Truyện Ngắn Làm Sao Em Có Thể Yêu Sự Chia Ly - Ruyi

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi ImRuyi, 20 Tháng tư 2020.

  1. ImRuyi Ruyi

    Bài viết:
    49
    [​IMG]

    Làm Sao Em Có Thể Yêu Sự Chia Ly

    Ruyi

    Thể loại: Truyện ngắn

    * * *​

    Lần đầu tiên, Thanh được nhìn thấy Hà Nội. Là Hà Nội, thủ đô độc lập của nước Việt Nam đây ư? Sao mà sâu sắc, lắng đọng đến thế! Dường như tất cả những mỹ từ cảm thán mà Thanh nghĩ đến đều không thể diễn tả được vẻ đẹp của Hà Nội trong mắt Thanh lúc này. Con đường rợp những người hối hả ngược xuôi. Thanh đứng trước cổng trường Đại học Đông Dương, nơi cô sẽ theo học về Y Khoa trong những năm sắp tới. Cổng trường to lớn, đồ sộ và vĩ đại. Mặc dù Thanh đã thấy rất nhiều công trình hoa lệ ở Sài Gòn, nhưng đại học Đông Dương đối với Thanh vẫn toát lên vẻ đạo mạo đáng ngưỡng vọng hơn, hay có thể là do Thanh sắp sửa trở thành một phần của nơi đây. Lần đầu tiên Thanh gặp Minh, cũng chính tại sân trường rợp nắng và cây này. Và cũng lần đầu tiên, cô tiểu thư của một nhà tư sản có tiếng đất Sài Thành biết như thế nào là rung động.

    Minh cũng là sinh viên ngành Y, lớp trưởng của Thanh, là một chàng thư sinh gốc Hà Nội, trông có vẻ mảnh khảnh và yếu ớt. Nhưng chẳng hiểu sao, cái vẻ mọt sách đó lại làm Thanh xao xuyến. Mà hình như Minh cũng có ý với Thanh.

    - Thanh cầm cây bút này đi, là tôi được người ta tặng..

    Thanh lắc đầu không nhận.

    - Của người ta tặng thì Minh cứ giữ lấy, đưa tôi làm gì?

    Anh chàng ngượng ngùng, ấp úng mãi mới nên câu.

    - Thì.. tôi có nhiều rồi, nên Thanh.. cầm lấy đi!

    Thanh bật cười khúc khích khi thấy dáng vẻ như gà mắc tóc đó của Minh, cô đỏ mặt nhận lấy, rồi thẹn thùng quay lưng bước đi thật nhanh, để lại Minh thẫn thờ nhìn theo tà áo dài xanh mướt và trái tim anh dường như đập lên những nhịp đầy mãnh liệt. Gia đình Thanh làm tư bản, cũng thuộc dạng giàu có ở đất phương Nam. Thanh sinh ra đã đẹp, một nét đẹp tao nhã dịu dàng, nhưng cũng không mất đi sự kiêu kì và đằm thắm. Minh thích nghe giọng nói của Thanh, chất giọng ngọt ngào của người con gái Nam Kì làm anh mê đắm. Nó khác giọng Hà Nội lắm! Giọng Hà Nội cũng hay, nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần Thanh cất tiếng anh lại thấy như xao xuyến, như bồi hồi, nó làm anh thổn thức. Minh yêu Thanh, một cách vụng về nhưng cũng không kém phần chân thật. Nhớ những hôm cả hai đạp xe dọc bờ hồ rợp bóng liễu rủ cùng nhau hóng mát, cùng nhau nhâm nhi que kem đá lạnh ngắt, cứng còng, nhưng vẫn tràn ngập sự vui vẻ và hạnh phúc. Nhớ cả những lần Thanh trở lại Hà Nội sau một chuyến về Sài Gòn ngắn ngày thăm gia đình, mang lên cho Minh một tuýp kem đánh răng hiệu Hynos và một bánh xà phòng thơm Cô Ba để Minh làm quà cho mẹ. Còn phần Minh, Thanh tặng một chiếc khăn quàng kẻ ca rô vừa dày vừa ấm, ở viền có những dòng chữ tiếng Pháp, rất thích hợp cho mùa đông lạnh lẽo ở miền Bắc. Minh rất thích, cũng rất quý, thời tiết chỉ mới hơi se se một chút đã mang ra quàng kín cổ, nóng đến mặt mũi đỏ bừng cũng không chịu bỏ ra. Thanh chỉ biết cười khúc khích.

    - Anh ngốc quá, trời đã lạnh lắm đâu, sao cứ phải quàng chặt như vậy làm gì không biết!

    - Quà của Thanh tặng mà, anh chỉ muốn lúc nào cũng được quàng nó ra đường cho người ta thấy! Bánh xà phòng hôm rồi Thanh tặng, mẹ anh thích lắm, thơm quá trời mà!

    Thanh lại chỉ biết cười. Thanh thích sự ngây thơ thật thà đó của Minh, cũng thích sự săn sóc của Minh. Anh rất chu đáo, lúc nào cũng quan tâm Thanh từng cái nhỏ nhặt nhất. Đi đâu cùng Thanh, anh cũng mang dư một cái áo khoác để lỡ trời đột nhiên trở lạnh, Thanh sẽ không phải run rẩy trong cơn gió đầu mùa.

    Kì nghỉ hè năm thứ 3, chuẩn bị bước sang năm thứ tư đại học, Thanh lại trở về Sài Gòn, Minh ở lại Hà Nội, hai người bước vào quãng thời gian yêu xa với khoảng cách hơn ngàn cây số. Tình yêu được vun đắp qua từng lá thư, từng con chữ chứa đựng đầy những tâm tư tình cảm, những nhớ nhung da diết, và cả những muộn phiền không cách gì vơi được khi cả mấy tháng trời không được nhìn thấy người thương. Qua những lá thư, Minh gửi tặng Thanh một chiếc khăn tay bằng vải lụa, thêu những bông hoa màu xanh ngọc bích. Thanh rất thích, lúc nào cũng mang theo bên mình, những lúc rảnh rỗi lại lôi ra ngắm nghĩa, cứ mở ra rồi gấp lại dường như chẳng bao giờ chán.

    "Anh không biết gửi tặng Thanh thứ gì, vì anh biết cuộc sống Thanh đầy đủ và phong phú. Nhưng xin Thanh đừng ghét bỏ chiếc khăn này, vì nó chứa chan những yêu nhớ tràn đầy của anh dành cho Thanh, mà anh không cách nào dãi bày cho rõ ràng ra được."

    Thanh cũng nhớ anh rất nhiều. Thanh thầm nghĩ, cũng thầm mong mau chóng hết kì nghỉ hè này, Thanh lại quay lại Hà Nội, quay lại với mùi hoa sữa nồng nàn, và với tình yêu say đắm.

    Hôm đó, Thanh đến dự một bữa tiệc sinh nhật của cô bạn thân từ nhỏ của mình. Thanh mặc một chiếc váy dài màu đỏ rượu, làm nổi bật làn da trắng ngần, trên tay là tấm thiệp mời kiểu cách sang trọng. Một anh chàng mặc đồng phục bồi bàn đen trắng kiểu Tây dẫn đường cho Thanh. Thanh chẳng nhớ đã bao lâu rồi, mình không mặc những chiếc váy dài quét đất, hay tham dự những bữa tiệc đứng đầy màu sắc châu Âu này. Thanh lại như đột nhiên nhớ về Hà Nội, nhớ về tà áo dài màu thiên thanh, hay nhớ về sự giản dị mà có cả bản thân mình trong đó, nhưng hơn hết, Thanh nhớ đến người yêu. Giá mà anh ở đây, cùng mình khoác tay bước vào trước sự kinh ngạc của mọi người thì hay biết mấy. Thanh nghĩ vậy, và mong muốn sẽ có ngày được như vậy. Nhưng Thanh đâu biết, bức thư Minh gửi, thế nhưng bố mẹ Thanh bắt gặp, biết được cô con gái bảo bối mà họ đinh ninh sẽ gả vào một gia đình tư bản giàu có, lại đang yêu đương với một anh chàng thư sinh ở ngoài Hà Nội xa xôi, nơi mà họ chẳng thể nào biết rõ gốc gác hay gia cảnh. Những bức thư từ đó cũng có những lí do để mà vĩnh viễn không đến được tay Thanh.

    Đã hơn một tháng trôi qua mà Thanh không nhận được tin tức nào từ Minh. Trong lòng Thanh như có bão, liên tục gửi đi những lá thư mà chẳng hề nhận được hồi đáp, tất cả đều bị bố mẹ Thanh nhờ người quen biết ở bưu điện giữ hết lại, mặc cho Thanh chờ đợi trong vô vọng mỏi mòn, khiến Thanh nghĩ chẳng lẽ, Minh quên cô rồi sao? Chỉ mới gần 3 tháng xa nhau, mà Minh đã quên đi những ngọt ngào, những yêu dấu mà hai người đã cùng nhau trải qua chăng? Hay gia đình Minh đã xảy ra chuyện gì khiến Minh không thể rảnh tay viết thư cho Thanh được? Thanh cảm thấy đau đớn và chua xót lắm. Thanh muốn nhanh chóng quay lại Hà Nội, gặp Minh và hỏi rõ, rốt cuộc những gì đã ngăn anh liên lạc với cô, khiến cô sống trong những tháng ngày ưu tư khắc khoải.

    Bố mẹ Thanh tìm đủ mọi cách để ngăn cản con gái quay trở lại Hà Nội, mặc kệ 3 năm theo học tại trường Đông Dương, kiên quyết bắt cô sang Pháp. Thanh không chịu, cô nhất định phải ra Hà Nội, phải gặp Minh, phải gỡ đi những khúc mắc bấy lâu trong lòng. Mặc cho những lời can ngăn đe dọa của bố mẹ, Thanh vẫn mua vé tàu hỏa, hơn một ngày đêm để ra Hà Nội. Thanh không màng trở về ngôi nhà cô thuê ở gần trường mà đến ngay nhà Minh, chỉ thấy mẹ anh ở nhà, đang lúi húi nấu cơm trong bếp. Nhìn thấy Thanh, bà hơi sững đi một lát, nhưng cũng mời Thanh vào nhà ngồi. Thanh mặc dù không thể nào đợi được nữa, nhưng với tính cách của mình, Thanh vẫn điềm tĩnh chào hỏi, điềm tĩnh ngồi vào bàn chờ mẹ của Minh lên tiếng. Người phụ nữ trước mặt đã gần bốn mươi tuổi, làn da sạm đi vì cháy nắng, nhưng đôi mắt của bà vẫn sáng rực, như có thể nhìn thấu cuộc đời đen trắng rõ ràng. Bà biết Thanh, đã từng nhìn thấy ảnh của cô gái này trong ví của con trai, cũng nhận được những món quà từ cô.

    - Cháu Thanh đến tìm Minh nhà cô sao?

    Thanh gật nhẹ đầu, khẽ thưa "Vâng". Bà thở dài, giọng bà trầm trầm, nhưng lại như từng nhát dao cứa vào tim Thanh.

    - Thằng Minh.. Nó ngừng việc học, nhập ngũ theo quân. Cô tưởng nó đã nói chuyện này với cháu..

    Thanh dường như không nghe nổi nữa, nước mắt chỉ chực chảy trào, nhưng cô kìm lại được. Thanh cũng không nhớ rõ sau đó cô ra về bằng cách nào hay vào lúc nào, cô chỉ nhớ trái tim mình như đã chết. Từng ngày tháng nhớ mong, từng yêu thương trao nhau thắm thiết, thế nhưng anh ra đi, ra đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc lại chẳng thể nào nói với cô một câu dặn dò chờ đợi, hay chỉ một lời chào từ biệt. Cô không rõ, là vì anh sợ cô đau lòng, hay vì anh thật sự quên đi người con gái sớm chiều cùng anh lên giảng đường, cùng anh vi vu nơi góc phố chiều thơ mộng, hay quên đi nhịp đập của hai trái tim đồng điệu.

    Thanh làm thủ tục nghỉ học tại trường Đông Dương, trở về Sài Gòn chuẩn bị lên đường sang Pháp theo ý nguyện của bố mẹ. Cô tiếp tục theo ngành y, chôn giấu trong mình trái tim đầy thương tích mà chẳng thể nào chữa khỏi. Thanh làm mọi thứ theo sự sắp xếp của gia đình, trừ việc yêu đương và kết hôn. Cô bảo trái tim là của cô, cuộc đời của cô nên cô muốn được tự mình lựa chọn để không phải hối hận, cũng không phải đổ lỗi cho ai về những bất hạnh sau này. Cô con gái cứng đầu đột nhiên hồi tâm chuyển ý nghe lời mình sang Pháp, nên bố mẹ Thanh cũng không muốn quá ép buộc cô nữa, cứ để Thanh làm theo ý thích. Cuộc sống của Thanh ở Pháp chỉ gói gọn trong trường học và kí túc xá. Cô ít giao thiệp, ít chơi bời, ấn tượng của bạn bè về Thanh chỉ là một cô gái Việt Nam xinh đẹp và xuất sắc, nhưng cũng quá đỗi lạnh lùng. Thanh hoàn thành 4 năm đại học, trở thành bác sĩ đa khoa. Trong 4 năm đó, gia đình Thanh cũng chuyển sang Pháp định cư hẳn. Tốt nghiệp, Thanh trở về thăm Việt Nam sau bốn năm xa cách..

    Thanh vẫn nhớ những con đường phố thị Sài Thành, mặc dù có nhiều những đổi thay, nhưng không khiến Thanh lúng túng. Cô đi ngang qua bưu điện, đứng trước hòm thư vàng, nhớ về những tháng ngày mải miết viết thư gửi ra Hà Nội. Hốc mắt đã từ lâu khô cạn, nhưng vết thương trong tim vẫn nhói lên những cơn đau âm ỉ. Cô bước vào, ông già chuyên dịch thư nhận ra cô. Ông nở nụ cười hiền từ.

    - Cô Thanh đấy phải không? Bấy lâu nay sao không thấy cô đến gửi thư ra Bắc nữa?

    Thanh bắt tay ông, nhìn thấy ông cũng đang rảnh việc nên ngồi xuống trò chuyện với ông. Cô cười.

    - Cháu từ nước ngoài về ông ạ, Hà Nội cũng chẳng còn ai nhận thư của cháu nữa rồi..

    Ông đăm chiêu suy nghĩ ra chiều khó hiểu.

    - Tôi nhớ có hôm nhìn thấy người ta bỏ đi thư gửi cho cô, tôi cứ nghĩ là người ta nhầm, chỉ kịp cất lại một lá đặng hôm nào gặp thì trao cho cô, ra là vì cô không cần nữa..

    Thanh như bàng hoàng, vội vã nắm lấy tay ông mà siết chặt.

    - Ông có giữ lại ư? Ông có thể đưa cho cháu không? Là người ta không đưa nó cho cháu! Cháu xin ông hãy cho cháu xem..

    Ông già như hốt hoảng, vội vã gật đầu. Hai tay già nua của ông lần tìm trong mớ từ điển cũ kĩ dày cộm, lấy ra một phong thư đã cũ nhưng vẫn còn thẳng thớm. Phong thư chưa bóc, tem vẫn còn nguyên. Người gửi là Nguyễn Hoàng Minh, người nhận là Trần Thiên Thanh, ngày tháng đã là mùa hè 4 năm trước. Hai mắt Thanh rưng rưng, cẩn thận bóc lá thư ra. Nét chữ quen thuộc hiện ngày trước mắt.

    "Hà Nội, ngày.. tháng.. năm..

    Thanh nhớ thương!

    Thanh có khỏe không? Sao bấy lâu nay Thanh không gửi thư cho anh? Gia đình Thanh có chuyện gì ư? Hay Thanh đã quên anh rồi? Anh rất nhớ Thanh! Có phải Thanh đã thật sự quên anh, thật sự quên những yêu thương của chúng ta, những kỉ niệm của chúng ta không? Đây là phong thư thứ 10 của anh gửi cho Thanh mà không lời hồi đáp. Anh xót xa lắm Thanh ạ. Anh sợ Thanh không còn yêu anh nữa, sợ sự phồn hoa nơi Sài Thành sẽ làm Thanh quên mất mùi hoa sữa Hà Nội, hay những hôm dạo chơi bờ hồ. Anh muốn đi tìm Thanh, muốn xem Thanh đang làm gì đang nghĩ gì mà không nói cho anh biết, hay Thanh đang có nỗi niềm lo lắng gì mà không thể sẻ chia. Anh thương Thanh lắm, anh ước gì mình có thể ở bên Thanh lúc này, dùng hết sức mình giúp đỡ cho Thanh. Anh không biết Thanh đang gặp chuyện gì, nhưng Thanh có thể dành chút thời gian viết thư cho anh không? Cho anh yên tâm, cho anh đỡ những ngày thao thức bồn chồn mong tin Thanh.

    Anh sắp nhập ngũ rồi Thanh ạ! Anh muốn chiến đấu vì Tổ Quốc, vì đồng bào, anh muốn anh và Thanh sẽ không còn bị ngăn cách bởi hai nguồn tư tưởng, hai nguồn giai cấp nữa. Anh biết gia đình Thanh là tư bản, nhưng Thanh vẫn sáng trong và kiên cường rất nhiều. Anh khâm phục Thanh, và anh muốn học hỏi nó từ Thanh. Anh muốn ra chiến trường, muốn góp cái sức còm nhỏ bé của mình cùng với đồng bào ra sức dành lại đất nước ta. Anh muốn gặp Thanh trước khi đi, chắc cũng kịp lúc Thanh quay trở lại Hà Nội học. Anh còn nhiều điều muốn nói với Thanh, nhưng anh để dành đến lúc được nói trực tiếp với Thanh.

    Mong và nhớ Thanh rất nhiều.

    Minh"

    Thanh òa khóc nức nở. Những giọt nước mắt đã kìm nén từ rất lâu, bỗng đột ngột vỡ ra như bóng nước. Thanh suy nghĩ rất nhiều, bỗng nhiên Thanh biết mình phải làm gì. Có lẽ Thanh đã trách nhầm Minh bốn năm qua, bốn năm đằng đẵng sống trong sự đau khổ và trách móc. Thanh biết bố mẹ cô trông đợi những gì ở bản thân mình, nên cô cũng hiểu vì sao họ làm vậy, nhưng thật sự đã quá tàn nhẫn với cô rồi. Thanh viết thư gửi sang Pháp cho bố mẹ, thay lời đứa con gái bất hiếu này xin lỗi bố mẹ cô. Thanh muốn ở lại Việt Nam. Bằng những mối quen hệ quen biết cũ của gia đình, Thanh ra Bắc, trở lại Hà Nội. Những cảm xúc trong Thanh cứ như lần đầu tiên đặt chân trở lại mảnh đất này, vẫn như cũ lắng đọng trong Thanh. Với tấm bằng loại giỏi, Thanh được nhận vào làm tại bệnh viện K. Nhưng đó không phải là mục đích cuối cùng của Thanh.

    Công tác ở bệnh viện được một thời gian, khi cuộc chiến giành độc lập thống nhất hai miền Nam Bắc đang ngày càng cấp bách, Thanh đăng ký nhập ngũ, vào làm quân y. Mục đích của Thanh, ngoài cứu chữa cho những chiến sĩ bớt đi những đau đớn về thân xác, sớm ngày hồi phục, còn là để tìm Minh, chàng trai năm ấy mà Thanh vẫn luôn canh cánh trong lòng. Trên đường hành quân vào miền Nam, Thanh cùng đội ngũ bác sĩ y tá đã chạy chữa cho hàng trăm chiến sĩ. Không ai là không nhớ cô bác sĩ trẻ xinh đẹp, với chất giọng miền Nam đặc trưng cùng sự tận tụy hết lòng, không ngại khổ cực của cô. Với kiến thức y khoa chuyên nghiệp, Thanh đã hoàn thành xuất sắc rất nhiều trường hợp bị thương nghiêm trọng, trong số đó, có Minh.

    Lần nhìn thấy anh bê bết máu nằm trên cáng, trái tim Thanh như thắt lại. Thanh nhận ra anh. Đã lâu không gặp, trông Minh đã chững chạc hơn hẳn, gầy hơn, và đen hơn. Minh bị thương khi đang cùng đồng đội chiến đấu thì bị địch thả bom, mảnh vỡ của bom cắm vào ngực anh, máu túa ra thấm đẫm. Mắt Thanh như hoa lên, nhòa đi vì đau đớn, vì sợ hãi. Thanh vội vã cắt bỏ quần áo của Minh, làm sạch vết thương. Thanh phải tiến hành phẫu thuật gắp mảnh bom vỡ trong điều kiện tối tăm ẩm thấp và khả năng nhiễm trùng cao. Cô lo lắng. Cô được học về những quy tắc sát trùng và vệ sinh trong phẫu thuật, nhưng cô chưa từng được dạy qua phải xử lí như thế nào trong những trường hợp điều kiện kém như thế này. Nhưng Thanh vẫn cố gắng, bằng những kiến thức chuyên môn của mình, Thanh vẫn hoàn thành tốt ca phẫu thuật. Thanh thở phào nhẹ nhõm.

    Có lệnh điều động cô sang chiến trường khác. Minh vẫn chưa tỉnh lại. Cô rất muốn được trò chuyện với anh, hỏi thăm cuộc sống của anh bao năm qua, hỏi xem anh có còn lưu giữ bóng hình cô hay không. Nhưng có lẽ cô không đợi được, các chiến sĩ ngoài kia cũng không đợi được. Thanh viết vội phong thư, để nhờ những người ở lại chuyển cho Minh khi anh tỉnh lại.

    "Anh Minh!

    Anh đã khỏe hẳn chưa? Em đã rất lo lắng cho anh, anh hãy điều dưỡng thật tốt rồi hẵng trở lại chiến trường, Tổ Quốc và đồng đội cần anh. Em cũng cần anh nữa.

    Bốn năm qua anh sống thế nào? Về phần em, đã luôn sống trong đau khổ và trách móc khi đã gửi đi những bức thư không lời hồi đáp. Em đã không biết chính bố mẹ mình đã ngăn cản hai ta đến với nhau, bằng cái cách mà cả hai ta đều không biết, để cứ thế mà sống trong nhớ nhung và nuối tiếc. Em đã sang Pháp học xong bác sĩ, trở về Việt Nam và theo dấu chân anh vào quân ngũ. Em luôn muốn đợi anh tỉnh lại để có thể trực tiếp bày tỏ nỗi lòng với anh, để anh đừng trách em nữa. Em đã nghe đồng đội anh kể lại, rằng trong cuốn sổ của anh vẫn còn giữ tấm hình của em thời sinh viên. Em không chắc về anh, nhưng về phần em, em vẫn yêu và nhớ anh rất nhiều. Em đã cố chôn vùi tình cảm dành cho anh trong suốt những năm qua, nhưng đến khi nhìn thấy anh nằm bất tỉnh, toàn thân đầy máu, em đã biết anh vốn dĩ vẫn sống trong trái tim em.

    Bây giờ em phải đi rồi, mong đến ngày đất nước ta độc lập, em lại có thể gặp anh, ôm và hôn anh như em đã từng.

    Thương và nhớ anh nhiều.

    Thanh".

    Bàn tay cầm lá thư của Minh run run. Cô ấy trở về rồi. Người con gái anh ngày nhớ đêm mong, dường như khắc ghi từng chút một bóng hình trong tâm khảm, cuối cùng cũng đã trở về. Anh đã từng nghĩ, nếu như Thanh không về, không tìm gặp anh và giải thích cho anh, thì anh đành tiếp tục chiến đấu, tiếp tục sống mà không có Thanh bên cạnh, nhưng cũng sẽ chẳng cùng ai khác, nhưng bây giờ Thanh về, và Thanh luôn mong muốn được nhìn thấy anh. Bất chấp cơn đau nhói từ vết thương chưa liền sẹo, Minh vẫn tỉ mẩn vuốt phẳng từng mép phong thư mà Thanh để lại cho anh trước lúc đi. Minh tin sẽ có lúc cả hai cùng gặp lại. Có lẽ lúc đó, hàng vạn câu từ sẽ chỉ còn đọng lại trong "nhớ" và "yêu". Anh chưa bao giờ ngừng yêu và ngừng nhớ Thanh, trong suốt bao năm qua, và anh tin Thanh cũng như vậy. Anh đột nhiên càng khao khát độc lập hơn gấp bội lần. Anh sẽ chiến đấu, và Thanh cũng sẽ chiến đấu, chờ mong ngày nước nhà độc lập, hai người lại có thể bên nhau dạo bờ hồ, ăn quà vặt, anh sẽ cùng Thanh về Sài Gòn, để Thanh giới thiệu cho anh những thắng cảnh đẹp, những món ăn ngon. Rồi anh sẽ cầu hôn Thanh, sẽ cùng Thanh tổ chức một tiệc cưới nhỏ nhưng ấm cúng, rồi anh và Thanh sẽ có những đứa con..

    Mùa xuân năm 1975, nước nhà độc lập, thống nhất hai miền Nam – Bắc. Cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời mừng tin thắng trận, mừng dân tộc ta, đất nước ta đã đánh đuổi kẻ thù, dành lại non sông. Giây phút này đây, Minh dường như thở phào nhẹ nhõm. Thắng rồi! Chúng ta thắng rồi! Mẹ ơi, Thanh ơi, chúng ta thắng rồi! Anh ước gì có Thanh ở đây, anh sẽ ôm lấy cô mà xoay vòng để ăn mừng chiến thắng. Kết thúc những tháng ngày chiến đấu gian khổ, Minh trở về Hà Nội. Người mẹ già rơm rớm nước mắt, nắn nắn tay Minh. Người con trai duy nhất của bà đã trở về, lành lặn và khỏe mạnh. Bà vội thắp nén nhang lên bàn thờ báo cho người chồng quá cố. Hai mẹ con cứ thế ngồi bên nhau, Minh xót xa nhìn mẹ, người phụ nữ đã nuôi anh khôn lớn mà anh chưa thể báo hiếu ngày nào, từ nay, anh đã có thể ở bên chăm lo cho mẹ. Anh nói với mẹ.

    - Mẹ còn nhớ Thanh không? Hai năm trước, con bị thương nặng, chính Thanh là người đã cứu sống con, chỉ tiếc Thanh phải di chuyển sang chiến trường khác khi con chưa tỉnh hẳn.. - Dừng lại một hồi như để hồi tưởng lại quá khứ, anh tiếp lời – Con muốn đi nghe ngóng tin tức của Thanh, muốn đưa cô ấy về đây, về làm con dâu mẹ!

    Minh nói với mẹ, đôi mắt anh lấp lánh vẻ mong chờ và hạnh phúc. Anh muốn nói với mẹ những dự định của mình, dự định xây dựng một tổ ấm nhỏ bên những người anh thương. Bà mẹ như không dám nhìn thẳng vào mắt anh, đôi tay bà bỗng trở nên run rẩy, không biết là do tuổi già, hay là do nỗi buồn sâu kín nào đó giày vò.

    - Cái Thanh trước khi nhập ngũ rất hay về đây thăm mẹ, đến nỗi người ta tưởng mẹ là mẹ nó.. Cái Thanh tốt lắm..

    Nói đến đây, hai mắt bà rưng rung, bà đưa tay lau nước mắt. Minh nắm lấy hai bàn tay mà, anh cười trong nỗi niềm kinh ngạc và vui sướng.

    - Thanh thường xuyên đến đây thăm mẹ ư? Con biết mà, cô ấy rất tốt..

    Bà lần trong túi áo ra tờ giấy gấp làm tư, đưa cho Minh. Anh nhận lấy mà cố tình lờ đi nỗi bàng hoàng trong mắt mẹ. Anh không muốn mở ra, anh dường như biết tờ giấy này là cái gì, anh không tin, cũng không muốn tin. Nhưng rồi anh cũng mở ra, chậm rãi.

    Giấy báo tử

    Đồng chí: Trần Thiên Thanh

    ..

    Mắt anh nhòe đi một mảng, không còn nhìn rõ chữ. Sao có thể? Anh luôn chờ mong, luôn tin tưởng. Anh luôn hướng một tương lai nước nhà độc lập, tương lai đó có mẹ và có em. Anh đã từng nghĩ ngày gặp lại em, anh sẽ nói gì, sẽ làm gì. Anh đã từng trách em ngày trước vì sao không hồi đáp cho anh một bức thư, trách em vì sao không nói một lời mà từ biệt. Nhưng giờ anh ước gì em đang sống trên đất Pháp xa xôi, một đất nước cách anh rất xa, cho dù anh không biết, không hay tin em nhưng ít ra, em vẫn còn sống và khỏe mạnh. Nhưng sự hi sinh của em, máu của em đã hòa vào đất nước. Anh nhớ em, nhớ dáng người gầy nhỏ, nhớ suối tóc đen dài, nhớ người con gái sống giữa trời Tây vẫn thấm nhuần bản sắc quê hương. Anh nhớ chứ, nhớ lắm, nhớ nhiều thứ về em. Giờ đây, đất nước vẹn tròn và anh vẫn phải sống, mặc dù ngay lúc này đây, anh chỉ muốn chết ngay cùng em. Nhưng xin em thứ cho anh một phần ích kỷ, anh còn mẹ, và còn em sống trong anh. Nếu anh chết đi, sẽ đâu còn ai nhớ đến em, nhớ đến nụ cười em và ánh mắt em, nhớ bằng cả linh hồn và thể xác. Em vẫn sống, chừng nào anh còn sống thì em vẫn còn sống, sống trong trái tim anh, ký ức anh, sống trong từng thớ da trong từng mạch máu. Anh sẽ luôn như thế, sống vì em và yêu em, chỉ mong kiếp sau hai ta lại có thể cùng nhau gặp lại, cùng nhau sống đến già..

    -------------------

    Hết.​
     
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng tư 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...