Làm việc chăm chỉ, tôn kính cấp trên như tôn kính trời, đó cũng là một biểu hiện người có đạo đức, không những cấp trên không phải lo về con người, công việc giao cho bạn, mà bản thân bạn cũng thấy điều đó là lẽ phải, việc cần làm. Cấp trên là người lãnh đạo, dẫn dắt cả một cơ quan, tổ chức, một hệ phong cách làm việc công sở, là đại diện cho anh, em trong tổ chức, là linh hồn và là người có quyền lực nhất tại thời điểm đó. Tôi vẫn nhớ anh bạn làm việc trong một cơ quan nhà nước, uống trà đá "trảm phong" tâm sự chuyện vui về "đúng", "sai" trong quan hệ công việc tại cơ quan. Anh bạn tôi nói "Điều 1- Sếp luôn luôn đúng, Điều 2- sếp không bao giờ sai, Điều 3 - nếu sếp sai - xem lại Điều 1". Tôi cười nắc nẻ, sự tình là tôi cũng nghe câu chuyện này dăm bảy lần rồi nhưng quả thực đúng, đúng 100% quá cơ. Cơ mà anh bạn tôi nói trong sắc mặt lạnh te, tôi nghĩ trong cơ quan, anh cũng va chạm một vài lần nên mới sâu sắc như thế. Hãy làm việc chăm chỉ trong im lặng để thành công tự nó sẽ ồn ào. Học cách đối xử tốt với công việc bạn đang làm. Nó không chỉ cho bạn thu nhập, mà cho bạn niềm vui, ít nhất nó cũng khiến bạn bận rộn và cảm thấy là người quan trọng. Công việc không thú vị như tình yêu, nhưng nó cho bạn nhà để ở, cơm để ăn, xe để đi và những thứ mà tình yêu không cho bạn được. Trở lại việc bạn làm việc chăm chỉ, tôn trọng cấp trên như vậy, bạn mới tích lũy được chuyên môn, học những phẩm chất người lãnh đạo cần có trên cơ sở phong thái riêng của bạn, điều đó giúp bạn ngày càng tiến bộ hơn, chững chặc hơn và đến khi tổ chức tín nhiệm - bạn lại là người dẫn dắt, thuyền trưởng chèo lái con thuyền đi đến những giá trị đích thực; nước càng sâu, dòng chảy càng chậm, người có bản lĩnh thì lời nói càng điềm tĩnh. Hãy nhớ, khi thành công vẫn luôn giữ gìn đức tính đó, khơi và truyền cảm hứng cho cấp dưới bạn nhé.