Truyện Ngắn Làm Điếm - Nhất Diệp Y Sương

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Lê Xuân_ Diệp, 11 Tháng mười hai 2023.

  1. Lê Xuân_ Diệp

    Bài viết:
    21
    Làm Điếm

    Tg: Nhất Diệp Y Sương.

    Thể loại: Truyện ngắn Việt Nam.


    [​IMG]

    * * *

    "Chú gì ơi! Chú chở cháu đến chỗ này được không?"

    Diên nhìn ông Nam, ánh mắt trìu mến, cô đưa cho ông một mẩu giấy có dòng chữ 12A ngã tư Dầu..

    Ông nhìn mẩu giấy, rồi nhìn cô gái trẻ, ái ngại. Nhưng thấy cô có vẻ khẩn thiết van cầu, ông đành gật đầu chở cô đi. Cô vừa leo lên xe ông, thì đằng sau đã có mấy người đàn bà trong xóm chỉ trỏ, xì xào.. tiếng bàn tán len vào trong tiếng rao hàng, tiếng xe chạy, tiếng xập xình phố xá, tạo nên một hỗn âm huyên náo, ồn ào, náo nhiệt giữa lòng phố thị đầy hoa lệ nhưng đâu đó vẫn mang trong mình đầy rẫy những thị phi.

    * * *

    Diên là một cô gái trẻ, xinh đẹp, tuổi đời chưa đến ba mươi. Cô sống khép kín trong xóm lao động nghèo này mấy năm rồi. Chẳng ai biết cô từ đâu đến, gia đình hiện đang ở đâu. Chỉ biết cô ở đây một mình, lủi thủi, lầm lì. Những người trong xóm này đều không mấy thiện cảm với Diên.

    Sở dĩ họ chẳng ưa cô bởi vì.. cô làm đĩ. Cô làm đĩ công khai như chuyện người ta đi bán cá, bán rau ngoài chợ vậy. Mỗi tối, khi phố xá lên đèn người ta lại nhìn thấy cô ăn mặc mát mẻ, chân mang guốc nhọn, tay cầm điếu thuốc lá phì phèo, đứng ở những góc vắng, thưa người chào mời khách. Thanh niên, trung niên rồi đến lão niên.. hạng người nào Diên cũng tiếp, miễn là được giá. Diên là một con đĩ không bao giờ lựa chọn khách.

    Ngoài làm đĩ ra người ta còn đồn cô đang mắc phải một căn bệnh xã hội. Không ai biết rõ đó là bệnh gì, nhưng người ta vẫn cứ kì thị cô ra mặt. Trên miệng các bà trong xóm này và vài khu xóm nữa thường thốt ra những từ ngữ không đẹp dành cho cô và họ cấm tiệt con em mình qua lại hay nói chuyện với Diên. Riết rồi chẳng ai còn biết tên cô nữa. Chỉ gọi nôm na là con phò xóm A. Nói vậy thì ai cũng biết rồi. Tên tuổi làm gì cho rườm rà. Có lẽ Diên cũng hiểu nên cô chả bao giờ bắt chuyện với ai. Cô sống trầm lặng như một cái bóng lởn vởn giữa nơi này. Tối đi sáng về, chẳng quan tâm ai, chẳng hỏi han ai. Cứ ngẩng mặt lên trời mà sống, riết cũng thành quen..

    Ông Nam, làm nghề chạy xe ôm, năm nay gần sáu mươi tuổi rồi, là người cùng xóm với Diên. Ông sinh ra và lớn lên tại nơi này. Trải qua mấy đời có thể gọi là "thâm căn cố đế", chẳng ai còn xa lạ gì với gia đình ông nữa. Vợ ông là bà Nhung, bán sập báo tại nhà. Cũng là nơi tụ họp nhiều chuyện của cả xóm mỗi khi chiều buông.

    Hôm nay, mới hơn 8h sáng, ông Nam vừa xách cái xe ra ngõ thì đã chạm mặt Diên.

    Diên ăn mặc kín đáo, áo trắng quần tây đen đơn giản, chân mang đôi giày bata như kiểu của học sinh trung học. Tóc Diên buộc gọn gàng, thanh lịch, không trang điểm nên trông Diên có phần khác lạ. Ông Nam nhìn Diên ngỡ ngàng, tưởng đâu cô gái nào mới đến xóm, nhìn kĩ rồi mới biết là Diên nên ông có vẻ hơi bối rối.

    Ông không đến nỗi kì thị cô như mấy bà trong xóm vì tuổi đời cô chỉ đáng con ông, ai lại đi ghét bỏ đứa trẻ nhỏ bằng con mình. Nhưng mà việc cô làm thì ông cũng không có mấy thiện cảm. Vả lại vợ ông thì khác, bả ghét Diên ra mặt. Bả là người theo chủ nghĩa lề lối gia phong. Nên đối với Diên có cái nhìn khe khắt. Bà thường bảo:

    "Nếu nó là con gái của tôi thì tôi thà chết quách cho rồi chứ mặt mũi nào nhìn ai nữa. Tội nghiệp cho cha mẹ nhà nó. Trên đời có cả trăm công, ngàn việc tại sao không làm lại đi làm cái cái việc ô uế đó. Bán trôn nuôi miệng thì tốt đẹp gì mà cứ hếch cái mặt lên như thế. Dơ xã hội."

    Mỗi lần nghe vợ mình liếc ngang, liếc dọc, đá xéo con nhỏ, ông cũng chỉ tặc lưỡi quay đi. Chả buồn cãi cọ dù thấy bất nhẫn trong lòng. Vì đàn bà mà, nhỏ hẹp là chuyện thường tình. Chẳng lẽ ông lại đi bênh người ngoài rồi gây mất hòa khí trong nhà? Nên thôi, ông cứ im lặng cho yên nhà, lợi nước đó mà.

    Bình thường thì ông cũng tránh, nhưng hôm nay thấy Diên có vẻ khẩn thiết quá nên ông cũng đành chở cô đi. Ông làm nghề xe ôm mà, ai gọi xe mà chẳng là khách. Nhưng Diên lại là thành phần đặc biệt. Mấy con mẹ trong xóm nhiều chuyện lắm. Vừa rồi họ đã nhìn thấy ông chở Diên đi, thế nào mà không đi mách lẻo với bà vợ ông. Trưa nay về đến nhà lại có chuyện. Vừa lái con xe honda cũ ông vừa nghĩ, vừa thấy hồi hợp, xốn xang trong lòng.

    12A ngã tư Dầu.. là một ngã ba hoang vắng, đất đá lởm chởm. Bao quanh là mấy cánh đồng cỏ lau cháy vàng hoe như xác lúa. Vài nhà lưa thưa như cảnh vật ở dưới miền quê nghèo trước giải phóng. Nhìn thôi đã thấy cô liêu rồi. Ông Nam có dự cảm bất an. Ông nghĩ trong lòng.

    "Trời đất ơi! Mới sáng sớm mà nó kêu mình chở ra đây làm gì? Hay là buôn bán chất cấm? Nếu là vậy thì xong đời mình rồi."

    Nhìn ông Nam có vẻ mất tự nhiên, Diên khẽ mỉm cười. Cô thừa biết ông nghĩ gì trong đầu. Nếu là thanh niên trai tráng thì cô đã buông lời chọc ghẹo ngay nhưng vì ông Nam đã lớn tuổi, cũng không phải khách hàng của cô nên cô chỉ buông ra một câu trấn an bình thường, không hoa mỹ. Cô nói:

    "Bác yên tâm đi. Con chỉ ra đây để tưởng nhớ gia đình thôi."

    Nói rồi Diên lấy trong giỏ ra nhang, đèn, dĩa trái cây nhỏ và hoa bày biện xuống giữa đường đá lởm chởm. Làm cho ông Nam rất là ngạc nhiên. Vừa bày biện Diên vừa kể, giọng trầm buồn:

    "Mẹ và anh trai con bị tan nạn mất ở đây hai mươi năm trước. Nên năm nào đến ngày giỗ, con đều ra đây cúng để tưởng nhớ mẹ và anh của con hết. Xưa ở đây là đầm lầy lau sậy, thời bao cấp người ta đi buôn lậu gạo và xăng rất nhiều. Có đợt công an dí, mẹ và anh con chạy thoát thân. Lúc chạy không may dẫm phải mìn còn sót lại nên bị nổ chết."

    Kể đến đây, đôi mắt Diên nhòa đi vì lệ, còn ông Nam thì cũng xúc động bùi ngùi. Nhìn cô gái trẻ mà lòng ông thấy thương.

    Thì ra, cuộc đời của Diên cũng tả tơi, gian khổ, khốn cùng không kém gì những nữ chính trong các bộ phim truyện của Đài Loan. Hay các nhân vật nữ trong các tác phẩm của nhà văn Nam Cao, Ngô Tất Tố thời kì văn học mới.

    Sau khi mẹ và anh mất, Diên được một người họ hàng nhận nuôi đem về Kiên Giang. Khi Diên mười bốn tuổi, người họ hàng đã gã bán cô cho một ông người Cam tại biên giới Hà Tiên vì thua đề. Cô được mua đi bán lại nhiều lần cho đến khi một ông chủ xí nghiệp ở Việt Nam sang Cam chơi bài đã mua cô đem về quê hương lại. Từ đó, cô sống cùng với ông chủ, trải qua được vài năm hạnh phúc, lên xe xuống ngựa, giàu sang. Diên có bầu hai lần nhưng đều bị sẩy vì nhiều năm dùng thuốc ngừa thai khi còn ở bên Cam. Sau này, ông chủ có tình mới nên Diên đành rời đi, không một xu dính túi. Cô không lấy đồng nào của ổng vì đâu đó trong thâm tâm cô, cô đã xem ổng là người nhà, là gia đình, là người thân duy nhất, yêu ổng một cách thật lòng.

    Diên ra xóm trọ nghèo thuê nhà. Tiếp tục con đường mại dâm như số trời đã định sẵn cho cuộc đời cô. Không oán than, không trách phận. Chỉ là trong khoảnh khắc nào đó sau những cuộc hoan ái triền miên, cô cảm thấy buồn. Một nổi buồn len lỏi trong con tim trần trụi, sâu thăm thẳm.

    Diên tâm sự, cô là một con đĩ có nhân cách. Cô bán thân nuôi miệng thật đấy nhưng cô chưa bao giờ lừa dối ai hay cố chen chân vào hạnh phúc gia đình ai. Cô làm gái mại dâm trên đường phố. Phục vụ những người đàn ông có nhu cầu chơi gái. Tâm sự vài tiếng mấy trăm ngàn. Mỗi người đàn ông cô chỉ phục vụ một lần. Không phục vụ mối, không bao nuôi. Tiền cô kiếm được ngoài ăn xài, cô đều đưa vô một quỹ từ thiện nuôi trẻ mồ côi của thành phố, tên cô được đề trên bảng vàng của quỹ như bao mạnh thường quân nhiệt tình khác. Khi cô đến thăm trẻ, nhưng em bé dễ thương tiếp đón cô, chào đón cô như một người mẹ hiền về với đàn con, không kì thị, không ganh ghét. Chúng cho cô những tình cảm trân trọng, nhẹ nhàng, giản dị mà vui tươi. Đó là điều hạnh phúc nhất Diên có được trên cuộc đời này. Điều khiến cho Diên sống còn có chút tự hào, không cảm thấy mình có mặt trên đời quá này quá dơ bẩn, chơ vơ, lạc loài.

    Cúng kiếng và tâm sự cũng hết một buổi sáng. Trưa đó, ông Nam chở cô về trên chiếc Honda cũ. Trời âm u rồi kéo theo một mưa nặng hạt. Ông lấy tấm áo mưa đưa cho cô gái trẻ trùm đầu. Còn mình thì đầu trần, chạy về trong cơn mưa oái oăm, giữa trưa của đất Sài Gòn oi ả.

    Trên đường đi, ông và Diên chẳng nói thêm gì. Nhưng trong lòng ông đã không còn chút nào ghét bỏ cô. Ông chỉ cảm thấy thương. Tình thương của một người cha dành cho đứa con gái lạc loài. Nếu nó là con gái ông, thì chắc.. ông đau lòng.

    Về đến nhà, bà Nhung đã hầm hầm.

    "Ông vào đây tôi bảo."

    Ông Nam lẳng lặng bước vào nhà. Thay bộ quần áo khô, rót một tách trà nóng, hút một điếu thuốc Zet và nghe bà vợ mình lảm nhảm hết một buổi trưa. Bà nói này nói nọ, hỏi ông đã chở nó đi đâu? Con nhỏ đó không đoàng hoàng mà ông cứ dây vào là sao? Bà Tám bán chuối tìm ông. Bà ấy là mối quen cách ngày sang ông chở ra chợ đầu mối lấy hàng. Mà nay ông lật kèo nên bả phải tìm mối khác chở dùm. Rồi người gọi chở gạo, người gọi chuyển đồ giúp, toàn là mối quen.. ông đi một buổi như thế là mất hết.

    Ông Nam biết bà Nhung không bằng lòng nên kiếm chuyện thôi. Chứ mấy người đó không gọi được ông thì họ gọi xe khác. Sài Gòn chứ phải dưới tỉnh hay chỗ "hóc bò tó" nào không có xe ôm. Độc quyền đâu mà.. hôm khác có ông ở nhà thì họ gọi tới ông thôi. Không lẽ chỗ quen mấy chục năm lại vì một bữa vắng mà đi tìm mối khác?

    Bà ghen tức, bà sợ ông mê nó, bà sợ nó cưa cẩm ông mà bà không dám nói thẳng nên quanh co, giận chó đánh mèo chứ gì.. đúng là đàn bà ghen tuông, ngờ vực, suy diễn ăn vào máu rồi, dù lớn hay nhỏ, già hay trẻ thì đều như vậy cả.. Cứ nhịn đi cho yên nhà lợi nước. Ông Nam nghĩ thế nên ông cứ im lặng. Để bà nói chán rồi thì thôi chứ ông mà nói lại thì bà lại khóc bù lu bù loa. Ông không dỗ được.

    Vài ngày sau, khi ông đang ngồi ăn cơm trưa với vợ thì Diên qua, trả lại ông cái áo mưa hôm bữa. Chiếc áo mưa màu đỏ được cô lau sạch sẽ, gấp lại gọn gàng để trong cái túi giấy in hoa đem trả lại tử tế. Bà Nhung không nói gì. Sau khi cô quay đi, bà liền đem cái áo mưa vứt ngay vào cái thùng dành để đốt vàng mã cúng cô hồn mỗi tháng. Châm lửa đốt luôn trước sự ngỡ ngàng của ông. Diên có liếc nhìn nhưng cô không nói gì. Lẳng lặng mà đi, không ngoái lại lần nào.

    Sau đó ông Nam với bà Nhung cãi cọ. Gây gổ cả xóm đều biết. Họ bảo nhau rằng do con Diên bỏ bùa ông rồi. Ông già mà sanh tật. Con cái ông cũng bất mãn với bố. Nhà không còn được yên ấm như trước nữa. Tất cả mọi điều xấu xa, tội lỗi lại đổ dồn về phía Diên. Họ còn xúi bà chủ nhà trọ không cho Diên thuê nhà nữa để cái xóm lao động này được yên. Diên biết chuyện nhưng cứ vờ như điếc. Chẳng nói thêm gì, cô trầm lặng ra vào con hẻm, hành nghề mỗi đêm như một cái bóng vô hình. Nhưng từ đó tuyệt nhiên cô không đến gần ông Nam nữa. Cũng không bao giờ gọi xe ông chở, có nhìn thấy ông cũng xem như xa lạ, không hề quen biết.

    Một hôm, có vài chú cảnh sát đến khu trọ của bà Năm. Họ tìm người nhà Diên khiến cho cả khu phố nhốn nháo. Không biết đã có chuyện gì?

    Hỏi ra mới biết. Diên đêm qua đi với một ông khách. Ổng sử dụng chất kích thích quá liều nên đã bạo dâm Diên, hành hạ rồi giết cô trong một khách sạn ở quận 4, cô chết trong tư thế banh chân, mắt trợn trừng, trên người bê bết máu, không một mảnh vải che thân. Trong hết sức ám ảnh, đau lòng.

    Sáng hôm sau, cảnh sát đến khu trọ để tìm người thân của nạn nhân, xác minh một số vụ việc. Nhà báo, phóng viên cũng tới hỏi chuyện này nọ để viết bài.

    Ông Nam biết chuyện thì ngồi trầm ngâm, từ nhà ông nhìn qua dãy trọ. Nhìn người ta khuân vác đồ đạc của Diên ra ngoài. Quần áo, giày dép thì đem đốt bỏ. Đồ đạc thì thuê người chở đi ra bãi tha ma. Ông lẳng lặng nhìn. Trên tay ông, điếu thuốc zet đã cháy phân nửa, khói lam bay lên mờ ảo.. suy tư.

    Chợt ông lấy ra trong túi áo một tấm hình gia đình trắng đen. Trong đó có ba người. Một người phụ nữ và hai đứa nhỏ. Một đứa còn ẵm ngửa và một đứa con trai đứng tới hông mẹ nó.

    Người đàn bà trong hình ông có quen. Đó là người tình đầu của ông hồi ông đi kháng chiến. Bức hình này ông vô tình nhặt được ở đống đồ của Diên. Ông nhìn, nước mắt ông rơi ra, lã chã. Quá khứ ông đã chôn vùi mấy chục năm nay bỗng dưng hiển hiện ra trước mắt như mới ngày hôm qua.

    Ông đứng lên, bỏ tấm hình vào túi áo. Chiều hôm đó ông lẳng lặng đến đồn công an.. bóng nắng soi thân hình ông liêu xiêu, nguệch ngoạc trên đường nhựa.. in sâu vào tâm trí của nhiều người trong đó có tôi.

    Hết.
     
    Last edited by a moderator: 12 Tháng mười hai 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. chiqudoll

    Bài viết:
    1,422
    Cô gái đã chết là con của ông xe ôm à bạn?

    Nếu không phải thì chi tiết nhìn tấm hình khóc có ý nghĩa gì nhỉ? Thấy quen biết sơ sơ chứ cũng không có giao lưu gì nhiều mà.
     
  4. Tiên Phan Moderator

    Bài viết:
    233
    Con ổng chứ ai chị ơi =)) Chàng đi kháng chiến, nàng ở nhà mang thai thêm bé gái. Cái này là mô típ quen thuộc. Đọc mới tới khúc cô gái chết là đoán ra luôn khúc cuối rồi. Kiểu truyện này giống mấy bộ của Mikhail Sholokhov.

    Mình nêu chút cảm nhận cho bạn tác giả nhé!

    Truyện này bạn viết rất chắc tay, cách bạn xây dựng nhân vật rất ổn định. Mặc dù đọc thế nào thì cũng thấy nó vô cùng quen thuộc. Tại nó theo mô típ cũ^^

    Mình nghĩ bạn tài năng có thừa nên hãy sáng tạo ra sự mới mẻ trong cách bạn viết. Nó sẽ làm tác phẩm nổi bậc hơn, dù chỉ là viết theo mô típ cũ nha.

    Một đóng góp nhỏ nhỏ nữa là bạn không nên dùng văn nói khi viết. Văn nói hay từ địa phương, bạn hãy để cho nhân vật nói. Bạn hoặc nhân vật Tôi khi kể thì hãy dùng từ ngữ toàn dân nhé. Ví dụ bạn không nên dùng từ: "Bả" thay cho từ bà (vợ ông xe ôm). Có thể dùng từ khác như: Ả, mụ, bà ta.. Tùy vào tính cách mà gọi.

    Góp ý cuối cùng là: Bạn tả cảnh ít quá nên câu chuyện nó khô khan lắm. Đây là chuyện về góc đáy của xã hội, bạn nên tả cái mặt tối đó. Dĩ nhiên không phải bê văn thơ lay láng quá là nó sẽ hay. Mình nói chắc bạn sẽ hiểu hén^^
     
  5. Lê Xuân_ Diệp

    Bài viết:
    21
    Phải đó bạn. Cổ là con gái của ông.
     
  6. Lê Xuân_ Diệp

    Bài viết:
    21
    Cám ơn bạn. Mình hiểu mà. Mong nhận thêm sự đóng góp từ mọi người.
     
  7. chiqudoll

    Bài viết:
    1,422
    *boni 43* Chị đọc văn hiện thực như này cảm giác đau tim nên hay né lắm, đọc xong khó chịu.
     
  8. Tiên Phan Moderator

    Bài viết:
    233
    À, vậy thôi chị cứ cày mấy bộ đau thương của em cho quen dần =))
     
  9. chiqudoll

    Bài viết:
    1,422
    Văn của em đọc cũng đau tim nhưng mà cảm giác đau lòng kiểu khác. Mà em không lên truyện mới chả còn gì để xem.

    Đại khái như lúc chị đọc tiểu thuyết tình cảm ngược tâm này nọ, đọc thấy tội nhân vật nhưng mà biết đây chỉ là tiểu thuyết nên cảm giác lướt qua xíu rồi quên nhanh thôi.

    Nhưng mà đụng văn tả thực, đọc hay bị hậm hực vì dễ dàng liên tưởng đây là cuộc đời của một ai đấy, đọc mấy bộ như vậy xong thường rầu rĩ mất mấy ngày.

    Oài, cứ bị vậy hoài nên né ra chứ không bị bảo dở hơi riết.

    Ai đời đọc truyện thôi mà ngơ ngẩn luôn, xong cái mọi người hỏi sao vậy, nói lý do thực tế là thể nào cũng hứng một lô ánh mắt nhìn mình kỳ kỳ.

    Nhớ hồi cấp 3 đi học nội trú, đọc "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành" của Nguyễn Minh Châu xong khóc bù lu bù loa, cả phòng mười mấy người xúm lại an ủi tưởng bị sao. *vno 67*
     
  10. Lê Xuân_ Diệp

    Bài viết:
    21
    Mình cũng hay bị xúc động khi đọc văn tả thực. Nhưng mình không đến nổi bị ám ảnh như bạn. Thực ra trước kia thì có, nhưng bây giờ mình chai lì hơn xíu. Nên không xúc động nhiều nữa.
     
  11. Tiên Phan Moderator

    Bài viết:
    233
    Hihi em viết là em né luôn mấy cái siêu thực á chị. Kiểu bản thân mình cũng đau lòng thì không muốn độc giả giống vậy. Ví dụ như phim Châu Sinh Như Cố, nam chính chết mà bị róc xương á chị. Nói chung hình ảnh gì mình thấy nó quá đau lòng, quá ám ảnh thì em sẽ không viết *qobe 37*

    Như bạn đây viết thế này là ổn áp quá rồi chứ viết như cái bác Triều Nguyễn thì ái chà =)) Chị với bạn đọc thử truyện Dưới chân cầu đi, nhìn đứa trẻ chết mà buồn mấy ngày. Không dám tag ẻm vô, sợ ẻm la))

    Giới thiệu tác giả Truyện Ngắn - Dưới Chân Cầu - Triều Nguyễn
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...