Chia sẻ Làm Thế Nào Để Học Giỏi Môn Văn?

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi nguyenlemyhanh, 26 Tháng tám 2023.

  1. nguyenlemyhanh

    Bài viết:
    1
    Là một thí sinh với điểm thi tốt nghiệp 8.75đ ở môn văn, mình có những điều muốn chia sẻ dành cho các bạn đã và đang không có hứng thú cũng như động lực để học môn văn.

    Vì lựa chọn khối Tự nhiên nên mình không có quá nhiều thời gian dành cho môn văn cũng như việc đa số thầy /cô chỉ tập trung các môn chính của khối Tự nhiên như Toán, Lí, Hóa.. nên việc chuẩn bị môn Văn của mình gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng không vì vậy mà mình từ bỏ bởi lẽ mình thật sự thích học Văn và bản thân mình đã quyết tâm hơn trong việc ôn thi khối D (Toán-Văn-Anh). Cuối cùng mình đã hoàn thành khá tốt các môn thi của mình, thuận lợi đỗ vào một trường đào tạo nghành Quan hệ quốc tế. Vậy động lực nào đã thôi thúc mình đạt được mục tiêu đó?

    Trước hết, điều cốt lõi và quan trọng nhất để học tốt cũng như làm tốt một việc nào đấy chính là sự ĐAM MÊ. Niềm đam mê chính là động lực tiên quyết giúp mình học tốt môn Văn. Bất kì một công việc nào với bất cứ ai đều có thể trở nên dễ dàng nếu như họ thật sự thích và muốn làm chúng. Mình cũng thế, bắt đầu từ những năm Tiểu học, mình đã được thầy cô dẫn dắt trong môn học này cũng như thường xuyên được nghe thầy cô giảng dạy bằng những hình thức gần gũi, dễ hiểu nhất. Trong suốt những năm học ấy, mình bắt đầu đến với môn Văn như một lẽ đương nhiên, nhưng rồi mình dần hứng thú với nó. Mình bắt đầu viết, viết về những điều bình dị trong cuộc sống thường ngày, viết về những mơ ước, về quê hương.. Hứng thú của mình đối với môn Văn kéo dài sang tận những năm cấp 2, tại môi trường xa lạ, mình không những không cảm thấy nhàm chán mà dần trở nên yêu thích môn văn hơn, từ những con điểm trong mỗi bài văn, mình cảm thấy tự hào về bản thân. Tại môi trường học thứ hai này, mình có những thay đổi trong cách nghĩ về môn Văn. Hóa ra Văn học không chỉ là thứ bút tích vẽ ra suy nghĩ của bản thân về cuộc sống thường nhật mà còn là thứ ngòi lột tả tâm tư con người, là thứ vũ khí được ca ngợi trong thời chiến.. Văn học thời cấp 2, mình được học qua những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết của những nhà văn, nhà thơ bất hủ như Nam Cao, Xuân Diệu, Hồ Chí Minh.. với những suy nghĩ, những cảm nhận rất đời của họ trong nền văn học Việt Nam thời mưa bom lửa đạn. Bởi lẽ đối với những con người gắn bó máu thịt với thơ ca, văn chương, xem chúng là thứ nguồn sống vĩnh cửu, là một hiện vật nói lên tư tưởng của họ. Mình đã đọc, đã tìm hiểu, đã cảm nhận qua rất nhiều tác phẩm văn học kháng chiến. Lịch sử dân tộc không chỉ tồn tại trong từng trang sách sử, mà lịch sử còn tồn tại và sống ẩn mình trong từng câu thơ lời văn. Hiểu được tinh thần, ý nghĩa của nền văn học đối với lịch sử của đất nước, mình càng thêm yêu thích và say mê nó. Vậy nên, hãy tìm cho bản thân bạn một điều tâm đắc nhất trong văn học, hãy lựa chọn bản thân bất kì một quyển sách văn học và hãy đọc, hãy thấm thía nó, bạn sẽ tìm ra được những điều bí ẩn, những tư tưởng được lồng ghép trong từng câu chữ.

    Điều thứ hai mình muốn chia sẻ chính là TÂM TRẠNG. Để nâng cao hiệu quả học tập môn văn, bạn phải chuẩn bị cho bản thân một tâm trạng thoải mái nhất, chỉ khi bản thân thoải mái thì làm việc mới có hiệu quả. Bạn nên đọc trước các bài học ở nhà ít nhất một lần để khi lên lớp có thể nhanh chóng nắm bắt thông tin mà thầy cô đưa ra, từ đó dễ dàng hiểu bài hơn, bởi vì đối với các tác phẩm dài như kịch, tiểu thuyết.. đa số thầy cô sẽ không hướng dẫn bạn đọc trên lớp mà đi thẳng vào vấn đề chính của bài học. Vậy nên hãy dành ít nhất 20p để đọc trước bài học chuẩn bị cho bản thân một tâm thế sẵn sàng. Việc này không quá khó, cố gắng một vài ngày sẽ không thay đổi gì, cố gắng vài tuần bạn sẽ quen dần với cách học này, qua vài tháng người khác sẽ nhận thấy những thay đổi của bạn, qua vài năm chính bạn sẽ không thể ngờ bản thân lại yêu thích văn học đến vậy.

    Ngoài ra, việc tập trung nghe giảng, thường xuyên học bài và chuẩn bị bài trước sẽ góp phần không nhỏ trong việc cải thiện môn văn của bạn. Bản thân mình trong hơn một tháng chạy nước rút để ôn thi THPTQG, mình đã dành khoảng 3-4 tiếng mỗi ngày để học và làm đề văn cũng như hệ thống lại kiến thức trọng tâm của mỗi bài học dưới dạng bảng hay sơ đồ tư duy. Một mẹo để mình có thể nhớ nằm lòng tên tác giả, tác phẩm cũng như phong cách sáng tác và hoàn cảnh sáng tác đó chính là chỉ ghi ngắn gọn nhất có thể những thông tin đấy vào một tờ giấy nhớ, sau đó bấm lại thành một quyển sổ nhỏ, bất cứ khi nào mình cần hay quên, mình sẽ lật ra và ghi nhớ lại. Lặp lại thường xuyên thao tác đó giúp mình nhớ lâu và tạo thành một phản ứng có điều kiện khi nhắc đến bất kì một tác phẩm văn học nào.

    Cuối cùng, chính là việc ghi chú cũng như hightlight phần nổi bật của tác phẩm. Bạn cũng nên tham khảo những web trên mạng để đọc những bài văn mẫu. Điều này sẽ giúp bạn định hướng tốt hơn trong việc thiết lập dàn ý cùng những luận điểm chính khi làm bài. Tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng những bài văn mẫu, điều này sẽ gây cho bạn thói quen dựa dẫm hay việc sao chép gần như toàn bộ bài văn mẫu. Nên là hãy chú ý hơn nhé!

    LỜI KẾT:

    Trên đây là những tips mà mình có để học tốt môn văn cũng như đạt 8+ trong kì thi THPTQG mà mình muốn chia sẻ cho các bạn, đặc biệt là những em 2k6 sắp tới phải chuẩn bị cho kì thi. Hi vọng bài viết sẽ hữu ích với tất cả mọi người.

    Nếu bạn có thắc mắc hoặc muốn nghiên cứu các tác phẩm văn học 12 nào có thể nhắn tin với mình vì mình có một số tài liệu mà bản thân đã soạn để chuẩn bị cho kì thi.

    Chúc may mắn~

    P/s: Em muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến thầy C, người đã dẫn dắt em trong suốt năm 12 để em có thể đạt được điểm số như vậy, dù không phải quá cao nhưng em tin chắc bản thân sẽ tiếp tục tìm tòi và nghiên cứu văn học!
     
    Hạ Quỳnh Lam, AquafinaLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...