Làm thế nào để có một bài văn nghị luận xã hội hay, nổi bật?

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Min Thu, 16 Tháng ba 2021.

  1. Min Thu

    Bài viết:
    4
    Xin chào các bạn. Là một người từng tham gia nhiều kì thi, mình hiểu rằng câu văn nghị luận xã hội vừa cỏ thể là điểm cộng cũng vừa có thể gây bất lợi cho toàn bộ bài thi của chúng ta. Ngoại ôn tập, luyện viết, tích lũy kiến thức, mình nhận ra rằng chúng ta cũng nên "sắm" cho mình một vài típ nho nhỏ để bài văn nghị luận gây được chú ý đối với giám khảo nhé! Tất cả những đúc kết này là mình tự rút ra được sau một thời gian tương đối dài tham gia các kì thi, ôn tập bồi dưỡng trên lớp và tự học. Hi vọng sẽ giúp ích cho mọi người thật nhiều trong công cuộc chinh phục môn Văn. Okay, bắt đầu thôi.

    1. Dẫn chứng độc đáo, hấp dẫn

    Dẫn chứng là một nguyên liệu không thể thiếu trong món ăn này, đúng không? Việc của chúng ta là phải luôn làm mới nguồn dẫn chứng cho bài văn nghị luận xã hội của mình. Một dẫn chứng phù hợp sẽ giúp cho bạn trình bày được ý nghĩ của mình một cách sáng rõ. Việc của chúng ta là phải luôn cập nhật được những dẫn chứng mới mẻ, nóng hổi theo dòng sự kiện, tin tức hằng ngày. Những dẫn chứng bám sát vào đời sống cho thấy sự quan tâm của bạn đối với vấn đề được nói đến đồng thời cũng tạo được cảm giác hứng thú cho người đọc. Thử nghĩ mà xem, một giáo viên phải chấm số lượng lớn bài viết của học sinh mà hơn một nửa số đó đã lấy những dẫn chứng giống nhau, quen thuộc thì thầy cô sẽ cảm thấy nhàm chán thế nào? Nếu bạn biết tận dụng mạng xã hội, các trang báo điện tử và sự quan sát tỉ mỉ cuộc sống xung quanh, bạn sẽ dễ dàng "ăn điểm cộng" trong số những bài viết trọn vẹn và đầy đủ.

    Mình từng nghe nhiều thầy cô tâm sự có thể chỉ một dẫn chứng độc đáo cũng có thể gây ấn tượng mạnh mẽ, tạo điểm sáng cho bài viết. Đến đây thì mình cũng có thêm một lưu ý nho nhỏ cho các bạn. Chúng ta có thể làm mới những dẫn chứng đã cũ hoặc khai thác dẫn chứng cũ ở một góc độ mới cũng là một cách tạo nên sự khác biệt cho bài viết của mình.

    2. Tư duy

    Nghị luận xã hội thể hiện quan điểm, ý kiến của chúng ta về con người, sự việc, cuộc sống. Như vậy, để có thể bày tỏ ý kiến, đánh giá của bản thân, bạn cần phải sắp xếp trình bày tất cả các luận điểm một cách logic, mạch lạc và phù hợp. Để gây được ấn tượng mạnh với người chấm bài, bạn nên có chiến lược sắp xếp các luận điểm theo mô hình tháp ngược (nói những vấn đề quan trọng nhất đầu tiên) rồi theo thứ tự giảm dần về sau. Hoặc theo bất cứ một thứ tự nào phù hợp với suy nghĩ liền lạc của bạn để bài văn có được mạch chảy suôn sẻ. Chúng ta nên thể hiện rõ cách nhìn, cách nghĩ của bản thân ở những lăng kính khác nhau để phân tích vấn đề một cách thấu đáo, triệt để nhất.

    3. Thái độ, tình cảm

    Một bài văn hay, ấn tượng phải là một bài văn có giọng điệu, thậm chí dấu ấn riêng của người viết. Một bài bài văn nghị luận xã hội càng cần có giọng điệu "không lẫn vào đâu được" để đưa ra những lí lẽ sắc bén về những vấn đề đáng quan tâm trong cuộc sống. Cho nên, bạn cần phải thổi hồn vào từng lời văn, câu viết. Không thể viết một cách hời hợt hay qua loa. Chúng ta phải thể hiện rõ thái độ yêu/ghét/căm giận/ bất bình/ tha thiết/ấm nồng vào câu chữ để thể hiện được thái độ, tính cảm đặc biệt của bản thân. Điều đó chứng tỏ bạn đang thực sự quan tâm đến vấn đề bày, hiểu rõ và mong muốn đóng góp giải quyết vấn đề/ thực trạng. Hãy quên những hô lệnh khuôn mòn, sáo rỗng hay những lời lẽ trau chuốt thiếu sâu sắc. Hãy để người đọc thấy rằng bạn đang viết như nói lên tiếng lòng của những người trong cuộc.

    4. Sáng tạo

    Văn chương luôn yêu cầu và đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng. Mình đồng ý rằng, học Văn thì cũng có phương pháp. Nhưng nếu phương pháp vừng, bạn hoàn toàn có thể tự tin vượt khỏi vùng an toàn của mình. Một cách viết khác, một giọng điệu khác lạ có lẽ là điều mà nhiều thầy cô luôn đi tìm kiếm. Bạn có thể mạnh dạn sáng tạo, thay đổi cách nghĩ, cách viết. Vừa sáng tạo về nội dung, vừa thử thách mình ở những hình thức mới. Thay vì viết một bài văn bình thường, sao mình không thử gửi nội dung ấy dưới hình thức một bức thư? Thay vì cứ mượn chuyện người này, người kia, bạn cũng có thể viết bằng chính sự thể nghiệm của chính mình? Thay vì cứ là một diễn giả, mình thử hóa thân thành một nhân vật nào đó coi sao? Sáng tạo là một bầu trời rộng lớn vô tận, chúng ta phải cố gắng vùng vẫy cho thỏa trí tưởng tượng và tâm hồn nghệ sĩ.

    Vậy thôi, trên là một vài điều nho nhỏ mình muốn chia sẻ để giúp các bạn cảm thấy thích thú hơn với bài văn nghị luận xã hội, mạnh dạn thay đổi và đạt điểm cao trong những kì thi sắp tới. Chúc mọi người luôn học tốt, yêu Văn và yêu đời.

    Yêu thương
     
  2. Đăng ký Binance
  3. Tuyêtb65

    Bài viết:
    29
    CHO CÂU CHUYỆN SAU

    DỰA VÀO CHÍNH MÌNH

    Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ:

    – "Mẹ ơi! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế? Thật mệt chết đi được!"

    – "Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh" – Ốc sên mẹ nói.

    – "Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?"

    – "Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy".

    – "Nhưng em giun đất cũng không có xương, cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hóa được, tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?"

    – "Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy".

    Ốc sên con bật khóc, nói: "Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo vệ chúng ta, lòng đất cũng chẳng che chở chúng ta".

    – "Vì vậy mà chúng ta có cái bình!" – Ốc sên mẹ an ủi con – "Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta dựa vào chính mình con ạ".

    (Theo nguồn Internet )

    Trình bày suy nghĩ của em về câu chuyện trên.

    HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

    1 . Mở bài:

    - Dẫn dắt, giới thiệu cuộc trò chuyện của mẹ con ốc sên

    - Nêu vấn đề nghị luận: Hãy dựa vào chính mình

    2. Thân bài:

    a. Phân tích câu chuyện

    - Tóm tắt ngắn gọn câu chuyện

    - Nêu ý nghĩa câu chuyện:

    + Câu chuyện hai mẹ con ốc sên là hình tượng về con người trong cuộc sống. Trong cuộc sống, có những người, có những lúc may mắn được nương dựa, chở che, bảo vệ.. Trong sự thắc mắc của ốc sên con thì sâu róm và giun đất chính là hình ảnh để nói về cái thời khắc may mắn đó của con người.

    + Nhưng có phải con người lúc nào cũng gặp được may mắn như thế. Điều quan trọng là con người biết chấp nhận hoàn cảnh, vươn lên, dựa vào nội lực của chính mình. Đó vừa là quy luật tất yếu vừa là một yêu cầu đối với con người trong cuộc sống.

    B. Bàn luận: Câu chuyện nêu lên bài học cuộc sống:

    - Con người không bao giờ tồn tại một cách đơn lẻ mà bao giờ cũng gắn mình với môi trường tự nhiên, xã hội. Và trong môi trường sinh tồn ấy, con người được cưu mang, che chở.

    - Mặt khác, mỗi con người cũng là một cá thể độc lập, đơn nhất. Nó tồn tại, phát triển bằng chính sự nỗ lực nội sinh của mình. Đó chính là cái đảm bảo lâu dài, bền vững và quan trong hơn cả.

    - Từ cá nhân đến xã hội, đến mọi quốc gia, dân tộc đều phải gắn mình vào sự bảo đảm đó.

    - Các cơ hội đảm bảo cho con người là như nhau, nhưng điều quan trọng là phải dựa vào chính mình. Đó là quy luật có tính tất yếu, vừa là một yêu cầu, là khát vọng tự thân, có ý nghĩa không chỉ đối với sự sinh tồn mà còn có ý nghĩa đối với sự phát triển của con người chân chính.

    - Chứng minh qua những câu chuyện, những con người trong cuộc sống

    - Phê phán những con người sống dựa dẫm, phụ thuộc vào hoàn cảnh, không nỗ lực, phấn đấu, sống bi quan..

    C. Bài học nhận thức và hành động:

    - Dựa vào chính mình để sinh tồn, để hòa nhập, để sáng tạo và phát triển, để thể hiện lòng tự trọng cá nhân. Dựa vào chính mình còn là danh dự của quốc gia, dân tộc, là tinh thần tự cường, tự tôn cần thiết.

    - Dựa vào chính mình là yếu tố quan trọng nhất nhưng không phải là duy nhất cho cuộc sống sinh tồn và đơm hoa kết trái. Con người phải biết kết hợp hài hòa giữa cá nhân và khách thể bên ngoài.

    - Liên hệ thực tế, bản thân

    3. Kết bài: Có thể khẳng định ý nghĩa câu chuyện, nêu cảm xúc cá nhân, hoặc gợi mở cho người đọc tiếp tục suy nghĩ..
     
    Min Thu thích bài này.
  4. Tuyêtb65

    Bài viết:
    29
    ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI

    MÔN: NGỮ VĂN LỚP 7

    PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (8 ĐIỂM)

    Câu 1 :(4 đ) : Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

    * * * "Ước làm một hạt phù sa

    Ước làm một tiếng chim ca xanh trời

    Ước làm tia nắng vàng tươi

    Ước làm một hạt mưa rơi, đâm chồi"

    (Xin làm hạt phù sa - Lê Cảnh Nhạc)

    A. (1 đ). Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ.

    B. (2 đ) Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ có trong đoạn thơ.

    C. (1 đ). Từ đoạn thơ, em có suy nghĩ gì về trách nhiệm của mình với quê hương đất nước?

    Câu 2 (4 đ)

    Trong văn bản "Cổng trường mở ra" của Lí Lan có đoạn văn kết thúc như sau:

    Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm aty con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: "Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra"

    Em hãy viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về "thế giới kì diệu" được mở ra khi "bước qua cánh cổng trường".

    PHẦN II: TẬP LÀM VĂN (12 ĐIỂM)

    Có ý kiến cho rằng: "Đọc bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh, người đọc được gặp gỡ với một tâm hồn khong chỉ yêu thiên nhiên tha thiết mà còn luôn nặng lòng với việc nước, việc dân."

    Bằng hiểu biết của mình về bài thơ, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

    HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI

    Phần I

    Câu 1

    A.

    - Thể thơ: lục bát

    - Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

    B.

    1. Điệp ngữ

    - Điệp ngữ: "Ước làm".

    - Tác dụng:

    + Điệp ngữ khẳng định khát vọng muốn cống hiến, giúp ích cho cuộc đời.

    + Phép điệp ngữ khiến lời thơ thêm nhịp nhàng, ước nguyện cống hiến càng thêm tha thiết, chân thành.

    2. Ẩn dụ: "hạt phù sa", "tiếng chim ca", "tia nắng vàng tươi", "hạt mưa rơi".

    + Các hình ảnh ẩn dụ đã cụ thể hóa những cống hiến, uớc nguyện của nhân vật trữ tình.

    + Phép ẩn dụ giúp cho lời thơ trở nên hình tượng hơn, sinh động, gợi cảm hơn.

    Trách nhiệm của bản thân: Học tập rèn luyện, trau dồi đạo đức, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh..

    Câu 2

    * Hình thức: viết đoạn văn, diễn đạt lưu loát, lập luận chặt chẽ, đúng chính tả.

    * Kiến thức: nêu suy nghĩ của mình về vấn đề trên bằng vai trò, ý nghĩa của nhà trường đối với cuộc đời mỗi con người cụ thể:

    + Được khám phá một thế giới mới lạ: Những điệu kì diệu, bí ẩn trong thế giới tự nhiên và con người qua bài học.

    + Được đến một chân trời tri thức, được bồi dưỡng về tâm hồn nhân cách.

    + Được thể hiện ước mơ và khát vọng.

    + Được sống trong tình yêu thương của thầy cô bạn bè.

    Phần II Làm văn

    a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề

    - Dẫn dắt vấn đề.

    - Nêu vấn đề nghị luận: "Đọc bài thơ" Cảnh khuya "của Hồ Chí Minh, người đọc được gặp gỡ với một tâm hồn không chỉ yêu thiên nhiên tha thiết mà còn luôn nặng lòng với việc nước, việc dân."

    b. Thân bài:

    LĐ1: Giải thích ngắn gọn ý kiến:


    - Mỗi bài thơ là một tác phẩm trữ tình, thể hiện tiếng nói nội tâm, vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình.

    - Đọc bài thơ « Cảnh khuya», người đọc được gặp gỡ với một tâm hồn lớn - tâm hồn của nhà thơ Hồ Chí Minh, vừa yêu thiên nhiên tha thiết vừa nặng lòng với việc nước, việc dân.

    LĐ 2: Chứng minh ý kiến.

    LC1: Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên tha thiết của người nghệ sĩ Hồ Chí Minh.

    - Cảnh khuya được sáng tác 1947, giữa ngày tháng gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Giữa bộn bề lo toan, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh vẫn luôn mở lòng đón nhận vẻ đẹp của thiên nhiên.

    - Hai câu đầu bài thơ phác họa rõ nét vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc

    « Tiếng suối trong như tiếng hát xa

    Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa »

    + Nghệ thuật so sánh « tiếng suối- tiếng hát xa » (âm thanh tự nhiên với âm thanh của cuộc sống con người

    - > Nổi bật âm thanh trong trẻo của tiếng suối, không gian tĩnh lặng của rừng khuya.

    + Nghệ thuật điệp ngữ « lồng » (2 lần) : Nổi bật bức tranh với nhiều tầng bậc, đường nét, hình khối, màu sắc, tất cả đều lung linh, huyền ảo, sống động

    - > Đằng sau bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp là tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, sự rung cảm tinh tế của thi sĩ Hồ Chí Minh trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Người luôn sống hòa hợp với thiên nhiên, coi thiên nhiên là người bạn tri âm, tri kỉ.

    LC2: Bài thơ còn thể hiện tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc của Hồ Chủ tịch.

    Hai câu cuối thể hiện tâm trạng của nhà thơ:

    « Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ

    Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà»

    + Điệp từ « chưa ngủ » như chiếc bàn lề khép mở hai phía trong tâm trạng một con người: Vừa say sưa thưởng ngoạn cảnh đẹp vừa thao thức, nghĩ suy « nỗi nước nhà ». (HS liên hệ hoàn cảnh ra đời của bài thơ để lí giải tâm trạng đó)

    + Qua hai câu thơ cuối ta thấy được nét đẹp ngời sáng trong nhân cách Hồ Chí Minh: Yêu nước, thương dân, cả cuộc đời tận tụy phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

    LĐ 3: Nhận xét, đánh giá

    - Bài thơ ngắn gọn, hàm súc, ngôn ngữ vừa cổ điển vừa hiện đại.

    - Qua bài thơ ta thấy được tâm hồn nghệ sĩ hòa hợp với cốt cách chiến sĩ.

    - Yêu thiên nhiên và yêu nước là hai nét đẹp thống nhất, hài hòa trong con người nhà thơ lớn Hồ Chí Minh.

    c. Kết bài:

    - Khẳng định vấn đề cần chứng minh.

    - Đánh giá tác phẩm, tác giả.

    - Liên hệ tình cảm, thái độ của bản thân: Trân trọng tình yêu thiên nhiên và tấm lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm lớn lao của Người với việc nước, việc dân ; biết ơn Người, vị cha già kính yêu của dân tộc.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...