Lê Chiêu Thống - Bi Kịch Cuộc Đời Của Vị Vua Cuối Cùng Nhà Lê

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Nalhna, 18 Tháng chín 2021.

  1. Nalhna

    Bài viết:
    41
    Lê Chiêu Thống lên ngôi trong bối cảnh chính trị và xã hội của đất nước đang rối loạn cực độ. Khởi nghĩa Tây Sơn nổi lên tiêu diệt được chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc Hà tiêu diệt họ Trịnh và lại vô tình trở thành mối đe dọa mới cho họ Lê vốn đã tồn tại qua hai thế kỉ bù nhìn. Và trong hàn cảnh đó thì Lê Chiêu Thống đã đưa ra một lựa chọn sai lầm đó chính là cầu cứu nhà Thanh đưa quân vào Đại Việt. Điều này đã vô tình khiến ông phải mang danh "cõng rắn cắn gà nhà" cho đến tận ngày nay.

    Giông Tố Trên Con Đường Kế Vị


    Lê Chiêu Thống sinh năm 1765, tên thật là Lê Duy Khiêm, con của Hoàng thái tử Lê Duy Vỹ, cháu đích tôn của vua Lê Hiển Tông. Thế nhưng trước khi chúa Trịnh Doanh chết, Thái tử Trịnh Sâm có hiềm khích sâu nặng với Duy Vỹ.

    Nên sau khi nối ngôi, tháng 12 năm Tân Sửu (1771), Sâm bày mưu hãm hại và giết Duy Vỹ trong ngục, Lê Duy Khiêm cùng hai em bị bắt mang giam cầm ở ngục Đề Lãnh, năm đó Duy Khiêm mới 6 tuổi. Chú của Duy Khiêm là Duy Cận được lập làm Thái tử nhờ sự can thiệp của Trịnh Thái phi-mẹ Trịnh Sâm.

    Tháng 10 năm Nhâm Dần (1782), sau khi Trịnh Sâm mất, binh lính Tam Phủ làm loạn trước Thái tử Trịnh Cán, lập Thái tử Trịnh Tông lên ngôi vua, đây gọi là nạn kiêu binh. Quân lính cũng mở ngục rước anh em Duy Khiêm về cung, năm đó Duy Khiêm 17 tuổi, ở trong ngục tổng cộng 11 năm. Khi Duy Khiêm trở về, ngôi Thái tử của Duy Cận bị đe dọa. Trịnh Thái phi vốn ủng hộ Duy Cận, bèn sai hoạn quan là Liêm Tăng đến bắt ép Duy Khiêm sang chầu, toan tính bí mật giết đi, Duy Khiêm từ chối không được. Khi đi đường, quân tuần sát ngăn lại, yêu cầu tra cứu người lập mưu làm hại Thái tôn. Quân lính lùng tìm Liêm Tăng không được, ngờ là Duy Cận chủ mưu. Duy Cận sợ, phải thay đổi quần áo lẻn về cung, Duy Khiêm thoát nạn. Trịnh Tông biết việc này là do Thái phi gây ra bèn dụ quân sĩ thôi làm huyên náo rồi hạ lệnh cho bầy tôi trong triều xin vua Hiển Tông lập Duy Khiêm làm Hoàng thái tôn, còn Duy Cận bị truất làm Sùng Nhược công, lúc ấy Duy Khiêm 18 tuổi.

    Tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ trên danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh đã mang quân ra Bắc Hà đánh đổ Trịnh Tông. Vua Hiển Tông phong cho Nguyễn Huệ là Nguyên soái phù chính dực vận Uy quốc công, gả con gái thứ 21 là công chúa Lê Ngọc Hân. Khi đó Bắc Hà rối loạn, vua Lê sau một thời gian dài không có thực quyền trở nên yếu hèn nhu nhược, chúa Trịnh-kẻ có thực quyền đã bị đánh đổ, tạo ra khoảng trống quyền lực. Lại thêm Nguyễn Huệ ra Bắc Hà lần đầu, giới sĩ phu do tư tưởng chính danh nên nhìn chung có thái độ chống đối với quân Tây Sơn. Phía Nam, quân Nguyễn Ánh vẫn còn quấy rối, không có Nguyễn Huệ thì không ai đảm đương được. Nguyễn Huệ thấy chưa thể củng cố được quyền lực ở Bắc Hà nên đã quyết định không xưng đế mà để nhà Lê tiếp tục giữ ngôi vua. Tuy vậy cả Nguyễn Huệ và Lê Hiển Tông đều ý thức được cán cân quyền lực đang nghiêng về ai.

    Tháng 8 năm 1786, Hiển Tông trước khi chết đã dặn Duy Khiêm rằng "Ta chỉ sớm tối sẽ trút bỏ gánh nặng, bây giờ lo lắng việc nước là ở mình cháu, cháu phải nghĩ lấy, binh lính xứ khác còn đóng ở đây, việc truyền nối ngôi vua là việc trọng đại, cần thương lượng bàn bạc với Nguyên soái, chớ nên làm tắt. Nguyễn Huệ đầu tiên tham khảo ý kiến vợ, công chúa Ngọc Hân xin lại với Nguyễn Huệ lập Duy Khiêm. Nguyễn Huệ đồng ý đưa Duy Khiêm lên ngôi vua, vua mới đổi tên là Duy Kỳ, đặt niên hiệu là Chiêu Thống, năm đó Chiêu Thống 21 tuổi.


    Giằng Co Quyền Lực Tại Bắc Hà

    Lo ngại cậu em trai của mình đang có mưu đồ riêng, tháng 8 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Nhạc ra Thăng Long bắt Nguyễn Huệ vào Nam mà không hề báo cho Chiêu Thống. Hành động này lại tạo lên một khoảng trống quyền lực khi nhà Lê, sau 2 thế kỉ bù nhìn, giờ chẳng có lấy một vây cánh nào. Nhân cơ hội đó, hào mục các nơi chiếm giữ châu quận, triệu tập binh mã đều mượn danh nghĩa bảo vệ, những hàng vô lại đánh giết lẫn nhau, trong nước thành ra rối loạn. Nhờ đó, Trịnh Bồng nổi lên, được vua triệu về triều, dần dần lấn át quyền hành của nhà vua. Tuy nhiên Chiêu Thống cũng hiểu được đây là cơ hội khôi phục lại Hoàng quyền chính thống của nhà Lê, nên cũng tính kế.

    Tháng 9 năm Bính Ngọ (1786), Trịnh Bồng yêu cầu phong vương, vua cự tuyệt. Tuy nhiên, trước áp lực từ triều thần cùng lực lượng quân đội ủng hộ Trịnh Bồng, Chiêu Thống đành nhượng bộ và phong cho Bồng làm Nguyên soái Tổng quốc chính Yến đô vương. Tuy nhiên, việc quyết đoán nằm cả trong tay Đinh Tích Nhưỡng, dẫn đến việc cai trị càng rối loạn. Đinh Tĩnh Nhưỡng cấu kết với Hoàng Phụng Cơ, mượn tiếng đem quân từ Sơn Tây về bảo vệ kinh thành, gây áp lực buộc vua phải trở lại mô hình" vua Lê, chúa Trịnh ".

    Đỉnh điểm là tháng 11 năm Bính Ngọ (1786), Dương Trọng Khiêm- một trong những người ủng hộ mạnh mẽ việc khôi phục quyền lực của chúa Trịnh- đang giữ chức coi giữ bộ Hộ, trông coi về tài chính thuế khóa, đã xui Trịnh Bồng làm việc phế truất. Bồng nghe theo, sai Nguyễn Mậu Nễ và Bùi Nhuận nhân đêm tối bí mật đem quân vào cấm thành. Hoàng Phùng Cơ nghe tin, sợ bị mang tiếng xấu cùng phe với quân tạo phản, đem quân chặn Mậu Nễ. Sau sự kiện đó, Chiêu Thống quyết định viết Chiếu Cần Vương cho Nguyễn Hữu Chỉnh, Chỉnh vốn là tay gian hùng không được Tây Sơn tin tưởng. Khi Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ rời Thăng Long vào Nam đã không cho Chỉnh biết. Chỉnh phải chạy theo về rồi được bổ làm Trấn thủ Nghệ An cũng là bất đắc dĩ. Giờ đây, trước cơ hội không thể bỏ qua, Chỉnh lập tức truyền đi khắp nơi, lấy danh nghĩa là nhà Lê mộ quân. Trong khoảng 10 ngày, mộ hơn được 1 vạn lính, khi đem quân tiến ra Bắc, nhanh chóng đập tan được mọi kháng cự của Trịnh Bồng và Đinh Tích Nhưỡng, được Chiêu Thống đích thân ra khỏi thành đón tiếp.

    Tháng 12 năm Bính Ngọ (1786), Chiêu Thống phong Chỉnh là Đại tư đồ, phong tước Bằng Công. Chỉnh bắt chước lối chúa Trinh xưa cho Thế tử ra ở phủ riêng, Chỉnh kiêu ngạo lấn lướt làm cho vua dần dần phát chán. Chiêu Thống lại tìm cách giết Chỉnh, Chỉnh phong thanh biết chuyện, từ đó bỏ luôn lễ triều yết.

    Trước nỗi lo chuyên quyền của Chỉnh, tháng 11 năm Đinh Mùi (1787), quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy tấn công Bắc Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân chống cự nhưng bị Văn Nhậm đánh tan trên sông Thanh Quyết, chỉ kịp đem vài trăm quân chạy về Thăng Long. Tháng 12 năm đó, Văn Nhậm kéo quân đến Thăng Long, Chiêu Thống nghe lời Hữu Chỉnh bỏ Thăng Long chạy đi Kinh Bắc.


    Cầu Viện Nhà Thanh

    Lúc đi thị vệ và các bầy tôi bỏ trốn hết, vua lại phải cho người sang nhờ Hữu Chỉnh hộ giá. Khi vua đến Kinh Bắc, trấn thủ là Nguyễn Cảnh Thước vốn đã bí mật đầu hàng Tây Sơn, đóng cửa thành cáo bệnh không đón. Vua cùng Hữu Chỉnh qua đò sông Nguyệt Đức (sông Cầu), đi theo chỉ còn 6, 7 người, lại bị bọn vô lại cướp mất áo bào, tình cảnh hết sức thê thảm. Khi Chiêu Thống tới huyện Yên Dũng mới được tri huyện giúp đỡ xin hộ giá, dần dần khôi phục lại lực lượng. Sau đó, Nguyễn Văn Hòa- Bộ tướng của Văn Nhậm quân Tây Sơn- đuổi kịp quân nhà Lê, Chiêu Thống thân chinh cầm quân ngự chiến nhưng thua trận. Nguyễn Hữu Chỉnh bị bắt về kinh rồi bị Văn Nhậm xử tử, quân nhà vua tan vỡ. Dương Đình Tuấn hộ vệ vua chạy sang trại Sơn Lộc, các bầy tôi khác đều tan tác hết. Sau đó, Chiêu Thống chạy trốn quân Vũ Văn Nhậm ở mạn Bắc sông Nguyệt Đức, lang thang qua nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định.

    Về phía Nguyễn Huệ, thấy cũng Nhậm chẳng khác Chỉnh năm xưa. Tháng 4 năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ lại ra Bắc giết Vũ Văn Nhậm. Trước đó khi Chiêu Thống đến Cao Bằng, bị các thế lực cát cứ địa phương uy hiếp. Bầy tôi nhà Lê gồm Nguyễn Huy Túc, Hoàng Ích Hiểu, Lê Quýnh và Nguyễn Quốc Đống đã bảo vệ Thái hậu và Chiêu Thống qua cửa ải Thủy Khẩu, chạy sang Long Châu nhà Thanh, gặp Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị và Tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh xin cứu viện, nhà Thanh nhân dịp này định thôn tính luôn An Nam. Tôn Sĩ Nghị điều động quân 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu, tổng cộng là 29 vạn quân, kéo sang Đại Việt, sai Lê Quýnh, Nguyễn Quốc Đống về tâu lại với Chiêu Thống. Vua bèn sai Tham tri chính sự Lê Duy Đản và Hàn lâm hiệu thảo Trần Danh Án đi đường tắt lên đón quân nhà Thanh. Thấy thế giặc mạnh, quân Tây Sơn phải bỏ Thăng Long lùi về giữ Tam Điệp.

    Tháng 10 năm Mậu Thân (1788), quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đưa Chiêu Thống về Thăng Long, phong cho làm An Nam Quốc vương. Kể từ đây, Chiêu Thống tin tưởng hoàn toàn vào nhà Thanh, dù trở lại ngôi vua, ông thực sự chỉ là bù nhìn của quân Thanh. Việc chủ yếu của vua lúc đó là luận công những người hộ giá và thanh trừng những ai hợp tác với Tây Sơn. Ngoài ra, việc trong ngoài đều trong tay Sĩ Nghị. Quân Thanh ở Thăng Long chểnh mảng phòng thủ, thường đi cướp bóc hãm hại quân Đại Việt nên bị oán ghét, đến Tôn Sĩ Nghị dù có ra sức lệnh nghiêm quân nhưng cũng không có tác dụng lắm.

    Trước tình hình đó thì Quang Trung đã lựa chọn tiến quân thần tốc ra Bắc, lợi dụng cơ hội quân Thanh chưa ổn định. Vào tháng giêng năm Kỉ Dậu, chỉ trong ngày mồng 4 và mồng 5 Tết, quân Tây Sơn đã tiến quân ra Bắc Hà, làm nên trận Ngọc Hồi-Đống Đa vang danh lịch sử, quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược. Lê Chiêu Thống phải cùng với bại quân nhà Thanh chạy sang Trung Quốc và bắt đầu cuộc đời lưu vong đầy nhục nhã


    Ôm Hận Vong Quốc

    Lê Chiêu Thống theo Tôn Sĩ Nghị vào thành Nam Kinh ở Quảng Tây, được ít lâu thì vua nhà Thanh đã sai Phúc Khang An ra thay Tôn Sĩ Nghị. Khang An muốn giảng hòa với Tây Sơn đành mời Chiêu Thống về Quế Lâm. Bấy giờ, những quan cựu thần nhà Lê đều theo Chiêu Thống về ra mắt Khang An. Đến tháng 4 năm Kỷ Dậu (1789), vua tôi nhà Lê vào thành Quế Lâm, Khang An bảo với vua Chiêu Thống rằng:" Trời đang mùa hè nắng nóng, sang đánh phương nam không tiện, nên để đến mùa thu mát mẻ sẻ khởi binh. Vậy nhà vua nên đióng giả dần bọn tướng thuộc đi trước. Nhưng nhà vua hãy nên gọt đầu thay áo, làm như dáng người Tàu, để khi về nước, giặc không nhận được mặt. Việc hành binh phải nên biến trá, đợi khi thành công rồi lại theo tục nước mà ăn mặc ". Vua Chiêu Thống không ngờ là Khang An đánh lừa mình, bèn cùng với các quan cạo đầu gióc tóc và đổi y phục. Phúc Khang An bèn làm một tờ biểu tâu với vua Càn Long rằng:" Vua nước Nam là Lê Duy Kỳ không có ý xin viện binh nữa, vua tôi hiện đang gióc tóc thay áo, xin yên tâm ở lại nước Tàu, vậy xin bãi binh đánh An Nam ". Ở trong lại có hòa thân tán thành, bởi vậy vua nhà Thanh mới xuống chỉ bãi binh, phong vương cho vua Quang Trung, lại giáng chỉ triệu vua tôi nhà Lê về Yên Kinh.

    Mùa xuân năm Canh Tuất (1790), Chiêu Thống cùng với các quan vào kinh, vua Càn Long để Chiêu Thống, Thái hậu và Hoàng tử ở ngõ Hồ Đồng, tòa Quốc Tử Giám, cửa Tây Định ở Yên Kinh, ngoài cửa đề chữ" Tây An Nam Dinh ". Còn các quan An Nam đi theo thì cho ở ngõ Hồ Đồng, cửa Đông Trực, ngoài cửa đề chữ" Đông An Nam Dinh ". Chiêu Thống giận vì bị người Tàu lừa, cùng với bề tôi định sống chết xin binh cứu viện, nếu không thì xin đất hai tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên để phụng thờ tông tự, đường cùng thì xin về nước vào đất Gia Định với chúa Nguyễn. Văn biểu làm xong nhưng không được chấp nhận, Hòa Thân định cho vua An Nam phân tán đi ở mỗi người một nơi để cho khỏi kêu ca, khó chịu. Chiêu Thống nghe chuyện ấy lo lắng, chua xót, sáng hôm sau cưỡi ngựa đi kêu oan, bị lính giữ vườn ngăn cấm không cho đi. Bấy giờ có Nguyễn Văn Quyên đi theo hầu vua, thấy lũ lính vô lễ mới nổi giận chửi mắng, thế là quân lính xúm lại đánh Văn Quyên, về thành bệnh mà chết.

    Từ đó, vua Chiêu Thống trong bụng buồn bã rầu rĩ, không dám xin binh nữa. Qua tháng 5 năm Nhâm Tý (1792), Hoàng tử con ông bệnh mất, vua cũng bệnh ngày một nặng hơn. Đến tháng 10 năm Quý Sửu (1793), vua mất ở tuổi 28. Vua Càn Long sai người theo lễ tước công mà táng ở ngoài cửa Đông Trực.

    Đến năm Nhâm Tuất (1802), nhân dịp Nguyễn Ánh thống nhất cả Nam Bắc, có sứ sang xin sắc phong, các quan nhà Lê mới dâng biểu xin đem di côt Thái hậu và cố quân Chiêu Thống về nước. Vua Gia Khánh cho tất cả những người theo vua Lê sang Tàu được về nước. Khi đào đất lên để cải táng cố quân, thấy da thịt đã tiêu tan cả, chỉ còn có quả tim không nát, vẫn đỏ như thường, ai trông thấy cũng đều chua xót.


    Liên Lụy Bao Người

    Chỉ vì một sai lầm trong giấc mộng phục quyền, Lê Chiêu Thống không chỉ khiến cho nhân dân oán giận, ông còn khiến những người đã hết lòng vì ông phải chịu liên lụy. Nhóm Lê Quýnh, Trịnh Hiến cả thảy 10 người bị Phúc Khang An gọi về Quảng Tây rồi bắt đội áo gióc tóc như người Mãn Thanh. Lê Quýnh nói rằng:" Đầu chúng tôi có thể chặt được chứ tóc thì không thể gióc, da có thể lột được chứ áo không đổi ". Phúc Khang An tức giận cho giải cả về Yên Kinh, đi đến Sơn Đông gặp vua Càn Long, Lê Quýnh tâu rằng: Muôn dặm đi tòng vong, chúng tôi xin được giữ theo quốc tục để vào yết kiến quốc vương một chút đã, rồi sau sẽ xin vâng theo chỉ dụ gióc tóc cũng chưa muộn". Vua nhà Thanh khen là trung nhưng chiếu tội vi mệnh nên bị giam mãi mãi. Gia đình Chiêu Thống cũng không thoát khỏi thảm cảnh, Hoàng hậu Nguyễn Thị phải chịu cảnh "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh", lo buồn thành bệnh, mất ở "Tây An Nam Dinh". Hoành phi Nguyễn Thị Kim liên tục nghe tin dữ, càng ngày càng trở nên kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. Qua thời gian nhà Tây Sơn đổ, nhà Nguyễn lên thay năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long cho mời những cựu thần nhà Lê ra làm quan, lại mang biểu cầu phong sang nhà Thanh.

    Năm Giáp Tý (1804), đoàn sứ bộ nhà Nguyễn sang Yên Kinh, nhân chuyến đi ấy, Lê Quýnh đã nhờ con của mình thuộc đoàn sứ bộ nước Nam về nước làm biểu xin đem hài cốt gia đình Lê Chiêu Thống về. Việc này được nhà Nguyễn và nhà Thanh đều nhất chí cho thi hành. Biết tin linh cữu của chồng con được đưa về Bắc thành Thăng Long, ngày 13/8 mùa thu năm ấy, di hài vua Lê đưa về đến cửa ải, Hoàng phi Nguyễn Thị Kim liền từ Kinh Bắc lên cửa ải đón linh cữu. Ngay từ hôm ấy, Hoàng phi tuyệt thực mỗi ngày chỉ uống 1 chén cháo loãng, vật vã bên linh cữu mà khóc lóc. Ngày 23/8, di hài đưa về đến Thăng Long, các quan dựng rạp tế ở nhà Diên tự công, hằng ngày Hoàng phi chỉ nhấm vài đốt mía mà thôi. Ngày 12/10, các quan thay hài cốt vua Lê sang một chiếc tiểu khác, thấy trái tim vẫn còn y nguyên. Sau khi an táng tử tế cho chồng, con và mẹ chồng, bà uống thuốc độc tự tử. Việc này lan ra, ai nghe tin cũng đều thương xót, sứ thần Trung Hoa bấy giờ đang ở đấy cũng ngợi khen mãi. Ngày 13/10 cùng năm, các quan sắm quan khách khâm liệm cho Hoàng phi. Rồi ngày 28/10 cùng rước xuống thuyền đưa về trấn Thanh Hoa. Ngày 24/11, các quan làm lễ an táng vua Lê, Thái hậu, Hoàng phi, Thái tử ở cạnh Lăng vua Lê trên núi Bàn Thạch (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay).


    Về sau này thì triều Nguyễn đã có cái nhìn thông cảm và thấu hiểu hơn dành cho Lê Chiêu Thống, vua Tự Đức còn phong cho ông tước là Mẫn Đế. Tuy nhiên, đối với nhiều sĩ gia hiện đại thì ông vẫn bị xem là một tội đồ chỉ vì quyền lợi cá nhân và thiếu suy xét trong việc giải quyết mâu thuẫn nội bộ mà ông đã vô tình dẫn giặc Thanh vào nước và suýt đưa đất nước rơi vào cảnh ngoại xâm một lần nữa.
     
    Last edited by a moderator: 19 Tháng chín 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...