Torento đi vào phòng và nạt: - Chân ướt chân ráo đến Venice nhưng dám đi ra ngoài tới tối muộn. Cô cậu giỏi lắm, cô cậu sẽ phải đi lên trang trại và làm không công cho bà May cả tuần tới. Tôi trùm chăn kín đầu nghe mắng và chỉ để hở ra một chút đủ nhìn xem Leo ra sao. Nhưng thay vào đó, tôi chỉ nhìn thấy ông Torento bắt đầu mang những chậu cây của Leo ra khỏi phòng. Phải, tất cả chậu cây. Ông nạt tiếp: - Ta sẽ tịch thu đám cỏ dại này và trả lại sau. Ôi không. Leo sẽ buồn bực cả đêm mất, cậu ấy chăm chúng như ông Torento chăm con cún đậu mùa vậy. Chúng tôi bị phạt đi trồng cà chua cả tuần sau đó. Những con vịt cứ nhảy lên mổ cà chua của tôi liên tục. Tôi cam đoan rằng chúng làm thế chỉ cho vui vì chúng không hề ăn hết quả cà chua nào, thêm nữa cả cánh đồng chỉ duy nhất thửa ruộng của tôi là chúng tới. Trông tôi khốn khổ kinh lên được. Tôi mỏi nhừ hết một cánh tay còn Leo vẫn không hề xi nhê. Cậu ấy còn có thể trồng thêm được cả một khu rừng nữa, tôi e là vậy. Thấy tôi nằm bò ra sàn cả tiếng không nhúc nhích, Leo gọi: - Hướng Dương à. Không sao chứ? Tôi ề à: - Không sao. Cậu xuống nhà ăn cùng Torento trước đi. Tôi mà đụng chạm tới cái tay tôi bây giờ là tôi sẽ đi luôn mất. Leo ngồi xuống cạnh tôi: - Đau lắm hả? Để tôi xem nào. Bỗng tôi nhấc cái đầu của mình đặt lên đùi Leo một cách tự nhiên. Tôi tròn mắt nhìn cậu ấy: - Đau lắm. Leo dừng tay lại chỗ khuỷu tay tôi, cậu ấy như thể vừa bị điểm huyệt. Cậu ấy nhấc đầu tôi lên và đứng dậy, nói: - Cậu nghỉ đi nhé. Tôi xuống phụ ông bác sĩ nấu ăn, đợi một chút tôi sẽ mang lên cho cậu. Một chút của Leo khác xa so với một chút của tôi. Tôi tỉnh dậy sau khi toát hết mồ hôi vì nóng. Trời đã tối muộn vẫn không thấy Leo đâu. Tôi nặng nề nâng mình khỏi giường. Người tôi vẫn mỏi nhừ, tôi men theo cầu thang đi xuống và gọi: - Torento, ông có thấy Leo đâu không? Choang.. Có tiếng rơi vỡ phát ra từ phòng ông Torento, tôi vội vã chạy lại. Tôi toan mở cửa phòng nhưng rồi thu tay lại vì tiếng nói: - Cháu không thể tiếp tục được nữa. Ông cũng biết là hoàn toàn không còn hy vọng gì cả, đừng cố gắng nữa Torento à. Giọng ông Torento vẫn đều đều: - Ngồi xuống đi Leo. Con thừa biết dù còn sống được bao lâu thì con cũng không thể chối bỏ bản thân mình mà. Mỗi khi con nhìn những bức tranh và cọ vẽ, con đã nghĩ những gì chính con là điều biết rõ nhất. Tiếng khóc của Leo, lần đầu tiên tôi nghe thấy cậu ấy khóc: - Xin hãy.. quên cháu đi. Cháu không thể tiếp tục thế này được nữa, xin hãy để cháu được lãng quên. Cháu thấy.. mệt đến mức không thể thở nổi nữa. Cọ vẽ và tranh sao? Dù còn sống được bao lâu? Hoàn toàn không còn hy vọng gì cả? Họ đang.. nói về điều gì vậy? Tôi nghe ù ù bên tai, không hiểu sao nhưng tôi không muốn ai bóc mẽ mình đã nghe lén được cuộc nói chuyện nên tôi đã chạy đi trước khi ông Torento chuẩn bị mở cửa. Tôi chỉ nhận ra mình đã chạy ra tới bờ biển khi thủy triều lên ngày càng cao và đánh ướt sũng đôi giày tôi đang mang. Tôi cố gắng sắp xếp lại suy nghĩ của mình. Bình oxi.. sách điều trị.. những chậu cây đặt kín phòng và chỉ được mang ra ngoài vào ban đêm. Tôi thậm chí đã phải nhận ra ngay từ lúc còn ở trên máy bay rồi chứ? Có chuyện gì đang xảy ra với Leo vậy, tôi muốn biết có chuyện gì đang xảy ra với cậu ấy. - Hướng Dương. Không phải là lúc này, tôi sẽ khóc trước mặt cậu ấy mất. - Sao cậu lại ra đây? Sắp tới giờ cơm rồi, chúng ta về thôi. Leo bước tới phía tôi, vững chãi và dịu dàng. Trông cậu ấy.. có vẻ ổn lắm. Cậu ấy không nhận ra sự thay đổi trên gương mặt tôi, cứ thế kéo tay tôi đi về. Tôi dừng lại hỏi: - Sao cậu.. Leo dừng theo tôi. Tôi nhìn cậu ấy: - Sao cậu chưa từng hỏi gì về tôi? Tôi chỉ vừa mới nhận ra điều này nhưng đối với Leo thì không. Trong khi chỉ vì tôi muốn biết tất cả về cậu ấy nên không để ý tới thì cậu ấy đã cố tình như vậy ngay từ đầu. Leo buông tay tôi ra: - Cậu đã nghe thấy hết. Phải không? - Sao cậu lại nói cậu chưa từng biết vẽ? Tôi cảm giác người đang mang vấn đề là tôi chứ không phải Leo. Tôi cứ dồn dập, càng nói càng không giữ được bình tĩnh. - Cậu và cả ông Torento đã cố tình giấu tôi mọi thứ. Có lẽ tôi.. không phải học trò cưng của ông ấy. Tôi cũng không phải bạn của cậu. Leo nắm lấy tay tôi: - Không phải như vậy đâu. Nghe tôi nói đã. - Tôi đã quá sao nhãng về cậu. Tôi quên rằng mình tới đây vì điều gì, có lẽ việc tôi nên làm chỉ là cầm cọ vẽ và tới bảo tàng mỗi ngày. Tôi sẽ quay về với bức tranh lý tưởng của tôi. Tôi sẽ rời khỏi nhà ông Torento ngày mai. Tôi như chết lặng với điều tôi vừa nói ra. Nhưng không phải chính tôi mới là người không quan tâm đến cậu ấy sao? Tôi cứ vậy bước qua người Leo. Tôi nghĩ rằng Leo cũng đã từ bỏ tôi nhưng giọng nói cậu ấy lại cất lên: - Đó.. không phải một bức tranh lý tưởng đâu. Nó là bức tranh chết chóc. Tôi vừa nghe được một lời nhận xét chướng tai nhất mà tôi biết. Tôi quả quyết: - Cậu đã từ bỏ cọ vẽ và cậu không có quyền nhận xét bất cứ bức họa nào. Đặc biệt là bức họa của ông ấy, cậu thậm chí còn không biết ông ấy là ai. Bức tranh ấy đã truyền cảm hứng và cứu sống tôi, cậu không bao giờ có thể hiểu được vì cậu là kẻ dối trá. Tôi đã đoán ra từ khi nghe lọt tai câu chuyện trong phòng ông Torento. Rằng Leo thực chất không phải một sinh viên Y khoa mà là một sinh viên nghệ thuật. Và còn một điều nữa.. rằng cậu ấy đang bị bệnh. Tôi chỉ dám đoán tới đó. Nhưng tôi lại nhầm thêm một lần nữa. Một điều tôi không tưởng. Leo – chính là người đã vẽ ra bức họa trong viện bảo tàng. Bảo tàng đã đóng cửa nhưng Leo đưa ra một tấm thẻ và người ta vội mở cửa cho chúng tôi vào. Leo dắt tay tôi đi tới trước bức tranh được đóng khung cẩn thận nhất – cũng chính là bức tranh tôi mơ ước. Lần đầu tiên tôi được thấy nó gần thế. Leo cúi mặt xuống thở một hơi. Câu ấy nói: - Những điều cậu sắp chứng kiến có thể sẽ thay đổi cả cuộc đời cậu nếu như cậu tín ngưỡng bức tranh này đến thế. Hãy từ bỏ tín ngưỡng ấy từ bây giờ. Leo cậy chiếc búa thoát hiểm trên tường ra. Tôi kinh hoàng với những gì cậy ấy sắp làm. Tôi bịt tai lại: - Đừng, leo. Cậu ấy đập vỡ tấm kính của bức tranh nhưng không một nhân viên bảo an nào giữ cậu ấy lại. Cậu ấy đứng chắn trước mặt tôi, vài mảnh găm lên vai cậu ấy. Tôi hét lên: - Cậu làm gì vậy Leo? Leo dùng cọ màu pha loãng với nước rồi đổ lên bức tranh của mình. Tôi thắt tim lại, tôi chưa bao giờ chứng kiến điều gì kinh khủng như thế. Đằng sau lớp màu tươi sáng thực chất lại là một bức tranh đen đúa, tăm tối và ám ảnh. Leo toát hết mồ hồi, dù trồng thêm 3 thửa cà chua thì trông cậu ấy cũng không mệt mỏi thế này. Cậu ấy bắt đầu nói: - 19 tháng là quãng thời gian tôi vẽ bức tranh đằng sau. Tôi chỉ tô lên vào phút chót lớp màu nham nhở bên ngoài. Nhưng không phải chính cậu cũng thích bức tranh bên ngoài hơn sao? Làm gì có ai muốn ngắm nhìn sự tiêu cực. Tôi không còn có thể cầm cọ vẽ lên được nữa, nghệ thuật không chấp nhận một người như tôi. Một người không mang lại một giá trị gì tốt đẹp. Tôi không muốn người khác phải thương xót mình. Tôi.. tôi.. Tôi không thể tin nổi. Thứ mà tôi cho rằng xa vời lắm lại ở ngay bên cạnh mình. Tôi từ từ ôm lấy Leo, bằng cả trái tim của mình tôi đã ôm lấy cậu ấy. Tôi không nói gì cả và cậu ấy bắt đầu nức nở lên. Tôi thấy tôi vừa mới ôm trọn cả cuộc đời mình trong tay. Tôi thấy tôi có tất cả khi Leo ở bên cạnh mình như vậy. Tôi nhìn bức tranh sau lưng Leo. Bức tranh ấy giờ đây, vẫn chính là tín ngưỡng của tôi. Họa không chỉ là sao chép cái vẻ ngoài, họa là cả tâm hồn. Tôi và Leo ngồi sát nhau trên thành cổ lâu đài. Hai đứa vắt chân xuống và đung đưa. Leo nắm chặt tay tôi. Tôi nói: - Vậy nên anh định ở ẩn? Cho tới lúc.. anh không còn trên đời nữa sao? Anh nghĩ như vậy người ta sẽ mau chóng quên anh đi và anh sẽ không thấy gánh nặng nữa sao? Leo quay ngoắt sang nhìn tôi: - Em hỏi nhiều quá vậy? Anh còn chưa được hỏi em câu nào. Ngừng một chút, Leo nói: - Thật ra anh đã biết em từ trước khi em tới Venice. Anh là người đã viết giấy giới thiệu để em sang đây. - Chứ không phải là thầy của thầy em sao? - Ờm.. ông ấy nhất quyết gọi anh là thầy à? Mặt tôi ngắn tũn lại. - Anh đã nhìn thấy tranh của em vào ngày triển lãm 2 năm trước. Tuy nhiên anh mới chỉ nhận ra đó là em khi nhìn thấy tranh của em trong phòng. Dù không phải cùng một bức tranh, chúng mang năng lượng giống hệt nhau. Giống hệt em. Leo đưa tôi đi hết từ bất ngờ này đến bát ngờ khác. Nếu không phải anh ấy nắm chặt tay tôi có lẽ tôi đã ngã ngửa xuống thành lâu đài rồi. Nhưng dẹp chuyện của tôi sang một bên, tôi nghĩ mình cần nói gì đó lúc này: - Leo, nghe em này. Anh không thể chối bỏ bản thân đâu, như ông Torento đã nói. Anh thậm chí không nỡ vứt cây A302 đi mà, anh không nhớ sao? Điều anh cần làm không phải vùi đầu vào một chuyên ngành khác, anh sẽ chết vì hối hận trước khi căn bệnh trong người anh cho anh một lý do để chết. - Sao em có thể nói chữ "chết" mà không ghê tai vậy? - Em là vậy đó. Nhưng anh phải nghe em, ngay bây giờ. Anh phải vất hết sách Y đi và cầm lại cọ vẽ ngay bây giờ. - Nhưng anh không đủ sức sống để vẽ.. - Không cần. Anh quên rồi sao. Abetto đã từng nói rằng họa không phải là sao chép vẻ ngoài, những bức họa cần được là chính nó, không gì cao cả hơn sự thật cả. Anh không cần phải tô vẽ lên lớp ngoài thứ gì cả, mọi người cần một bức tranh nói lên anh là ai. Leo đã bị ám ảnh về thực tại của mình quá ư kinh hoàng. Anh ấy sợ hãi khi phải phô diễn chúng ta, trước con mắt của hàng tá người và hàng tá lời nhận xét. Người ta sẽ không chấp nhận một con người sắp rời khỏi thế giới và chỉ nhìn thấy những điều đại diện cho sự kết thúc, chết chóc. Nhưng anh ấy đã nhầm, đã là sự thật thì không bao giờ tầm thường. Sau tất cả, anh đã đã cầm lại cây cọ. Và khi một người họa sĩ cầm trên cây vẽ của mình, không gì có thể ngăn cản được anh ấy nữa. Tôi đã từng thấy mọi dáng vẻ của Leo, tôi cho rằng mình đã thấy được hình ảnh đẹp nhất của anh ấy. Nhưng không tôi đã nhầm. Hình ảnh anh ấy đẹp nhất phải là lúc này. Lúc anh ấy bỏ lại thế giới đằng sau, điều tồn tại duy nhất chỉ còn là anh ấy và những điều anh ấy yêu thích, chỉ vậy và chỉ cần là vậy. Từ lúc ấy cho tới lúc tôi nhập học còn 1 tuần nữa, 1 ngày anh ấy vẽ liên tục 20 tiếng và không hề mệt mỏi. Tôi và ông Torento không thể làm gì khác hơn là trật tự một chỗ. Buổi sáng tôi mang cam ép vào cho Leo rồi lặng lẽ đi ra vườn trà chơi cờ với Torento cho đến hết ngày. Tuy cả tôi và Torento không để ra một chút thời gian chết nào nhưng cả hai đều nhìn thấy sự bồn chồn trong mắt người kia. Chúng tôi đều đang đợi kết quả từ việc chữa lành tâm hồn của Leo. Đến ngày thứ 6, trông Leo như hóa thành một bức tượng. Tôi đặt cốc cam ép lên bàn và tôi biết thật không nên nếu nghĩ anh ấy không quan tâm tôi lúc này. Nhưng.. tôi vừa mới nghĩ rồi đấy. Tôi đi nhẹ nhất có thể tới trước cửa phòng. Nhưng trước khi kịp bước chân ra ngoài, Leo đã nắm lấy tay tôi. Bàn tay anh ấy nóng ấm. Giọng anh ấy cũng ấm không kém: - Đợi anh thêm một chút, nhé? Khi ấy, em có thể kể hết về cuộc đời em cho anh nghe được không? Tôi thật ngu ngốc khi nghĩ anh ấy đã bỏ lại cả tôi đằng sau. Tôi nhón chân, đặt một nụ hôn ngọt ngào lên môi anh. Anh xúc động đến mức ứa nước mắt, anh ghì chặt tôi trong lòng. Leo cùng tôi nhập học vào ngày hôm sau. Anh ấy đã hoàn thành bức tranh và mang nó đến trường. Cả ông Torento cũng tới, ông là giáo sư của khoa Y và được mời tới dự lễ khai giảng. Trước khi ông Torento rời đi tới bàn ban giám hiệu, tôi lấy bức tranh của Leo đưa cho ông ấy: - Ông có thể tặng cháu cái này khi cháu lên nhận học bổng nhập học được chứ? Torento nhìn qua vai tôi, Leo vẫn đang bị vây quanh bởi một đám nữ sinh. Ông nói: - Nhưng thằng bé nói chỉ muốn đặt bức tranh này trong phòng sáng tạo ở trường, ngay chỗ của cháu thôi. Tôi lắc đầu: - Anh ấy chưa hoàn toàn thoát ra khỏi những điều anh ấy vẽ. Nếu cháu động chạm tới lòng tự ái của anh ấy, cháu sẽ chịu trách nghiệm. Ông mau đi đi, cháu không chắc cháu chịu trách nghiệm được ngay bây giờ đâu. Tôi dúi bức tranh vào tay ông. Bức tranh khá lớn, ông Torento phải dùng hai tay cẩn thận lắm mới đặt được nó an tọa cạnh ghế ngồi. Tôi len qua đám nữ sinh vẫy tay chào Leo, trông anh ấy thật ngố. Anh ấy chỉ về phía tôi: - Bạn gái tôi đến rồi. Tôi xin phép. Tỏ tình hay lắm chàng trai, tôi nghĩ thầm. Có rất nhiều cử nhân từ khắp nơi trên thế giới tới Venice kỳ này, có những nước tôi còn chưa từng nghe thấy tên. Nhưng càng đông người, tôi lại thấy hơi quan ngại. Như thể bức tranh ấy là do tôi vẽ chứ không phải Leo. Khi ông Torento gọi đến tên tôi, tôi cá mình đã dùng hết sự tự tin của hôm nay. Tôi đứng dậy trước sự tán dương của mọi người, Leo là người cười tươi nhất. Bục nhận bằng khen rộng đến nỗi tôi thấy mình không bao giờ có thể đến được chỗ ông Torento đang đứng. - Hướng Dương, sinh viên của Việt Nam. Người đã xuất sắc nhận được học bổng của học viện hoàng gia Ý và được đích thân họa sĩ SunLee viết giấy giới thiệu để học nốt chương trình tại Ý. Tiếng ông Torento giới thiệu đều đều, ông trao bằng khen cho tôi. Tôi lén nhìn ông một cái. Khi mọi người đã ngồi lại chỗ, ông mới nói: - Còn một điều nữa. Về bức tranh mà một vị họa sĩ tài hoa đã tặng cho Hướng Dương nói riêng và nhà trường nói chung trước khi lễ nhập học bắt đầu – bức tranh của Sunlee. Mọi người ồ lên. Từ sau vụ ở bảo tang, những tin đồn đoán về anh ấy cứ ngập các mặt báo suốt ngày. Tôi nhìn Leo, ánh mắt muốn nói "Không sao đâu, không sao đâu". Dường như anh hiểu ý tôi, anh từ từ ngồi lại ghế và trao cho chính mình một cơ hội xem tôi sẽ làm gì. Tôi nhận lấy bức tranh, bắt đầu bài diễn văn của mình: - Tôi là một sinh viên rất đỗi tẻ nhạt và cực kì chán ngắt. Tôi đã lãng phí không biết bao nhiêu thời gian cho sự màu mè hời hợt của mình. Cách đây 6 năm, tôi thậm chí còn hùa theo những sinh viên kinh tế để chế nhạo về một sự mơ mộng hão huyền của cọ vẽ. Ai mà dùng nó để kiếm tiền được chứ, thiết thực lên đi. Tôi thật sự đã từng nghĩ như vậy. Và chính điều Abetto - một họa sĩ thiên tài - đã từng nói "Bạn không đủ tư cách theo đuổi ước mơ nếu như bạn hơn 1 lần nghi ngờ về nó" đã khiến tay tôi run lên mỗi khi định vẽ kể từ lúc đó. Thật may, tôi mới chỉ có một lần như thế. Bên dưới ồ cười. Tôi tiếp tục: - Tôi nghĩ mình sẽ vùi đầu vào các báo cáo tài chính và các thứ thủ tục kiểm toán suốt phần đời còn lại. Xin lỗi các vị cử nhân kinh tế ngồi đây, nó thật sự không phải điều khiến tôi được sinh ra. Nhưng tôi đã nhìn thấy bức tranh của Sunlee ngay trước khi tôi quyết định mình học gì. Và kết quả đây, tôi trở nên màu mè, rực rỡ và tỏa sáng như một bông hướng dương thật sự. Tôi thậm chí đã trở thành bạn gái của Sunlee. Theo cánh tay tôi, mọi người cùng nhìn về phía Leo. Còn anh ấy, vẫn nhìn tôi không rời. Tôi giơ bức tranh tiến lên trước để mọi người nhìn rõ hơn: - Bức họa "Vì một lẽ" trong viện bảo tàng, có lẽ quý vị đã đọc các bài báo về nó. Quý vị có thể tùy ý gán ý nghĩa cho nó, miễn sao là nó khiến cuộc sống của quý vị tốt đẹp hơn. Vì các bức họa, không có một khái niệm giải thích nào cố định cả. Khi các bức họa được công bố thì nó chính là của quý vị. Việc của một người họa sĩ chỉ là khơi dậy ý thức trong mỗi người, anh ta không có quyền quyết định ý thức đó sẽ là gì. Và tôi mong, Sunlee một ngày nào đó, sẽ chấp nhận tất cả những bức họa mà anh ấy vẽ. Vì mọi bức họa ấy, đều xứng đáng là một tuyệt tác, ít nhất là với anh ấy. Ánh đèn trên bục bỗng dưng mờ đi. 1/3 hội trường đứng dậy, quay mình về phía Leo. Họ lấy lên từ dưới ghế của mình những bức tranh, tất cả đều là của Leo – những bức tranh gần như đã lưu lạc. Leo ngơ ngác nhìn tôi, tôi trả lại anh hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tôi gật đầu, đúng vậy. Tôi đã biết trước không chỉ có anh mà còn rất nhiều người khác có thể nhìn ra sau đằng sau bức tranh của anh có gì. Họ hiểu hết, thậm chí có người còn dùng chính cách của anh để biết được sự thật đằng sau lớp màu tươi sáng kia. Leo đã hiểu sai về thế giới, thế giới thật sự đẹp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Anh nghĩ thế giới không chấp nhận anh, sự thật là thế giới là của anh và chỉ có anh là không chấp nhận nó. Nhưng tôi cá là duy nhất bức tranh mà tôi đang cầm, thật sự không cần dùng màu pha loãng để nhìn xem đằng sau là gì. Vì leo.. đã vẽ tôi trong ấy. * * * - Là hôm nay nhỉ. Tôi và Leo cùng dừng tay lại, lâu đài cát chưa xong nhưng chúng tôi quyết định bỏ dở. Chúng tôi trở lại nhà của ông Torento. Từ bên ngoài đã nghe mùi thức ăn thơm phức. Hôm nay là ngày giỗ của vợ ông. Vì biết ông muốn một mình chuẩn bị hết các thứ nên chúng tôi ra ngoài từ sớm và chỉ trở về lúc giờ cúng cơm. Ông Torento có thể mặc kệ con cún đậu mùa không tắm hoặc cả đống tài liệu một năm lộn tùng lên nhưng lại rất kì công trong việc chuẩn bị ngày hôm nay. Vào năm đầu tiên bà ấy mất, chỉ có một bún bún cua. Mỗi năm ông ấy làm nhiều hơn một món. Năm nay có cả thảy 24 món. Ông Torento hôm nay uống rượu. Đến khi ông hơi say, tôi lắc đầu với Leo. Anh dừng chén và mang ông ấy lại phòng, tôi lấy nước và khăn nóng lau người qua cho ông ấy. Từ sáng tới giờ, ông ấy đã không nghỉ một phút nào. Vậy mà ông ấy lại chưa say hẳn: - Leo ý mà. Nó là một đứa trẻ cực kì đáng thương, nó đang ở nhà ta đó chứ. Nhưng nó cố tình chuyển ra để khi cháu tới không thấy mình là vị khách duy nhất. Nó cứ luôn miệng nói với ta về nụ cười của cháu đẹp đến độ làm nó nghẹt thở, nhưng ta cá là nó chưa từng khen cháu câu nào hả.. khụ.. khụ.. Tôi vỗ vai ông, tôi nói: - Không đâu, anh ấy nói anh ấy yêu cháu nhường nào mỗi ngày. Kể cả Leo không nói, tôi cũng nhìn rõ rang cái sự ấy trong mắt anh. Tôi đóng cửa phòng lại và lên tầng. Giường của Leo và tôi đã được ghép lại làm một, Leo dang tay ra trìu mến: - Ông ấy ngủ rồi à? Tôi ngồi xuống cạnh anh: - Mỏi không? Chúng ta cũng đi ngủ nhé. Leo đọc sách cho tôi nghe, tôi gối đầu lên tay anh. Tới khi công chúa bị bắt cóc thì tôi đã chìm vào giấc ngủ. Tôi rất sợ cảm giác tỉnh dậy giữa đêm. Lần này còn đáng sợ hơn vì tôi tỉnh giấc mà không thấy Leo đâu. Tôi thúc cái tim của mình đập trở lại và chạy ra khỏi phòng. Tôi chạy xuống cầu thang nhưng ánh mắt dừng lại ở phòng của con cún đậu mùa bên cạnh. Tôi nhìn qua lớp giấy chắn mờ mờ. Leo đang ngồi trong phòng ôm lấy miệng để không đánh thức tôi. Anh ấy gục mặt lên giường và.. khóc. Vai anh ấy run rẩy liên tục. Lúc ấy tôi chỉ biết ngã quỵ xuống, tôi không thể làm gì hơn là chấp nhận sự thật rằng anh ấy sắp ra đi. Anh ấy sợ rằng tôi sẽ sống một cuộc đời cô độc giống như ông Torento. Anh ấy sẽ đau lòng lắm nếu phải thấy tôi như thế. Nhưng tôi yêu Leo, tôi sẽ không vì vậy mà không yêu anh ấy nữa. Tôi cố gắng hành xử bình thường nhất có thể những ngày sau đó. Buổi chiều vẫn đi đạp xe và ra bãi biển xây lâu đài cát cùng Leo. Tôi chỉ đang chờ anh ấy động đến vấn đề anh ấy sợ nhất. Và cuối cùng, tôi đã chờ được. - Hướng Dương, em có thể hứa với anh một điều không? - Leo, chúng ta kết hôn đi. Tôi quay qua nhìn anh, gió biển thổi ngược làm tóc tôi che hết cả mắt. Tôi không nhìn rõ anh phản ứng ra sao, cũng không đủ can đảm để nhìn. Anh bỗng kéo tôi đứng dậy, vén mái tóc của tôi. Anh lấy từ trong túi quần ra một hộp nhẫn. Nhưng tôi chỉ vừa mới nói ra.. Nước mắt tôi cứ thế chảy xuống, không ngừng. Leo nói: - Con – xin được cưới Hướng Dương làm vợ. Dù giàu sang, nghèo hèn, bệnh tật ốm đau hay khỏe mạnh. Con xin hứa, bằng tất cả danh dự của mình sẽ mãi mãi yêu cô ấy, mãi mãi. Con chỉ xin ngài một điều, hãy để cô ấy kết hôn thêm một lần nữa, với người mà cô ấy yêu thêm một lần nữa sau này. Chỉ có như vậy, con mới đủ can đảm để đeo chiếc nhẫn này lên tay cô ấy hôm nay. Và lời cuối cùng, dành cho tôi chứ không phải chúa: - Xin em hãy chấp nhận sự hèn nhát cuối cùng này của anh. Anh yêu em. Những ngày sau khi anh mất thật sự khó khăn với tôi. Dù đã chuẩn bị từ rất lâu về trước, tôi cứ vô thức cuộn mình lại trong ruộng cà chua của bác May mà khóc. Tôi nhớ Leo.. tôi thật sự nhớ anh ấy. Tôi đã không thể trở thành oxi của anh ấy cho đến cuối cùng. Tôi muốn được thấy nụ cười của anh, cái cách anh ấy nhìn tôi mỗi khi thức dậy và được anh ấy chở đến bảo tàng mỗi buổi chiều. Nhưng tôi là ai cơ cứ và tôi đã nói những gì nào. Cho đến một ngày, ngày tôi tháo chiếc nhẫn của anh ấy xuống và nâng váy vào lễ đường, anh ấy vẫn sẽ là tín ngưỡng đẹp nhất trong lòng tôi. - Hết -