Xin chào mọi người, em có vấn đề này xin được tư vấn ạ. Em từng có thời gian dài ôn thi, ngủ mỗi ngày 5, 6 tiếng mà không bị mệt mỏi hay mất sức, có thể học đến 2h hoặc 0h ngủ 4 giờ dậy. Chắc việc sinh hoạt vô tổ chức như vậy đã ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của em bây giờ rồi. Em thường 9h mới ăn tối xong, lúc đó là díp mắt luôn, không học hành được gì. Cứ tầm 21h đấy đến 24h là em buồn ngủ, mất tập trung, nên em vệ sinh cá nhân, soạn sách vở trước rồi ngủ đến tầm 3h30 em dậy học. Được một thời gian thì giờ em không dậy nổi, dù có ngủ sớm thì đến 6h30 đồng hồ reo điên lên em mới dậy được. Cũng có những hôm em ngủ ít lại tỉnh táo, rồi hôm nào ngủ nhiều thì lên lớp càng gật gù, ngủ gật. Em đã cai mạng xã hội, nghe nhạc baroque, uống cà phê.. nhưng vẫn không tỉnh táo được để học. Nên số lượng bài tập em làm ít đi và em học trì trệ, bị động hơn. Thỉnh thoảng phải ở lớp em mới học yên được, về nhà em lại buồn ngủ. Em hối hận vì đã không xây dựng cho mình thói quen và giờ giấc sinh hoạt hợp lí. Mọi người có thể cho em vài lời khuyên cải thiện tình trạng này của em được không ạ? :((em muốn mình tỉnh táo. Em là học sinh cuối cấp mà về nhà cứ ngủ cả tối, lên lớp mất tập trung thế này có dở không :( Em cảm ơn mọi người nhiều ạ.
Mình nghĩ là do lượng bài tập nhiều lên và độ khó tăng cao hơn, điều này bạn khiến bạn cần nhiều năng lượng hơn nên mới cảm thấy buồn ngủ đó. Bạn cứ việc lắng nghe cơ thể mình, nếu không muốn tác dụng phụ khi dùng các chất kích thích năng lượng, ngủ đủ cho cơ thể hồi phục đủ năng lượng. Có thể bạn sẽ cảm thấy không năng suất khi học nữa, nhưng thực ra sự thật là khả năng của bạn chỉ đến mức đó (tốn nhiều năng lượng hơn để giải lượng bài tập "khó" hiện giờ). Còn nữa là không thì bạn hướng tâm linh đi (sẽ khiến bản thân an tâm hơn), đi xem vì sao lại hay buồn ngủ (do vong theo). Nếu cảm thấy không thích hợp (cảm thấy bị lừa) thì cứ sinh hoạt như bình thường là được, chấp nhận khả năng của mình chỉ đến vậy, hoặc bạt mạng không quan tâm tác dụng phụ sau này - cứ nâng cao năng lực của mình hiện giờ đã.
Mình không phải chuyên gia gì đâu nhưng mình sẽ chia sẻ vài tips mà bản thân mình đã áp dụng để cái thiện sinh hoạt thường ngày nhé! Nói chút về vấn đề trước đây của mình. Trước đây khi ôn thi vào 10, cũng như rất nhiều học sinh khác, mình có một núi bài tập và thêm vào đó là mình là cú đêm, mình thích học khi yên tĩnh và thấy nó hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bài tập thì vẫn còn đó nhưng mà nhà mình ngay sát mặt đường, ban ngày thì tiếng xe cộ đi lại có khi còn rung cả móng nhà, ban đêm thì phải đợi đến gần 1 giờ sáng, có khi đến 2 giờ thì tiếng xe cộ mới tắt hẳn. Ở trên lớp thì mình vẫn có thể học được, nhưng mình mải chơi, nên cứ đứa nào rủ đi chơi là y như rằng cái giờ ra chơi đó mình không động được vào chữ nào cả. Vậy nên mình đã quyết định thay đổi cái thói quen sinh hoạt trước đây của mình. Thay vì học đến 11 giờ tối và đi ngủ thì sau khi ăn cơm, tức 6 giờ 30 thì 7 giờ mình lên đi ngủ, và dậy học bài lúc 3 giờ - 3 giờ 30. Ban đầu mình rất là quyết tâm, vì mình nghĩ nó hiệu quả với mình. Nhưng vấn đề lại ập đến, đó là khi mình mới ăn cơm xong, là lúc nhiều năng lượng mà lại đi ngủ, thế là mình cứ lăn qua lăn lại trên giường đến tận 9 - 10 giờ mới ngủ được. Rồi khi thời tiết bắt đầu lạnh, dậy lúc 3h sáng đúng là nghiệt ngã, thế là một tuần có 7 ngày thì 5 ngày mình dậy tắt chuông rồi chùm chăn ngủ tiếp và hai ngày còn lại là do mình quên không đặt chuông. Kết quả thì cậu đoán được rồi đó, bài tập vẫn không hoàn thành được, thậm chí còn ít hoàn thành hơn trước và trên lớp cứ gà gật vì không đủ giấc. Mọi chuyện chỉ được giải quyết khi mẹ mình phát hiện ra cái quẩng thâm đen sì và đồng nghiệp báo lại cho mẹ kết quả thi thử của mình. Điểm thấp tệ hại luôn! Vậy nên mẹ mình đã đưa cho mình một vài tips và mình sẽ chia sẻ với bạn đây: 1. Tuyệt đối không được thiếu ngủ. Ngủ là hoạt động sống bắt buộc để nạp lại năng lượng và độ tuổi học sinh cần ngủ ít nhất 7 tiếng một ngày, nhất là khi đang trong quá trình ôn thi mệt mỏi thì điều đó lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Mình có thể thay đổi thói quen một lần thì có thể chỉnh lại thói quen lần hai, cộng với sự giám sát, cổ vũ từ mẹ nên mình duy trì thời gian ngủ hợp lí, từ 12 giờ đến 6h30 sáng và 1 giờ ngủ trưa sau khi làm một vài bài tập nhẹ nhàng nữa. 2. Trước khi học. Nếu như bạn thích ăn đồ ngọt, thì đừng nên lạm dụng nó quá nhiều. Đồ ngọt có thể khiến bạn có nhiều năng lượng học tập hơn nhưng nó sẽ khiến bạn phụ thuộc và nghiện nó. Thay vào đó, có một chu trình trong 5 - 10 phút mà bạn có thể làm theo để đem lại những hiệu quả ngoài mong đợi: + Đi tắm. Sự kích thích trên da có thể truyền xung thần kinh đến não bộ, từ đó bạn sẽ thấy tỉnh táo và có năng lượng hơn rất nhiều. Nếu như đang ở vùng lạnh, thì một cái khăn mặt lạnh cũng đã có hiệu quả rất nhiều rồi + Bật một đoạn nhạc trong 2 phút và nhảy theo giai điệu. Nghiên cứu đã chứng minh việc nhảy múa có tác dụng rất lớn trong việc tiết ra dofamin khiến cơ thể bạn hưng phấn mà không cần chất kích thích bên ngoài như đồ ngọt nữa. Đây cũng là cách để cả hai bán cầu não được hoạt động hiệu quả hơn, nhất là khi bạn học các môn học mang tính tư duy và sáng tạo. Tuy nhiên, chỉ 2 phút thôi vì nếu quá lâu thì bạn sẽ cạn kiệt sự hưng phấn và tỉnh táo khi vừa tắm xong đấy. + Xem những câu hỏi tổng kết chương. Điều này sẽ giúp bạn biết được những kiến thức trọng tâm và dễ dàng tập trung hơn vào việc tìm hiểu và đào sâu về chúng. + Ném điện thoại và những vật quấy nhiễu ra xa. Những khi bạn mất tập trung, đừng để bản thân thấy được thứ gì khiến bạn càng sao lãng hơn, đừng cho mình cơ hội nói: "Lướt face một chút cho đỡ mệt", "đọc tí truyện cho đỡ chán".. Điều đó chỉ làm bạn càng khó tập trung hơn thôi. + Tự đặt thời gian cho mỗi việc. Hãy ghi ra một tờ giấy nhỏ với chiếc đồng hồ báo thức bên cạnh. Việc học đan xen và có những khoảng nghỉ rất có hiệu quả với mình, còn nếu bạn không thấy nó có hiệu quả, thì hãy tự cải tiến bước cuối cùng này theo tình trạng của bạn. 3. Vấn đề ăn uống - tập thể dục. Việc này quan trọng đấy, vì "có thực mới vực được đạo", nhưng bạn ơi. Hãy tránh xa những thứ chưa cafein, thay vì một cốc capuchino hay trà sữa, hay ăn một quả táo đỏ và điều đó còn giúp ích hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc học tập mệt mỏi khiến bạn có mong muốn được giảm stress, nhưng thay vì ngồi lướt face, hóng drama thì hãy đi chơi với bạn bè, chơi một môn thể thao nào đó hoặc ngồi đọc một cuốn sách hay. Điều này sẽ tạo cho bạn rất nhiều lợi ích và thói quen tốt về sau đấy. 4. Người bạn đồng hành. Mình có mẹ mình là người chỉnh sửa, theo dõi và động viên để có thể duy trì những thói quen trên. Bạn cũng nên tìm một người như vậy, tốt nhất là bố, mẹ, anh, chị hoặc em của bạn, những người có thể ở bên cạnh và nhìn bạn bất cứ lúc nào để đảm bảo bạn không "dễ dãi" với chính bản thân mình. Sau những tips mình chia sẻ, bạn có muốn bổ sung hay góp ý gì không? Mình muốn nói chút về sự thay đổi của bản thân, sau khoảng 2 tháng, mình thi lại và số điểm tăng lên đáng kể, tầm 2 điểm mỗi môn và tình trạng buồn ngủ, mệt mỏi không còn nữa. Ngược lại, vì duy trì những thói quen trên, mình không còn bị stress mỗi khi nhiều bài tập và còn tạo phát hiện ra sở thích và đam mê của mình nữa. Mong rằng tới những điều mình chia sẻ, bạn có thể cải thiện tình trạng của bản thân nhé! Chúc bạn một ngày tốt lành!
Bạn làm gì mà 9 giờ mới ăn tối xong vậy? Đừng nói đi học xong rồi còn rơi vào bẫy đi học thêm bên ngoài nha. Giỡn thôi, chắc là giờ giấc của bạn khác mình nên cảm thấy hơi lạ một chút. Bạn phải biết người thân là động vật thì cần có một số nhu cầu nhất định, mà dù cho có là máy thì cũng cần bảo trì định kì. Mình không nói bạn cần ngủ đủ gì, dù sao cơ địa người này khác người kia, có người không cần ngủ nhiều, có người lại cần ngủ nhiều hơn 7 tiếng, nam cần ngủ ít hơn nữ một chút.. các kiểu. Giấc ngủ là một khoản nợ, bạn mà không trả đàng hoàng thì thân thể sẽ trả đũa đó, có thu lãi không thì không biết nhưng thu lại toàn bộ vốn là tất nhiên. Lỡ mà lâu dài thức ôn bài bỗng nhiên đến ngày thi lại ngã ngửa ra khò thì ngu người, đừng chơi dại. Khi ăn cơm thì máu dồn xuống bụng, não lúc này thiếu máu nên thường bật chế độ buồn ngủ để tiết kiệm năng lượng. Người ta có câu: "Căng da bụng chùng da mắt." Là có lý do đàng hoàng đó. (Nếu có thể thì đừng ăn quá no vì nếu tình trạng máu ưu tiên bụng quá dài thì não sẽ vì thiếu dưỡng mà cho vài em tế bào thần kinh die, ờ, thật sự có vì ăn quá no mà biến ngu đó, bằng chứng là sau tháng ngày bị mẹ nhét cơm hồi cách ly do dịch thì mình ngu hơn hẳn, nhưng cũng có lẽ là do vắc xin? Ai biết được) Hít thở cũng quan trọng, như đã nói về vụ máu xuống bụng mà không lên não nên não thiếu oxi nên tiết kiệm pin, hãy học cách hít thở sâu bằng bụng (tự lên YouTube mà tìm hiểu mấy cái thiền gì đó). Thủ sẵn nước luôn bởi người tuy không phải cá nhưng học hóa thì biết phản ứng hóa học nó tầm bậy thế nào, lâu lâu nhấp một ngụm cũng một cách nào đó đem H2O thành oxi giúp tỉnh. Đừng cấp tốc hừng hực gì đó kẻo thân thể không hấp thụ kịp, mọi thứ tuột xuống dưới hết là phải tốn thêm thời gian đi WC nữa. Còn nếu muốn dùng caffein tỉnh lâu thì thật ra hàm lượng nó trong trà nhiều hơn trong cà phê nha (chắc vậy). Nhân loại có một cơ chế là khi bước qua một cánh cửa thì sẽ quên mất chuyện gì xảy ra ở căn phòng mình vừa rời khỏi, bởi vì não bộ cho rằng đã "xong" và nên thanh lý bộ nhớ cho tiết kiệm diện tích. Đây là lý do vì sao ra khỏi nhà vẫn thường lo lắng mình tắt bếp chưa, tắt cầu dao chưa, khóa cửa chưa. Khi học gì đó thì tất nhiên ngay lúc giáo viên giảng là lúc hiểu nhất, lúc về nhà là vài nhiều phần trăm lập tức bay màu đó, lúc này cần cầm vở nhìn sơ lại vài lượt là được để dụ não rằng "ờ, tuy rời môi trường kia nhưng thứ này không phế, đừng xóa, lưu lại đi", như thế này sẽ hiệu xuất hơn việc để mấy ngày sau hoặc chờ đến cuối kì mới ôn lại, chờ đến lúc đó là cơ bản như mình chưa từng học thứ này đó, như thế phí sức lắm. Lên lớp nhớ chú ý nghe giảng, ngày xưa hồi mình chưa cháy não thì thành tích của mình ngang bằng thành tích của con chăm chỉ học bài dù mình không học bài (ờ thì lười). Phải biết rằng trên lớp có người chuyên nghiệp trong phương thức diễn giải cho lũ ngu chúng ta hiểu mà còn không nghe hiểu thì về nhà tự học thành tài kiểu gì được. Bài tập thì cứ làm mấy thứ trong sách giáo khoa đi chứ đừng mua thêm ở ngoài, dạng bài dù cho có khác thì lúc ra đề bộ gd muốn cho đề trong sách mình hay đề trong sách râu ria? Nếu chán thì cầm sách của lớp trên nhìn nhìn là được chứ đừng mua sách ngoài, bộ gd còn có thể in thiếu thông tin cho học sinh được à? Ngày xưa hồi ôn thi học sinh giỏi thì mình thấy mấy thứ "nâng cao" cô dạy chờ vài tháng sau hoặc đến năm sau mình cũng được học trong SGK bình thường. Người ta tính hết rồi đó (chắc vậy), đừng mua mấy thứ bậy bạ không có hệ thống bên ngoài khi chưa vắt kiệt hàng chính quy. Nói chung đừng làm nhiều bài tập quá, ai lại làm gì 6 tiếng kiểu đó. Ngày xưa mình chép bài để thuộc thì lần thứ 2 bắt đầu nhớ, đến lần thứ 5 thì quên luôn rồi, bởi vì não thấy thông tin trùng lặp nên lại thanh không bộ nhớ đó mà. Học vừa phải thôi rồi đi ngủ mới nhớ lâu được, nếu còn bứt rứt thì lúc nằm trên giường tưởng tượng lại bài học là được. Cuối cùng, cái này có hơi mất lòng nhưng đôi khi người thật sự không làm được gì cả. Đôi khi bỏ mớ thời gian nhưng kết quả không thay đổi. Ngày xưa cô tui từng ngán ngầm thằng kia, nó chính là trong truyền thuyết "bùn nhão trét không lên nổi tường". Nó rất chăm chỉ, ở nhà học bài nhờ bố mẹ dò, sáng đi học thêm nhà cô ôn lại bài nhờ cô dò. Chiều đi học chính quy, cô mời lên trả bài thì bất ngờ chưa, không thuộc bài. Ờ, thế đó. Nói chung không phải học càng lâu, làm càng nhiều thì điểm càng cao. Nếu kết quả của học 6 tiếng và học 2 tiếng là như nhau thì vẫn là học hai tiếng đi, thời gian còn lại nên sắp xếp cho việc khác. Nếu có thể thì tìm cách tạo dựng quan hệ xã hội, cái đó cũng không kém phần quan trọng trong tương lai. Học tập hay gì đó cuối cùng để thêm kiến thức và xây dựng phương pháp tư duy chứ không phải tiến hóa làm máy làm bài, học vừa phải bay qua môn là được. Thông tin, kiến thức tỉ mỉ chi tiết được lưu trong sách hay mạng, khi cần thiết thì lên đó mà kiếm, người ta sáng tạo mấy thứ này là để thống nhất ý tưởng của nhân loại chứ không phải để xem pỏn hay sẽ, đừng tránh nó như tránh tà chứ. Chúc thân thể bạn hồi phục từ trạng thái quá tải. Nếu còn chần chừ muốn tiết kiệm thời gian ngủ thì bạn có thể kham khảo phương pháp ngủ của ông Leonado Davinci nào đó, hay Batman cũng được. À, viết xong quên mất nên bổ xung thêm: Trừ khi bạn có thể mutitask nếu không đừng nghe nhạc khi học bài. Thấy máy tính cùi chạy nhiều phần mềm cùng lúc sẽ như thế nào chưa, lag là còn may, cháy nổ cũng có thể đó nha.
Cảm ơn bạn nhiều nhé. Đúng là khả năng của mình so với trước kia đã giảm nhiều, như kiểu vừa trải qua một giai đoạn burn out vậy.
Mình cảm ơn bạn nhiều nhé. Thật sự các tips bạn chia sẻ đều bổ ích và khoa học lắm á. Mình sẽ áp dụng theo lời góp ý của bạn. Lần nữa cảm ơn bạn đã bỏ thời gian ra với mình nha. Chúc bạn luôn gặt hái nhiều niềm vui trong cuộc sống nhé.
Không có lời khuyên nào nhưng cho hỏi bé có đang cần người nuôi không Đùa thế thôi chứ mất ngủ hay khó ngủ mới sợ. Chứ ngủ được thì còn đỡ lo. Nên điều chỉnh lại giờ đi ngủ và giờ thức dậy buổi sáng, nếu có thể thì nên ngủ trưa một chút.